Diễn viên Hạnh Thúy: Khán giả thích “chất quê” của tôi

Diễn viên Hạnh Thúy: Khán giả thích “chất quê” của tôi

Có một tuổi thơ êm ả ở vùng quê Giồng Trôm, Bến Tre, cô bé Hạnh Thúy ngày xưa thường tự biên tự diễn và tự làm… khán giả những “vở tuồng” có nhân vật công chúa, hoàng tử trong thế giới truyện cổ tích của mình.

Cứ tưởng những ước mơ của trẻ con đã phôi pha theo thời gian, vậy mà lớn lên Hạnh Thúy đã chọn học nghề diễn xuất, rồi nghề đạo diễn để sống cùng thân phận của nhiều nhân vật. Giải thưởng Diễn viên phụ xuất sắc phim Sống trong sợ hãi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV (năm 2007) và giải Đạo diễn xuất sắc vở kịch Dòng nhớ tại Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2009) đã là những phần thưởng lớn, khích lệ từng bước đường nghệ thuật của Hạnh Thúy.

- PV: Chị có nhiều vai diễn tạo ấn tượng tốt đối với khán giả như Ba Thuận trong phim “Sống trong sợ hãi”; bà Tám Giỏi, phim “Dòng sông định mệnh”; vợ Sáu Bé phim “Vịt kêu đồng”… Cảm nhận của chị về thế giới nhân vật của mình đã thủ diễn như thế nào?

- Diễn viên HẠNH THÚY: Mỗi nhân vật có một đời sống, một số phận riêng và số phận của họ gắn liền với hoàn cảnh sống. Khi nhận vai Ba Thuận, tôi liên tưởng đến những người phụ nữ miền Trung nắng gió, suốt đời chỉ biết chịu đựng, an phận. Ngay cả khi bị san sẻ tình cảm vợ chồng, họ cũng chỉ biết cam chịu, bao dung. Bà Tám Giỏi hay vợ Sáu Bé ở vùng sông nước Nam bộ cũng vậy, họ có quan niệm sống của những người phụ nữ trong xã hội xa xưa. Tất nhiên, mỗi nhân vật có một cá tính riêng: hoặc hiền lành, nhân hậu như bà Thuận; hoặc lạnh lùng, sâu sắc như bà Tám Giỏi; hoặc xởi lởi như vợ Sáu Bé… Thú thật, để nhập vai những nhân vật này, tôi có cảm giác như bắt gặp thấp thoáng đâu đó bóng hình của bà nội, bà ngoại của mình hồi xưa. Tôi có cảm giác đó chính là hình ảnh của những người phụ nữ trong một số quyển sách tôi lén đọc hồi nhỏ từ tủ sách của ông ngoại như tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Ngọc Linh, Khái Hưng, Nam Cao… Có lẽ, sự thành công qua một số vai diễn này chính là nhờ tôi có vốn sống ở nông thôn, khán giả thích “chất quê” có sẵn của tôi.

- Đang bắt đầu có dấu ấn thành công của nghề diễn viên, chị lại chuyển sang nghề đạo diễn, chọn truyện “Dòng nhớ” của Nguyễn Ngọc Tư để dựng kịch, có phải cũng vì liên quan gì đến cái chất quê, chị vẫn hay nhắc đến?

- Học diễn viên rồi sau này đạo diễn đều là một sự tình cờ, nhưng tôi cho là một sự tình cờ may mắn. Bởi, khi thực hiện vai trò người đạo diễn tôi đã có thời gian nhìn lại mình. Tôi có cảm giác mình vẫn còn thiếu cái gì đó thuộc về chiều sâu vốn sống hay bản lĩnh nghề nghiệp. Tôi tâm niệm muốn tồn tại trong nghề nghiệp, cần phải cố gắng nhiều hơn, phải phấn đấu nhiều hơn.

Khi đọc Dòng nhớ lần đầu, tôi cảm thấy thích một câu chuyện đầy trữ tình và có cả sự ngậm ngùi đến cay nghiệt. Nó cứ đau đáu trong lòng và gợi cho người ta suy nghĩ về cuộc đời, về số phận những con người vùng sông nước. Căn bản nó làm người ta thấm thía cái tình người và tình đời, còn “chất quê” chỉ là sự đồng điệu đứng thứ hai. Đó cũng là những lý do tôi chuyển thể và dựng thành vở kịch Dòng nhớ. Nhưng, trong sự thành công có được qua Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp năm 2009, phải nói rằng tôi đã may mắn có được sự tham gia giúp đỡ nhiệt tình của các nghệ sĩ đồng nghiệp. Riêng truyện Nguyễn Ngọc Tư, tôi nghĩ Dòng nhớ như một nét chấm phá nhỏ của tâm hồn. Chị ấy còn có nhiều tác phẩm khác và không tác phẩm nào lẫn lộn với nhau. Trong thế giới nhân vật đó luôn yêu và sống mãnh liệt, với cái nét riêng của một vùng đất đồng bằng sông nước…

- Quan niệm của chị về công việc làm nghệ thuật hiện nay?

- Làm nghệ thuật là một nghề cực khó và cũng đầy mâu thuẫn. Nghệ thuật một mặt luôn đòi hỏi nghệ sĩ phải nghiêm túc, tập trung, cần cù, tỉnh táo… nhưng một mặt lại đòi hỏi sự bay bổng, sáng tạo, thăng hoa… Làm nghệ thuật, nghệ sĩ không bao giờ được phép tự bằng lòng với chính mình. Theo tôi, nghệ thuật càng gian nan thì càng vinh quang vì những thành công đạt được nếu không đổ mồ hôi, dốc hết tâm huyết, công sức cho nó sẽ chẳng bao giờ nghệ thuật đạt đỉnh cao? Tất nhiên, khi tham gia làm MC hay tấu hài, tôi nghĩ nó cũng có nghệ thuật riêng, có đối tượng khán giả riêng. Nhưng dù hoạt động ở thể loại nghệ thuật nào, đối với tôi điều quan trọng vẫn là tinh thần làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm với công chúng.

- Từng có dự án dựng kịch về đề tài lịch sử với các nhân vật Đinh Bộ Lĩnh, Chu Văn An… nhưng giờ lại chuyển sang đề tài xã hội hiện đại, chị có thể cho biết thêm về những vở kịch này?  

- Tôi rất thích vở lịch sử Thất trảm sớ của tác giả Hoàng Công Khanh, viết về Chu Văn An, vị quan tài cao, thanh liêm, người trí thức đau đời, nặng lòng với tiền đồ dân tộc, đã dâng sớ xin vua chém đầu bảy nịnh thần. Đây là câu chuyện lịch sử rất hay, từ nhỏ tôi đã được học và nghe thầy cô kể chuyện. Dự án thì có nhưng chỉ là chuyện ấp ủ vì không có kinh phí đầu tư.

Riêng nhân vật Đinh Bộ Lĩnh, tôi đã thực hiện qua vở Truyền thuyết cờ lau, dựng cho sân khấu Tuổi Ngọc. Hiện tại, dựng vở Gái VIP tôi gặp sự thuận lợi từ vai trò đầu tư của NSƯT Hồng Vân ở sân khấu Phú Nhuận. Nội dung vở kịch là câu chuyện về quan niệm sống của những cô gái trẻ hiện đại. Họ rất khác nhau, có người đặt tiền là mục đích tối thượng nhưng vẫn có người rất trân trọng, yêu quý vẻ đẹp của tâm hồn. Thông điệp trong vở diễn cho thấy điều họ chọn và cách họ đi đến mục tiêu đã chọn sẽ có câu câu trả lời sai, đúng của cuộc đời. Vở kịch sắp ra mắt khán giả, tôi nghĩ Gái VIP là một công trình tập thể mà mỗi bộ phận, từng diễn viên, dù ít hay nhiều, đã góp phần làm nên hình vóc cho nó. Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng của bản thân, tôi rất kỳ vọng vào những câu chuyện mới và lớp diễn viên trẻ đầy triển vọng nghề nghiệp qua vở diễn…

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Hạnh Thúy

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục