Hướng tới một liên hoan phim quốc tế chuyên nghiệp

Quảng bá điện ảnh Việt Nam
Hướng tới một liên hoan phim quốc tế chuyên nghiệp

Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần I (Vietnam International Film Festival - VNIFF), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh và Công ty BHD phối hợp tổ chức, đang được gấp rút hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng. Sự kiện quan trọng này sẽ kéo dài từ 17 đến 21-10 tại Hà Nội.

Phim truyện “Long Thành cầm giả ca” tham dự Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần I. Ảnh: T.L.

Phim truyện “Long Thành cầm giả ca” tham dự Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần I. Ảnh: T.L.

Quảng bá điện ảnh Việt Nam

Khởi động dự án hơn một năm, VNIFF đã được chuẩn bị chu đáo từng bước sau khi được Chính phủ ký quyết định cho phép tổ chức. Quá trình này diễn ra trong khuôn khổ LHP Cannes lần thứ 63, lần đầu tiên, Tổ chức Hỗ trợ giới thiệu điện ảnh Pháp ra nước ngoài (UniFrance) đã giúp Cục Điện ảnh Việt Nam họp báo giới thiệu với khách mời điện ảnh quốc tế, các nhà sản xuất, các nhân vật chủ chốt LHP quốc tế  Cannes, Venice, Berlin, Pusan, Hồng Công, Singapore… qua chương trình “Đêm Việt Nam”. Những thông tin đã được đăng tải trên nhiều báo chí chuyên ngành: The Hollywood Reporer, Screen at Cannes Film Festival…

Cũng tại thời điểm này, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, hỗ trợ quảng bá VNIFF, tôn vinh điện ảnh châu Á đã được tiến hành giữa ông Kim Dong Ho, Giám đốc LHP quốc tế Pusan và ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh kiêm Giám đốc VNIFF lần I.

Sau thời gian quảng bá, tiến hành đăng cai hoạt động, đến nay Ban tổ chức VNIFF lần I đã nhận 96 phim từ 30 nền điện ảnh các quốc gia và vùng lãnh thổ (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Công, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Rumani, Iran, Thái Lan, Mỹ, Mexico...).

Dựa theo điều lệ, thể thức, phim dự thi phải đạt các tiêu chuẩn: sản xuất trong năm 2009, 2010; phim lần đầu tiên công chiếu ở nước ngoài (ngoại trừ nước sản xuất) trước ngày 21-10-2010; phim chưa bao giờ chiếu trên kênh truyền hình nào cũng như phân phối trên internet…

Cận cảnh VNIFF lần I

Hơn 50 phim tuyển chọn được trình chiếu các rạp Hà Nội, với 2 hạng mục: phim dự thi và phim chiếu trong chương trình điện ảnh thế giới ngày nay. Ban giám khảo sẽ trao giải cho các tác phẩm điện ảnh châu Á, đặc biệt là điện ảnh Đông Nam Á.

Phần phim truyện dự thi gồm 9 phim được chọn chiếu: Lao Wai - Người nước ngoài (Trung Quốc), Câu lạc bộ chia tay (Hồng Công), Người mộng mơ (Indonesia), Kem Kacang và tình yêu trẻ con (Thái Lan), Đôi giày đỏ (Philippines), Hanamizuki (Nhật), Long Thành cầm giả ca, Trung úy (Việt Nam).

12 phim ngắn và phim tài liệu dự thi được chọn chiếu: Drupadi (Indonesia), Những gương mặt tương lai (Campuchia), Tâm thần, Hành trình ẩm thực (Nhật Bản), Miền đất không tưởng (Thái Lan), Người khác, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Người thắp lửa, Luôn ở bên con, Chiếc lá, Thung lũng cỏ vàng, Sự tích đảo Bà (Việt Nam)…

Phần chương trình điện ảnh thế giới ngày nay, sẽ trình chiếu giới thiệu hơn 20 tác phẩm mới của các đạo diễn quốc tế cùng những phim hay nhất của năm; điện ảnh Pháp được chọn giới thiệu là chương trình “điện ảnh tiêu điểm”.

Ngoài các phim dự thi kể trên, phần quảng bá điện ảnh Việt Nam đương đại với Cánh đồng bất tận (được chiếu khai mạc LHP) và gần hơn 10 phim tiêu biểu được giới thiệu: Cánh đồng hoang, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Đừng đốt, Chơi vơi, Huyền thoại bất tử, Trăng nơi đáy giếng, Trái tim bé bỏng… Chương trình có phần tôn vinh cố NSND - đạo diễn Hồng Sến về những thành tựu và sự cống hiến của ông đối với nền điện ảnh Việt Nam.

“Dàn sao quốc tế” chuyên gia, giám khảo LHP

Bên cạnh, ba thành viên giám khảo chủ nhà Việt Nam: NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSND - đạo diễn Bùi Đình Hạc, nhà lý luận phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, các nhân vật khách mời quốc tế trong Ban giám khảo, Ban cố vấn danh dự, có người mới đến lần đầu và có người từng ghé thăm hoặc có mối quan hệ hoạt động điện ảnh lâu nay ở Việt Nam.

Tên tuổi của “dàn sao quốc tế” được giới thiệu trên trang web VNIFF lần I: đạo diễn Phillip Noyce, nhà quay phim Francois Cantonné, Giám đốc LHP quốc tế Venice, Marco Mueller, nữ diễn viên Kang Soo Yeon, bà Aruna Vasudev - Chủ tịch NETPAC (Mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á); ông Kim Ji Seok, Giám đốc chương trình LHPQT Pusan; bà Regine Hatchondo, Giám đốc điều hành UniFrance; bà Ellen M. Harrington, Giám đốc triển lãm và các sự kiện đặc biệt Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ…

Trở lại Việt Nam lần này, nhà quay phim Francois Cantonné bày tỏ cảm tưởng: “…Đất nước Việt Nam trong tâm trí của tôi chính là bối cảnh trong bộ phim Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier (phim đoạt giải phim nước ngoài hay nhất và giải César cho quay phim xuất sắc nhất năm 1993) và tôi đã từng không muốn gặp lại hình ảnh đất nước đó với những hình ảnh khác đi. Được mời tham gia Ban giám khảo VNIFF lần I, đã khiến tôi thay đổi ý định và tôi  rất xúc động được quay trở lại thăm đất nước tươi đẹp của các bạn, nơi đã trở thành quê hương của tôi từ 20 năm nay”.

Đạo diễn Phillip Noyce cũng bộc lộ suy nghĩ: “Gần một thập kỷ sau bộ phim Người Mỹ trầm lặng, đây là một vinh dự tuyệt vời cho tôi được trở lại Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Ban giám khảo VNIFF lần I. Năm ngày công chiếu sẽ cho chúng ta cơ hội được xem những bộ phim hay nhất của điện ảnh châu Á, Việt Nam và Pháp, đồng thời có được cái nhìn tổng quan với nền điện ảnh đương đại độc lập… Điện ảnh có sức mạnh bắc cầu để giúp vượt qua các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, đoàn kết người xem thông qua sự mê hoặc của ánh sáng màn bạc”.

Hướng tới tính chuyên nghiệp cao, hy vọng qua VNIFF lần I, điện ảnh Việt Nam xây dựng một thương hiệu VNIFF trên trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh thế giới đối với điện ảnh Việt Nam và đất nước Việt Nam đang đổi mới, phát triển.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục