Phim Nếp nhà - Nét đẹp của văn hóa và tình người

Nếp nhà đang phát sóng trên màn ảnh VTV1 vào 20 giờ 10, tối thứ tư, thứ năm hàng tuần. Phim dài 43 tập (biên kịch: Thùy Linh, Mạnh Cường, Hà Thủy Nguyên; đạo diễn: Vũ Trường Khoa), do VFC - Đài THVN sản xuất. Nếp nhà là một trong các phim được chọn phát sóng dịp chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Phim Nếp nhà - Nét đẹp của văn hóa và tình người

Nếp nhà đang phát sóng trên màn ảnh VTV1 vào 20 giờ 10, tối thứ tư, thứ năm hàng tuần. Phim dài 43 tập (biên kịch: Thùy Linh, Mạnh Cường, Hà Thủy Nguyên; đạo diễn: Vũ Trường Khoa), do VFC - Đài THVN sản xuất. Nếp nhà là một trong các phim được chọn phát sóng dịp chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phim Nếp nhà - Nét đẹp của văn hóa và tình người ảnh 1

Sự dằn vặt nội tâm của Việt (NSƯT Trung Anh - phải) trong một câu chuyện với Quỳnh (NSƯT Minh Châu)

Phim bắt đầu với hình ảnh Hà Nội phong cảnh hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Cột Cờ, cầu Long Biên, từng góc phố, từng mái nhà kiểu kiến trúc cổ,… Những nét đẹp được mô tả qua các góc máy khá chắt lọc, như khắc họa những bức tranh văn hóa truyền thống của người Việt vẫn vững bền theo thời gian trên đất Hà thành từ ngàn xưa đến hiện tại.

Trên “gam” nền văn hóa này, truyện phim với tiết tấu khá chậm mô tả cuộc sống gia đình ông Bắc, một nhà giáo về hưu, vẫn tâm huyết với công việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian. Bà Lụa, vợ ông, vốn xuất thân từ gia đình nghề thêu nổi tiếng, bà quan tâm đến một cơ sở thêu của ngươi bạn và luôn hướng các cô cháu gái học thêm nghề thêu như một cách giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình.

Ông bà Bắc có ba người con được giáo dục trong nền nếp tốt của gia đình nhưng ở họ cũng có hoàn cảnh riêng, đau đáu giữ kín trong lòng. Quỳnh, người con gái đầu rất yêu nghệ thuật truyền thống ca trù; chồng mất sớm, Quỳnh một mình nuôi dạy Chu, cậu con trai duy nhất. Giao, người con gái thứ hai, là trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp nhà nước. Chị có một mái gia đình yên ấm bên Khải, một giám đốc giỏi chuyên môn, sống nghiêm túc. Họ có một cậu con trai lớn là Phong, sinh viên năm cuối của một trường đại học và hai cô con gái nhỏ: Vy, Hiền Thục. Người con thứ ba của ông Bắc là Bảo, một nhà báo lâu năm ở Hà Nội. Anh có vợ vốn là bạn học từ thời thơ ấu, tên Thư. Từ một tai nạn, Thư bị liệt nên vợ chồng Bảo không thể có con. Thư luôn sống trong tâm lý mặc cảm buồn tủi, dù Bảo vẫn yêu cô và chăm sóc cho vợ thật chu đáo. Tuy vậy, trong gia đình ông Bắc luôn có sự hài hòa giữa ba thế hệ. Ngoài mối quan hệ ông bà, cha mẹ, còn có các cháu. Lớp trẻ này đôi lúc cũng khá rắc rối với công việc học tập và tình cảm phức tạp của tuổi mới lớn.

Nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng phẳng lặng. Nhiều biến động bắt đầu xảy ra khi Khải bị tù giam vì để thất thoát tiền tỷ của cơ quan cho một dự án không thành công. Thực sự, những thất bại trong công việc làm ăn này do chính Việt, vị phó giám đốc, bạn thân của Khải gây ra. Cũng vì vậy, số phận của từng người trong gia đình ông Bắc đã chịu hệ lụy từ các “cú sốc” xảy đến dồn dập trong gia đình họ. Đây là lúc khán giả xem phim suy nghĩ: Liệu ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của câu chuyện Nếp nhà trong thời buổi xã hội cơ chế thị trường, có đủ sức thuyết phục người xem qua cách ứng xử của các nhân vật trong phim? Những câu hỏi tiếp tục được đặt ra khi Việt gặp Quỳnh và anh quý mến tâm hồn yêu nghệ thuật của chị; Phương tình cờ từ việc mua căn nhà đã gặp Bảo và đặt tình cảm quá sâu nặng cho người đàn ông này v.v…

Với ý tưởng nghệ thuật chủ đạo, nội dung phim xuyên suốt: lưu giữ nếp nhà có nghĩa là lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và tình người cao đẹp của người Việt được nối tiếp qua các thế hệ. Đây cũng là một thách thức đối với đạo diễn Vũ Trường Khoa khi tìm cách thể hiện kịch bản. Thực sự, phim rất khó thực hiện theo dạng cao trào, “đầy tính hấp dẫn” của thể loại phim truyền hình nhiều tập. Cho nên, chọn tính tổng hợp, đậm màu sắc tâm lý là điều quan tâm nhất của những người làm phim. May mắn, những câu chuyện trong cuộc sống, còn được thuyết phục qua nghệ thuật diễn xuất tinh tế, dung dị của ê-kíp diễn viên nhiều thế hệ. Sự hoài niệm nét xưa của Hà Nội, được thể hiện qua phong cách diễn xuất thâm trầm, già dặn của các NSƯT: Hữu Độ, Ngọc Lan, Lê Mai… Bên cạnh, thể hiện tâm lý của con người chuyển biến phức tạp trong xã hội thời kinh tế thị trường là “đất diễn” khá tốt dành cho các NSƯT, diễn viên: Trung Anh, Đỗ Kỷ, Lan Hương, Minh Châu, Hoàng Lan, Minh Hiếu…

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục