Nhà văn Như Phong với bộ phim Bí mật tam giác vàng - Sợ nhất người xem “ăn” phải của giả

Nhà văn Như Phong với bộ phim Bí mật tam giác vàng - Sợ nhất người xem “ăn” phải của giả

Bộ phim Bí mật tam giác vàng dài 40 tập, vừa xong giai đoạn quay hình khá vất vả, kỳ công. Được xem là bộ phim rất khó thực hiện vì bối cảnh trải dài từ Việt Nam sang Lào – Thái Lan – Myanmar và phản ánh đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, sang tận vùng tam giác vàng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với nhà văn Như Phong, tác giả kịch bản Bí mật tam giác vàng, để hiểu thêm về quá trình chuẩn bị và thực hiện bộ phim này.

Nhà văn Như Phong (trái) trao đổi với các diễn viên trước cảnh quay.

Nhà văn Như Phong (trái) trao đổi với các diễn viên trước cảnh quay.

- PV: Từ đâu anh có ý tưởng viết Bí mật tam giác vàng và kịch bản này anh viết trong bao lâu?

Nhà văn NHƯ PHONG: Tôi có ý tưởng viết kịch bản phim này ngay sau khi tôi đi vào vùng tam giác vàng tháng 3-2009. Tôi quyết tâm viết kịch bản này cũng vì trước đây tôi đã có thời gian đi bộ đội ở Lào khá lâu và khi công tác tại Báo Công an Nhân dân, tôi có cơ hội biết nhiều chuyên án chống ma túy lớn của Bộ Công an. Do có thực tế ở vùng tam giác vàng, đặc biệt là được làm việc với cơ quan chống ma túy của Bộ An ninh Quốc gia Lào, Interpol Thái Lan nên khi tôi bắt tay vào viết kịch bản Bí mật Tam giác vàng khá thuận lợi và rất nhanh. Đầu tiên, tôi viết cuốn tiểu thuyết Liên minh tay ba ở Tam giác vàng. Sau đó từ tiểu thuyết này, tôi chuyển thể thành kịch bản Bí mật Tam giác vàng. Thời gian để hoàn thành cả tiểu thuyết và kịch bản chỉ trong 6 tháng. Tuy nhiên, khi kịch bản phim hoàn thành không có nơi nào dám nhận làm phim này, kể cả Đài Truyền hình Việt Nam. Bởi họ thấy bối cảnh của bộ phim trải rộng qua 4 quốc gia là Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar.

Cái khó nữa trong việc sản xuất phim là phải vào bằng được khu trại của Khunsa nằm ở giáp biên giới Myanmar và Thái Lan. Sau đó, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã giới thiệu kịch bản của tôi với Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Latsata (Hãng phim Lasta) và thật bất ngờ, anh Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Lasta đã nhận lời làm bộ phim này. Tôi nghĩ, anh Tiến nhận bởi đã có thời gian dài sống ở Thái Lan và Lào nên có mối quan hệ rất rộng với các cấp chính quyền của hai nước. Bộ phim được Lasta đầu tư với số tiền lớn nhất trong số các phim truyền hình từ trước đến nay, với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng và được áp dụng công nghệ quay hiện đại nhất. Với 40 tập phim, đoàn chỉ quay trong gần 4 tháng. Đó có lẽ là một kỷ lục về làm phim.

- Phim phản ánh đúng những gì anh miêu tả trong kịch bản?

Đạo diễn và nhà sản xuất, cùng các diễn viên đã vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ để đến được những nơi trong kịch bản đã viết. Đó là khu nhà của Khunsa, vùng đất tam giác vàng; khu vực cánh đồng Chum, rồi một số tỉnh Bắc Lào, các tỉnh Điện Biên, Sơn La của Việt Nam…

- Anh rất hay lên với đoàn phim khi đoàn quay tại Điện Biên. Theo sát đoàn phim, anh cảm nhận gì về quá trình quay phim? Về đạo diễn và dàn diễn viên trong phim?

Trước đây, tôi đã viết kịch bản những phim như Cổ cồn trắng, Bí mật những cuộc đời, Chạy án 1, Chạy án 2. Khi viết xong, giao kịch bản, tôi coi như hết nhiệm vụ. Nhưng bộ phim này hoàn toàn khác. Tôi, đạo diễn và nhà sản xuất đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ để làm sao đoàn làm phim, đặc biệt là các diễn viên thể hiện được đúng tinh thần kịch bản. Trong đó nổi bật là chất văn hóa Lào trong bộ phim này. Và điều tôi sợ nhất, đó là người xem sẽ phải “ăn” của giả. Cho nên tôi đã dành nhiều thời gian để cùng đạo diễn, diễn viên thể hiện đúng kịch bản. Một điều nữa, bộ phim liên quan đến nghiệp vụ công an khá nhiều, nên nếu không am hiểu, khi làm phim sẽ ảnh hưởng đến độ chân thực và tính chính xác về pháp luật. Đoàn phim đã được sự giúp đỡ rất lớn của Công an tỉnh Điện Biên.

Thậm chí chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của công an để theo sát từng cảnh quay và làm công tác “bảo vệ nội bộ” cho đoàn. Ai cũng biết, ở vùng ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar việc mua bán ma túy rất phổ biến. Nếu không đề cao cảnh giác, ngộ nhỡ có ai lơ là bị bọn buôn lậu lén bỏ vào hành lý mang về ít viên thuốc lắc hoặc gói ma túy thì bao nhiêu công lao đổ xuống sông xuống biển. Cho đến ngày 27-8 vừa qua, khi đoàn phim trở về Hà Nội an toàn, Hãng phim Lasta làm lễ đóng máy, chấm dứt việc quay, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Như Hoa (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục