Bắt nhịp xu hướng hiện đại

Phim Việt ra nước ngoài tìm bối cảnh và ghi hình vốn không phải mới mẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, các nhà sản xuất vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” để có những thước phim đẹp.  
Bắt nhịp xu hướng hiện đại

Phim Việt quay ở nước ngoài

Phim Việt ra nước ngoài tìm bối cảnh và ghi hình vốn không phải mới mẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, các nhà sản xuất vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” để có những thước phim đẹp.  

Nhà làm phim chịu chi

Trước khi ra rạp hôm 19-6, bộ phim Quyên (đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh) có 2 tuần lễ ghi hình ở Đức với các bối cảnh tại Berlin và đỉnh núi Zugspitze ở độ cao hơn 2.700m. Khi ra mắt công chúng, phim nhận được những phản hồi tích cực về khung hình đẹp lung linh trên đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa hay con đường rợp lá vàng rơi đầy thơ mộng. Cuộc sống của cộng đồng người Việt trong sự kiện bức tường Berlin sụp đổ lần đầu tiên được tái hiện chân thực trên màn ảnh rộng.

Trước đó, rất nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt cũng mạo hiểm khi đưa ê kíp sang nước ngoài ghi hình. Bộ phim điện ảnh Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) cũng có nhiều cảnh đẹp được quay tại Thái Lan nhằm tái hiện lại một giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ những ngày xa xứ. Năm 2007, bộ phim Duyên trần thoát tục (đạo diễn Lê Cung Bắc) cũng có 2 tuần quay ở Ấn Độ.   

Bối cảnh tuyệt đẹp của phim Quyên tại Đức

Ngày càng có nhiều dự án điện ảnh được đầu tư xuất ngoại quay phim. Năm 2012, Hai phía chân trời, bộ phim dài 33 tập được coi là dự án phim khai thác các câu chuyện và nhân vật tại nước ngoài một cách đúng nghĩa nhất. Phim xoay quanh cuộc sống của bà con Việt kiều tại châu Âu với bối cảnh quay chính tại Cộng hòa Czech và Ukraine. Năm 2013, phim Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) đã sang tận New York (Mỹ) để thực hiện những cảnh quay đầu tiên.  

Trên thực tế, không chỉ phim điện ảnh mà nhiều dự án phim truyền hình cũng được phía đơn vị sản xuất mạnh dạn chi kinh phí lớn để có những thước phim quay ở nước ngoài. Series phim Trở về (đạo diễn Việt Trinh) được quay ở Lào, Campuchia và Thái Lan. Hai bộ phim lịch sử là Thái sư Trần Thủ Độ và Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long có phần lớn cảnh quay được thuê tại phim trường Hoành Điếm (Trung Quốc). Một số dự án phim khác như: Bước chân hoàn vũ, Đô la trắng được quay tại Thái Lan, Đua nhau làm giàu quay tại Mỹ, Tình ca phố quay tại Hồng Kông - Trung Quốc, Duyên trầu cau quay tại Đài Loan...

Thắt lưng buộc bụng

Để có những khung hình đẹp, trước khi quay, tổ đạo diễn và thiết kế phim Quyên phải cùng nhau đi khảo sát địa điểm, sau đó tới khâu xin giấy phép và đảm bảo an toàn lao động với nước sở tại khi thực hiện các cảnh quay đó. Đây cũng là quy trình chung của hầu hết các đoàn phim trong giai đoạn đầu trước khi bấm máy. Đạo diễn Việt Trinh chia sẻ: “Khi sang Thái Lan, việc xin giấy phép vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải mất hơn 3 tháng và tốn hơn 100 triệu đồng mới được phép thực hiện những cảnh quay tại đây. Ngay cả việc nhờ một người địa phương dẫn đường, mỗi ngày chúng tôi cũng phải trả khoảng 100USD”. Trước đó, khi quay tại Lào, Campuchia, dù đoàn làm phim nhận được nhiều hỗ trợ của chính quyền địa phương nhưng việc xin phép cũng gặp không ít trở ngại.

Vì vậy, việc tính toán cân đối chi phí sản xuất cũng là vấn đề nan giải bởi khi chấp nhận sang nước ngoài quay phim, kinh phí sẽ đội lên rất nhiều. Ê kíp Duyên trần thoát tục với 8 người, trong 10 ngày quay tại Ấn Độ đã ngốn mất 40.000 - 50.000 USD, chiếm 1/3 kinh phí sản xuất phim. Với các phim truyền hình, kinh phí thực hiện trong nước thường dao động khoảng 180 triệu đồng/tập nhưng mỗi lần xuất ngoại, đoàn phim chỉ dám đem theo ê kíp hạn chế, chỉ gồm đạo diễn, quay phim, diễn viên chính... Đạo diễn Minh Cao khi thực hiện bộ phim Duyên trầu cau tại Đài Loan cho biết, vì không thể đưa cả đoàn phim hay toàn bộ trang thiết bị máy móc sang nên càng phải làm chặt chẽ hơn, tiến độ quay phim cũng được đẩy lên mức tối đa. Đơn cử như trường hợp của đoàn phim Mùi ngò gai khi thực hiện tại Hàn Quốc, mỗi ngày họ thường quay 10-15 giờ, thậm chí nhiều hơn để ép tiến độ, giảm chi phí đến mức tối đa. Đó cũng là lý do đạo diễn Việt Trinh, biên kịch Châu Thổ đã không nhận một đồng cát-sê nào khi thực hiện Trở về 3 bởi trong 21 ngày quay tại Thái Lan, kinh phí đội lên rất nhiều và một số nhà tài trợ rút lui ở phút chót. 

Ra nước ngoài quay phim không phải để “làm sang” mà các đạo diễn, nhà sản xuất đều hy vọng mang đến sự mới mẻ, chân thật cho mỗi tác phẩm của mình. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh phí sản xuất thì những nỗ lực nói trên càng đáng được ghi nhận.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục