Bộ VH-TT-DL: Cổ phần mới giữ được hãng phim

Ngày 5-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi gặp mặt báo chí để làm rõ những vấn đề việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL khẳng định chỉ còn con đường cổ phần hóa mới có thể giữ lại được hãng phim thay vì để đơn vị này lâm vào tình trạng phá sản.
Bộ VH-TT-DL: Cổ phần mới giữ được hãng phim

Ngày 5-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi gặp mặt báo chí để làm rõ những vấn đề việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL khẳng định chỉ còn con đường cổ phần hóa mới có thể giữ lại được hãng phim thay vì để đơn vị này lâm vào tình trạng phá sản.

Kho hơn 300 phim đều thuộc bản quyền Nhà nước

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, điện ảnh không thuộc loại hình doanh nghiệp nhà nước buộc phải nắm cổ phần, tuy nhiên, do vị trí đặc biệt của VFS, nơi có bề dày hoạt động trong lĩnh vực văn hóa vì thế bộ đã rất thận trọng trong quá trình cổ phần hóa và quyết định tham gia cổ phần 20% thay vì chỉ tham gia 1% hoặc 2% như lúc đầu. Còn việc “bán” hãng phim đắt hay rẻ, đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết việc xác định giá trị của doanh nghiệp trước khi cổ phần có quy định rõ ràng và có đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này. Đất đai của doanh nghiệp có được là do thuê và trả tiền đất hàng năm nên không được đưa vào định giá.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái (giữa) tại buổi gặp mặt báo chí

Xung quanh số phận của kho phim với hơn 300 đầu phim do VFS sản xuất trong hơn nửa thập kỷ, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, là nền móng của điện ảnh Việt Nam, khi cổ phần hóa sẽ thuộc về đơn vị nào, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Toàn bộ số phim này do nhà nước bỏ tiền ra đầu tư vì thế bản quyền đều thuộc về nhà nước. Hiện bản gốc của những phim này do Viện phim lưu giữ và bảo quản. Kho phim của VFS hiện ở số 4 Thụy Khuê đều là bản sao chép và công ty không có bản quyền cũng như quyền khai thác đối với những tác phẩm này”. Tuy nhiên, theo định giá khi tiến hành cổ phần thì kho phim với các tác phẩm sao chép này có giá trị khoảng 3 tỷ đồng.

Đối với kho súng - đạo cụ có được do được các đơn vị khác trao tặng trong quá trình tồn tại của VFS, tất cả đã được kiểm kê, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp lần 1 đã không có đơn giá chính xác vì thế đã khoanh lại. Khi xin được ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xác định quyền sử dụng và giá trị của kho súng đạo cụ này thì sẽ bổ sung vào phần vốn của nhà nước sau.

Cam kết sản xuất phim lâu dài

Trả lời câu hỏi về việc 5 năm sau khi cổ phần, công ty này liệu còn tiếp tục thực hiện cam kết sẽ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, đối với nhà đầu tư chiến lược ngoài các tiêu chí theo NĐ 59/CP là không được chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm đầu; cam kết với đơn vị bằng văn bản về việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo; thực hiện đầy đủ chính sách với người lao động... thì bộ đã bổ sung thêm 7 tiêu chí mà theo đơn vị tư vấn thì đây là những cam kết không có thời hạn. Cụ thể là: 90% doanh thu phải từ sản xuất phim; Trả các khoản nợ trước đó của VFS; Đầu tư cơ sở sản xuất phim; Tuân thủ phương án sử dụng đất đã được duyệt; Sử dụng toàn bộ số lao động hiện có; Sử dụng tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho việc sản xuất phim; Với số cổ phần 20% nhưng Nhà nước được cử ba đại diện vào thành viên hội đồng quản trị; ban tổng giám đốc và ban kiểm soát.

Theo đạo diễn Vương Đức, mặc dù trước đó có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới VFS nhưng với tiêu chí được coi là ngặt nghèo này thì chỉ duy nhất có công ty Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) đã nộp hồ sơ xét là nhà đầu tư chiến lược.

Câu chuyện về quỹ đất vàng của VFS sau khi đã cổ phần  hóa liệu có bị sử dụng sai mục đích hay không, đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết, VFS hiện đang thuê 4 lô đất. Tuy nhiên diện tích tại số 4 Thụy Khuê - Hà Nội và tại số 6 Thái Văn Lung - TPHCM hiện đang có tranh chấp vì thế chưa được phê duyệt phương án sử dụng. Hai lô đất còn lại dự kiến làm văn phòng làm việc, kho đạo cụ, rạp chiếu mini, trường quay ngoại cảnh... Bộ cũng khẳng định về nguyên tắc các khu đất sử dụng sai mục đích đã được phê duyệt Bộ có quyền gửi văn bản đề nghị UBND các địa phương để thu hồi lại.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục