Tiền và tiếng

Theo Cục Điện ảnh, đã có gần 15 phim điện ảnh Việt được cấp phép phát hành trong 6 tháng đầu năm 2016. Số lượng này có nhỉnh hơn các năm trước (chỉ chừng 10 phim trở lại) nhưng doanh thu chưa được như mong muốn khi không có bộ phim nào vượt qua con số 50 tỷ đồng phòng vé.
Tiền và tiếng

Theo Cục Điện ảnh, đã có gần 15 phim điện ảnh Việt được cấp phép phát hành trong 6 tháng đầu năm 2016. Số lượng này có nhỉnh hơn các năm trước (chỉ chừng 10 phim trở lại) nhưng doanh thu chưa được như mong muốn khi không có bộ phim nào vượt qua con số 50 tỷ đồng phòng vé.

Tính từ mùa phim tết 2016, doanh thu của 5 bộ phim chiếu dịp này (gồm: Lộc phát, Yêu là phải xài chiêu, Siêu trộm, Ám ảnh và Tía tui là cao thủ) cũng ít được nhà sản xuất, nhà phát hành công bố. Siêu trộm được đánh giá tốt về nội dung, cách thể hiện nhưng doanh thu cũng khá chật vật. Tía tui là cao thủ của Sóng Vàng cũng chỉ thu về 45 tỷ đồng. Ám ảnh là bộ phim được nhà phát hành CGV thừa nhận “có doanh thu tệ nhất tính từ đầu năm đến nay”.

Tiếp sau mùa phim tết, hàng loạt phim Việt nối nhau ra rạp, có tháng đến 2 - 3 phim, nhưng điểm lại không có phim nào đạt doanh thu đến 50 tỷ đồng. Có hai bộ phim hiện đang đứng đầu về doanh thu phòng vé là: Taxi, Em tên gì? được 45 tỷ đồng và Lật mặt 2 thu về gần 50 tỷ đồng. Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, cho rằng: “Vòng đời của một phim Việt ra rạp hiện nay rất ngắn. Trước đây, một bộ phim có thể đứng rạp lâu nhất đến 2 tháng, nay cố lắm cũng chỉ được 5 tuần vì phim mới, phim ngoại và phim Việt, liên tục xếp hàng chờ ra rạp, trong khi các rạp thường ưu tiên chiếu phim mới. Chính “vòng đời” chiếu rạp ngắn nên phim cũng chật vật”.

Cảnh trong phim Taxi, Em tên gì?

Điểm lại các cụm rạp hiện nay: CGV có 32 cụm, Galaxy 6 cụm, BHD 6 cụm rạp, Mega GS 1 cụm rạp và hệ thống rạp chiếu tại các tỉnh, thành của Saigon Movies. “Con số cụm rạp và rạp chiếu luôn tăng theo từng năm, nhưng những cụm rạp thật sự đông khách, đảm bảo doanh thu tốt, chỉ chiếm 1/3 tổng số các rạp chiếu hiện nay”, một nhà phát hành phim nhận định.

Cũng theo nhà phát hành phim này, việc đánh giá thị trường và “gu” của khán giả thích xem phim hiện nay giữa nhà sản xuất, giới truyền thông và khán giả thường vẫn còn khoảng cách và nhiều yếu tố bất ngờ. Thế mới có chuyện, phim được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện lại thất thu, trong khi phim được cho là nhảm nhí, câu khách rẻ tiền lại thắng về doanh thu!

Vậy nên, điện ảnh vẫn mãi là sân chơi còn nhiều rủi ro. Đến nay, những ai nhìn điện ảnh với con mắt của người kinh doanh thường tình, xem điện ảnh là mảnh đất màu mỡ, dễ sinh lời, sẽ hăm hở lao vào làm phim cho bằng được. Còn người yêu nghề, bầm giập với nghề lại phải đắn đo, cân nhắc khi quyết định đầu tư làm phim.

Với hào quang mà điện ảnh Việt đang có, hiện có rất nhiều nhà làm phim với hy vọng tìm thấy “tiền và tiếng”. Chính những suy nghĩ này đang có nguy cơ khiến môi trường sản xuất phim Việt, khán giả yêu phim Việt trở nên bão hòa, mất niềm tin vì chính những sản phẩm điện ảnh non tay về nghề, nhưng lại thừa hy vọng...  hão huyền!

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục