Kỹ xảo phim Việt đi lên từ con số không

Kinh phí sản xuất thấp, số tiền các đoàn phim chi cho khâu kỹ xảo còn rất hạn chế nhưng không thể phủ nhận kỹ xảo phim Việt mỗi ngày đều có những bước chuyển động vượt bậc. “Cái khó ló cái khôn”, nhiều ê kíp có thể tự hào tạo nên những sản phẩm “made in Việt Nam” một cách đáng khen ngợi.  
Kỹ xảo phim Việt đi lên từ con số không

Kinh phí sản xuất thấp, số tiền các đoàn phim chi cho khâu kỹ xảo còn rất hạn chế nhưng không thể phủ nhận kỹ xảo phim Việt mỗi ngày đều có những bước chuyển động vượt bậc. “Cái khó ló cái khôn”, nhiều ê kíp có thể tự hào tạo nên những sản phẩm “made in Việt Nam” một cách đáng khen ngợi.  

Khó trăm bề

Năm 2005, khi bước chân vào nghề làm kỹ xảo với bộ phim giả tưởng Võ lâm truyền kỳ, chuyên gia Nguyễn Minh Hoàn gặp quá nhiều bỡ ngỡ. Thời điểm đó, phim điện ảnh Việt số lượng còn hạn chế, kinh phí đầu tư sản xuất cũng không nhiều.  Nhưng khó khăn lớn nhất mà những người làm nghề kỹ xảo như anh Hoàn gặp phải đó là máy móc, trang thiết bị phục vụ không đủ mạnh, hiện đại; trình độ làm công nghệ 3D của anh em trong ngành còn rất nhiều hạn chế. Đó cũng là lý do nhiều bộ phim sử dụng kỹ xảo 3D bị khán giả chê vì… giả quá. Đạo diễn Lê Bảo Trung cho biết thêm: “Nhiều lúc thấy thương và tội nghiệp anh em làm kỹ xảo. Thời đó vì chưa có trường đào tạo chính quy nên hầu hết đều phải tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và thực hành bắt đầu từ những clip quảng cáo”.

Với tốc độ phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, kỹ xảo trong phim Việt đã có những bước tiến nổi bật. Thị trường mở cửa tạo điều kiện cho việc học hỏi, trau dồi tay nghề, công nghệ tiên tiến... là những thuận lợi nhưng vẫn còn đó vô vàn khó khăn. Chị Lâm Thảo Tranh đến từ Cyclo Animation - một công ty thực hiện kỹ xảo có tiếng tại Việt Nam, nêu hai thực trạng: “Thứ nhất, chúng tôi luôn đối mặt với sự so sánh với Hollywood - một nền điện ảnh đã có quá trình phát triển lâu đời, được khẳng định bởi những sản phẩm bom tấn. Anh em làm kỹ xảo trong nước đang từng bước khởi đầu cũng cần rèn luyện, va chạm và quan trọng hơn hết, chúng tôi không ngừng cố gắng để đạt những thành quả tốt đẹp. Thứ hai, đó là câu chuyện ngân sách vì để tạo ra những đoạn kỹ xảo đẹp mắt cần phải có hệ thống máy móc lưu, truyền dữ liệu tốt, máy tính tốt, phần mềm tốt. Tuy nhiên, mặt bằng ngân sách cho việc làm kỹ xảo phim không đủ đáp ứng những yêu cầu cao về kỹ xảo nên giải pháp được đưa ra là phải tự thỏa hiệp với những gì tốt nhất có thể”.  

Tự vận động để vượt khó

Bước tiến vượt bậc nhất về mặt kỹ xảo phim Việt phải kể đến trường hợp của Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Bộ phim được thực hiện với 100% ê kíp người Việt gây ấn tượng mạnh bởi việc sử dụng công nghệ CGI thuần thục, các cảnh kỹ xảo và cảnh thật ăn khớp, tạo độ trung thực khi lên màn ảnh rộng. “Về kỹ xảo của phim tuy còn nhiều điều chưa thực sự thỏa mãn nhưng với đội ngũ hiện tại, đó là một kết quả tương đối hài lòng”, chị Lâm Thảo Tranh cho biết. Một số phim Việt trước đây: Ngày nảy ngày nay, Siêu nhân X, Lửa Phật, Tốc độ và đường cong... phần kỹ xảo cũng được đánh giá khá cao. Nhiều đơn vị thực hiện kỹ xảo trong nước: Sparx, BlueR Production, BadClay Studio, Pixel Garden, Vinamation... không chỉ góp phần làm nên thành công cho các dự án phim Việt mà còn được Hollywood thuê thực hiện các công đoạn khác nhau cho các dự án bom tấn. Đó là lý do khiến nhà sản xuất Thanh Thúy luôn tin tưởng những ê kíp người Việt trong các dự án phim đã, đang và sẽ phát hành của mình. Những thành quả nói trên, dù còn nhiều khiêm tốn nhưng cũng là điều đáng khích lệ và tự hào.  

Một cảnh trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể có kỹ xảo đẹp mắt

Nghề làm kỹ xảo đã có sự vận động tích cực cùng với sự phát triển của dòng chảy phim Việt. Những người làm nghề như anh Hoàn, chị Tranh... đều khẳng định trong tương lai khâu kỹ xảo sẽ còn nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, nghề này vẫn còn đang tồn tại nhiều thực tế đáng nói, trong đó quan trọng nhất nằm ở sự phối kết hợp giữa đơn vị sản xuất, đạo diễn và đơn vị thực hiện kỹ xảo. Anh Hoàn nhấn mạnh: “Nhiều khi các đạo diễn không hiểu cách thức để làm kỹ xảo nên sau quá trình quay phim về làm hậu kỳ, kỹ xảo có quá nhiều yếu tố phát sinh. Đó còn chưa kể, đa phần các tác giả kịch bản của chúng ta hiện nay không có những hiểu biết nhất định về kỹ xảo dẫn đến tình trạng viết hoàn toàn theo quan điểm cá nhân. Tôi cho rằng muốn chuyên nghiệp phải có sự kết nối giữa tác giả kịch bản, đạo diễn, người làm kỹ xảo và nhà sản xuất”.

Đồng quan điểm đó, chị Lâm Thảo Tranh cũng nhấn mạnh: “Yếu tố tiên quyết trong quá trình thực hiện kỹ xảo cho các bộ phim là đạo diễn phải giỏi và người đứng đầu nhóm làm kỹ xảo phải hiểu được ý đồ cũng như yêu cầu của đạo diễn để từ đó sáng tạo thêm những cái đẹp mắt phục vụ cho phim, thỏa mãn người xem”.

Liên quan đến vấn đề ngân sách, chị Lâm Thảo Tranh cho rằng đây là vấn đề khá tế nhị, đặc biệt trong bối cảnh kinh phí thực hiện các bộ phim điện ảnh Việt hiện nay còn khá khiêm tốn, chỉ có một số ít phim được đầu tư lên đến 1 triệu USD. Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Hoàn dù không đưa ra con số chính xác nhưng với những sản phẩm anh từng thực hiện, số tiền dao động từ vài chục đến vài trăm triệu tùy yêu cầu của mỗi bộ phim. Anh Hoàn gọi đó là mức kinh phí “bình dân” đối với những người làm nghề. Một thực tế khác cũng được anh nêu ra đó là hiện nay có rất nhiều bạn trẻ mới vào nghề muốn có cơ hội được học hỏi, va chạm nên sẵn sàng hạ giá thành thực hiện xuống trong khi chất lượng không được đảm bảo. Nhân lực tài năng đã có, kỹ xảo phim Việt muốn hay, hoành tráng tất cả vấn đề đều nằm ở chi phí và thời gian thực hiện. 


Văn Tuấn

Tin cùng chuyên mục