Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng

Về tiêu chuẩn đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô

Về tiêu chuẩn đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô

Tiêu chuẩn đảng viên có quan hệ đến việc giữ vững bản chất của Đảng, đến mục tiêu phấn đấu vì độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đến việc xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về tiêu chuẩn đảng viên, năm 1953 Bác Hồ viết “Lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, giải phóng giai cấp và nhân dân là sự nghiệp rất vẻ vang nhưng rất nặng nề. Để hoàn thành sự nghiệp ấy, Đảng phải thật trong sạch, thật mạnh mẽ. Vì vậy đảng viên cũng phải thật trong sạch, thật mạnh mẽ”. Bác nêu ra 7 tiêu chuẩn đảng viên, trong đó tiêu chuẩn đầu tiên là “không bóc lột người”, vì “Đảng chống chế độ người bóc lột người, lẽ tự nhiên ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 trang 237). Và Đại hội Đảng từ khóa III đến khóa IX trong Điều lệ Đảng đều có nêu là đảng viên phải “có lao động không bóc lột”.

Trong điều kiện đảng viên phải thoát ly gia đình sống dựa vào dân, trong điều kiện kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo thì thực hiện tiêu chuẩn đảng viên “không bóc lột” là đương nhiên.

Về tiêu chuẩn đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô ảnh 1

Nhưng đến khi Đảng có chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân), đảng viên phải xây dựng đời sống gia đình thì phải làm kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân phát triển thì có thuê mướn nhân công và phát sinh vấn đề mới.

Định nghĩa thế nào là bóc lột, phải chăng hễ có thuê mướn người là có bóc lột? Phải chăng vì hiểu không đúng về giá trị của lao động quản lý, lao động kỹ thuật của người chủ mà ngộ nhận là bóc lột. Đảng viên bỏ vốn, bỏ chất xám ra kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế, có đáng được khuyến khích không? v.v... Xử lý như thế nào cho hợp tình hợp lý để giữ được lợi ích phát triển kinh tế, công ăn việc làm của người lao động vừa giữ được tiêu chuẩn đảng viên, giữ được bản chất và tôn chỉ mục đích của Đảng? Rõ ràng là vấn đề rất khó. Đã qua nhiều năm bàn luận trong Đảng, nhưng chưa giải quyết được. Đại hội X cố tìm cách giải quyết là rất đáng mừng. Nhưng theo dự thảo, tôi thấy có chỗ chưa ổn.

- Dự thảo văn kiện Đại hội X nêu: đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô, phải chấp hành pháp luật của nhà nước, nhưng trong Luật Phòng chống tham nhũng vừa ban hành và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006, ở Điều 37 lại quy định khác: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan đơn vị thuộc Công an Nhân dân thì không được “thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân” (về các loại hình).

- Trong tiêu chuẩn đảng viên mà bỏ hẳn cụm từ “không bóc lột” và cho đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô, cũng cần có lý giải thế nào để tránh được nỗi lo là Đảng không còn theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng.

- Đoạn nói về mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản như trong điều lệ hiện hành, thì dự thảo thêm vào mấy chữ “không còn người bóc lột người”. Thêm vào như vậy là thừa và không đúng. Thừa, vì “không còn người bóc lột người” đã là một trong những nội dung của chủ nghĩa xã hội mà ai cũng hiểu. Không đúng là vì vấn đề “không còn người bóc lột người” không phải được giải quyết cuối cùng sau khi có chủ nghĩa cộng sản.

Để khắc phục những chỗ không ổn như nêu trên, tôi đề nghị:

- Trước hết vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân cần ghi thành một điều riêng, không nên nhập vào điều nói về tiêu chuẩn đảng viên.

- Hai là, về tiêu chuẩn đảng viên trong điều lệ hiện hành ghi “có lao động, không bóc lột” thì đến Đại hội X đề nghị sửa lại là “có lao động và nêu gương đối xử tốt với người lao động” (trong trường hợp làm ăn có thuê mướn nhân công). Tôi hiểu rằng, Bác Hồ nêu: đảng viên “không được bóc lột người” thì trong đó bao hàm sự bóc lột về thể xác và sự áp bức về tinh thần đối với người lao động. Đã là đảng viên thì không thể làm như vậy.

Nhưng ngày nay, việc phát triển kinh tế tư nhân để mở rộng công ăn việc làm cho người lao động là yêu cầu bức xúc. Người lao động còn làm thuê trong xí nghiệp tư nhân thì còn bị bóc lột, nhưng đạt được mong muốn có việc làm. Họ vẫn có thể làm chủ về chính trị, có thể đòi chủ phải tuân theo pháp luật của Nhà nước mình do Đảng lãnh đạo, trong đó có Luật Lao động, Luật Công đoàn. Mối quan hệ chủ thợ thường được cho là quan hệ “người bóc lột người” như vậy là đã có sự đổi mới tiến bộ về chất. Nếu làm kinh tế tư nhân theo đúng luật nước mà còn nêu được gương đối xử tốt với người lao động thì xứng đáng với tiêu chuẩn đảng viên. Và làm kinh tế tư nhân như vậy thì tôi đồng ý như dự thảo nêu là không nên hạn chế quy mô với những điều kiện nhất định. Tôi nghĩ rằng, xử lý như trên là thể hiện sự vận dụng tiêu chuẩn đảng viên “không bóc lột người” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, chứ không phải coi tiêu chuẩn Bác Hồ nêu là không còn giá trị.

Ba là, nên có một mục mới về: Đảng viên làm kinh tế tư nhân, trong đó có các quy định:

a) Đối với đảng viên là cán bộ công chức, sĩ quan quân nhân trong Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân phải theo quy định ở Điều 37 của Luật Phòng chống tham nhũng. Trong Điều 37 có ghi rõ là không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư. Nhưng cũng đề nghị nhà nước có quy định cho người nhà của những người nói trên không làm việc trong cơ quan chính quyền, quân đội, công an được đứng tên làm kinh tế tư nhân, trong lúc tiền lương còn chưa đủ sống.

b) Ngoài các đảng viên thuộc loại nêu ở Điều a, đối với các đảng viên khác được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô, với điều kiện là đúng luật pháp, có sự đối xử tốt với người lao động và phát triển một cách hợp lý từ kinh tế tư nhân thành kinh tế tập thể, kinh tế tư bản nhà nước với hình thức doanh nghiệp cổ phần, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

c) Đối với việc kết nạp đảng viên mới từ những chủ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư bản tư nhân phải theo quy định riêng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiêu chí doanh nhân ưu tú, về điều kiện người giới thiệu, cấp chuẩn y, về thời gian dự bị, về đảng phí...

Bốn là, nếu đã quy định như các điểm trên thì không cần phải thêm câu “không còn người bóc lột người” vào đoạn nói về mục đích của Đảng trong điều lệ hiện hành.

Xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội bằng kinh tế thị trường và hội nhập với kinh tế thế giới ngày nay cũng là sự nghiệp rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Để hoàn thành sự nghiệp ấy, Đảng cũng phải thật trong sạch, thật vững mạnh. Càng có chủ trương thoáng về đối nội và đối ngoại, càng phải xây dựng Đảng thật chặt chẽ.

Tin cùng chuyên mục