Không chỉ là trò đùa!

Dư luận báo chí tuần qua nhắc nhiều đến sự việc Bùi Minh Trí học sinh lớp 12 trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long xâm nhập trái phép vào hệ thống điều hành website của Bộ GD-ĐT và thay ảnh Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bằng một thanh niên cởi trần.

Trả lời trên báo SGGP, TS Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT cho biết: vào tháng 7-2006, quản trị mạng (admin) phát hiện ra một account lạ có tên là Guanyu trên hệ thống máy chủ của website www.moet.gov.vn.

Trong suốt thời gian từ tháng 7 đến ngày 27-11-2006, ngày xảy ra sự việc thay đổi nội dung ảnh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, admin không hề nhận được sự liên hệ, trao đổi nào của Trí. Vào cuối tháng 11-2006, Trí tiếp tục có hành vi xâm nhập website, bổ sung account hệ thống và ngày 27-11-2006 đã thay hình ảnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Lễ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam bằng hình ảnh một cậu bé cởi trần. Hình ảnh này tồn tại trên website khoảng 5 giờ (từ khoảng 10 giờ sáng tới gần 2 giờ chiều theo nhật ký ghi nhận thời điểm tạo account Guanyu); hoàn toàn không phải chỉ có 5 phút rồi Trí tự động tháo xuống như em đã nói trên báo chí.

Trong 1, 2 ngày tới, Bộ GD-ĐT sẽ có cuộc họp với các ngành Công an, Bưu chính- Viễn thông để có đủ thông tin từ các phía và bàn biện pháp xử lý. Cách xử lý cũng “thấu tình, đạt lý"; bởi dù sao, Trí vẫn chỉ là học sinh lớp 12. Nếu có xử lý, chúng tôi cũng giao cho địa phương làm. (theo SGGP ngày 29-12-2006).

Tôi biết đến TS Quách Tuấn Ngọc từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, qua cuốn sách lập trình Pascal mà ông là tác giả. Có lẽ vì là một chuyên gia Tin học có tiếng nên TS Ngọc được lãnh đạo Bộ Giáo dục – đào tạo thời kỳ ông Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng chọn làm Giám đốc Trung tâm Tin học của Bộ.

Tôi vẫn còn nhớ, buổi ra mắt website Bộ GD-ĐT được tổ chức rầm rộ cách nay khoảng 6 năm, ngay tại trụ sở của Bộ, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo ngành giáo dục ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Là một độc giả thường xuyên của báo SGGP, theo tôi, trả lời của TS Quách Tuấn Ngọc nêu trên chỉ nói về em Trí mà không hề đả động gì đến trách nhiệm của ông trong cương vị  phụ  trách website của một Bộ quan trọng, là chưa thỏa đáng. Mong quý báo làm rõ thêm về trách nhiệm này.

(Nguyễn Hải Thanh, Hà  Nội)


Để rộng đường dư luận, chúng tôi mong nhận được thêm nhiều ý kiến của các bạn đọc tham gia trao đổi xung quanh nội dung: Cần xử lý ngay em Trí theo điều 41 Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về “quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet” với mức từ 10 đến 20 triệu đồng; xem xét xử lý nhẹ em Trí hơn với tình tiết giảm nhẹ về động cơ, về gia đình, tuổi tác; và vai trò của những người quản lý website của Bộ GD-ĐT, cụ thể là trách nhiệm của ông Giám đốc Quách Tuấn Ngọc như thế nào qua vụ việc này?. Xin cảm ơn.

Tòa soạn báo SGGP Online tiếng Việt

* Bùi Minh Trí chưa bao giờ cảnh báo lỗi của trang web Bộ GD-ĐT

Hiện nhiều người hiểu sai lệch về vụ này. Mọi người nói nhiều đến việc cậu Trí đã đưa ra lời cảnh báo về những lỗ hổng trong trang web của Bộ GD-ĐT, nhưng tôi xin khẳng định rằng: Trí chưa bao giờ thực hiện việc cảnh báo đó cả! Trí không hề gọi điện hoặc viết mail, hay để lại những câu nhắn mang tính cảnh báo về lỗ hổng của trang web.

Không thể nói việc để lại một cái nickname sau khi tấn công vào trang web là việc cảnh báo. Đó là cách ghi danh thông thường của những hacker để lấy “thành tích”.

Và theo tôi, đây là việc làm phạm pháp cần được xét xử nghiêm minh để cảnh báo những người khác! Chúng ta không thể nhân nhượng với những trường hợp thế này.

Vụ “virus Gaixinh” hồi tháng 4-2006 là một minh chứng, vì chúng ta không xét xử người phạm pháp một cách nghiêm minh, để người này đem mã virus tung lên mạng, cuối cùng là trong các tháng tiếp theo, hàng chục loại virus dưới dạng này đã tràn ngập các máy tính Việt Nam, gây ra những vấn nạn không thể lường hết…

Nguyễn Tử Quảng
(Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS)

* Đó chỉ là nghịch dại...

Trí xâm nhập và thay đổi thông tin như vậy là sai, đã có những quy định xử phạt về hành động như vậy. Nhưng theo tôi trong sự kiện này, với lứa tuổi của Trí, chúng ta nên nhìn nhận hành động đó chỉ là một trò nghịch dại của học trò.

Có thể các em chưa nhận thức được hậu quả của việc mình làm. Một số người quản trị mạng của chúng ta hiện nay vẫn để phạm những lỗi rất sơ đẳng trong việc bảo vệ an ninh mạng.

Theo tôi, chúng ta cần phải xử phạt nghiêm khắc “trò đùa” của Trí, xử phạt nhưng cũng bao dung, chừa chỗ để em phấn đấu, trưởng thành. Trong lứa tuổi của mình, Trí cũng là một học sinh có năng khiếu.

Tiến sĩ  LÊ TRƯỜNG TÙNG
(Chủ tịch hội tin học TPHCM, Tổng Giám đốc học viện FPT Aptech)

* Hành động đáng tiếc...

Tôi nghĩ sự việc một học sinh tấn công website của Bộ GD – ĐT, thay hình bộ trưởng thật là đáng tiếc.

Và đáng tiếc hơn nữa, dường như em Trí chưa được giáo dục hành động “hack” vào bất kỳ website nào, dù với ý đồ nào, là vi phạm pháp luật. Thời kỹ thuật số cũng đã làm phát sinh “tin tặc”, không chỉ là hack vào các trang web mà còn ăn trộm tiền trên mạng… như báo chí đã thông tin.

Tôi biết có nhiều học sinh rất giỏi tin học nên nếu không giáo dục ý thức đạo đức, tinh thần tôn trọng pháp luật, thì với lứa tuổi muốn thử sức mình, các em dễ có những hành động dại dột.

Thầy NGUYỄN THANH HÙNG
(Trường Phổ thông Năng khiếu)

* Xử lý khách quan, hợp tình hợp lý

Theo tôi nên điều tra chi tiết sự vụ để làm rõ động cơ của em Trí. Có vài chi tiết không thể biện hộ giảm nhẹ tội được như sau: Thứ nhất, mặc dù em Trí đã phát hiện ra lỗi bảo mật và có thông báo đến quản trị mạng và sau đó thấy lỗi không được sửa và tiến hành hack nhưng nên nhớ rằng em Trí không hề thông báo lỗi chi tiết mà chỉ chung chung, mà một website thì có rất nhiều vấn đề bảo mật khác nữa nên việc chưa được sửa lỗi ngay cũng dễ hiểu do phải có thời gian để rà soát lại.

Thứ hai, em Trí là một học sinh lớp 12 trường chuyên thì phải hiểu thật rõ và sâu sắc hơn ai hết về ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt nam. Việc em chọn ngay bài báo nói về hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong ngày này để hack là một hành động rất kém về đạo đức của một học sinh lớp 12 như em. Nếu em chọn một bài báo khác hoặc một vị trí khác trên website mà không liên quan đến nội dung về ngày nhà giáo Việt nam thì có thể dễ thông cảm hơn.

Vậy em Trí có tài nhưng đức thì không, xử lý ở đây là về mặt đạo đức của một học sinh là phù hợp và cần thiết để răn đe. Tuy nhiên, việc xử lý có ảnh hưởng đến kỳ thi cuối cấp của em hay không là chuyện khác. Không nên vì lợi ích của em Trí mà nương nhẹ quá e rằng sẽ sản sinh ra nhiều hacker nguy hiểm hơn ở lứa tuổi cuối cấp này.

Cao Minh Lợi 
(loi-thalotech@hcm.vnn.vn)

*****

* Pháp luật phải được tôn trọng

Tôi là  một giáo viên, tôi  rất ủng hộ bài viết của bộ trường GD - ĐT vì lẽ :

 - Trong khi ông rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà và đặc biệt là việc học hành , cuộc sống của các em học sinh trên các miền đất nước ( một sự nỗ lực rất lớn mà các bộ trưởng trước đó chưa làm được ) bên cạnh trăm công nghìn việc quan trọng của 1 vị bộ trưởng đối với nền giáo dục nước nhà ; thì việc 1 học sinh nào đó thay đổi hình ảnh của ông trên mạng là 1 điều xúc phạm rất lớn .

- Hành động của học sinh là 1 việc làm thiếu suy nghĩ , rất đáng phải phê phán ( và phải xử lý theo pháp luật nếu đúng là vi phạm ) dù với bất cứ lý do nào , dù cho đó là ngày 20/11 hay bất cứ 1 ngày nào khác ; bởi vì ngay với thái độ của em học sinh đó đối với thầy cô của em là không nên rồi , huống chi là đối với 1 vị bộ trưởng giáo dục .

 - Dân tộc Việt Nam luôn có tinh thần tôn sư trọng đạo và tinh thần đó càng phải được tôn trọng và giữ gìn trong tình hình khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ , trong bối cảnh nước ta hội nhập với thế giới ;Chúng ta giáo dục học sinh , những người chủ của đất nước mai sau cũng phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó .

- Pháp luật của 1 nhà nước pháp quyền XHCN phải được tôn trọng trong nền kinh tế trong thời kỳ mở cửa.Mọi người phải tôn trọng pháp luật và đồng thời pháp luật có tác dụng răn đe những hành động vi phạm ( hiện tại hay sau này của 1 công dân ). Nếu anh xử lý “ du di “ cho người này, nhưng lại nghiêm khắc với người kia là không thể được.

Nếu anh không xử lý vi phạm của 1 người (vì 1 lý do cá nhân nào đó ), thì có thể sau này người đó sẽ vấp phải những vi phạm lớn hơn không thể khắc phục được ( mà còn ảnh hưởng đến người khác ).
 
Bài viết này có thể không được đăng, nhưng mong toà soạn cũng đọc và xem xét trong trường hợp em Trí.  

(phamxuanhuy1969@yahoo.com

*****

* Tôi thấy em Trí có thể là có tài nhưng không có đức (hành động vô lễ với người thầy của mình) mà theo như Bác Hồ nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Vì thế tôi đề nghị nên xử phạt em thật nghiêm để em hiểu rõ mà sửa đổi cũng như có tác dụng răn đe những em khác có ý tưởng như vậy.

hangle69@yahoo.com

*****

* Tôi vẫn có một thắc mắc, việc truy cập của Trí là việc làm không đúng, tuy nhiên, nếu một người không có khả năng gì cao siêu, nếu bất cứ một cá nhân nào biết sử dụng những tool sẳn có trên internet là có thể truy cập vào website của Bộ thì sẽ như thế nào?

Nếu như hacker không phải là người Việt Nam, không phải ở Việt Nam, hậu quả của việc hack không phải chỉ là bị thay thế một bức ảnh trang trọng mà còn hơn thế nữa? Vậy đến lúc đó, ta có chấp nhận những lời giải thích như Thầy Ngọc, ông Kiên,v.v đã nói trong mấy ngày vừa qua không?

Bản thân việc BKIS có thật sự làm đúng khi tự ý tìm lỗi các website ngân hàng Việt Nam hay không? Chuyện xử phạt Bùi Minh Trí  hay không, đối với nhiều người, thật sự không quan trọng, nhưng những gì liên quan đến sự việc này đã làm cho nhiều người thất vọng bởi sự giải quyết và các nhìn nhận né tránh của các vị liên quan đến website của Bộ. 

Tại sao chúng ta không nhìn nhận những lỗ hổng của mình và có biện pháp phòng thủ trước những nguy cơ không phải từ những người non trẻ như Trí vì đã dám làm những "lấy thành tích" như vậy?

Duong Hoai Duc
(kulduc@yahoo.com)

*****

*Tội của Bùi Minh Trí đã rõ, cậu ta đang hợp tác với công an trong quá trình điều tra, chỉ có cơ quan công an và các cơ quan pháp luật mới có đủ thẩm quyền đưa ra hình phạt. Ông Nguyễn Tử Quảng không thể nói khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trong bài phỏng vấn đó, ông Quảng cho rằng kỹ thuật tấn công của Bùi Minh Trí  không có gì quá cao siêu, vậy mà bản thân ông Quảng và cái BKIS của ông đang làm công tác security (độc quyền cho cơ quan Nhà nước) lại không phát hiện lỗi, và cũng không có trách nhiệm rà soát lỗi bảo mật của một website cấp bộ của Chính phủ?

Ông Quảng còn bảo mọi người "do thiếu thông tin về vụ việc" mà quên mất rằng trong bức thư của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng hoàn toàn nhầm lẫn về thông tin thời điểm xảy ra vụ hack, khiến cho dư luận lại càng cảm thấy hoài nghi về Bộ GD-ĐT nhiều hơn.

Không biết thuộc hạ cấp dưới nào của Bộ trưởng đã báo cáo như thế nào mà Bộ trưởng cũng không nắm chính xác được thông tin vụ việc, đã viết một bức thư mà nội dung giống như một kịch bản phim, khiến cho dư luận càng thấy bức xúc hơn, và bức thư đó dường như có lợi hoàn toàn cho cái Trung tâm Tin học kia.

L.M.Hải
(jokerofmine@yahoo.com)

*****

* Cách hành xử

Chỉ một sự cố nhỏ mà các cán bộ của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quá lúng túng trong xử lý, làm mọi việc trở nên ầm ĩ, tổn thương đến nhiều người. Đáng lẽ các cán bộ Bộ GDĐT chỉ cần nhận ra lỗi của mình trong việc bảo vệ mạng, và phê bình xử lý có tình có lý với học sinh phạm lỗi thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng.

Cái làm cho dư luận bất bình là cách hành xử của các cán bộ có trách nhiệm, và làm cho người ta phải quay ra bênh vực cho người phạm lỗi. Không ai có thể khen việc phạm lỗi, dù là vô tình hay cố ý, dù với động cơ gì. Chính gia đình và bản thân của Trí cũng đã thấy lỗi lầm và phải chấp nhận các hình thức xử lý. Nhưng các cán bộ của Bộ lại không tập trung nhìn nhận thiếu sót của mình, lo biện minh tránh né, điều này làm mọi người bất bình.

Nếu việc xâm nhập không phải do một học sinh mà do một người có ý định phá hoại thì sao ? Cán bộ có trách nhiệm nói rằng việc xâm nhập mạng Giáo dục không khó,không đòi hỏi trình độ cao, và tin chắc không ai nỡ xâm nhập phá hoại mạng thì thật là vô trách nhiệm.

Một hình ảnh "chính phủ điện tử", như những cán bộ ấy nói , lại được quản lý bảo vệ sơ sài như vậy sao? Tôi tin các cán bộ của Bộ giỏi hơn em Trí rất nhiều, là bậc thầy, mà có thể là bậc thầy của thầy em Trí.

Tuy nhiên ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ trang Web quan trọng của mình, và cách hành xử thì lại còn yếu. Trong thời đại kỹ thuật số, việc bảo vệ các trang Web của chính phủ vô cùng quan trọng, mong rằng sẽ không lặp lại những vụ việc này, không phải vì không có ai muốn phá hoại xâm nhập nó, mà vì nó được bảo vệ tốt đủ sức chống lại mọi sự xâm nhập, và nếu có sai sót thì được khắc phục kịp thời. 

quangvinhemico@Gmail.com.

Tôi là một người phải làm việc thường xuyên trên mạng để đáp ứng công việc nghề nghiệp của mình.

Qua việc làm của em Trí tôi có ý kiến như sau: - Đây là sai phạm rỏ ràng, là vi phạm pháp luật, chúng ta không thể cảm tính như một số tin trên báo như: em Trí còn nhỏ thiếu chín chắn, là một nhân tài sau này nên giúp đỡ hơn là trừng phạt.

Những ý kiến trên vô tình tạo ra một tiền đề: Ai thể hiện trình độ tin học "siêu đẳng " của mình bằng việc tấn công các trang Web là hành động chưa phải là xấu. - Hiện nay có quá nhiều người muốn chơi nổi trên phương tiện thông tin đại chúng dầu biết rằng hành động đó gây hậu quả cho cộng đồng, ảnh hưởng tới lợi ích chung.

Do đó Luật pháp có tính giáo dục răn đe và công bắng, tôi đề nghị trước mắt phải xử lý nghiêm hành động vi phạm pháp luật này, chúng ta không thể xử lý châm chước như vụ nói đùa có bom trên máy bay vừa rồi. Nếu ta xử không nghiêm thì việc xảy ra nhiều hành động tương tự sẻ là điều tất yếu. Trân trọng cám ơn...

phamnhungtanthanh@yahoo.com.vn

Hôm nay trang web của Liên đoàn bóng đá VFFcũng bị tấn công và hacker lại là học sinh lớp 12 Hải Phòng. Em Trí hay bất cứ em nào khác phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và cần phải được răn đe nghiêm khắc.

Tôi lấy làm lạ là nhiều vị đã tung hô em Trí và có thể các hack tuổi học trò khác là nhân tài, thậm chí còn sẵn sàng chi tiền ra để chịu phạt thay... Dư luận quy trách nhiệm do admin không vá lỗ hổng kịp thời - do trình độ non yếu, do quản lý thiếu trách nhiệm, ... có lẽ là thiếu khách quan.

Ai hiện đang làm admin đều hiểu rằng có trường hợp không thể vá lỗ hổng ngay tức thì ... Nếu kiểm điểm và cách chức ông Ngọc thì có lẽ nhiều GĐ trung tâm tin học cũng sẽ bị cách chức nếu website của bộ bị tấn công-kể cả VFF.

 Vihanh32@yahoo.com

* Cần thưởng, phạt phân minh

Tôi băn khoăn về việc một số báo lại dành quá nhiều bài viết cho một vụ việc mà đáng lẽ ra nội dung của nó phải thuộc về những người có liên quan?!

Đúng là cần bảo vệ tính đúng đắn, ý thức xây dựng, có trách nhiệm của một người trẻ tuổi trước khi người đó có hành vi nông nổi, xâm phạm vào cơ sở hành chính của một cơ quan cấp bộ. Thế nhưng, cần lưu ý rằng, con người trẻ tuổi đó mới chỉ là học sinh lớp 12 ở một trường THPT rất đỗi bình dị thuộc một tỉnh ĐBSCL.

Em chưa sẵn sàng là một người nổi tiếng, càng không sẵn sàng là người của công chúng. Cho nên không chừng ý định tốt đẹp (bảo vệ Bùi Minh Trí) lại là sự cản trở bởi chính động thái có phần quá mức của cơ quan truyền thông (đăng tải nhiều bài viết).

Cần nhớ lại trường hợp Phạm Văn Quyến trong bóng đá. Nếu báo chí để cho em “bình yên”, tự do sáng tạo trong thế giới của môn thể thao vua, thì em không tự bóp méo cuộc đời mình đến thế!

Khuyến khích, giáo dục, đào tạo tài năng trẻ cho đất nước, nhưng đồng thời cũng phải rèn luyện để họ trở thành những công dân tốt, sống đẹp, sống có ích, có trách nhiệm, mà trước hết là tuân thủ pháp luật.

Hãy để cho những người liên quan, các cơ quan có trách nhiệm khách quan trong thực thi công việc của mình. Cơ quan bảo vệ pháp luật, ngành giáo dục, kể cả “cư dân mạng” chắc chắn sẽ biết phải làm gì trước một vụ việc cụ thể như thế này.

TRẦN QUANG TUẤN

* Thư gửi Bộ trưởng GD-ĐT của một người từng là hacker (Dân trí)

- Trước những diễn biến ngày càng nóng của dư luận về trường hợp học sinh Bùi Minh Trí, anh Nguyễn Ngọc Long - một người đã từng là hacker, hiện đang webmaster của một tờ báo điện tử - đã lên tiếng tại diễn đàn Edunet bằng một lá thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc Trung tâm Tin học Quách Tuấn Ngọc và Admin Chử Trần Kiên.

Từng là hacker và cũng từng có những phút nông nổi của tuổi trẻ như Bùi Minh Trí, anh Long đã có những phân tích khá thấu đáo về hành động của Trí cũng như phản ứng của những người được xem là “bị hại” trong vụ việc này.

Chúng tôi xin được trích đăng lá thư này: “Thưa Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, 7 ngày qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện của em Bùi Minh Trí. Tôi băn khoăn không biết mình có nên nói ra toàn bộ những gì mình biết hay không, vì tôi sợ việc làm của tôi ảnh hưởng tiêu cực đến em Trí và đi ngược lại với mong muốn của một bộ phận dư luận xã hội.

Một phần nội dung trong thư này, tôi đã viết ra từ trước, đó là lúc tôi đọc được bản báo cáo xâm nhập của admin website Bộ GD-ĐT Chử Trần Kiên trên diễn đàn Edu.net.vn. Ngày hôm nay, sau khi lá thư tâm sự của Bộ trưởng cùng lời xin lỗi của thầy Quách Tuấn Ngọc thì tôi thấy tôi cần phải nói. Lời đầu tiên, tôi xin gửi đến ông và tất cả các Thầy, Cô giáo - những ai phải chịu đựng "nỗi đau trong ngày 20/11/2006" - một sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc.

Thú thực, khi đọc những dòng tâm sự của ông, tôi cũng thấy nhoi nhói trong tim. Tôi đã không nghĩ rằng sự việc do em Trí gây ra lại làm phiền lòng các Thầy, Cô nhiều như thế. Trước đây tôi cũng là một hacker (hoặc tạm coi như thế). Và cũng có đôi lần, tôi chỉ dẫn cho em Trí một vài vấn đề về bảo mật, hacking. Trước, tôi coi Trí như "học trò", sau tôi coi cậu ấy như một đứa em trai. Và hành động lần này của Trí, tôi đã thấy cậu ấy đã sai nhiều quá.

Sự việc website của Bộ GD-ĐT bị hack, tôi không nắm được chi tiết. Nhưng trong lần nói chuyện với Trí cách đây gần 1 tháng, Trí không ngần ngại cho tôi biết chính cậu ấy là tác giả của vụ xâm nhập và chủ động đưa một loạt "bằng chứng" để chứng minh là mình nói... thật! Khi ấy, tôi chỉ cảm giác rằng Trí còn quá trẻ con và không lường hết được hậu quả mà cậu ấy đã gây ra.

Trước đó không lâu, rạng sáng ngày 3-9-2006, khi trang web VnMedia . vn bị hack, tôi đã không mấy khó khăn để biết được tác giả của vụ xâm nhập là Bùi Minh Trí. Sở dĩ tôi có thể dễ dàng "điều tra" ra việc đó vì tôi nghĩ, Trí không có ý định giấu giếm tung tích của mình.

Với bất cứ ai thành thạo Internet đều có thể lần ra dấu vết từ hình vẽ Quan Vân Trường và thông tin sở hữu tên miền có bài hát "Một ngày buồn" mà Trí "để lại" (Quan Vũ hay Quan Vân Trường vốn là những nickname khá "nổi tiếng", được Trí sử dụng từ rất lâu trên diễn đàn hacker mũ trắng Việt Nam - HVAOnline.net).

Liên kết với sự việc mà Trí gây ra vào thời điểm tháng 11-2006, tôi cho rằng đây là một việc làm có chủ ý về thời gian và sự kiện (2-9 là ngày Quốc khánh, 20-11 là ngày Nhà giáo Việt Nam). Nhưng tôi thực sự tin tưởng rằng, chủ ý của Trí ở đây là muốn chứng minh lỗi bảo mật gần những thời điểm nhạy cảm để các admin buộc phải quan tâm tới, chứ cậu ấy hoàn toàn không lường hết được những hậu quả tai hại về mặt xã hội và cho cá nhân Bộ trưởng cũng như những người liên quan khác.

Có một lần, Trí nói với tôi, sở dĩ cậu ấy hack vào website của VnMedia chỉ vì "muốn những anh bên VDC mời vào làm" như cách "xin việc" mà trước đây một "hacker đàn anh" đã may mắn thực hiện thành công.

Trí cũng tâm sự rằng, những admin ở bên đó biết cậu khá rành vì có những lần hai bên trao đổi qua lại với nhau về một số vấn đề bảo mật. Đó là lý do chính để Trí không cố tình giấu giếm tung tích của mình. Sau sự việc Trí xâm nhập vào báo điện tử VnMedia, tôi có nói chuyện với Trí, sau đó phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Anh Tuấn - người phát ngôn của VDC - hỏi ông xem ông có ý định mời Trí vào VDC làm công tác bảo mật hay không thì ông Tuấn nói: "Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Thậm chí nếu biết đích xác lai lịch của người phá hoại, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý".

Khi ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định hủy bài viết của mình vì sợ làm ảnh hưởng đến cá nhân em Trí. Và thực tế đã chỉ ra, đó là một sai lầm của tôi. Cũng là webmaster cho một báo điện tử, nên tôi thấu hiểu và thông cảm sâu sắc với những bức xúc của anh Chử Trần Kiên. Tôi hình dung được công việc vất vả và tâm trạng thấp thỏm lo âu của một người làm quản trị mạng.

Tôi cũng biết trách nhiệm to lớn mà thầy Quách Tuấn Ngọc phải chịu khi để xảy ra sự cố lần này. Tôi đã bất ngờ và rất thất vọng khi đọc những dòng trả lời phỏng vấn của thầy Ngọc trên báo Pháp Luật TPHCM. Nhưng sau đó, ngồi suy nghĩ lại tôi lại thấy thương thầy hơn bao giờ hết. Tôi chưa bao giờ được tiếp xúc với thầy, cũng chưa bao giờ được thầy trực tiếp giảng dạy, nhưng từ những năm học cấp II, tôi đã say mê học vi tính với phần mềm soạn thảo văn bản BKED của thầy.

Lớn lên chút nữa, tiếp xúc với lập trình, những cuốn sách mà thầy viết hay tham gia dịch thuật như "Ngôn ngữ lập trình Pascal", "Cẩm nang lập trình hệ thống"... là niềm say mê một thời của tôi, và chắc chắn của không ít học sinh nhiều thế hệ trên khắp cả nước. Chỉ qua một bài phỏng vấn, tôi thấy dư luận không nên quá vội vã đánh giá tư cách đạo đức của một người thầy.

Thưa Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, có thể lúc này đây, ông vẫn còn đang rất buồn và nỗi đau gắn với thời điểm nhạy cảm - ngày 20-11 - của ông chưa hết nguôi ngoai. Nhưng tôi cảm kích với cách mà ông giải quyết sự việc của em Bùi Minh Trí.

Cá nhân tôi biết, Trí là một học sinh có tài, một người con ngoan trong gia đình và là cậu thanh niên mang trong mình suy nghĩ của một đứa trẻ. Cũng như bao nhiêu học sinh khác, Trí có nhiều thật nhiều ước mơ và hoài bão. Cậu ấy nhiều lần tâm sự với tôi về một dự án mà cậu ấy dự tính làm hoàn thiện để đem tham dự cuộc thi Trí tuệ Việt Nam vào năm tới, đó là một hệ thống sưu tầm, phân tích, thông báo và hướng dẫn sửa chữa các lỗi bảo mật cho những ai yêu thích bảo mật tại Việt Nam.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy nhiều người lên tiếng bảo vệ Trí, thậm chí có người đề nghị khen thưởng cho em (như trong thư Bộ trưởng đã viết). Với những gì đã biết về Trí, tôi một lần nữa khẳng định, trong việc này Trí đã sai, sai cả về việc làm lẫn động cơ. Nhưng tôi vẫn muốn mở lời xin cho Trí; xin Bộ GD-ĐT, cá nhân ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, thầy Quách Tuấn Ngọc, anh Chử Trần Kiên và nhà trường nơi Trí đang học tập hãy cho em một cơ hội sửa sai.

Hãy giúp Trí biến ước mơ nâng tầm bảo mật cho các website tại Việt Nam thành hiện thực. Tôi thiết tha mong chờ điều đó. Tôi hy vọng một ngày không xa, sẽ được thấy Trí đứng trên bục vinh danh của giải thưởng Trí tuệ Việt Nam và nhớ về những ngày này như một bài học sâu sắc mà suốt quãng đời còn lại em sẽ không quên…


viethung@gmail.com

*Qua sự việc nêu trên, tôi thấy nổi lên các vấn đề sau:

1. Việc làm của em Trí hoàn toàn là sai trái, cần phải răn đe và giáo dục bằng  nhiều hình thức (không nhất thiết phải hình sự), vì nếu em Trí thật sự có tài thì phải tham gia vào các cuộc thi trí tuệ hơn, có những công trình mang tính phụ vụ hơn.

Việc em thay hình Bộ trưởng là việc không thể chấp nhận được, qua các hình thức xử lý em, đề nghị nhà trường có những nhận xét về đạo đức của em trong học bạ cuối cấp của em để em xem đó là bài học đầu đời của mình.

2. Việc Trung tâm tin học Bộ GD-D-T để em Trí xâm nhập là lỗi hoàn toàn của Trung tâm, trên cương vị là bộ phận quản lý thông tin. Trung tâm cần nhận khuyết điểm về mình mà không cần phải đổ lỗi cho ai cả. Từ những sai sót đó, cần phải nâng cao ý thức bảo mật hơn nữa để tránh tình trạng xãy ra đáng tiếc như hôm nay.

3. Mọi việc đã qua không nên đưa tin và bàn luận nhiều, vì chúng ta đang làm cho mọi việc càng thêm phức tạp thêm, nên giao cho địa phương xử lý em trí một cách nghiêm khắc, đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiểm điểm Trung tâm tin học vì xẩy ra trình trạng trên. Mọi việc đến đây nên kết thúc.

Đỗ Thanh Hiệp - Bến Tre
daihoalocloc@yahoo.com


Kính gửi Quý tòa sọan báo SGGP online, xin vui lòng cho phép tôi được trình bày ý kiến phản hồi về sự kiện gần đây xoay quanh em học sinh Bùi Minh Trí.

Từng là học sinh của các trường Chuyên tại TP.HCM, cũng đã từng kinh qua công tác giảng dạy và quản lý, cảm nhận đầu tiên của tôi về sự kiện này là một sự đau xót. Tôi rất đau lòng khi chứng kiến một học trò giỏi lại có hành động rất thiếu suy nghĩ như em Trí đối với chính những người đang làm hết sức mình để mang đến cho em cũng như bao bạn trẻ khác điều kiện phát triển kiến thức.

Em đáp lại với chính những người làm công tác giáo dục bằng cách này đó ư? Vậy mà tại sao vẫn được một số ý kiến khen ngợi? Một cách thẳng thắn nhất, tôi nghĩ qua đây, có thể thấy rõ công tác giáo dục ý thức pháp luật và cộng đồng ở nước ta còn quá kém cỏi.

Tiêu chí của giáo dục, theo tôi trên hết là để đào tạo những người sống có ích cho bản thân, và cho xã hội. Chúng ta đào tạo những người đượi gọi là có tài, mà không có đức để làm gì? Xin được nói rõ, chữ ĐỨC trong cuộc sống hiện tại là hạnh kiểm mà chúng ta ứng xử một cách chủ động dựa trên những hiểu biết về văn hóa dân tộc và hệ thống luật pháp.

Hiểu rằng sai phạm mà em Trí đã làm diễn ra ở giai đọan cực kỳ quan trọng trong cuộc đời em, tôi rất chia sẻ nỗi lo lắng của em và người thân. Với rất nhiều ý kiến quan tâm phân tích từ xã hội, đây là một bài học lớn, tuy nhiên tôi hy vọng Trí có thể vượt qua nhanh chóng để tiếp tục chuẩn bị cho các kỳ thi trước mắt.

Xây dựng một nền giáo dục vì cộng đồng và đậm đà triết lý dân tộc là những gì tôi cảm nhận được từ những nỗ lực hiện nay của tập thể cán bộ và giáo viên trong ngành. Có lẽ không ít quý vị sẽ đồng tình với tôi trên quan điểm rằng để làm được một việc gì hiệu quả, chúng ta cần có một họach định chiến lược, nói một cách đơn giản là một kế hoạch hay kịch bản.

Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề và các quan điểm của Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT trong trường hợp này. Ông cũng đã nhắc đến quan niệm giải quyết việc của em Trí trên cơ sở cả lý lẫn tình.

Xin chân thành cảm ơn quý Tòa soạn

Tấn Khang
khang2002@hotmail.com

Tôi rất bức xúc về cách phát ngôn của ông Ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ.

Với tư cách là Giám đốc 1 trung tâm tin học của một Bộ, mà là Bộ GD-ĐT, ông Ngọc đã sử dụng từ "nó" quá nhiều khi nói về 1 học sinh. Có lẽ ông Ngọc không những phải học lại cách bảo mật website khi nhận lãnh trách nhiệm, mà còn học về cách ứng xử trong văn minh giao tiếp, hơn nữa, phải học về tinh thần tự kiểm điểm.

Một website cấp Bộ mà để 1 học sinh cảnh bảo nhiều lần không chịu khắc phục, để đến khi xảy ra "hậu quả" thì luôn nói đến Pháp Luật - Trừng Trị "Bố con của nó ngày nào cũng điện thoại cầu xin bọn tôi nhưng luật hình sự đã ghi rõ rồi, cứ có tội là xử lý."

Vậy thử hỏi: Người buông lỏng trách nhiệm (không chỉ đạo, quản lý nhân viên Công nghệ thông tin (IT) khắc phục lỗi bảo mật) để xảy ra hậu quả thì vi phạm vào điều luật gì ? Xử lý như thế nào ? Ông Ngọc hãy thẳng thắn, nghiêm túc nhận khuyết điểm đừng bày biện nào là: "Đến ngay như trang web của Quốc Hội Mỹ, của FBI hay CIA còn bị hacker tấn công đấy chứ" một cách vô trách nhiệm.

Phải nói rằng, các phần mềm dù lớn, nhỏ thường có những lỗi ít, nhiều ... nhưng cái quan trọng là biết tiếp thu và sửa lỗi, nâng cấp.  Nếu Ông Ngọc là người có trách nhiệm thì ông phải "chỉ huy" cho nhân viên IT của ông khắc phục để em Trí không vào được. 

Tôi luôn ủng hộ thầy Nguyễn Thiện Nhân, một người thầy có lòng vị tha, có những trăn trở cho nghành giáo dục hiện tại, chia sẻ những cảm thông và khó khăn khi thầy nhận nhiệm vụ Bộ trưởng. Tôi mạnh dạn đề nghị Thầy cần củng cố bộ máy tổ chức nhân sự tại cơ quan cao nhất của ngành giáo dục.

Ông bà ta có câu: "cái đầu có xuôi, thì cái đuôi mới lọt", những người lãnh đạo, đứng mũi chịu sào để đẩy con thuyền trí tuệ Việt Nam lên tầm mới chắc chắn không phải là những người không có đức, có tài. Rất mong Tòa soạn góp ý, chia sẻ cùng bạn đọc.

Trân Trọng.

dotrungduy@yahoo.com


* Sự việc em Trí, tôi có sự suy luận như sau:

1.Em Trí đang học lớp 12, nghĩa là chưa đủ 18 tuổi? Em không thể có sự chín chắn trong suy nghỉ và ý thức đầy đủ hành vi của mình.Chúng ta hãy đứng trên góc độ là những bậc cha, chú, mẹ, dì, thầy cô khi có ý nghĩ xử phạt em về mặt hành chính.

Trong gia đình, nếu con cái không ngoan thì lỗi trước tiên là tại cha mẹ thiếu sự giáo huấn - Tại trường học, nếu trò không ngoan thì trách nhiệm trước tiên là tại Nhà trường. Trong xã hội, nếu có những học sinh hành động như Trí thì xem lại xã hội chúng ta đã có những bậc trưởng thượng như thế nào khi cầm "giây cương" giáo dục.

2.Phạt em Trí để răn đe kẻ khác, để thực thi pháp luật, để cảnh giác những "tin tặc" v.v...? Chúng ta được gì ngoài việc "vạch áo cho người xem lưng" về cái dở của chúng ta. Đương nhiên không thể nói đến việc đồng tình cho hành động của em Trí mà cần phải có một biện pháp giáo huấn và đồng thời phát huy tài năng của em Trí để đất nước có những người tài vừa hồng, vừa chuyên, phục vụ cho đất nước ở tương lai.

kimtienhuan@yahoo.com.vn

Kính thưa quý vị!  Qua các trao đổi của quý vị trongthời gian qua, về việc hacked vào Web site của Bộ GD-ĐT, theo cá nhân tôi việc làm của Trí tuy có lổi, nhưng em không có ý đồ không tốt, chẳng qua đó là một sự cảnh báo cho những nhà quản lý Mạng và các bậc quản lý Bộ phận IT.

Nếu mạng bị một hacker chuyên nghiệp tấn công thì sao, nhất là trong thời đại quản lý bằng công nghệ thông tin. Kính mong quý vị suy nghĩ xem!

Lê Sơn
sunrise_on_the_beach@yahoo.com

* Bùi Minh Trí chờ xử phạt hành chính 10 triệu đồng

Ngày 3-1, ông Nguyễn Thới Bình, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông Vĩnh Long đã chủ trì buổi họp xem xét mức xử phạt Bùi Minh Trí, học sinh lớp 12, Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long xâm nhập trái phép vào hệ thống điều hành website của Bộ GD-ĐT và thay ảnh Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân...

Tham dự buổi họp còn có đại diện cơ quan cảnh sát điều tra, nhà trường, gia đình và Bùi Minh Trí. Tại cuộc họp này, cả nhà trường, gia đình Bùi Minh Trí đã nhận một phần khuyết điểm, trách nhiệm khi chưa khai thông cho Trí về các luật pháp liên quan và giám sát hoạt động công nghệ thông tin của Trí.

Bản thân Bùi Minh Trí cũng nhìn nhận và hối hận vì chưa nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật.

Kết luận tại buổi họp, ông Nguyễn Thới Bình cho biết: Về cơ bản Bùi Minh Trí sẽ chịu hình thức xử phạt hành chính 10 triệu đồng – khung phạt thấp nhất theo quy định.

Theo ông Nguyễn Thới Bình, Trí đã vi phạm điểm G và điểm K, khoản 5, Điều 41 Nghị định 55 của Chính phủ về hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác và làm biến dạng trang web.

Mức xử phạt này thể hiện sự răn đe giáo dục trong xã hội; trong đó đã xem xét đến các yếu tố độ tuổi và mức độ thật thà khai báo của Bùi Minh Trí.

SGGP

Tin cùng chuyên mục