Tai nạn giao thông – nguyên nhân và giải pháp

Trao đổi về nguyên nhân và biện pháp khắc phục tai nạn giao thông

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, bình quân mỗi tháng trên cả nước xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn giao thông (TNGT); có 35 người chết và cả trăm người bị thương mỗi ngày. Trong số những nạn nhân của TNGT, 40% ở trong độ tuổi trẻ, từ 15 đến 24 tuổi. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á, TNGT gây ra tổn thất cho Việt Nam vào khoảng 900 triệu USD/năm, chưa kể những đau thương, mất mát mà gia đình, xã hội vẫn phải tiếp tục gánh chịu sau khi người thân bị tai nạn.

Trên một đất nước mà chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, sự tổn thất về sinh mạng con người và của cải vật chất như vậy, lẽ nào có thể chấp nhận? Ngăn chặn, giảm thiểu TNGT không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân yêu nước. Diễn đàn “Tai nạn giao thông – nguyên nhân và giải pháp” của Báo SGGP nhằm để bạn đọc trên cả nước cùng tham gia đóng góp ý kiến phân tích đúng nguyên nhân và đưa ra những giải pháp toàn diện, hữu hiệu nhằm hiến kế, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu TNGT trong cả nước.

Kính mời toàn thể bạn đọc hưởng ứng. Bài viết xin gửi về Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432 - 438 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 TPHCM. Hoặc Email: ctxdd@sggp.org.vn, sggponline@sggp.org.vn

Mở đầu diễn đàn này, SGGP Online xin trân trọng đăng bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. (Mời bạn đọc click vào đây để xem)

Nâng chất hạ tầng giao thông - Trách nhiệm cơ quan quản lý - Ý thức người dân

              Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là hiểm họa đe dọa nghiêm trọng tới đời sống dân sinh. Hiện tại, không một ngày nào không có thông tin về số người chết, bị thương vì TNGT (ít nhất cũng vài chục người gặp nạn/ngày đã được đăng tải thông tin trên mặt báo). Điều nhức nhối nhất hiện nay là chúng ta chưa có một giải pháp thật sự hữu hiệu, căn cơ nhằm kéo giảm tai nạn, bảo vệ an toàn cho hàng triệu người đi đường. Hàng ngày thần chết vẫn rình rập để cướp đi mạng sống của người dân, TNGT vẫn không thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng cao. Vậy nguyên nhân do đâu? Đâu là giải pháp? Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này. 

Cần có những biện pháp quyết liệt

            Theo tôi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu rất đầy đủ nguyên nhân và giải pháp mà nếu các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể, mỗi công dân nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các biện pháp cũng như kim chỉ nam này - thì cũng đã là quá tốt để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tôi chỉ xin phép bổ sung thêm một số ý kiến như sau... Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.

Trao đổi về nguyên nhân và biện pháp khắc phục tai nạn giao thông

            Hiện trạng về tai nạn giao thông đã được các phương tiện thông tin nêu hàng ngày và là một nỗi đau nhức nhối cho mọi người. Có thể nêu các nguyên nhân chính:

1. Sự coi thường luật giao thông của những ngừơi tham gia giao thông.

Đây có thể coi là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.

Trên đường, dù là đường trong phố hay là đường quốc lộ đều có kẻ vạch quy định làn đường cho ôtô, làn đường cho xe gắn máy. Nhưng hiện nay, xe gắn máy chạy lấn tuyến là chuyện bình thường và tại nạn xảy ra cho hành động chạy lấn tuyến này chiếm tỷ lệ rất cao.

Trên các đường phố đều có vạch đường hay làm cầu vựơt dành cho người đi bộ băng qua. Khi đến gần vạch đường cho người đi bộ các phương tiện cơ giới phải giảm tốc độ (trong trường hợp đoạn đường không có đèn tín hiệu). Nhưng người đi bộ phần lớn không sử dụng những ưu tiên cho mình mà cứ băng qua đường bất cứ chỗ nào.

Người lái xe khi đã ngồi sau tay lái không được uống dù 1 ngụm bia. Nhưng ở nước ta, lái xe ôtô và xe máy uống bia là chuyện bình thường. Chúng ta có thể nhìn qua các quán bia vào buổi chiều, xe máy chật cứng vỉa hè.

Và có thể nêu lên vô số hiện tượng về không tôn trọng luật giao thông.

Tại các nước tiên tiến, người dân rất tôn trọng luật giao thông dù trên đường hầu như không thấy bóng của cảnh sát giao thông, do đó xe ôtô nhiều nhưng tai nạn rất ít.

Sự coi thường luật giao thông đã trở thành thói quen mà ít bị phạt. Đó là nguyên nhân chính gây ra nhiều tại nạn giao thông.

2. Việc kiểm soát thực thi luật giao thông của các ngành kiểm tra giao thông chưa thật sự nghiêm chỉnh

Có thể nêu ra nhiều ví dụ về sự kiểm soát thiếu nghiêm chỉnh của các ngành kiểm tra giao thông. Ở nước ta, ngoài cảnh sát giao thông còn có thanh tra giao thông. Hai lực lượng này có một nhiệm vụ chung là kiểm soát sự thực thi luật giao thông. Lực lượng thì nhiều nhưng như trên đã nêu thì sự coi thường luật giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Nên chăng việc kiểm tra thực thi luật giao thông chỉ giao cho cảnh sát giao thông và lực lượng này phải được thanh tra chặt chẽ. Đơn vị nào để xảy ra hiện tượng vi phạm luật giao thông tại khu vực mình phụ trách thì phải bị phạt.

Ở nước ta, cảnh sát giao thông khi xử lý các tai nạn thường giữ phương tiện của cả người tuân thủ luật lẫn người vi phạm luật gây tại nạn. Và thường chủ phương tiện lớn phải trợ cấp cho chủ phương tiện nhỏ. Ví dụ: mặc dù xe mô tô hay xe đạp đi sai tuyến đâm vào ôtô, nhưng chủ xe ôtô vẫn phải chịu chi phí cấp cứu và chữa bệnh cho người đi xe đạp hay môtô, thậm chí phải sửa chữa xe cho họ. Cách giải quyết như vậy gần như khuyến khích người phạm luật. 

Cảnh sát giao thông phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hiện nay trên thực tế có tình trạng cảnh sát giao thông thường nhận tiền của người vi phạm rồi cho qua. Vì người vi phạm muốn đưa tiền cho cảnh sát để đỡ mất thì giờ đi nộp phạt và chi phí thường bằng ½ tiền phạt chính thức. Vậy thì tại sao chúng ta lại không có cơ chế thưởng cho cảnh sát giao thông theo tỷ lệ tiền phạt (thậm chí tỷ lệ thưởng có thể bằng 50% tiền phạt). Như thế sẽ khuyến khích cảnh sát thực thi nghiêm chỉnh luật giao thông và cảnh báo người tham gia giao thông phải tôn trọng luật..

3. Ngoài hai nguyên nhân cơ bản trên còn phải cải thiện đường xá và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Tô Xuân Giáp
274 Cống Quỳnh – Q.1 – TP HCM

           Tôi trăn trở nhiều về giao thông tại TP HCM nói riêng và VN nói chung. Có đều tôi tự vấn không hiểu cán bộ lãnh đạo của mình đi ra nước ngoài có học hỏi được gì hay chỉ đi "cưỡi ngựa xem hoa"? Đừng trách cho dân mình kém hay thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Dân ta cũng là con người không thua kém bất cứ một dân tộc nào. Nếu đã đi Singapore thì du khách của chúng ta cũng chấp hành luật của họ một khi đã được nhắc nhở. Luật Sing rất nghiêm, khi đi bộ qua đường họ cũng phải tìm được lối dành cho người đi bộ và chỉ băng qua khi đèn đỏ. Về vấn đề trăn trở này tôi xin được đóng góp vài ý nhỏ như sau:

1. Nói về luật giao thông đường bộ (GT- ĐB): -Luật GT - ĐB của chúng ta dưạ trên nền tảng của thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện nước nhà, thiết nghĩ cần có một số sửa đổi cho phù hợp. Cần nghiêm cấm việc nhấn còi vô tội vạ, như luật của các nước chỉ được phép nhấn còi khi có tình huống sắp dẫn tới tai nạn. Nghiêm cấm việc thay đổi còi có độ ồn vượt mức cho phép đối với phương tiện giao thông - nhất là việc xe gắn máy cứ tự do gắn những chiếc còi xe hơi và còi những tiếng rú quái dị. Ngay cả việc xe gắn máy phải gắn kính chiếu hậu - Một số người đã đối phó bằng việc gắn trên phương tiện những chiếc kính chiếu hậu đối phó - nó chỉ dùng cho mỗi mục đích đối phó khi tham gia giao thông và hoàn toàn không có một giá trị sử dụng nào khác.

2. Mức phạt với người tham gia giao thông vi phạm: cần nâng thật cao mang tính răn đe, thậm chí tịch thu phương tiện giao thông đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng. Sắp tới đây, mức phạt không đội mũ bảo hiểm được nâng lên gấp 5 lần - Các anh chị xem mọi người sẽ TỰ GIÁC đội mũ hết!

3. Giám sát việc thi cử và cấp bằng lái: tiệt trừ triệt để những tiêu cực trong khâu thi cử cấp bằng. Trước nay, nhiều người đã qua việc bỏ ra một ít tiền chạy chọt để có được bằng và những người này đã và đang tham gia giao thông mà trong đầu hoàn toàn không có một kiến thức về luật GT - ĐB. Họ chính là hiểm họa và là nguy cơ chính cho tai nạn giao thông. Đó là một thực tế, báo SGGP có thể kiểm chứng ngẫu nhiên và trực tiếp những cá nhân tham gia giao thông bằng những câu hỏi đơn giản về luật giao thông.

4. Cần nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cảnh sát giao thông để giám sát việc tuân thủ luật của các cá nhân tham gia giao thông và triệt để, không nương tay xử lý các tình huống vi phạm.

Dang Anh Dzung
dwbdung@gmail.com

           Thưa quý báo, nhân dịp có diễn đàn về giao thông tôi xin đề nghị: Ngoài việc bắt buộc người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, còn có một vấn đề rất quan trọng đã gây tác động không nhỏ trong việc tham gia giao thông, đó là việc các loại đèn pha chiếu sáng cực mạnh của các loại xe tay ga như SH, Spacy, Attlila, Nouvo, Yamaha serius... mà các "cụ non" lắp thêm đèn Halogen làm chóa mắt người đi ngược chiều không thấy để tránh né gây ra tai nạn giao thông. Tôi còn nhớ trong mấy năm trước đây một thời ngành Công an và Giao thông công chánh buộc phải che chắn 1/4 chóa đèn bằng cách sơn màu vàng hoặc dán đề can để không làm chóa mắt người đi ngược chiều. Tôi mong rằng ngành Công an và Giao thông công chánh nên qui định lại việc áp dụng này sẽ giảm bớt tai nạn giao thông nhất là đi ban đêm trên quốc lộ. Nghiêm cấm triệt để thì mới có hiệu quả.

Lê Thước Thiện (lephuocthiet@yahoo.com)

           Ngoài những giải pháp báo chí đã nêu như: Phân luồng phân tuyến giao thông; xe đưa rước học sinh, sinh viên tập trung; điều chỉnh phương tiện xe bus công cộng... Tôi xin góp vài ý kiến sau: Kiểm soát lại chặt chẽ bằng lái xe đối với những người đã và đang đăng ký cấp bảng số xe. Chỉ cấp bảng số lưu hành cho người có bằng lái. Thu tiền thuế môi trường và bến đỗ xe nơi công cộng đối với mỗi phương tiện cơ giới xe máy, lấy kinh phí tu sửa và mở rộng đường. Tăng cường đủ lực lượng cảnh sát giao thông áo vàng chốt chặn tại toàn bộ các nút giao lộ bằng cách: biến lực lượng áo xanh thành áo vàng, hoặc tăng cường lấy lực lượng cảnh sát giao thông từ học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Làm như vậy được mấy cái lợi sau đây: Giảm tối đa sai phạm giao thông; Giảm nạn cướp giật trên đường; Giúp hướng dẫn cho khách du lịch (vì học sinh có khả năng tiếng Anh); Trang bị camera quan sát, tăng cường xử phạt qua hình ảnh; Hạn chế xử phạt tại chỗ (trừ những sai phạm có tính nguy hiểm); Giải tỏa mở rộng hẻm; Xây dựng mạng lưới cộng tác viên kiểm tra báo cáo kịp thời về tình trạng đường xá và ùn tắc giao thông.

Đăng Minh Trí (dminhtri@hcmpt.com.vn)

           Việc sử dụng giải pháp tình thế học lệch giờ là một việc làm thiếu khoa học, không hợp lý và lãng phí. Thứ nhất một giáo viên dạy ở 2 trường (chính thức và thỉnh giảng) - thời khóa biểu trường này tiết 1, 2 và trường kia là tiết 3, 4 nếu lệch giờ sao đảm bảo thời gian lên lớp? Thứ hai việc xếp học sớm, học muộn sẽ chi phối đến giờ làm việc của PHHS dẫn đến việc đưa đón không đúng giờ, thời gian học sinh la cà ngoài trường nhiều hơn. PHHS sẽ bỏ công sở nhiều giờ để đưa đón học sinh. Hiện nay hạ tầng giao thông của thành phố chúng ta rất tệ, việc giáo dục xử lý chỉ mang tính hình thức nên việc chấp hành của người dân trong tham gia giao thông rất kém. Đơn cử một trường hợp do quãng đường giao thông ngắn, giao lộ nhiều- tuyến giao thông này dừng thì cắt ngang luôn tuyến giao thông kia. Tại sao luật không đưa ra xử lý ngay lái xe dừng đậu xe vi phạm ngay giao lộ khi lưu thông?.... Theo tôi, điều cần làm ngay bây giờ là phải tăng cường kiểm tra xử phạt kịp thời 24/24 tất cả các vi phạm như lái xe môtô không bằng, không giấy tờ xe, chạy xe lấn tuyến vượt đèn đỏ, lạng lách, nẹt pô... lái xe ô tô dừng đậu xe vô ý thức cản trở giao thông.... Kỷ cương giao thông được tăng thêm sẽ giảm bớt tai nạn giao thông. Bên cạnh đó là sự trong sạch của lực lượng CSGT.

tuanviet_le@yahoo.com

Đầu tư hạ tầng, tăng cường kiểm tra, xử lý

           Mặc dù không phải là chuyên gia về giao thông, nhưng để góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, hưởng ứng vận động của Báo SGGP, tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây.

Giải quyết ùn tắc giao thông tại ngã tư An Sương: Thực hiện 3 giải pháp cấp bách 

          Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (Sở GTCC TPHCM), để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên tại khu vực ngã tư An Sương (quận 12), phải triển khai ngay 3 giải pháp cấp bách. Click vào đây để xem ý kiến này

Đề xuất nhiều phương án lệch giờ, lệch ca

          Sở LĐTB-XH TPHCM vừa gửi các phiếu khảo sát thời giờ làm việc đến các cơ quan, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP để thu thập thông tin và ý kiến đề xuất về các phương án lệch giờ, lệch ca nhằm giảm bớt lưu lượng giao thông giờ cao điểm. Click vào đây để xem ý kiến này

Ông Huỳnh công minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:
 Nếu hầu hết học sinh đi bằng xe buýt thì quá tốt!

         Như Báo SGGP ngày 4-10 đã đăng tin “TPHCM điều chỉnh giờ học, giờ về theo khu vực”, nhiều ý kiến cho rằng việc sắp xếp lệch giờ giữa các khối trong từng trường như đề xuất của Sở GD-ĐT là rất khó vì thời khóa biểu cho các khối lớp đã ổn định, nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn. Mặt khác, lệch giờ chỉ từ 5-10 phút sẽ không giải quyết được vấn đề kẹt xe. Ông HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết:

Tăng cường giáo dục giao thông cho toàn dân

           Tai nạn giao thông ở nước ta những năm qua và hiện nay thật khủng khiếp. Là mối lo sợ thường trực của nhiều người khi bước chân ra khỏi nhà.

Làm gì, làm thế nào để giảm bớt tai nạn giao thông hiện nay? Về trách nhiệm của người tham gia giao thông, theo tôi, có hai nguyên nhân cơ bản cần khắc phục:

Sự thiếu hiểu biết về kiến thức giao thông như là những kiến thức về chuyển động, về tầm nhìn của người tham gia giao thông. Click vào đây để xem ý kiến này

Giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng trường 
Học sinh đi xe đưa rước hay điều chỉnh giờ học?

           Trước tình trạng bùng phát ùn tắc giao thông hiện nay, UBND TPHCM đã đề ra rất nhiều giải pháp, trong đó đề án lệch ca, lệch giờ học được kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, sau khi Sở Giáo dục – Đào tạo có văn bản hướng dẫn các trường điều chỉnh giờ học thì nhiều ý kiến quan ngại về sự thiếu khả thi của giải pháp này. Những ý kiến này nghiêng về hướng nên tổ chức tốt hơn nữa việc đưa rước học sinh. Vấn đề cần nhìn lại là lâu nay việc đưa rước học sinh được tổ chức thế nào, hiệu quả hay không và cần bổ sung những gì? Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này

Chống ùn tắc giao thông ở TPHCM 
Những giải pháp cấp bách

          Tình trạng kẹt xe ở TPHCM đã trở thành thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân cơ bản, ai cũng biết là thiếu hạ tầng mà quá tải phương tiện. Để giải quyết tình trạng này, không thể trong vài ba năm bởi sự mất cân đối này là hậu quả của một loạt cơ chế chính sách quản lý bất cập: phát triển dân cư đô thị không theo (và không có) quy hoạch, hạ tầng đô thị đầu tư không đi trước tốc độ phát triển đô thị, phương tiện lưu thông cá nhân tăng vô tội vạ, không thể quản lý…Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này

            Tôi tên Trần Quôc Bình, sinh sống tại đường Bùi Viện, TPHCM, tham gia giao thông hàng ngày trên đường phố, tôi nhận thấy rất nguy hiểm khi tham gia giao thông.

1/ Còn thấy nhiều chiến sĩ công an rất hạn chế nghiệp vụ : Điều chỉnh đèn tín hiệu không hợp lý, làm cho tắt nghẽn ở các ngã tư, chỉ chăm chú đến phạt những xe du lịch, còn xe biển số đỏ (quân đội), biển số xanh (Hành chánh sự nghiệp), buýt và taxi, ba bánh ... thì lơ, bỏ qua, tạo tiền đề không nghiêm trong luật pháp, người tham gia giao thông bất bình
Nếu sở công an không có đội ngũ chuyên nghiệp, công bằng trong xử lý ..làm sao giảm nạn kẹt xe ?

2/ Nhiều xe được lơ bỏ qua như xe biển số đỏ (quân đội), biển số xanh (Hành chánh sự nghiệp), buýt, ba bánh...chạy lấn tuyến, vi phạm nhiều lỗi trong giao thông...kẹt xe và tai nạn giao thông ắt xảy ra.

Nếu các lãnh đạo của các xe biển đỏ, biển xanh không uốn nắn, giáo dục lái xe của mình thì làm sao giúp Sở Giao thông công chánh giải quyết kẹt xe

3/ Đến giơ tan học rất nhiều phụ huynh đứng loạn xạ, chiếm hết lòng đường cho xe chạy, kẹt xe ắt xảy ra.
Tại sao hiệu trưởng của trường không chịu trách nhiệm về kẹt xe trước trường của mình quản lý ?

4/ Xe buýt, xe taxi: là những xe chạy thiếu trật tự, kỷ luật nhất
Nếu tổ trưởng, trưởng phòng của các công ty vận tải công cộng không được ngài giám đốc quan tâm, dạy dỗ làm sao hỗ trợ cho Sở Giao thông công chánh?

Tất cả phải vì một thành phố sạch đẹp văn minh và cùng nhau xây dựng!

Trần Quốc Binh
(vpttradingco@hcm.vnn.vn)

            Chúng tôi rất sợ bị công an phạt mà cũng không nhớ sẽ bị phạt như thế nào, vì thế nên:

Chúng ta thấy có phong trào "Học sử trên đường phố" thì nên phát động "Học luật trên đường phố" nghĩa là: tại các ngã tư giao lộ, đường ngược chiều, gốc cây trụ điện .... nên treo bảng báo, băng rôn ghi rõ sồ tiền bị phạt, bị giam xe bao nhiêu ngày nếu vi phạm..... Khi người đi xe thấy các biển báo này tự nhiên họ sẽ sợ, cảnh giác, tự đi đúng luật hơn...do đó sẽ bớt công an tuần tra tăng cường cho việc khác. Chúng ta nói nhiều về ý thức của người tham gia giao thông mà không có các biện pháp cụ thể, trực quan. Ở nước ngoài họ ghi rất cụ thể bằng con số mọi việc ở các nơi thì dễ đi vào đầu của người dân hơn là chỉ nói chung chung hô hào khẩu hiệu.

Người đi xe gắn máy hay lấn sang trái qua phía lòng đường bên kia nếu thấy trước mặt họ ùn tắc (nhất là chỗ rào cản khi xe lửa chạy qua), điều này làm cho đường mau bị tắc hơn, cần phải phạt nặng vi phạm này.

Nên xã hội hóa việc tuyên truyền ý thức và giáo dục công dân chấp hành luật giao thông, văn minh đường phố..... cho những công ty tư nhân đấu thầu, vì lực lượng TNXP và Công an hiện nay chủ yếu chỉ làm việc hướng dẫn và ...phạt.

Đạo Đức Gia
(daoducgia50@yahoo.com.vn)

Chống ùn tắc kẹt xe trong TP: Giải pháp “sống chung với... kẹt xe”

Giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe ở TPHCM và Hà Nội trong một số năm tới, có thể nói là vô kế khả thi, cũng như giải quyết dứt điểm lũ về hàng năm đối với ĐBSCL. Tuy nhiên, cần phải tìm ra những giải pháp cấp bách, tạm thời, trước khi có những đầu tư lớn, cải tạo cơ bản. Theo tôi - như ĐBSCL đang thực thi chính sách “sống chung với lũ” - đó là giải pháp “sống chung với kẹt xe”. Nói “sống chung” không có nghĩa là không làm gì cả mà là chấp nhận hiện trạng và sử dụng mọi biện pháp, mọi phương án, có khi “không giống ai” để cải thiện từng phần, từng điểm thường xuyên gây ùn tắc kẹt xe. Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.

Thảm họa kẹt xe: Nước đến chân mới nhảy

           Bài toán giao thông TP đã quá muộn, tất cả các giải pháp bây giờ chỉ là tình thế mà thôi. Muộn nhưng không phải không có cách. Lâu nay cứ kẹt xe là người ta cứ trách Ông Giao Thông. Hơi không công bằng, xem lại tôi thấy có nhiều nguyên nhân gián tiếp nhưng lại rất cơ bản từ qui họach tổng thể. Nếu nói là chúng ta không có tầm nhìn là sai, vì từ mấy năm trước vấn đề này đã tốn kém nhiều giấy mực và thời gian để giải quyết, nào là giải pháp xe Bus, làm việc lệch giờ, đăng ký mỗi người 1 xe, hạn chế nhập hộ khẩu, đội nón bảo hiểm, thu phí cao, hạn chế xe các tỉnh khác… Đã có bao nhiêu công trình giao thông mới khánh thành đều lạc lậu ngay khi mới khai sinh. Như đường Điện Biên Phủ rộng thoáng, nhưng lại tắt ở 2 đầu vòng xoay. Cầu Nguyễn Tri Phương, Chánh Hưng có quá nhiều giao lộ ở 2 phía. Các con đường mới giao lộ quá nhiều. Nhiều cơ quan xây lại lớn hơn, các tòa nhà mới mọc lên ở trung tâm. Qui hoạch giao thông cho khu dân cư mới chưa kịp với tăng dân số. Ngay cả khu Phú Mỹ Hưng Q7 còn thiếu các giao dịch, dịch vụ như Bưu Điện, Ngân hàng, Siêu thị lớn, dịch vụ cho ôtô, Điện máy, Bệnh viện cho dân thường, trường học, trung tâm giải trí, du lịch, nhà hát… Các công trình giao thông xuyên TP thi công quá chậm. Từ trung tâm về Gò vấp, Q12, Tân Phú, quận 11, quận 6… phải vượt qua bao nhiêu là khổ ải, hậu quả bây giờ mà không thể làm được trong ngày một ngày hai, Ít nhất 5 -10 năm nữa mới có hy vọng giảm kẹt xe nếu qui họach đô thị văn minh được thực hiện nghiêm từ bây giờ.

 Tôi có mấy ý kiến nhỏ, chúng ta cần làm nhanh:

A. Việc Trước tiên ta có thể làm nhanh:

1. Thông báo trực tuyến trên các phương tiện thông tin có sẵn (đài phát thanh, điện thoại di động) về tình trạng kẹt xe ở các chốt để tránh hoặc đi đường khác hoặc lúc khác mới đi, nên tận dụng kênh thông tin có sẵn không tốn kém gì, mạng di động nào áp dụng lại càng tăng thêm tiệc tích cho KH của họ.

2. Hạn chế quẹo trái các giao lộ, đa số giao lộ kẹt xe là do nhiều xe quẹo trái, không đi đúng vạch qui định.

3. Đảm bảo điện cho đèn tín hiệu giao thông, ngành điện lực phải ưu tiên cấp điện 24/24.

4. Tăng cường CSGT trên các nơi có nguy cơ kẹt xe, có mặt trước giờ cao điểm mới ngăn chặn được kẹt xe.

5. Phân luồng đường 1 chiều nhiều hơn ở khu nội ô, đang có hiệu quả nên triển khai tiếp.

6. Phạt nặng những xe cơ quan (biển số xanh, số đỏ) các xe này hay lấn tuyến sai luật nhưng CSGT ngại phạt.

7. Phạt nặng hơn các lỗi vi phạm luật giao thông, phạt bằng băng ghi hình sẽ có hiệu quả và răn đe những khi không có CSGT.

8. Chấn chỉnh trật tự, lấn chiếm lề đường (giao địa phương chịu trách nhiệm), làm mỗi ngày chứ không chỉ có chiến dịch.

B. Kế tiếp:

1. Bố trí giờ làm việc lệch ca: giảm lượng xe ra đường cùng lúc áp dụng cho các đối tượng trường học, công nhân sản xuất, công chức văn phòng …

2. Hạn chế hoặc cấm các xe đẩy bán hàng rong, họ hay phạm luật mà CSGT không phạt vì họ nghèo quá.

3. Hạn chế, phân giờ chạy các xe tải, xe chuyên dùng.

4. Loại bỏ dần các phương tiện giao thông cũ, thô sơ. Một xe tải cũ hay ba-gác chết máy thì khổ cả con đường.

5. Hạn chế xe taxi, có quá nhiều taxi trong nội ô, lái xe thường chạy ẩu, sai luật, lấn đường.

6. Thi công đồng bộ cùng lúc các hạng mục (điện, điện thoại, nước, cáp) trên cùng con đường. Việc thi công nhiều lần cũng là nguyên nhân kẹt xe, làm hư đường, mất vệ sinh..

7. Thiết lập lại hệ thống giao thông công cộng, xe Bus chưa làm tốt và duy nhất.

8. Chống ngập nước hiệu quả, cũng làm giảm nguyên nhân kẹt xe.

C. Về lâu dài:

1. Nhanh di dời các cơ sở nhà máy ra KCN.

2. Xây nhà ở tại chỗ cho Công nhân tại KCN, ký túc xá Làng Đại học, khu nhà ở cho NV Bệnh viện.

3. Giáo dục ý thức văn minh giao thông từ nhà trường, không chỉ dạy luật mà còn giáo dục về ý thức văn minh và lòng tự trọng của con người.

4. Xây đường trên cao các tuyến quan trọng xuyên TP, từ trung tâm đi sân bay, ra các khu dân cư tập trung, ra vành đai TP

5. Xây nhanh các tuyến vành đai, nối các đầu ngoại ô với nhau từ Đông, Tây, Nam , Bắc; hạn chế việc đi lại phải xuyên qua trung tâm TP

6. Xây cầu vượt các giao lộ có lưu lượng lớn, giảm tối đa các giao lộ.

7. Qui họach xây đường giao thông cho khu dân cư mới ra ngoài trung tâm.

8. Dời và xây mới tất cả công trình lớn, bệnh viện, trường đại học ra phía ngoài vành đai. Đổi đất trung tâm lấy ngân sách để xây mới hạ tầng mới hiện đại hơn.

9. Triển khai nhanh xe điện gần các tuyến huyết mạch, đô thị văn minh không thể thiếu phương tiện này.

10. Ưu đãi đầu tư, chủ động phát triển khu thương mại dịch vụ tại chỗ các cụm dân cư, hạn chế đi lại về phía trung tâm.

11. Qui họach giao thông có tầm nhìn 20 năm (hoặc hơn) các công trình giao thông mới.

12. Qui họach tổng thể phát triển đô thị, phân bố dân cư theo hướng văn minh.

Tôi không là nhà chuyên môn hoạch định qui họach, công việc khá bận rộn nên không có thời gian phân tích chi tiết. Tôi chỉ đưa ra đại khái các vấn đề lớn nhìn thấy mỗi ngày qua trực quan. Nếu các nhà quản lý thấy hiến kế của tôi là chấp nhận được tôi rất sẵn sàng. Tôi là người con, sống và lớn lên với niềm tự hào của TP này, nhưng gần đây tôi rất đau và bức xúc khi mỗi ngày 2 lần đi về trên các ngã đường đầy ô nhiễm và ùn tắc. Hy vọng không phải hôm nay, vài năm sau hay lâu hơn nữa cũng hãy cố gắng vì tương lai vì vinh dự của chúng ta, của TP. Hồ Chí Minh và cả Việt Nam.

 Lâm Văn Nga
(lamvannga@yahoo.com)

           Theo tôi trình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông hiện nay phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông, vì thế cần phải có các biện pháp mạnh đối với những người vi phạm,tôi xin đề nghị tăng thêm các biện pháp phạt hiện tại không có trong luật như sau:

- Ngoài các biện pháp giam giữ giấy tờ xe hay giam xe, thì Cảnh sát giao thông cấp thêm cho người vi phạm giấy đề nghị tới tham quan khoa cấp cứu tai nạn giao thông, tại các bệnh viện và trên giấy đề nghị này có phần xác nhận của Bệnh Viện, và khi có phần xác nhận này thì CSGT mới trả lại giấy tờ xe cho người vi phạm.

- Cần tăng thêm các bảng điện tử nơi công cộng như ở góc đường Phạm Ngũ Lão và Trần Hưng Đạo để chiếu hình ảnh, họ tên và địa chỉ của người vi phạm và các báo cũng nên dành thêm trang để đăng những người này. Cách này có ý nghĩa rất lớn vì tất cả mọi người không ai muốn hình ảnh của mình được đăng lên những chỗ này, vì thế sẽ nhắc nhở họ luôn ý thức khi tham gia giao thông.

 Ngô Duy Tha
(tha_nd@vinhtam.com)

            Tôi xin có mấy ý kiến về nguyên nhân kẹt xe TP HCM như sau:

Tại các giao lộ ngã tư / ngã ba: bất cập + ý thức kém = thủ phạm chính là Hệ thống đèn báo không hiệu quả và phát huy hết vai trò chủ đạo. Cảnh người rồng rắn chen chúc chờ qua giao lộ khiến tình hình trở nên hết sức khẩn trương phức tạp hỗn loạn, ai cũng tranh thủ từng giây phút - từng mét đường quý báu để hòng thoát và vượt qua cửa ải. Trong tình hình đó khi đèn vàng báo thì cả 2 phía đối nghịch giao lộ đều tranh thủ, nhất là các xe lớn đều muốn nhanh chóng vượt qua, khi đèn đỏ đã lên thì vẫn còn khá nhiều xe lớn xe nhỏ nằm chật kín lòng đường ngay giữa giao lộ, vì bị kẹt lại giữa chừng hai làn nước do tranh thủ qua nhưng không được. Tình hình ngày càng trở nên bi đát hơn khi các xe ở bên phía đèn xanh tranh thủ len lỏi rồng rắn đi lên ... và tất cả đều bị kẹt cứng không nhúc nhích được làm ùn tắc kéo dài ảnh hưởng dây chuyền đến các giao lộ - khu vực khác . Tình trạng này xảy ra rất thường xuyên và là thủ phạm chính gây ùn tắc, nhất là khi mất điện thì càng thảm hại hơn nữa .

Cảnh sát giao thông - thanh niên tình nguyện không đủ sức và lực lượng để can thiệp kịp thời: đôi khi không có mặt tại chỗ, khi có bất kỳ một va chạm nào dù nhỏ dù lớn đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng ùn tắc ứ đọng. Có khi các bên vi phạm cứ thản nhiên để phương tiện nằm giữa lòng đường, gây gổ, cãi vã hoặc gây náo lọan đường phố cả giờ, đường phố trở nên ùn ứ nhất là khi lực lượng giao thông chưa có mặt kịp thời.

Đề nghị:

- Cải tiến lại hệ thống đèn báo cho phù hợp: kéo dài thêm thời gian đèn vàng? Thực thi cho đúng, thống nhất thời gian đèn báo tín hiệu tại các giao lộ đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng là bao nhiêu phút?

- Thành lập ngay các đội giải quyết trực ban thường trực giao thông, nhất là các khu trọng điểm.

- Giao trách nhiệm cụ thể.

- Tập huấn xử lý tình huống tốt.

- Xử phạt thật nghiêm các trường hợp lấn chiếm vi phạm trật tự. Bất kỳ phương tiện nào không ý thức chấp hành tín hiệu, tranh thủ vượt khi đèn vàng báo tại các giao lộ - là thủ phạm gây ùn tắc phải xử phạt nặng.

 - Phải xây dựng chế độ - phương pháp thật sự thông thoáng, nhanh chóng giải quyết hiệu quả các va quẹt dẫn đến tranh chấp trên đường phố và phổ biến cho người dân cùng biết để thực hiện.

- Thông báo rộng khắp cho người dân biết về thực thi tín hiệu giao thông, các xử lý giải quyết va chạm.

- Thảo luận học tập phổ biến tôn trọng luật lệ giao thông không chỉ ở các trường học mà còn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các chương trình họp tại tổ dân phố.

Nguyên Chương
(desexim@hcm.fpt.vn)

Tin cùng chuyên mục