Tăng cường giáo dục giao thông cho toàn dân

Tai nạn giao thông ở nước ta những năm qua và hiện nay thật khủng khiếp. Là mối lo sợ thường trực của nhiều người khi bước chân ra khỏi nhà.

Làm gì, làm thế nào để giảm bớt tai nạn giao thông hiện nay? Về trách nhiệm của người tham gia giao thông, theo tôi, có hai nguyên nhân cơ bản cần khắc phục:

Sự thiếu hiểu biết về kiến thức giao thông như là những kiến thức về chuyển động, về tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Thiếu ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông.

1. Sự hiểu biết của mỗi người đã bao gồm sự hiểu biết về luật lệ giao thông. Mặt khác, không có luật lệ nào nói hết được các trường hợp gây ra tai nạn giao thông và cũng không bao giờ có đủ cảnh sát giao thông để bắt được các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông ở mọi lúc, mọi nơi. Do đó, sự hiểu biết trước hết là kiến thức phổ thông của mỗi người tự điều chỉnh khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện. Mỗi người đồng thời cũng là một cảnh sát giao thông tự giác, chấp hành đúng luật lệ giao thông ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt đội ngũ hành nghề lái xe ô tô, tàu hỏa, tàu thủy... phải có đủ trình độ văn hóa như tốt nghiệp trung học phổ thông, được đào tạo bài bản để có tay nghề cao. Sự hiểu biết về giao thông, tự giác phòng tránh được những tai nạn có thể xảy ra cho mình và cho người khác luôn luôn là một bài toán đối với từng người trong quá trình tham gia giao thông, nhất là đối với những người điều khiển phương tiện chuyên chở hành khách.

Kiến thức thường trực về giao thông ở mỗi người phải được giáo dục rèn luyện từ cơ sở lý luận đến thực hành và thói quen bắt đầu từ nhà trường phổ thông. Những định luật về quán tính, vận tốc, bảo toàn vận tốc cả hướng và cường độ, những khái niệm gia tốc, chuyển động biến đổi, chuyển động cong, tròn, lực hướng tâm, ly tâm học sinh phải được liên hệ với thực tế tham gia giao thông. Trường hợp tai nạn xảy ra đối với tàu hỏa E1 tại khu vực Lăng Cô ngày 12-3-2005 làm hơn 10 người chết và gần 100 người bị thương là do người lái cho tàu chạy vượt 72% tốc độ cho phép ở chỗ đường cong nên tàu bị trật bánh (có thể lái tàu chưa hiểu sâu sắc về định luật bảo toàn vận tốc và về lực hướng tâm...). Giáo viên có thể thực hành thí nghiệm cho học sinh quan sát khi cho tàu xe chạy theo đường cong...

Các định luật vật lý có thể ứng dụng trong giao thông cũng cần được dạy kỹ hơn và có giờ thực hành cho học sinh để giải thích các trường hợp tàu xe hút người, các tàu thuyền hút nhau...

2. Tai nạn giao thông nhiều như hiện nay phản ảnh ý thức chấp hành luật lệ của một bộ phận người tham gia giao thông quá kém, bất chấp, coi thường pháp luật. Điều đó cũng phản ảnh chất lượng giáo dục trong các nhà trường của chúng ta với mục tiêu học để biết, để làm người, chưa được quán triệt... Tai nạn giao thông như hiện nay cũng phản ảnh chất lượng đào tạo của các trường lớp, trung tâm dạy nghề lái tàu, lái xe còn thấp. Đặc biệt những người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy không qua đào tạo có bài bản, không được sát hạch thực hành mà vẫn có bằng lái do mua bán bằng cấp. Ngày nay với trình độ kỹ thuật cao, tốc độ tàu xe lớn hơn trước, mật độ phương tiện lớn hơn trước đòi hỏi người lái phải có trình độ văn hóa và kỹ thuật cao hơn. Vì vậy đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng chấn chỉnh lại hệ thống trường đào tạo nghề lái cho đường bộ, đường thủy. Ngăn chặn ngay các đường dây, tổ chức cá nhân mua bán bằng lái ô tô, xe máy...

Để giải quyết được chất lượng con người tham gia giao thông trên cơ sở hai nguyên nhân đã nói trên, Chính phủ cần có ngay một dự án quốc gia có tầm cỡ chiến lược đưa giáo dục giao thông vào các nhà trường phổ thông, chuyên nghiệp và giáo dục phổ cập cho toàn dân về giao thông. Chỉ có làm được như vậy, hy vọng một vài thập kỷ tới nước ta mới cơ bản giảm nhẹ được tai nạn giao thông. Trước mắt vẫn cần phải tăng cường các giải pháp tình thế như xử lý nghiêm ngặt hơn các hành vi vi phạm luật lệ giao thông...  

Nhà giáo TRẦN HỮU TRÙ
Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT

Tin cùng chuyên mục