Ông Huỳnh công minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Nếu hầu hết học sinh đi bằng xe buýt thì quá tốt!

Như Báo SGGP ngày 4-10 đã đăng tin “TPHCM điều chỉnh giờ học, giờ về theo khu vực”, nhiều ý kiến cho rằng việc sắp xếp lệch giờ giữa các khối trong từng trường như đề xuất của Sở GD-ĐT là rất khó vì thời khóa biểu cho các khối lớp đã ổn định, nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn. Mặt khác, lệch giờ chỉ từ 5-10 phút sẽ không giải quyết được vấn đề kẹt xe. Ông HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết:

Văn bản hướng dẫn các trường điều chỉnh thời gian giờ học và giờ về của học sinh (HS) các cấp chỉ là gợi ý để các trường xem xét thực hiện chứ hoàn toàn không mang tính áp đặt. Căn cứ vào tình hình thực tế và mật độ lưu thông trên địa bàn, các trường có thể linh động bố trí lệch giờ cho các cấp.

Theo đó, bậc mầm non: giờ học 8 giờ, giờ về 16g30. Bậc tiểu học: giờ học và giờ về buổi sáng là 7g30-11g30, buổi chiều: 13g15-16g45. Bậc THCS: sáng 7g-11g 30, chiều: 13g15-17g15. THPT: sáng 6g45-11g30, chiều: 13g30-17g45. Hiệu trưởng tổ chức bố trí lệch giờ học và giờ ra về giữa các khối lớp trong toàn trường từ 5-10 phút. Đối với các trường ở vị trí gần nhau trong khu vực, hiệu trưởng các trường chủ động họp bàn để phân bổ, điều chỉnh giờ về lệch nhau theo từng khu vực nhằm làm giảm ùn tắc giao thông trong giờ HS ra về.

* Có ý kiến cho rằng, trong tình hình hiện nay tại TPHCM, nên cấm hẳn HS đi xe gắn máy đến trường?

* Luật chỉ cấm HS chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái đi học bằng xe gắn máy phân khối lớn. Việc cấm HS đi xe gắn máy đến trường phải là thuộc cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu có cấm thì phải song song với mở rộng các loại hình xe công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của HS. Chức năng của ngành GD-ĐT chỉ có thể tuyên truyền, vận động HS hạn chế HS đi xe gắn máy chuyển sang đi xe công cộng.

* Nhưng công tác tuyên truyền, vận động HS đi học bằng xe đưa rước không đạt hiệu quả như ông vừa thừa nhận. Phải chăng còn do bên cung cấp xe chưa thay đổi quan điểm từ phục vụ chuyển sang loại hình dịch vụ chất lượng cao?

* Hàng năm, Sở GD-ĐT đều tổ chức họp với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, giống như hình thức hội nghị khách hàng, góp ý để bên phục vụ rút kinh nghiệm, tăng chất lượng cho PHHS. Trung tâm rất muốn tăng cường xe, tăng tuyến để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là tăng tuyến trực tiếp. Nhưng điều này lại gây tốn kém cho nhà xe. Xe buýt yêu cầu tài trợ với hình thức bù lỗ mới làm được. Tôi nghĩ dần dần mỗi bên phải phấn đấu cải thiện một chút để gần nhau hơn. Nếu hầu hết HS đều đến trường bằng xe buýt và xe đưa rước thì quá tốt cho các em, gia đình và xã hội.

* Xin cảm ơn ông! 

HỒNG LIÊN 

Hà Nội: 4 mức xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông

Công an TP Hà Nội vừa gửi danh sách 50 học sinh của một số trường trung học phổ thông vi phạm Luật Giao thông về Sở GD-ĐT. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ xử lý nghiêm những học sinh vi phạm, mức cao nhất là đuổi học. Trong năm học này, học sinh vi phạm Luật Giao thông sẽ bị xử lý theo 4 mức: kiểm điểm, phê bình trước lớp; nghỉ học 1 ngày; hạ 1 bậc hạnh kiểm; ghi học bạ và buộc thôi học. Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, học sinh đi xe máy không có giấy phép lái xe sẽ bị tạm giữ phương tiện 3 tháng.

T.KHUÊ

Tin cùng chuyên mục