Chống ùn tắc giao thông ở TPHCM

Những giải pháp cấp bách

Tình trạng kẹt xe ở TPHCM đã trở thành thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân cơ bản, ai cũng biết là thiếu hạ tầng mà quá tải phương tiện.

Tình trạng kẹt xe ở TPHCM đã trở thành thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân cơ bản, ai cũng biết là thiếu hạ tầng mà quá tải phương tiện. Để giải quyết tình trạng này, không thể trong vài ba năm bởi sự mất cân đối này là hậu quả của một loạt cơ chế chính sách quản lý bất cập: phát triển dân cư đô thị không theo (và không có) quy hoạch, hạ tầng đô thị đầu tư không đi trước tốc độ phát triển đô thị, phương tiện lưu thông cá nhân tăng vô tội vạ, không thể quản lý…

Các giải pháp đề ra như hạn chế sử dụng xe cá nhân của công dân là không thể trong khi phương tiện công cộng lưu thông trong nội đô chưa đáp ứng nhu cầu. Việc đầu tư phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu lưu thông là giải pháp căn bản nhưng không thể làm trong ngày một ngày hai bởi thiếu quy hoạch, thiếu vốn và thiếu cả năng lực thi công (rất nhiều công trình cầu đường thi công kéo dài vì năng lực thi công và quản lý thi công quá yếu kém).

Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông là việc làm thường xuyên nhưng lâu dài… Vậy phải làm cách nào? Thời gian qua, ngành giao thông công chính TP đã quy định lại một số tuyến đường lưu thông 1 chiều; đặt thêm một số chốt đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ… là những biện pháp tác động tích cực theo hướng “giải pháp cấp bách chống ùn tắc giao thông ở TP” – đó là tìm ra giải pháp tác động, cải thiện điều kiện giao thông ở TP, ít tốn kém mà hiệu quả tức thời. Theo tôi, cần tiếp tục một số biện pháp sau:

1.
Điều chỉnh lưu thông từ những hẻm, đường xương cá băng qua các tuyến đường có mật độ lưu thông lớn… Đặc điểm những đường, hẻm băng qua đường lớn là điểm giao cắt không có đèn tín hiệu giao thông (và cũng không cần thiết vì dễ tạo ra dồn ứ) nên người điều khiển phương tiện có thể tùy tiện xuyên ngang, rất dễ gây tai nạn và kẹt xe bất kỳ lúc nào. Do vậy, ở những đường, hẻm xương cá ra đường lớn, cần quy định bắt buộc người điều khiển phương tiện quẹo phải (không được cắt ngang và quẹo trái). Đến giao lộ có đèn tín hiệu xanh đỏ mới được quẹo đúng hướng đi.

2.
Trước đây, Phòng CSGT TPHCM đã đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành giao thông, nay còn sử dụng nữa không? Theo tôi nếu sử dụng đúng công năng của nó là điều hành mạng lưới giao thông ở TP thì trên mọi đường phố, ở đâu có ùn tắc, trung tâm ghi nhận và có biện pháp xử lý ngay, như: thông báo hướng dẫn cho phương tiện tìm đường đi tránh; điều chỉnh lại thời gian của đèn tín hiệu giao thông phù hợp hơn; điều động tăng cường CSGT kịp thời giải tỏa, lập lại trật tự… Do vậy, cần kiểm tra, điều chỉnh và đưa vào hoạt động đúng công năng của Trung tâm Điều hành giao thông TP.

3.
Đặc điểm đường phố ở TPHCM, nhất là khu vực trung tâm, là có nhiều đường giao cắt. Việc bố trí đèn tín hiệu và điều khiển việc phát tín hiệu phải khoa học, hợp lý, nếu không sẽ trở thành nguyên nhân gây ách tắc, kẹt xe. Ví dụ, trên đường Hai Bà Trưng và Đồng Khởi, đoạn ngang Nhà hát TP, bị giao cắt bởi hai con đường bên hông nhà hát. Khoảng cách của hai con đường chỉ khoảng 50m mà có đến hai hệ thống đèn tín hiệu xanh đỏ bật tắt không có sự phối hợp nên phương tiện luôn bị ùn tắc từ đường này sang cả đường kia. Nếu có sự điều hành tốt từ trung tâm thì có thể khắc phục được sự cố này.

Nơi nào phát tín hiệu xanh, đỏ, thời gian cho phép (đèn xanh) dài hay ngắn là tùy theo chiều đường có lượng xe lưu thông nhiều hay ít; nơi nào cần bật đèn vàng nhấp nháy để người điều khiển phương tiện lưu ý cẩn trọng hơn mà không cần phải dừng lại vô ích. Không thể để tự động hóa cứng ngắt như hiện nay.

4.
Trên một số tuyến đường ra vào trung tâm TP có đặt dải phân cách, mục đích là để ngăn chặn phương tiện ngược chiều lấn tuyến, gây tai nạn. Tuy nhiên, lượng xe lưu thông trên mỗi phần đường vào những giờ nhất định thường không đều nhau. Ví dụ tuyến đường Hai Bà Trưng, CMT8, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… chiều vào trung tâm TP rất đông vào buổi sáng, và ngược lại vào buổi chiều. Đặt dải phân cách bằng bê tông cố định như hiện nay thì thường một bên kẹt xe trong khi một bên gần như để trống. Nếu thay bằng dải phân cách cơ động (bằng nhựa cứng, như ở các nước đã áp dụng) có thể di chuyển mở rộng làn đường tùy theo lưu lượng phương tiện, sẽ hợp lý hơn rất nhiều.

5.
Tình trạng xe hơi đậu dưới lòng đường một số tuyến đường, đã làm thu hẹp lòng đường, dễ gây nên kẹt xe khi lượng xe lưu thông tăng cao. Do vậy, cần phải kiên quyết xử lý tình trạng này, nhất là ở những tuyến đường xuyên tâm…

Trên đây chỉ là một vài biện pháp cụ thể. Chính quyền TP cần phải cụ thể hóa bằng chủ trương. Và ngành GTCC cùng với CSGT TP chịu trách nhiệm đề ra các biện pháp để thực hiện chủ trương này. Hy vọng như vậy, tình trạng ùn tắc, kẹt xe trong TP có thể giảm được đáng kể trong khi chờ phương án đầu tư lâu dài căn cơ hơn. 

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục