Chống ùn tắc kẹt xe trong TP:

Giải pháp “sống chung với... kẹt xe”

Giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe ở TPHCM và Hà Nội trong một số năm tới, có thể nói là vô kế khả thi, cũng như giải quyết dứt điểm lũ về hàng năm đối với ĐBSCL. Tuy nhiên, cần phải tìm ra những giải pháp cấp bách, tạm thời, trước khi có những đầu tư lớn, cải tạo cơ bản. Theo tôi - như ĐBSCL đang thực thi chính sách “sống chung với lũ” - đó là giải pháp “sống chung với kẹt xe”. Nói “sống chung” không có nghĩa là không làm gì cả mà là chấp nhận hiện trạng và sử dụng mọi biện pháp, mọi phương án, có khi “không giống ai” để cải thiện từng phần, từng điểm thường xuyên gây ùn tắc kẹt xe.

Cụ thể, trước hết, ngành GTCC lập danh sách những giao lộ, tuyến đường, nút cổ chai thường xuyên gây kẹt xe, thời điểm thường xảy ra kẹt xe mỗi ngày. Danh sách trên được thông báo cho CSGT và các địa phương.

- Về phía CSGT, vào thời gian và tại những điểm thường xuyên kẹt xe nói trên, phải bố trí lực lượng CSGT để kịp thời điều phối lưu thông, xử lý, giải tỏa ngay những “sự cố” có thể gây ách tắc, kẹt xe như lấn tuyến, va quệt, quay đầu xe… Nếu lực lượng CSGT không đủ, Công an TP có thể bố trí thêm cảnh sát cơ động và lực lượng TNXP tham gia điều khiển giao thông ở những “điểm đen” này (như lâu nay họ vẫn có mặt trên đường phố), làm sao bảo đảm mỗi điểm ách tắc có từ 4 – 10 người và có mặt ngay trước thời gian cao điểm.

- Về phía chính quyền địa phương: Quận và phường có trách nhiệm lập kế hoạch phối hợp giải tỏa kẹt xe trên địa bàn. Do vậy, cũng vào giờ cao điểm, tùy theo quy mô điểm ách tắc để điều động lực lượng công an quận, phường, phường đội và dân phòng tham gia điều khiển lưu thông.

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ không cho phép xe máy, xe đạp chạy trên lề đường – phần đường dành riêng cho người đi bộ. Thế nhưng thực tế tại những điểm ùn tắc thì người điều khiển phương tiện bất chấp, cứ thấy chỗ trống là lưu thông. Và chính lề đường, nếu không có những người bán hàng, để xe… chiếm dụng chắc chắn sẽ góp phần giải tỏa nhanh hơn các điểm kẹt xe đó.

Do vậy, cần sử dụng lề đường làm… tuyến giao thông dự phòng ở những điểm thường xuyên kẹt xe. Muốn được như vậy, phải giải phóng “chướng ngại vật” chiếm dụng lề đường. TP đã có chỉ thị cho các quận, phường dọn dẹp để trả lề đường cho người đi bộ từ ngày 15-10-2007 nhưng xem ra khó khả thi trên toàn TP trong thời gian ngắn vì có hàng ngàn gia đình sống bám vỉa hè, hàng trăm bãi giữ xe sử dụng vỉa hè sẽ giải quyết như thế nào? Tuy nhiên đối với lề đường ở một số điểm thường xuyên gây kẹt xe, vào thời gian nhất định trong ngày thì hoàn toàn có thể. Vấn đề là ai làm và làm như thế nào? Trách nhiệm này trước hết là chính quyền phường.

Tại các điểm thường xuyên ùn tắc được thông báo trước, chính quyền phường tổ chức họp tổ dân phố, vận động các hộ dân, các chủ cửa hàng ở mặt tiền đường trong khu vực cam kết quản lý sử dụng lề đường không được để xe, bày hàng và các vật dụng khác ra lề đường vào giờ cao điểm. Đồng thời, giao trách nhiệm cho công an, phường đội, thanh niên xung kích của phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở dọn dẹp các chướng ngại vật, trả lại đường thông hè thoáng vào trước giờ cao điểm kẹt xe.

Cũng tương tự, tại các đường xương cá – đường nhỏ và hẻm đâm ra đường lớn - vào giờ cao điểm, cũng cần có người điều khiển giao thông để ngăn chặn phương tiện tùy tiện cắt ngang hoặc quẹo trái, có thể gây kẹt xe “cục bộ”…

- Để giải pháp “sống chung với kẹt xe” có thể thực hiện, trước hết, chính quyền TP cần cụ thể hóa thành chủ trương; tổ chức hội nghị triển khai, giao nhiệm vụ cho các sở ngành, quận huyện và bàn biện pháp phối hợp thực hiện. Và việc triển khai cũng rất cần… cấp bách, vì tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn TP đang diễn từng ngày từng giờ, thường xuyên liên tục. Càng để lâu, càng… kẹt!

Trung Nguyên

Tin cùng chuyên mục