Văn hóa ứng xử

Cho và nhận…

      Nhớ tiết đông Hà Nội, thèm cái cảm giác “chạm vai gầy áo mẹ”, tạm gác một năm hối hả “cày cuốc”, lòng rạo rực xếp vội gánh hành trang cho chuyến bay tối về quê ăn tết. Bước vào phi trường, Vietnam Airlines (VNA) đón chào quý khách với lời cáo lỗi sẽ khởi hành trễ hai tiếng. Quen rồi, tết nào chẳng thế, không delay mới là chuyện lạ. Hộp cơm thịt heo kho, chai nước suối miễn phí đâu có là bao nhưng ít nhiều cũng thể hiện sự chăm sóc khách hàng.

Bước vào chuyến bay, sự ân cần cùng nụ cười thân thiện của các tiếp viên như cũng làm dịu nỗi bức bối, hành khách như cảm thông hơn với “gia cảnh” của VNA vì cảm nhận được họ đang gắng gỏi để vươn lên. Trong một môi trường hàng không rộng mở, đang xây dựng tính bình đẳng cao trong cạnh tranh, có sự tham gia hào hứng của các hãng hàng không trong và ngoài nước, sẽ không có chỗ cho sự độc quyền, và với những ứng xử ấy, VNA chỉ có “được” nhiều hơn.

Tết này Hà Nội không lạnh, không cả mưa xuân làm thỏa lòng du khách. Thiếu nữ Hà thành cũng vuột mất cơ hội chưng diện những bộ cánh mùa đông muôn màu vẻ. Thủ đô vẫn đón chào du khách bởi vẻ đẹp thiêng liêng, trầm mặc. Muôn nhà vẫn sum vầy đón xuân với đào, quất, lay ơn, violet, thủy tiên, trà, cúc, hải đường... Khu vực trước cửa Lăng Bác hoa đào và hoa ban đua nhau khoe sắc, quanh Hồ Gươm có những luống hoa được xếp chữ khá đẹp và công phu. Nhưng cảnh quan chung vẫn chẳng khác mấy dăm bảy năm trước.

Vẫn thiếu những con đường phố hoa rực rỡ, những điểm lễ hội vui chơi để điểm tô thêm nét lãng mạn, ngàn năm văn hiến của đất kinh kỳ. Ở khu trung tâm, các tụ điểm văn hóa giải trí vẫn sơ sài, đơn điệu như ngày nào, đây đó trên những trục phố chính, vẫn là sân khấu trống trải, từng ca sĩ nối nhau hát theo tiếng nhạc được thu sẵn. Dường như sự đầu tư chưa xứng tầm với tốc độ phát triển của đất nước hiện nay trong thời hội nhập để tạo niềm hứng khởi, lan tỏa trong người dân Hà Nội và đông đảo du khách, nhất là khi VN đang là điểm đến hấp dẫn.

Thú vui ẩm thực cũng là một phần không thể thiếu của chuyến du ngoạn. Quán cóc hè phố Hà Nội vẫn đủ món quà vặt, đủ ngon để lôi kéo các nam thanh nữ tú ghé vào. Thử ghé lại hàng phở vỉa hè khá nổi tiếng ở đường Hai Bà Trưng, khách ngồi la liệt trên các ghế nhỏ, bàn ăn là những ghế đẩu xiêu vẹo, cô bán hàng lườm nguýt cắn cảu. Xô nước rửa chén bên cạnh cống rãnh hôi hám, giấy ăn bay vãi tứ tung. Món ăn của ký ức thời sinh viên bỗng nghèn nghẹn. Vội vàng, qua quýt đứng dậy ghé Tràng Tiền thưởng thức món kem cốm dẻo ngọt lịm, mát rượi. Người đông nườm nượp, chen lấn xô đẩy...

Tâm điểm của đất Tràng An thanh lịch sao nay có vẻ suồng sã, xô bồ quá. Hoàng hôn thả bước bên hồ Trúc Bạch đón gió và tận hưởng cảm giác bình an bỗng đập vào mắt là rác rến phủ đầy lòng hồ. Càng ngẫm ra, cuộc sống có quá nhiều đổi thay, khấm khá hơn, tiếp xúc mở mang nhiều hơn, người ta cũng đòi hỏi một môi trường văn minh, một dịch vụ tốt hơn và giàu tính nhân văn… 

Dường như năm nào cũng thế, sau khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, quanh các điểm bắn pháo hoa đều ngập ngụa rác. Năm nay lại xôn xao về những hành vi làm vấy bẩn cả bức tranh xuân, đó là sự cố cướp hoa, cướp heo đất ở chợ hoa Nguyễn Huệ.

Dù chỉ là chuyện ngẫu hứng, bồng bột của tuổi trẻ, nhưng sự thiếu ý thức, thiếu văn minh nơi công cộng là điều đáng lên án. Nhưng ở đây trước hết là thiếu cái tình với nhau. Cái tình của người thưởng ngoạn và người phục vụ. Nếu ai còn nghĩ đến những người đổ mồ hôi dọn dẹp, chỉnh trang để thành phố luôn được trang hoàng sạch đẹp văn minh chắc chẳng nỡ làm vậy. Người đời vẫn nói đừng bắt người khác nhận những gì mình không muốn nhận đó sao. Hãy thử “thương người như thể thương thân” trong mối quan hệ cho và nhận ấy.

BÙI ANH THƠ
 

Người... rảnh rỗi

      Lâu rồi mới gặp lại bạn. Chuyện trò hồi lâu thì được nghe bạn phán một câu: “Dạo này có nhiều người rảnh ghê!”. Hỏi lại bạn, thế nào là “rảnh” thì được bạn đưa ra một loạt khái niệm về “phạm trù... rảnh” khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.

“Rảnh” là việc hàng loạt những sinh viên tình nguyện đang ở ngoài kia cống hiến tuổi xuân của mình cho Mùa hè xanh và các hoạt động công tác xã hội. “Rảnh” là việc những blogger có lòng hảo tâm đã xây dựng nên phong trào quyên góp sách vở dành tặng cho trẻ em nghèo. “Rảnh” còn là lúc đồng bào cả nước đang nỗ lực hàn gắn vết thương to lớn tại những “núm ruột” đang bị giày xéo bởi hai cơn cuồng phong thảm khốc vừa qua. Tất cả những việc có ích và đầy tâm huyết ấy lại được cho là “rảnh việc”.

Như vậy bận bịu và không rảnh theo bạn ấy là làm gì?  Tôi có thể tự suy cho mình về hai chữ “không rảnh” này. Đó là việc ngồi ở cơ quan thay vì chuyên tâm vào công việc lại giết thời gian bằng game online để rồi cuối năm tự tô vẽ cho bản thành tích của mình đem nộp sếp. Về đến nhà, nhiều lúc vì “bận” tán gẫu với một nàng nào đó trên mạng mà ta viện cớ “không rảnh” chỉ để lảng tránh bổn phận của một thành viên trong gia đình. Đôi khi lại tự hài lòng với chính bản thân rằng, ừ, như thế là được, là đủ liều, là thích hợp. Sáng sáng xách cặp đi, tối tối nếu không bù khú tại một quán nhậu nào đó để viện cớ cho cái sự “không rảnh” của mình thì cũng tự “vỗ về giấc mơ” rằng hôm nay ta đã “tiến bộ” hơn... hôm qua.

Một người thầy của tôi đã từng dạy rằng: Bản chất của từ kinh doanh (business) và doanh nhân (businessman) đã hàm chứa trong đó sự bận rộn (busy). Các bạn muốn trở thành người thành đạt thì phải biết kiếm việc mà làm, phải làm cho mình luôn bận rộn. Có lẽ vì sự nhầm lẫn và ngộ nhận giữa “rảnh”, “không rảnh” và “bận rộn” nên có không ít người đang tự diệt thời gian của chính mình và đánh mất hàng loạt cơ hội cho bản thân. Cơ hội học tập, cơ hội mở mang kiến thức rồi sau này cơ hội thăng tiến trong công việc sẽ không bao giờ trở lại một khi  ta đã vứt bỏ nó. Chúng ta thích sống trong thế giới ảo hơn là đối mặt với hiện tại, mải mê theo đuổi những giá trị không thật, vô bổ mà bỏ quên những công việc thiết thực cần làm trong cuộc sống.

Khi cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại đến mức thừa mứa, khi blog, game online, yahoo messenger đã trở thành những công cụ giải trí hết sức thời thượng thì việc con người mất đi hướng phấn đấu, thỏa mãn với những gì mình đang có cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu mang tư tưởng sống cầu an này suốt đời thì mãi mãi, chúng ta chỉ có thể nhảy lò cò quanh cái ao nhà vốn từ lâu đã cạn kiệt nước, chứ đừng nói chi đến việc đóng được một con tàu vững chắc để có thể đương đầu với sóng to ngoài biển lớn.

Từng được nghe, năm mới, vận hội mới. Vận hội của một năm cũ đã trôi qua nhưng không vì thế mà ta quên đi sứ mạng tìm kiếm những thách thức mới để sẵn sàng đương đầu với nó.

VÕ ĐẶNG MINH TUẤN
(SV năm 3 ĐH Ngoại thương)

 Ai hơn...bầu "sao"

       "Nếu không để Đ. Tr. lên liền thì thôi, không có hát gì hết, tôi đi sẽ không quay trở lại nghe!!”. Vừa nói, ông H.T. – bầu của ca sĩ Đ.Tr. – vừa chỉ thẳng vào mặt một chuyên viên Sở VHTT TP Cần Thơ, thành viên Ban tổ chức (BTC) chương trình ca nhạc “Đón xuân cùng khu đô thị Phú An” (quận Cái Răng, Cần Thơ) ngay trong đêm giao thừa Đinh Hợi 2007. Nói là làm, bầu T. ra lệnh cho Đ.Tr. và vũ đoàn LiDo kéo nhau ra xe, bỏ về trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ anh chị em nghệ sĩ, BTC cùng khán giả hâm mộ đang nóng lòng đợi chờ.

Trước đó, không dưới 6 lần trong đêm, đại diện BTC liên lạc với bầu T., được bầu T. khẳng định Đ.Tr. sẽ hát đúng vào 21 giờ 20. Nhưng đến 21 giờ 33 bầu T. nhắn tin: “Đ.Tr. hát bài “Đồng đội” của Đình Văn và bài “Hương xuân” của Lương Bằng Quang. 22 giờ đến”. Tuy nhiên, mãi đến 23 giờ 15 xe chở Đ.Tr. mới đến. BTC một phen “lên ruột” vì phải nắn lại kịch bản, chạy lại bảng chữ (do chương trình được truyền hình trực tiếp).

Khi ca sĩ Đ.Tr. đến, trên sân khấu, nghệ sĩ Hữu Danh đang trình bày gần hết bài ca cổ, tiết mục tiếp theo là của ca sĩ Phương Oanh. Bầu T. “phán” liền: “Mấy ông cho ngưng mấy đứa này lại, cho Đ.Tr. lên hát liền để tui còn phải đi…” dù BTC đã mềm mỏng “xin phép” cho 5 phút để ca sĩ Phương Oanh hát hết tiết mục của mình (đồng thời xin lỗi 3 tiết mục tiếp theo đình lại nhường cho Đ.Tr.).

Không đồng ý, bầu T. đùng đùng la hét, bỏ về một nước! MC của chương trình buộc phải ra xin lỗi khán giả về sự vắng mặt của Đ. Tr.

Thái độ, lời nói của ông bầu gây “sốc” cho nhiều nghệ sĩ và khán giả có mặt khi đó. Song Khánh, một trong hai MC của chương trình, bức xúc: “Việc đào tạo, lăng xê để một nghệ sĩ thành danh là công lớn của các ông bầu, nhưng thái độ của bầu T. hôm đó không chấp nhận được. Đó là văn hóa ứng xử mà người làm công tác văn hóa nghệ thuật càng phải tôn trọng. Cách ứng xử trên không chỉ thiếu tôn trọng, coi thường khán giả, BTC, anh em nghệ sĩ mà chính nó làm hình ảnh “sao” lu mờ trong lòng công chúng”.

Chưa kể, về mặt quản lý nhà nước, 2 bài Đ.Tr. hát mà bầu T. nhắn tin cho BTC lúc 21 giờ 33 không nằm trong 4 bài mà chính bầu T. đã đăng ký và được Sở VHTT TP Cần Thơ duyệt, cấp phép (“Tết đến”, “Con sóng yêu thương”, “Mãi mãi một tình yêu”, “Tình khúc cuối”).

Khán giả miền Tây, khán giả Cần Thơ luôn mở lòng trước những chân tình, tài năng của các nghệ sĩ TPHCM, nhưng cũng rạch ròi với những hạt sạn phản cảm.

Ôi... “bầu” của “sao”?! 

THỐNG NHẤT


     Một trong những khuyết điểm trong văn hóa ứng xử của không chỉ giới trẻ mà cả trong giới không còn trẻ của chúng ta, là không có thói quen XẾP HÀNG. Những cảnh ùn ùn chen lấn nhau ai củng cố dùng sức mạnh, sức lấn của mình để giành chỗ, giành phần của người có quyền ưu tiên phía trước, đã đến trước khác.

Mua vé xe đò, xe lửa, chen lấn. Mua vé xem hát, chen lấn. Chạy xe trên đường, chen lấn. Nộp đơn thi cử, chen lấn. Xem kết quả thi, chen lấn. Thậm chí mua cổ phiếu cũng chen với lấn. Hễ có đám đông là chen lấn!

Hãy dứt khoát từ bỏ chen lấn đi. Hãy tập XẾP HÀNG, tuần tự người đến trước đứng trước, người đến sau đứng sau, cách xa nhau năm ba tất cho chỉnh tề, lịch sự, văn minh, thoải mái. Trong khi chờ đợi xin hỏi han nhau vài ba câu chuyện đời thường, tỏ rõ tình người, tình đồng loại, nói cùng một thứ tiếng với nhau, làm cho cuộc sống mặc dù đang chờ đợi (không ai muốn) thong thả hơn, dịu dàng hơn, thanh lịch hơn, ý vị hơn và cũng làm cho thời gian được cảm thấy qua mau hơn; làm cho mỗi ngày sống của đời mình có ý nghĩa hơn. Chẳng việc gì, chẳng tội tình gì mà phải ùn ùn không chen cũng lấn với nhau như thế!.

Đối với những người không chịu xếp hàng, đến sau mà lấn về phía trước thì những người bị lấn nên dứt khoát có thái độ phản đối ngay; nếu cần báo cho nhân viên trật tự, nếu cần những người bị lấn phải làm găng và nên chủ động mời kẻ vi phạm ra khỏi hàng về phía sau nơi đúng vị trí của người đến sau.

Tóm lại, xin mọi người hãy tôn trọng quyền đến trước của người khác, cùng lúc không kém phần quan trọng, hãy dứt khoát bảo vệ quyền đến trước của mình, không chịu để bất cứ ai xâm phạm cả.

Võ Đông Pha (Vodongpha@qlink.ca)


       Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có nền văn hoá của riêng mình. Việt Nam là quốc gia và chúng ta có quyền tự hào vì nước mình có một  nền văn hoá lâu đời và có bản sắc. Hàng ngàn năm bị phong kiến Trung quốc đô hộ, hàng trăm năm là thuộc địa của các nước phương Tây, song truyền thống văn hoá làng xã, nếp gia phong người Việt, dân tộc Việt chưa bao giờ bị mất.

Trong thời buổi hội nhập để phát triển hôm nay, tất nhiên không thể tránh khỏi những pha trộn về sắc thái làm cho văn hoá nước nhà bị ảnh hưởng. Những pha trộn làm giàu thêm, phong phú thêm song cũng mang lại nguy cơ làm mai một những tinh túy hàng ngàn đời cha ông để lại. Ứng xử là một trong những khía cạnh của văn hoá đang có nguy cơ đó.

Văn hoá ứng xử không đơn thuần là cung cách khu xử, ứng thế trong phép xã giao hàng ngày giữa con người với con người. Ngày nay, phạm trù này được mở rộng rất nhiều, trong mối quan hệ giữa các cộng đồng cư dân với nhau, giữa con người với thiên nhiên, môi trường , xã hội , là thái độ của mỗi cá thể với trách nhiệm của mình đối với công việc... Với mức độ như vậy, văn hoá ứng xử đòi hỏi mỗi con người phải được học tập, rèn luyện và tu dưỡng. Như vậy, vai trò của xã hội, của nhà trường là rất quan trọng.

Ở bài viết này, tôi không nhằm đưa ra những hành vi đẹp hay chưa đẹp trong văn hoá ứng xử mà ai cũng có thể gặp hàng ngày. Nhỏ như chuyện nhường nhau 1 vài giây lúc kẹt xe giữa đường, nói với nhau đôi lời chân thành xin lỗi khi chẳng may có "đụng chạm" nhau về vấn đề nào đó..., cho tới cái lớn hơn 1 chút như thói ngông nghênh lạng lách, càn quấy khi đi lại trên đường, bấm còi xe ầm ĩ khi qua khu vực dân cư, bệnh viện..., đến cái lớn lao hơn như những phiên pháp đình mà dư âm còn để lại nhiều điều trong dư luận, tỷ như cái vụ đất đai ở Gò Vấp vừa rồi.

Chỉ dám xin nói vài câu suy nghĩ từ cái gốc của sự việc, là tại sao xã hội ngày 1 văn minh hơn lại thiếu vắng dần những sự văn minh trong cung cách cư xử hàng ngày của chúng ta, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, đối tượng sẽ là chủ nhân ông của đất nước. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ rằng, chính "người lớn" chúng ta mới là người phải chịu trách nhiệm về việc hay hay dở của cái văn hoá ứng xử ngày mai của con người Việt Nam ta.

Dường như vì quá mải lo cho "cơm áo gạo tiền", nhà trường chúng ta nhiều năm qua chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này. Trong khi đó, những "tấm gương" chạy trường, dạy và học thêm giờ, đóng góp tiền trường không đúng quy định, nâng điểm,.. rồi gần đây là nhiều người thầy chưa đủ tư cách vẫn hiển diện sờ sờ trước mắt các em. Rất nhiều những quy định không được thực hiện nghiêm túc hoặc không duy trì đã mang lại một tác dụng ngược. Mới khoảng một năm trước đây, "người lớn" làm rất gắt gao cái việc học sinh đi xe máy tới trường, nay thì thoải mái tới mức tính cho "trẻ" sở hữu xe gắn máy!.

Những bài học "trực quan" diễn ra hàng ngày cứ thế "lên lớp" cho thế hệ tương lai những bài học về "ứng xử". Đi đôi với sự phát triển về kinh tế, chúng ta đã có những tiến bộ rất đáng tự hào trong nhận thức của thế hệ trẻ. Có rất nhiều những người thành đạt trẻ tuổi trên mọi lĩnh vực, họ là những con người luôn khiêm tốn và sống đạo đức. Nhưng cái tồn tại vẫn rất nhiều.

Chúng ta vẫn là nước nghèo, rất nghèo. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc cần phải khôn khéo trong xử lý để dành thiện cảm với quốc tế. Vì vậy, việc giáo dục lý tưởng sống, nhân cách sống cần thiết phải được làm bằng nhiều hình thức sinh động. Theo tôi, việc có mặt 1 ca sỹ nhạc pop không thể quan trọng hơn nhiều sự kiện văn hoá khác, vai trò của Hip- hop không hơn các chương trình ca khúc truyền thống.

Thế nhưng sự xuất hiện của chúng trên các kênh truyền thông thì khác hẳn. Hay như nhiều chương trình thời sự, sự biên tập các tin quốc tế không được làm kỹ lưỡng, dễ dẫn đến các nhận thức chưa đúng đắn trong xã hội. Không thể cào bằng các phong trào đấu tranh giải phóng, chống xâm lược với hành vi khủng bố. Chúng ta đã có những sự chưa kỹ lưỡng nhất định trong việc giáo dục công dân của mình qua những chuyện thường ngày như vậy.

Từ những chuyện hàng ngày ấy, một "nền văn minh" mới trong ứng xử xã hội sẽ nảy sinh, gieo mầm cho tương lai. Những sự bất thường nếu cứ được thực hiện thường xuyên, hàng ngày sẽ trở thành điều bình thường.

Mấy chục năm trước đây, từ "đồng chí" nó thiêng liêng và được gọi nhau chân tình thì bây giờ, đôi khi nó được nói với nhau lúc đã có cái gì đó "nghiêm trọng" rồi. Đã đến lúc chúng ta cần phải xét căn cơ của sự việc.

Văn hoá là sự tiến bộ, nhưng sự tiến bộ cần phải được hiểu đúng với quy tắc của xã hội. Những vấn đề về hành vi ứng xử cụ thể của mỗi con người thì chúng ta có thể sẽ học được nơi các quốc gia đã phát triển và văn minh. Nhưng cái văn hoá dân tộc, sự văn minh phù hợp trong cách ứng xử của người Việt thì chỉ chúng ta mới có. Chúng ta có cái tôn ti riêng thật đáng tự hào của riêng chúng ta, không thể hòa tan trong cái sự tôn thờ tự do cá nhân của các nước phương Tây được. "Mỗi người vì mọi người", ấy vẫn là cái cách ứng xử phù hợp với đạo lý của chúng ta hiện nay

Vũ Thảo Nguyên (Vu_thaonguyen@yahoo.com)


      Tôi năm nay 45 tuổi, là công dân của TP HCM. Qua diễn đàn này tôi xin luận bàn ít điều những thói lề ứng xử không đẹp của các bạn trẻ mà hàng ngày thường xuyên bắt gặp trên đường phố:

-Vi phạm luật giao thông: Có rất nhiều bạn trẻ áo quần lịch sự, giày, xe bóng bẩy nhưng ý thức giao thông thì hoàn toàn thua xa lão nông lên tỉnh. Ngang nhiên lấn tuyến, vượt đèn đỏ, bấm còi ầm ỹ, lựợn lách, vượt ẩu....rất phản cảm.

- Ăn nói, thái độ không văn minh: Nói tục rất phổ biến,  thậm chí thành thói quen khi mở miệng. Dễ nổi nóng, sừng sộ, văng tục... khi va chạm, không hề có chuyện :"một sự nhịn chín sự lành".

-Nhậu nhẹt, la cà thái quá: Thanh niên ta hiện nay hình như ngầm chứng tỏ bản lĩnh qua chén rượu, sài gòn về đêm là một quán nhậu khổng lồ, đa dạng, mà tửu khách phần nhiều là lớp trẻ. Những ý kiến của tôi trên đây không đề cập về những cái hay, cái đẹp của lớp trẻ, thiển ý chỉ góp chút ý kiến tạo dư luận nhằm chấn chỉnh những các chưa tốt cho lớp trẻ, vì họ là tương lai của nước nhà.

Ngày nay khi ra đường bạn sẽ không còn thấy lớp trẻ nhường lối đi cho người già qua trước, mà họ thoải mái quẹo cua không kể già, trẻ,… ;không còn thấy cảnh ngả mũ chào khi các đám tang đi qua;  rất ít bạn biết nhường ghế trên xe buýt cho người già, phụ nữ mang thai…Thật buồn!

Hoàng Vân (thodientu@vietshare.com)


 
Buôn chuyện

        Theo "định nghĩa" của ai đó trên mạng thì "buôn chuyện là sản phẩm của những cái đầu nhàn rỗi, những người không đủ việc để làm...." Buôn chuyện thì đủ mọi chủ đề, đủ mọi hình thức, đủ mọi mục đích. Thường những mẩu chuyện họ buôn ta nghe cứ thấy...quen quen vì được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều người... Những cái đầu nhàn rỗi vẫn ngày đêm miệt mài, nhiệt tình 'buôn dưa lê ". Họ khoe thành tích ở mọi lúc mọi nơi.... Họ làm thì ít, nói thì nhiều.

Đôi khi chỉ là vui bạn, vui chuyện, chỉ là những mẩu chuyện vô thưởng, vô phạt, họ hả hê cười nói bỡn cợt hàng giờ liền. Song đôi khi những mẩu chuyện buôn của chính họ lại vô tình hoặc cố ý hại bạn bè, đồng nghiệp - họ nghe ngóng ở đâu đó rồi chạy ngay vào báo cáo sếp mà bất cần tỉ lệ chính xác chiếm bao nhiêu phần trăm. Thật là kinh khủng khi ai đó trở thành nạn nhân của những cái đầu nhàn rỗi như vậy và lại càng kinh khủng hơn khi có những ông sếp bà sếp vì lý do nào đó mà nghe và tin theo.

Thời hội nhập, ước mong xã hội có thật nhiều người biết tự mình kiếm thêm nhiều việc mà làm, biết học cách lao động, biết trau dồi chuyên môn để không còn những cái đầu nhàn rỗi, để không còn ai là nạn nhân gián tiếp hoặc trực tiếp của "bọn con buôn". Thời hội nhập, ứng xử có văn hoá là không thể thiếu. Bạn và tôi cùng thật bận rộn nhé.

Phạm Thị Hường (sophathi@yahoo.com)
 

Nhận quà

      Buổi giới thiệu sản phẩm bỗng biến thành cái chợ, mọi người xô lẫn nhau , “cướp” quà tặng của nhau, mạnh ai người ấy chạy. Tôi là sinh viên công nghệ thông tin nên thường xuyên được các doanh nghiệp mời đi nghe buổi giới thiệu sản phẩm.

Trong buổi đó chắc chắn có màn bốc thăm trúng thưởng vào lúc cuối giờ. Đây chính là “mẹo” của nhà tổ chức để thu hút sinh viên. Mặt khác đây là cách để sản phẩm được sinh viên và mọi người biết một cách nhanh nhất. Cùng chung tâm trạng như nhau, đã đi thì ai cũng mong mình sẽ là người may mắn được trúng thưởng. Không được giải gì ra trò thì chí ít cũng được một cái USB.

Chẳng thế mà chẳng để cho nhà tài trợ nói hết câu hàng trăm sinh viên “Alôxô” lên khán đài để tranh cướp nhau vé trúng thưởng. Tệ hơn nữa mấy chục sinh viên tranh cướp nhau trong thùng từng chiếc USB Kingtons. Khổ nỗi những hành động này ngang nhiên diễn ra trước mặt những “ông chủ” là người nước ngoài. Đối với người trong nước hoặc giữa các sinh viên đó là một hành động “bình thường” nhưng với người nước ngoài thì đó là một hành động “dã man”, là sự vô ý thức đến mức khó chịu.

Đành rằng ai chẳng muốn mình là kẻ may mắn, nhưng sự may mắn ấy phải nhận được từ tay nhà phân phối chứ không phải từ những hành động “cướp giật” như thế này. Đi cho đã khó nhưng khi nhận càng khó hơn. Nhận như thế nào cho đẹp, cho vừa lòng người thì đấy mới là văn hóa.

Cảnh tượng trên diễn ra làm rất nhiều sinh viên tự thấy xấu hổ!.

Xuân Minh  (dohopk23a2@yahoo.com)


Chiếc mũ và văn hóa ứng xử

     Hàng ngày, chúng ta ai cũng từng phải chứng kiến những hành vi làm mất vẻ đẹp văn hóa giao thông, mất mỹ quan đường phố. Nếu như những hành vi đó xảy ra cách đây vài chục năm thì người ta có thể quy trách do thời buổi còn nhiều khó khăn nên “ cái khôn “ bị “bó “ lại. Nhưng đất nước ta đã mở cửa, đã hội nhập và khi số du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng gia tăng thì vấn đề văn hóa đường phố không thể không đặt ra vì đó là thể diện của đất nước.

 Chiếc mũ tuy chỉ là vật dụng tầm thường nhưng một khi biết vận dụng đúng lúc, đúng nơi, thì nó không chỉ tiện dụng mà còn thể hiện nếp sống văn hóa.Trong tinh thần đó, xin mời các bạn đọc 2 câu chuyện ngắn sau :

Câu chuyện thứ nhất: Một bà mẹ trẻ chở con đi học. Khi đi được nửa đường, thằng bé chợt mót tiểu. Người mẹ dừng xe cho con đứng bên lề đường giải quyết. Nhưng vì quãng đường đó cửa tiệm san sát đang lúc đông người qua lại, cậu bé không tìm được một chỗ nào trống vắng để xả .Tội nghiệp cậu bé, chẳng biết có phải vì mắc cỡ hay do chấp hành tốt lời cô giáo dạy trong giờ đạo đức chăng mà dù mót tiểu hết sức vẫn không chịu trút ”bầu tâm sự”.

Cậu cứ đứng khom khom bụm tay, nhăn nhó,đau khổ. Chợt một người đàn ông cụt tay, ngồi bán vé số ở gốc cây gần đó, bước tới. Ông bỏ cái mũ bảo vệ bằng nhựa đang đội trên đầu xuống, từ tốn bảo cậu bé “pi” vào đó. Khi cậu bé giải quyết xong, ông ta bê chiếc mũ đổ ‘”vật phẩm “ vào miệng cống bên đường rồi lặng lẽ về chỗ cũ ngồi, chiếc mũ để dưới chân .Ông bình thản nhìn dòng người qua lại như không hề có gì xảy ra.

Câu chuyện thứ hai: Một chiếc xe ba gác chở mấy can nhớt cán phải hòn đá nằm đã làm nhớt đổ xuống lòng đường một vệt dài trên 3 mét. Người lái xe quay đầu liếc nhìn. Anh ta lầu bầu mấy tiếng rồi tiếp tục đạp xe đi. Một, hai rồi ba chiếc xe máy chạy vào vệt nhớt để rồi nối tiếp nhau đổ kềnh ra mặt đường. Các nạn nhân ngồi nhăn nhó, xuýt xoa. Hơn chục người dừng xe lại đứng xem. Trẻ em bu tới cười cười, chỉ trỏ. Chúng reo lên vỗ tay khi có thêm một người nữa vừa bị ngã. Người này gượng đau đứng dậy kéo chiếc xe để sát lề rồi xăm xăm bước về hướng cây to gần đó. Ông bỏ chiếc mũ du lịch xuống, dùng hai bàn tay vốc đất cho đầy và đem trải dài lên vệt dầu loang giữa đường. Xong đâu đó, ông gài chiếc mũ vào dưới nệm xe, lấy khăn trong túi ra lau mồ hôi. Lúc cái khẩu trang trên mặt ông được cởi ra thì những người đứng xem mới nhận biết đó là một người nước ngoài.

Văn hóa giao thông      

     Một buổi sáng chủ nhật, tôi thấy vui vui xen chút tự hào khi nhìn một đoàn du khách nước ngoài hơn một chục người ngồi trên những chiếc xích lô đạp chậm rãi dọc theo đường Nguyễn Tri Phương hướng về Ngã Sáu Chợ Lớn.Trông nét mặt những người phương Tây thích thú ngắm nhìn cảnh sinh hoạt hai bên đường tôi cảm thấy mừng vì đất nước mình đang trở thành điểm đến an toàn cho nhiều khách du lịch nước ngoài. Nhưng niềm vui đang dấy lên trong tôi bỗng vụt tắt như bị gáo nước lạnh xối vào.

Số là khi đoàn xe xích lô đang đi qua một ngã tư thì một chiếc xe Honda đời mới do một thanh niên còn rất trẻ phóng vụt ngang bất kể hướng đi đó đèn đỏ vẫn đang còn bật. Chiếc xe xích lô bị bất ngờ thắng không kịp đâm vào lề đổ nghiêng cho dù người lái đã vội vã nhảy xuống cố gắng níu xe lại.

Nhìn người phụ nữ trẻ người nước ngoài lóp ngóp đứng lên mặt mày tái mét sau tai nạn, tôi thấy xấu hổ thay cho người thanh niên nào đó thiếu ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ. May bà ta chỉ bị trầy xước nhẹ chút đỉnh ở khỉu tay. Chị bán vé số bên đường vội chạy đến xoa dầu gió, luôn miệng an ủi và dìu bà lên xe trước ánh mắt cảm kích của những người khách nước ngoài đi cùng. Đoàn xích lô lại tiếp tục cuộc hành trình nhưng tôi chắc họ không có được trọn vẹn niềm vui trong buổi dạo chơi hôm nay.

Một khi VN đã hội nhập thế giới, đang đạt được những thành quả nhiều mặt rất đỗi tự hào thì hành vi “con sâu làm rầu nồi canh” của một số người thiếu ý thức, thường thuộc lớp người trẻ như anh thanh niên kể trên, làm xấu đi không ít nét đẹp văn hóa dân tộc trước cái nhìn của những người nước ngoài. Mong rằng lớp trẻ hôm nay sẽ được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm giáo dục tốt hơn để đất nước chúng ta đẹp trọn vẹn trong mắt bè bạn thế giới. 

nguyenuthang@yahoo.com.vn

           Diễn đàn của Báo SGGP nêu lên vấn đề này là rất cần thiết, bởi lẽ chúng ta đang bước vào thế kỷ 21 và hòa nhập với thế giới trên mọi mặt đời sống kinh tế văn hóa và xã hội. Điều dễ thấy là lớp trẻ của VN ngày càng năng động và sáng tạo trong các hoạt động góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn khía cạnh trên, thì chưa phản ánh đầy đủ sự tiến bộ của lớp trẻ VN mà cần nhìn toàn diện hơn để thấy chúng ta cũng còn những khiếm khuyết làm cản trở sự phát triển của xã hội mà lớp trẻ là chủ nhân trong tương lai.

Trước hết, về thể lực, lớp trẻ VN hiên nay có thể hình quá nhỏ bé so với trí tuệ. Thể lực và trí lực cần có sự đồng nhất, phát triển tương ứng để con người phát triển toàn diện. Nguy nhân có nhiều, nhưng gần như lớp trẻ hiện nay không có sự rèn luyện thể lực, khó có thể thấy lớp trẻ tập thể dục hàng ngày một cách đều đặn và tự giác. Đó là biểu hiện của văn hóa thể hiện sức mạnh bên ngoài của XH. Có sức, có khoẻ, mới đảm đương đương công việc, bảo vệ tổ quốc.

Thứ hai, lớp trẻ hiện nay sớm thích ăn nhậu như người lớn và ăn diện hơn khả năng làm ra. Gần như họ không biết tiết kiệm tiền cho việc học hành, đầu tư kinh doanh hay mua các sách báo có lợi cho tri thức. Rất ít thanh niên VN đọc sách trên công viên, ghế chơ xe buýt. Văn hóa ấy thể hiện sự say mê tri thức của lớp trẻ nước ngoài mà chúng ta còn thiếu.

Thứ ba, lớp trẻ hiện nay sớm tự khẳng định mình thông qua sự cảm nhận chủ quan các vấn đề của xã hội , nhưng thiếu sự chọn lọc cần thiết. Do vậy, thể hiện rõ nét sự ngang ngược, bất chấp lẽ phải của lớp trẻ ngày nay. Đó là sự thiếu văn hóa trong các ứng xử hàng ngày. Họ không chấp hành các qui định, luật lệ của xã hội, đó là cách chạy xe máy bạt mạng, là khạc nhổ bừa bãi, ăn uống lung tung ngoài đường và ăn mặc hở hang, kích dục. Đó là nét phổ biến chưa được xã hội, dư luận quan tâm đúng mức.

Một xã hội phát triển, trước hết dựa trên nền văn hóa tri thức, kỷ luật, biết chấp hành các qui định ứng xử của pháp luật, biết tôn trọng người lớn tuổi và thương yêu trẻ nhỏ. Đó là kỷ cương và truyền thống. Rất mong rằng với ý kiến nhỏ, chưa đầy đủ, chúng tôi mong các bạn trẻ suy ngẫm và tự hoàn thiện mỉnh để góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của xã hội, mà văn hóa sống là một trong những chuẩn mực không thể thiếu.

Nhutminh@yahoo.com

      Bàn về vấn đề văn hoá ứng xử của giới trẻ hiện nay không phải là chuyện của riêng ai. Hiện nay, thanh niên chính là những nhân tố quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên không phải những thế hệ 8X hay 9X đã sống trong thế kỉ XXI là có quyền quên đi những truyền thống tốt đẹp của văn hoá Việt Nam. Trong khi có những con người ngày đêm học tập, nghiên cứu, làm việc thì cũng có một số ít các bạn trẻ chỉ biết sống vì bản thân, chạy theo những trào lưu phương Tây đang tràn ngập khắp từng thành phố, thị xã, nông thôn Việt Nam và biến những thế hệ đó thành những con người sống vì vật chất, vì cá nhân và vì nhiều thứ khác vô tình những nét đẹp của truyền thống trong ứng xử của lớp trẻ ngày nay dần phai nhạt.

Nếu bạn là một người hiểu biết, bạn có thích những bạn gái ăn nói xô bồ, ăn mặc theo mốt "càng ngắn càng tốt" hay những đầu đinh nhuộm tóc xanh, vàng đỏ phóng xe bạt mạng trên đường phố. Bạn có cảm thấy ngại trước những lời nói "không lịch sự" của một bạn trẻ đối thoại với bạn, những thái độ thờ ơ lãnh đạm không phân biệt trên dưới của một ai đó vô tình gặp không ??? Tất cả là do ý thức của mỗi cá nhân, không chỉ do nhà trường và gia đình giáo dục mà ngay cả bản thân cũng phải phấn đấu hết mình vì một Việt Nam phát triển nhưng vẫn còn lưu giữ những nét truyền thống từ bao đời.

An Thanh_ Bao Chi k05 DH KHXH&NV (hong_bc_1987@yahoo.com )


        Xin cảm ơn Báo SGGP mở chuyên mục "Văn hoá ứng xử." Xin nói thẳng tôi rất thất vọng với không ít bạn trẻ, kể cả nam và nữ, đặc biệt là học sinh phổ thông, trong văn hoá ứng xử.

Tật xấu thứ nhất là "văng tục, chửi thề" ở nơi công cộng. Ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng có thể nghe được những câu văng tục chửi thề hết sức tục tĩu từ miệng các bạn trẻ. Có lẽ họ coi đó như là một cái mốt, và không ngại văng ra bất cứ ở nơi đâu. Điều đáng thất vọng là ngay cả những bạn gái trẻ cũng có thể văng ra những thứ mà mình không có và những cái mà mình không có khả năng làm được ngay giữa những nơi đông người.

Tật xấu thứ hai là ưa dùng bạo lực. Chỉ một va quệt nhẹ trên đường phố khi đang giao thông, thay vì xin lỗi hoặc trao đổi với nhau để giải quyết, thì họ lại xông thẳng vào nhau mà đấm đá rồi hạ hồi phân giải. Đối với những người này thì các cụm từ "xin lỗi" hoặc "cảm ơn" không hề có trong tự điển ngôn ngữ của họ.

Tật xấu thứ ba là luôn luôn vi phạm luật lệ giao thông trên đường phố, cho dù các luật lệ này luôn được nhắc nhở trên các phương tiện thông tin đại chúng và các biển báo đặt trên đường phố. Họ thường vượt đèn đỏ theo ý thích, luôn gây mối đe doạ cho những người cùng tham gia giao thông, đặc biệt những người đã lớn tuổi có ít khả năng phản xạ trong những tình huống nguy hiểm.

Tật xấu thứ tư là "rượu chè be bét." Mỗi khi có tiệc tùng là họ gào thét những tiếng "zdô, zdô," cho đến khi nôn oẹ ra bàn tiệc. Cả những bạn trẻ không biết uống cũng a dua để coi đó như là một thú mua vui. Khi đã say xỉn rồi, thì cũng chẳng còn biết còn ai xung quanh nữa và rồi lại tha hồ văng tục chửi bậy.

Hành xử như vậy có thể gọi là nếp sống văn minh không ? Mong rằng các bạn trẻ, những chủ nhân ông tương lai của đất nước, phải biết ứng xử thật văn hoá. Sống có văn hoá thì mới mong trở thành con người hữu ích cho xã hội được. Muốn được người khác tôn trọng thì trước hết phải sống có văn hoá đã.

Phan Mạnh Hùng (pmhung41@yahoo.com)

Vài cảm nhận về lịch sự

      1. Từ một tỉnh giáp ranh, tôi vẫn thường lên xuống thành phố Hồ Chí Minh bằng tuyến xe buýt đường dài. Trên xe, tôi nhận thấy việc nhường chỗ ngồi cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai là một việc làm rất “vô lý” hoặc lấy làm “khó khăn” đối với một số thanh niên hiện nay. Có em cự cãi khi nhân viên xe buýt yêu cầu nhường ghế hoặc có em vội vàng đưa ra giấy tờ, cố chứng minh đang trên đường về Sài Gòn chữa bệnh. Tôi nghĩ, qua một vài lần sử dụng phương tiện đi lại công cộng, được nhìn thấy một số em gái hoặc một vài người ở tuổi trung niên tình nguyện nhường ghế, ắt hẳn dần dần các em sẽ hiểu ra.

        2.  Thường xuyên lui tới bưu điện vào các buổi sáng thứ bảy hoặc chủ nhật, có một lần tôi thật sự bất bình khi chứng kiến cô nhân viên luôn miệng la mắng, càu nhàu các em gái đi nghĩa vụ quân sự. Ngày nghỉ, các em thường tới cùng lúc. Nào là mua tem, đánh điện, gửi tiền, gửi ảnh về nhà. Có em liên tục kê khai sai trên mẫu... Dù thế nào thì mọi người tới giao dịch đều trả đầy đủ khoản phí cho dịch vụ người ấy cần, vậy phải được đối xử tốt và lịch sự!

          3. Năm học lớp 12, con gái tôi than phiền một bạn trai cùng lớp liên tục gọi điện đến nhà nói chuyện vẩn vơ, ảnh hưởng đến thời gian học tập. Cháu ngỏ ý xin ba mẹ đăng ký dịch vụ hiển thị số cho chiếc điện thoại bàn của gia đình. Thế là sau đó, mỗi khi số của người bạn ấy gọi tới, cả nhà lờ đi. Cứ đinh ninh không người nghe, người gọi sẽ chán. Nào ngờ anh chàng đổi “phương án hoạt động”, nhờ dịch vụ bưu điện gửi bài hát đến tặng con gái tôi. Mỗi lần nghe cô nhân viên trực thông báo có bài hát được tặng, con tôi lễ phép cám ơn và nhẹ nhàng cúp máy khi tiếng nhạc vừa trỗi lên. Có lần, vừa đặt điện thoại xuống, chuông lại reo. Con tôi cầm máy lên: “Alô!...”. Bên kia đầu dây, là giọng nói bức xúc của cô nhân viên bưu điện quá nhiệt tình: “Sao em bất lịch sự vậy? Người ta tặng bài hát mà không lần nào chịu nghe!”. Đang đứng gần đó, tôi nghe tiếng con gái nghẹn ngào: “Dạ... em phải học thi...”.

Đại từ điển tiếng Việt ghi: Lịch sự là có cách tiếp xúc, xã giao phù hợp với phép tắc mà xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, đôi khi tình cảm, tâm trạng, công việc hoặc hoàn cảnh sống hiện thời làm ta hoặc một người khác không thực hiện được một trong những phép lịch sự cần thiết nhất.

BAO KIM THANH
 
 

Tin cùng chuyên mục