Việt Nam thời mở cửa hội nhập và giao lưu với mọi dân tộc trên thế giới

Có một vẻ đẹp mang tên Việt...

            Ngày nay nước Việt Nam ta đang hội nhập vào đời sống của nhân loại, mở cửa giao lưu với mọi dân tộc trên thế giới. Chính sách cởi mở, thông thoáng và thân thiện đó đã thu hút được cảm tình của cả thế giới, khiến hàng ngàn hàng vạn nhà tư bản không chỉ là Việt kiều sống rải rác trên khắp thế giới, mà các nhà đại tư bản người ngoại quốc cũng đổ hàng tỷ USD vào đầu tư trên đất nước chúng ta, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân Việt Nam. Tiếp đến, chính tính cách lạc quan, vui vẻ và hiếu khách của người Việt Nam đã làm đất nước chúng ta trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho hàng triệu người ngoại quốc đến tham quan, ngoạn cảnh, ăn uống hay mua sắm, v.v…

Thế nhưng, sự lạc quan, hồ hởi và đầy hứa hẹn đó cũng đòi hỏi phía chúng ta nhất thiết phải có những thái độ cư xử hợp lý, đúng đắn đối với các vị khách quý nước ngoài, dù họ thuộc tầng lớp du lịch vãng lai, thương mại, làm kinh tế, làm văn hóa. Để tránh được những sơ suất về mọi lãnh vực trong khi tiếp xúc, giao lưu, và làm ăn với người nước ngoài, chúng ta không thể bỏ qua được nguyên tắc cơ bản là phải “biết người biết ta”.

Để sự giao lưu và tiếp xúc giữa chúng ta với người ngoại quốc đang sống làm việc trên đất nước chúng ta mang lại hiệu quả xây dựng thiết thực, chúng ta cần phải hiểu họ, hiểu văn hóa, tâm lý, tập quán và quan niệm sống của họ. Đây không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cũng không phải là không làm được. Và để tầng lớp dân chúng Việt Nam có thể hiểu được tâm tư tình cảm của người nước ngoài, thì các cơ quan như Sở Văn hóa Thông tin hay Du lịch, cần soạn thảo những tài liệu ngắn gọn về tình hình địa lý, lịch sử và văn hóa của các nước trên thế giới, đặc biệt của những nước chúng ta tiếp xúc nhiều nhất, như các nước Âu Châu, Bắc Mỹ, và các nước trong khối ASEAN.

Bên cạnh ấy, việc tự biết chính mình còn cần thiết hơn. Vâng, chúng ta có hiểu rõ và nắm vững bản sắc văn hóa dân tộc thì chúng ta mới có thể đối thoại, giao lưu cùng các nước có hiệu quả! Do đó, việc biết người biết ta là một điều kiện cần thiết trong khi giao tiếp, nghĩa là chúng ta cần phải biết và phân biệt được cái hay cái dở nơi người và ta; cái ưu-khuyết của người và cái ưu-khuyết nơi mình; cái tích cực và cái tiêu cực của người cũng như cái tích cực và cái tiêu cực nơi mình.

Sự tự trọng và tự tín là thái độ cần thiết khi tiếp xúc với người ngoại quốc: nghĩa là chúng ta vui vẻ, hiếu khách, tôn trọng, học hỏi nơi họ nhiều điều tích cực và bổ ích nhưng chúng ta cũng không vì sự giàu có hay hình thức hấp dẫn bên ngoài của họ, mà bỏ quên bản sắc dân tộc, vốn quý báu về văn hóa, tinh thần và đạo đức của dân tộc mình, để bắt chước rập theo họ. Người Tây phương có những cái hay mà chúng ta không có, và ngược lại, chúng ta có những cái tốt mà họ lại không thể có được. Vì thế, trong khi giao lưu với họ, chúng ta cần có lòng tự trọng và tự tín không để họ coi thường.

Chúng ta hòa đồng thân thiện, học tập sự văn minh và tiến bộ nhưng không hề “cốp-py” mù quáng, mà phải biết gạn lọc từ những cái hay của người thành cái hay của riêng chúng ta.

Được vậy, hàng triệu người nước ngoài tấp nập và hồ hởi đến nước ta, không chỉ bị thu hút và quyến rũ bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của nước Việt Nam, mà còn bị lôi cuốn bởi những đức tính đặc thù đáng trân trọng của con người Việt Nam như: vui vẻ duyên dáng, khoan dung, hiếu khách, chân thành và ngay thẳng, v.v… Chính bản sắc văn hóa dân tộc cao quý và những đức tính thuần túy Việt Nam sẽ khiến cả thế giới phải kính trọng…

Nguyễn Hữu Thy (Việt kiều)

Có một vẻ đẹp mang tên Việt...

          Đất nước và con người Việt Nam như thế nào trong con mắt, trái tim của bè bạn bốn phương? Đó là câu hỏi canh cánh trong lòng của những người Việt mỗi khi có dịp phiêu du nơi xứ bạn hay lúc bạn sang chơi xứ mình. Chúng ta có gì để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh con người, đất nước mình để sau mỗi chuyến thưởng ngoạn, khám phá, Việt Nam sẽ mãi là vùng đất lưu luyến, vấn vương trong lòng bè bạn.

Xu thế toàn cầu hóa cùng với sự phát triển diệu kỳ của khoa học kỹ thuật đã làm thế giới trở nên thật gần gũi và ngày càng xích lại gần nhau hơn. Mối hợp tác giao lưu quốc tế nở rộ trên mọi lĩnh vực cùng bước phát triển của du lịch đã đẩy mạnh nhu cầu tìm hiểu nền văn hóa của các quốc gia khác.

Trong “sân chơi” toàn cầu rộng mở ấy, với cái nhìn của người trong cuộc, hẳn ai cũng nhận thấy còn rất nhiều nhức nhối khiến du khách hay nhà đầu tư quốc tế còn ngần ngại, cân nhắc khi tới Việt Nam. Này nhé: giao thông đường phố quá tệ, ô nhiễm môi trường, nếp sống phản văn minh đô thị, nạn kẹt xe, ngập nước trong thành phố, rồi cả một bộ máy hành chính cồng kềnh, nhũng nhiễu…

Nhưng Việt Nam vẫn có những thế mạnh riêng. Chúng ta không chỉ giàu có những danh lam thắng cảnh hữu tình, những bãi biển thơ mộng và bình yên, những chùa chiền, nhà thờ, di tích lịch sử văn hóa; Việt Nam còn có những con người thân thiện, mến khách và có bề dày lịch sử, có nền văn hóa đầy sức mạnh mời gọi khách nước ngoài khám phá…

Để tạo sức hút với khách quốc tế, lâu nay chúng ta đã giới thiệu với bạn những nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, nét duyên riêng của dân tộc với đủ các đặc sản văn hóa tiêu biểu ở mỗi vùng miền: nhạc cung đình, nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, chầu văn, rối nước, tuồng, chèo, ca nhạc tài tử Nam bộ, nhạc lễ…

Nghệ thuật truyền thống Việt Nam vẫn có sức quyến rũ, không ồn ào nhưng vẫn mãnh liệt, đã và đang có những cô gái tóc vàng, da trắng, cũng yếm thắm dải đào mê đắm với chèo, tuồng, chầu văn…

Lại có cả những lớp vẽ sơn mài mà học viên là phu nhân các vị đại sứ, các nhà ngoại giao, doanh nhân nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam. Không chỉ chiêm ngưỡng và mua tranh, họ muốn thưởng thức chiều sâu văn hóa của một dân tộc như những người đồng sáng tạo với cả nỗi nhọc nhằn, trăn trở.

Ở các thành phố lớn, đã có đủ thú vui ẩm thực cho du khách, từ món ăn đồng quê, dân dã cho đến cao lương mỹ vị, từ các món thuần Việt đến các món mang đủ quốc tịch, Nhật, Hoa, Hàn, Ý, Nga, Mỹ, Thái… rất đa dạng. Trong đó nghệ thuật ẩm thực Việt cũng được đánh giá cao bởi sự phong phú, đậm đà và thanh tao.

So với các nước láng giềng, các công trình kiến trúc của nước ta không đồ sộ, hoành tráng, dịch vụ du lịch đây đó cũng còn đơn sơ, thiếu tìm tòi sáng tạo để có sản phẩm du lịch độc đáo, chưa gắn kết với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với những show diễn cuốn hút, tầm vóc…

Vì thế, mới ngao du đến Việt Nam, đã không ít khách quốc tế hụt hẫng, văn hóa Việt Nam đơn sơ vậy sao?! Nhưng khi có dịp được gần gũi, tiếp xúc sâu hơn, bạn bè lại thấy thú vị vì những nét văn hóa ẩn sâu trong tâm hồn người Việt. Họ lại thấy mến yêu những con người thân thiện, giàu lòng nhân ái, siêng năng, nhạy bén và giàu khát vọng vươn lên. Nếp sống gia đình bền chặt, ấm áp; xóm giềng cởi mở, nghĩa tình cũng là nét độc đáo đáng yêu.

Người Việt cũng luôn nặng lòng với quê hương, xứ sở. Tình cảm thiêng liêng ấy cùng lòng tự hào dân tộc, khiến dù ở nơi đâu, dù cuộc sống có trầm luân, gian khó hay thành đạt vinh hoa, họ vẫn luôn hướng về và mong được cống hiến cho đất nước, đồng bào. Chính nét đẹp đó được bạn bè đánh giá cao.

Hơn nữa, sức hấp dẫn lạ kỳ của Việt Nam, nhiều lúc lại từ những trang sử hào hùng và bi thương của dân tộc. Điều đó lý giải vì sao địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh luôn tấp nập những đoàn du khách quốc tế.

Và sắp tới bệnh viện đa khoa mang tên Đặng Thùy Trâm cũng sẽ là điểm dừng chân trong một tour du lịch mới được thiết kế… Và trong cuộc sống sôi động hôm nay, trước các vận hội lớn, những người con đất Việt với vẻ đẹp tỏa sáng từ phẩm chất, cốt cách lại tiếp tục thực hiện khát vọng vươn tới.

BÙI ANH THƠ (Quận 1)

Để hình ảnh Việt Nam tỏa sáng

            Theo tôi, để xây dựng hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế có nhiều cách:

- Thứ nhất, tà áo dài của thiếu nữ Việt tung bay trên phố Việt đã làm mê đắm biết bao nhiêu trái tim của khách quốc tế. Đó là sự trong trẻo, tinh khôi của vẻ đẹp Á Đông. Chứ những jupe ngắn cũn cỡn, tóc hai lai, cọng vàng, cọng đỏ thì ta chỉ bắt chước người và chắc chắn cũng không thể đẹp hơn người ta. Chẳng thế mà, nhiều bạn bè quốc tế đến Việt Nam cứ mãi trầm trồ về vẻ đẹp yêu kiều từ ngàn xưa, để xa Việt Nam rồi nhớ mãi không thôi.

- Thứ hai, trong những bữa tiệc chiêu đãi khách nước ngoài, không nên chỉ mời bạn bè ăn món ăn Tây, Tàu. Tại sao chúng ta không mạnh dạn đưa vào đó những món ăn là “quốc hồn quốc túy”, chỉ có ở đất Việt mà thôi như bún, phở và mắm. Nhiều du khách bảo tôi, họ thật sự ngán những bữa ăn Tây, thích khám phá ẩm thực Việt Nam. Vậy, văn hóa ẩm thực cũng là sản phẩm độc đáo mà chúng ta cần giới thiệu.

- Thứ ba, nét đẹp ấy chính là nụ cười Việt Nam, nụ cười của xứ sở yêu chuộng hòa bình. Nhiều du khách khi đến đất nước chúng ta từng nói rằng không đâu có nụ cười nhiều và đẹp đến thế như người dân Việt. Họ bắt gặp chúng ta cười mọi lúc mọi nơi, cười với tất cả nét duyên dáng. Nụ cười ấy rất đáng để phát huy, để tiếp sức cho quá trình hội nhập. Đó còn là một loại “vũ khí” đáng được nhân rộng của chúng ta. Tôi gặp người nước ngoài, tôi sẽ nở một nụ cười thân thiện và bạn cũng vậy nhé! Bởi nụ cười Việt Nam sẽ chinh phục du khách quay trở lại với chúng ta và mãi nhớ đến chúng ta.

Những ví dụ trên chỉ là một phần trong vô vàn giải pháp. Đó chính là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mỗi người để hình ảnh Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế...

PHẠM AN HÒA

Cần lắm, một lễ hội văn hóa U Minh

              U Minh Thượng ở miền Tây Nam bộ, là một trong những khu rừng ngập mặn lớn trên thế giới, đã được nhiều tổ chức lâm nghiệp và môi trường quốc tế, nhiều nhà khoa học, lâm sinh học thế giới quan tâm

Do đặc điểm riêng về đất, nước, khí hậu, hệ sinh thái tự nhiên của vùng rừng ngập mặn - ngọt lợ này, ở khu vực U Minh Thượng và vùng ven, từ lâu đã hình thành những nét văn hóa trong sản xuất, hoạt động làm ăn, sinh sống của người dân vùng này với những nét đặc trưng không thể lẫn vào đâu được.

Nét đặc trưng đó được thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực, nhiều hình thức. Từ những phương tiện đi lại và sản xuất như xuồng ba lá, xuồng cui... các dụng cụ đi rừng, ăn ong, dụng cụ sản xuất như cái chà gạt, cây mác rừng, cái rìu, cây phảng để phát và cái cào gom cỏ; những dụng cụ gặt, đập lúa như các loại vòng gặt, các kiểu ghế đập lúa, cách giê và quạt lúa; các loại dụng cụ và cách đánh bắt cá tôm như đăng, đó, lờ, lọp, trúm, xà nen, xà vi; các loại hầm đắp ngang mương buộc cá nhảy vào để bắt vào đầu mùa khô...; các loại đuốc để ăn ong ruồi, ong mật.

Ngay cả cách cắm câu bắt cá, bắt lươn cũng thật phong phú: nào câu rê, câu thược, câu cần cắm, câu thả, câu giềng với mồi chết, mồi chạy v.v... đủ kiểu. Hầu hết nguyên liệu để làm ra các dụng cụ đó đều có ở U Minh như tre trúc, sợi mây, sậy, gỗ rừng, và cả loại dây bòng bong hoang dã. Có thể nói, đây quả là cả một bảo tàng phong phú và sinh động về văn hóa đời sống U Minh mà người ở phương xa không thể nào tưởng tượng nổi.

Đêm rừng, của gió biển Tây, những bạn câu gom lại với nhau, xuồng bên xuồng, cất lên những lời tâm sự, những câu than vãn về thân phận nghèo tha phương cầu thực, với cái vốn đơn sơ mộc mạc về âm nhạc, về thơ ca. Lâu dần, những lời lẽ ấy trở thành những biến tấu, những cải biên ngẫu hứng, thành bài vọng cổ dây Rạch Giá, ngọt lịm chất giọng đồng bằng miền Tây, trong tiếng đàn ghi ta vọng cổ dân dã của những tay đàn, mà bàn tay hằn vết chai do cầm búa, cầm phảng quanh năm...

Chiến khu U Minh đã từng là nỗi kinh hoàng của bao tên giặc Pháp, giặc Mỹ xâm lược. Nếu được tái hiện, phục dựng đúng đắn, đảm bảo độ chân thật lịch sử, sẽ có tác dụng giáo dục to lớn cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau. Đồng thời cũng làm cho thế giới, một lần nữa, hiểu rõ hơn về vùng đất giàu có, phóng khoáng và anh hùng này.

Để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với U Minh, chắc chắn phải làm nhiều việc. Tuy nhiên có một việc trong tầm tay rất có ý nghĩa, tác dụng rất lớn, có thể sớm thực hiện. Đó là nên tổ chức một lễ hội văn hóa U Minh. Lễ hội này sẽ tái hiện một cách đầy đủ không gian sản xuất, làm ăn sinh sống, và những hoạt động khác của cư dân U Minh trong quá trình mở đất, giữ đất và khai thác tiềm năng to lớn của vùng đất này qua nhiều thế kỷ. Ý nghĩa kinh tế, lịch sử, xã hội thì đã rõ. Chúng tôi muốn nói đến ý nghĩa văn hóa to lớn của vấn đề này, khi địa danh U Minh đã vượt ra ngoài không gian quốc gia.

Tổ chức lễ hội văn hóa U Minh là động thái vô cùng cần thiết, là tạo ra một đột phá, điểm nhấn, là sự kiện tập trung lớn để mở đầu và thu hút một dòng chảy khách du lịch hướng về vùng đất đặc biệt này, kể cả khách trong nước và ngoài nước.

Khách đến lễ hội sau khi tham quan, sẽ đi ăn ong, cắm câu, đặt trúm, đặt lờ, giăng lưới, câu cá, đi nhổ cây bồn bồn, bức choại v.v... Một lễ hội văn hóa U Minh, không chỉ cho quá khứ, cho người hiện tại, mà cái chính là trân trọng lịch sử. Một thái độ đúng mực đối với quá khứ đầy bi hùng của một thời mở đất và giữ đất phương Nam…

VIỆT THANH

Để hiểu được đất nước và con người Việt Nam 

              Để hình ảnh Việt Nam luôn có những ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế, theo tôi nên tập trung vào những nội dung sau đây: Tổ chức tốt các tụ điểm ca nhạc ngoài trời. Chương trình biểu diễn phải được chọn lọc kỹ lưỡng, khai thác triệt để các nhạc cụ “đậm đà bản sắc dân tộc” như sáo trúc, khèn, đàn mòi, chiêng, trống, đàn tơ rưng, đàn bầu... 

Bên cạnh đó có những điệu múa, câu hò minh họa phản ánh nếp sống sinh hoạt ở ba miền Bắc, Trung, Nam như hát chầu văn, lô tô, bài chòi, hò Huế... Dàn dựng các trích đoạn theo nhiều thể loại như cải lương, tuồng, chèo, rối nước, có từ hàng ngàn năm ông cha ta để lại. 

Song song với các loại hình trên, chúng ta có thể quảng bá các nếp sống sinh hoạt lâu đời của người dân Việt Nam ở từng vùng, miền khác nhau như đua thuyền, đánh vật, múa lân, múa trống, múa gáo dừa. Ngoài những nội dung trên chúng ta có thể đẩy mạnh việc in sách báo, tạp chí bằng tiếng nước ngoài và biếu tặng miễn phí để tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, nên có những đoàn xe dành cho khách du lịch nước ngoài đến các danh lam thắng cảnh để tham quan nghỉ ngơi, hoặc giao dịch làm ăn, như vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, cố đô Huế, động Phong Nha, rừng Cúc Phương, Vũng Tàu... 

Thiết nghĩ trong công cuộc đổi mới hiện nay, đất nước chúng ta hiện đang đứng trước cơ hội vô cùng thuận lợi, vì vậy chúng ta phải có tầm nhìn xa, trông rộng, để nắm bắt thời cơ, mạnh dạn làm việc gì có lợi cho ta và bạn bè quốc tế. Có như vậy các bạn khách nước ngoài mới hiểu được hơn đất nước và con người Việt Nam.

VÕ TRI (P8 Q3, TPHCM)

Thử để tâm đến những chuyện nhỏ

              Với gặt hái từ những bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới, tình hình chính trị ổn định, cùng bao nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt ra thế giới khiến Việt Nam đang có sức cuốn hút các du khách cũng như các nhà đầu tư quốc tế. Để Việt Nam ngày càng đáng yêu trong con mắt bè bạn, bên cạnh những thế mạnh đã được phát huy, hiện vẫn còn nhiều điều ngổn ngang khiến chúng ta day dứt.

Xin chưa bàn đến chuyện to tát, những nhiêu khê, nhũng nhiễu của bộ máy hành chính; nạn kẹt xe, rác rến, ô nhiễm môi trường… mà lâu nay cư dân thành phố vẫn gánh chịu, chỉ xin đề cập đến đôi điều nhỏ nhặt.

1. Bị đeo bám, quấy rầy, đó là lời phàn nàn của không ít du khách bị làm phiền bởi những “đội quân” trên đường phố. Khi là cô bé bán bông, chewing gum, trong trang phục học trò, lúc là người thiếu phụ xanh xao ẵm theo đứa trẻ oặt ẹo, khi là cặp vợ chồng tàn tật với cây guitar và xấp vé số… Lòng cảm thông, nhân từ bị lạm dụng để đổi thành những đồng bạc lẻ, bức tranh xã hội như bị lấm lem.

2. Đất nước Việt tươi đẹp, thanh bình, nhưng vẫn còn những cảnh tượng làm người ta thấy bất an và đau lòng. Ngay ở những con phố rất đẹp, tâm điểm của du lịch như Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng…, không ít lần chứng kiến kẻ bất lương giả danh người bán đồ lưu niệm năn nỉ mời chào, thình lình giật túi, tư trang của du khách rồi vọt lẹ, khiến người khách bị một phen thảng thốt, giận dữ mà chẳng thể cầu cứu ai. Lại có lần gặp mấy cô gái Nhật, Hàn xinh đẹp, duyên dáng xúng xính với áo dài Việt đang tản bộ trên hè phố bỗng nháo nhác, thất thần vì bị giật bóp. Thương các cô và tội nghiệp quá cho nón lá, áo dài và cả những món lưu niệm mang hồn Việt.

3. Hễ cứ thấy khách nước ngoài, hoặc có khi cả người Việt “ở bển về” thì từ làm nail, lon nước giải khát cho tới món hàng thủ công mỹ nghệ thường bị tính giá “trên trời”, hàng hóa một sao, giá cả bốn, năm sao là chuyện không hiếm.

Thực ra khi du lịch, nhất là du lịch “ba lô”, tận hưởng thú vui dân dã với giá phải chăng cũng là một cách thưởng thức. Nếu cứ mang tâm lý tiền bạc du khách quá rủng rỉnh, tội gì không “chặt đẹp” thì chỉ là cách làm của người “ăn xổi”. Số tiền chẳng là bao so với thu nhập của khách nhưng nếu cứ bị đối xử thiếu công bằng như thế, thì dù có mời chào mấy, họ cũng sẽ “một đi không trở lại”.

4. Bên cạnh du lịch biển hay cao nguyên, vùng sông nước miền Tây Nam bộ với nét độc đáo, kênh rạch chằng chịt, chợ nổi trên sông, vườn trái, làng nghề, đờn ca tài tử... được khách quốc tế rất ưa chuộng. Ngoài một số công ty du lịch uy tín, phục vụ chuyên nghiệp, còn có rất nhiều tour lẻ với cách tổ chức nghiệp dư, chất lượng dịch vụ thấp.

Có lần du lịch sinh thái cùng đoàn khách đủ quốc tịch… vậy mà phải chứng kiến cảnh tài xế thì cằn nhằn, thô lỗ, hướng dẫn viên du lịch thì suốt chuyến đi “quên” giới thiệu nét văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của nơi chốn đi qua. Quảng cáo ngất trời, chất lượng èo uột - Thực tế khác quá xa lời chào hàng thì tâm trạng thất vọng là điều khó tránh khỏi.

5. Điều oái oăm là khi du lịch xứ mình lại khiến người ta liên tưởng đến xứ người. Tất nhiên những khác biệt về lịch sử, kinh tế - xã hội thì miễn bàn, nhưng về con người và phong cách phục vụ là điều đáng lưu tâm. Nhớ về chuyến du ngoạn từ Sidney khám phá Blue mountain. Người tài xế kiêm hướng dẫn viên, suốt hành trình xe vun vút trên đường núi quanh co, với chiếc micro không dây, vừa lái xe vừa giới thiệu lưu loát về văn hóa lịch sử con người từng vùng đất đi qua. Xuống xe, anh lại trong vai “cô bảo mẫu” tận tình với khách.

Lần khác ở Malaysia, ngày về cả đoàn cứ nấn ná, chẳng muốn rời xa bởi chàng hướng dẫn du lịch người bản xứ thân thiện, hài hước, rất am hiểu về Việt Nam và còn biết hát tặng một số ca khúc Việt đang rất thịnh. Phong cách phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, đáng tin cậy cùng sự cởi mở, chan hòa là những dấu ấn đẹp, khó phai mờ. Phải chăng những thiện cảm, mến yêu về một xứ sở, điều mà chúng ta đang nhọc công xây dựng để quảng bá hình ảnh Việt Nam - công việc bao hàm ý nghĩa lớn lao ấy, nhưng nhiều khi lại bắt đầu từ những việc rất nhỏ bé, giản đơn.

BÙI ANH THƠ (Thảo Điền, quận 2)

Sứ giả âm nhạc mang hình ảnh Việt Nam 

                Hiện nay, một bộ phận ca sĩ Việt Nam đang đổ xô xuất ngoại biểu diễn, làm các album cho riêng mình ở Mỹ, Tây Âu, Đông Á… Đây chính là một phương cách để giới thiệu ra nước ngoài nền âm nhạc Việt Nam. Nói không ngoa, họ chính là sứ giả có thể tiếp thị, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài một cách nhanh nhất.

Hình ảnh đẹp của ca sĩ, một cách tiếp thị hình ảnh Việt Nam chính là tài năng, sự lịch lãm, và nét duyên dáng thuần chất Việt. Với chiếc áo dài Việt Nam, phong cách Việt Nam, họ sẽ là người “đem chuông đi đánh xứ người” bằng chính bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, các ca sĩ Mỹ Tâm, Quang Dũng, Quang Vinh, Hồ Quỳnh Hương, Ánh Tuyết, nhóm nhạc AC&M… có những đợt xuất ngoại hay biểu diễn tại Mỹ, Hàn Quốc, Anh… và nhiều nước trên thế giới. Họ hơn ai hết sẽ mang sứ mạng tiếp thị hình ảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam như một thông điệp hòa bình đến với bạn bè thế giới.

Nhưng điều quan trọng hơn hết, đó là ý thức của lòng tự trọng dân tộc, là ý thức và trách nhiệm công dân của từng người trong những buổi giao lưu để luôn giữ gìn hình ảnh đẹp của Việt Nam trước mắt bạn bè thế giới… Mong sao các ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam sẽ làm được điều đó. Bởi trước khi là một nghệ sĩ, tất cả đều là những công dân Việt Nam yêu nước. Và chỉ có tấm lòng yêu nước, người nghệ sĩ mới vượt qua hết những cám dỗ vật chất, để không quay mặt lại với quê hương còn nghèo khó của mình… Và tôi tin rằng đó chính là cách thể hiện nhân cách của mình cao nhất của một nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài…

PHẠM AN HÒA 

Đẩy mạnh chống tham nhũng, cải cách hành chính

               Việt Nam đã được biết đến như là một miền đất hứa, được thiên nhiên ban tặng một môi trường địa lý thuận lợi về đường bộ, đường biển và đường hàng không. Thêm vào đó con người Việt Nam lại luôn có tính hiếu khách, các dân tộc cùng sinh sống trên một mảnh đất lại đoàn kết, sống chan hòa với nhau. Khi Việt Nam thực hiện các chính sách mở cửa thông thương về kinh tế, hội nhập với thế giới thì luôn được các nhà đầu tư ngoại quốc ưu ái. Ðáng lẽ với những lý do như trên, Việt Nam phải là một đất nước phát triển mạnh và nhanh về kinh tế, nhưng trên thực tế vẫn còn một số khuyết điểm làm kìm hãm tốc độ phát triển.

Phần thảo luận này chỉ xin nêu một khía cạnh nhỏ về vấn đề quản lý Nhà nước. Như đã nói ở trên, các bạn bè quốc tế luôn dành sự ưu ái, quan tâm đến Việt Nam, chính vì vậy mà họ không ngần ngại đổ tiền của vào để đầu tư. Nhưng một thực tế chắc chắn hiện nay vẫn còn tồn tại và nhà đầu tư rất ngán ngại là khi phải làm việc với các cơ quan chính quyền Nhà nước. Với những cơ chế quản lý chồng chéo, đan xen nhau đã làm cho nhà đầu tư ngán ngại, lại thêm vào đó việc quản lý cũng không thống nhất, nơi thì thắt chặt, nơi thì nới lỏng khiến nhà đầu tư lúng túng. Xin nêu một ví dụ điển hình như việc ban hành quá nhiều các văn bản quản lý về một lĩnh vực, năm nay thì quy định như thế này, sang đến năm sau lại thay đổi thế khác, trong khi đối với nhà đầu tư thì họ cần một môi trường ổn định lâu dài... Chưa nói đến một thực trạng phát sinh thêm từ những lý do trên là việc nhận hối lộ của một số công chức liên quan đến lĩnh vực này. Chính vì vậy hầu hết các tập đoàn, công ty nước ngoài đều dành hẳn một phần chi phí cho việc "tiếp" các quan chức Nhà nước - đó là một thực tế mà ai cũng phải công nhận.

Ðể bạn bè năm châu thế giới đến với ta nhiều hơn nữa, Ðảng và nhà nước cần đẩy mạnh các công việc đang làm như bài trừ tham nhũng, thực hiện cải cách hành chính, hướng đến nền hành chính công "phục vụ", thì Việt Nam sẽ càng xích lại gần hơn với bạn bè thế giới.

Nguyễn Quốc Thái (thainguyenq@tphcm.gov.vn)

Làm gì để gây ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế? 

              Những năm gần đây, lượng khách nước ngoài vào nước ta ngày một đông. Nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Vì vậy một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để gây được thiện cảm, ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế? Theo tôi cần có những biện pháp, việc làm cụ thể sau đây:

Trước hết chúng ta phải có sự đầu tư một cách đúng mức để tôn tạo những di tích lịch sử hiện nay đã xuống cấp trầm trọng như các thành quách, đền đài, miếu mạo. Đặc biệt là các di tích có từ hàng ngàn năm: thành nhà Hồ, thành Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương, giếng Mỵ Châu - Trọng Thủy, chùa Một Cột, Văn Miếu v.v... Việc tôn tạo (tất nhiên vẫn giữ được đường nét như trước) các di tích trên ngoài ý nghĩa lịch sử ra còn là địa chỉ đáng tin cậy cho khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam.

Song song với việc làm trên chúng ta cần có kế hoạch trước mắt và lâu dài mở rộng và nâng cấp những đoạn đường dẫn đến các khu du lịch như chùa Hương, đền Hùng, chùa Tây Phương v.v... để tạo tiều kiện thuận lợi cho khách thập phương đến tham quan, thư giãn, mà không ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt hàng ngày của họ.

Ngoài những nội dung trên, chúng ta không nên xem nhẹ các khâu dịch vụ như cơ sở vật chất, cách ứng xử cũng như việc cải cách hành chính về mặt giấy tờ có tính chất nguyên tắc, tránh phiền hà, lãng phí thời gian. Một trong những sở thích của du khách nước ngoài, bạn bè quốc tế là thường hay đặt chân đến những nơi cộng đồng có nguồn gốc từ xa xưa để tìm lại cội nguồn thời gian và quá khứ.

Vì vậy chúng ta cần tuyên truyền mở rộng những khu vui chơi giải trí dưới nhiều hình thức có ý nghĩa như: “Ngày hội quê tôi” v.v... để có dịp quảng bá các món ăn dân tộc các miền, các nghề thủ công đã có lâu đời của ông cha ta để lại như đúc đồng, làm đồ gốm, dệt chiếu cói... đang tiềm ẩn trong nếp sống, sinh hoạt của người dân chúng ta hiện nay. Như vậy đất nước và con người Việt Nam mới có thể để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới.

NGUYỄN HÀ THANH
(P8, Q3, TPHCM)

Hiểu cho đúng cụm từ “đi tắt, đón đầu” 

                  Sẽ không mấy khó khăn để bắt gặp cụm từ “đi tắt, đón đầu’’ này tại rất nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành, hay hội họp các cấp chính quyền, trong các doanh nghiệp và cả trên các diễn đàn báo chí. Nhưng dường như rất ít người trong chúng ta hiểu và nhìn nhận cho đúng cụm từ này vào từng trường hợp cụ thể.

Ở các nước phát triển, nơi có nền văn minh lỗi lạc và nền khoa học tiến bộ vượt bậc thì việc áp dụng các thành tựu công nghệ mới cũng như các phương thức quản lý là điều bắt buộc và hiển nhiên. Chính vì vậy, nhu cầu nảy sinh ra ngày càng nhiều sáng kiến, phát minh về công nghệ, cải tiến trong quản lý rất cấp bách và đòi hỏi cường độ rất cao.

Ở Việt Nam, một nước đang bắt đầu những bước đi trên con đường hội nhập và phát triển cùng thế giới, chúng ta chỉ mới khởi điểm tại vạch xuất phát, những nỗ lực để vươn lên đòi hỏi mất nhiều công sức, của cải và thời gian. Cho nên, đôi lúc cụm từ “đi tắt, đón đầu” cần được bình tâm nhìn nhận cho đúng nghĩa trong các cách thức diễn đạt nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý nói chung.

Đối với các quốc gia phát triển, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới xem ra dễ dàng hơn bởi vì đó chính là sự thay thế của một sự vật mới đối với sự vật cũ dựa trên một nền tảng vững bền. Còn chúng ta, hãy xem lại, nền tảng về khoa học kỹ thuật, trình độ công nghệ cũng như các phương thức quản lý còn ở mức thấp, bập bẹ so với thế giới. Vậy nên, việc ứng dụng tất cả các lĩnh vực trên tại Việt Nam theo kiểu “đi tắt, đón đầu” của thế giới mà bấy lâu nay chúng ta thường hô hào công khai, liệu có ổn?

Ngoài ra, chúng ta cần hiểu cụm từ “đi tắt, đón đầu” này ở một không gian rộng chứ không phải ở một không gian hẹp. Nghĩa là từ trước đến nay, chúng ta cứ tưởng tượng ra rằng đang tham gia cuộc đua phát triển cùng với các nước trên thế giới ở phương diện mặt phẳng, nhưng thực ra, cuộc đua này đang diễn ra trên phương diện không gian đa chiều.

Nói rõ hơn, để bắt cho kịp và ứng dụng cho được những thành tựu của thế giới đương đại, chúng ta rất khó xác định được phải nỗ lực đến đâu và mất thời gian bao lâu. Chỉ cần biết rằng, chúng ta hãy cứ phải nỗ lực học hỏi không ngừng, tôn trọng những thành quả của công nghệ mới và ứng dụng những thành quả đó sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, “đi tắt, đón đầu” cần phải có chọn lọc, có định hướng, khéo léo và khiêm tốn trong truyền ngôn.

Người Mỹ có câu “bạn hãy nghĩ ra bên ngoài chiếc hộp” (think outside of the box) ngụ ý rằng chúng ta không nên chủ quan nhìn nhận tất cả các vấn đề ở góc độ hẹp, cần khơi rộng nó ra và nên hiểu thấu đáo. Việc hiểu và vận dụng theo kiểu “đi tắt, đón đầu” của chúng ta hiện nay nên có sự cân chỉnh lại cho đúng.

Hoàng Cửu Long (Singapore)

Hãy tạo nên những thương hiệu Việt 

                  Một bức tranh sơn mài có giá trị ngoài nhờ vào bàn tay tài hoa người thợ cưa và cẩn, sắc màu lấp ánh của các loại ốc, còn có điều quan trọng quyết định độ bền của tranh là nước sơn. Tranh sơn mài của ta trước kia hầu như tất cả đều đạt được những yêu cầu phải có, vì  người thợ mài sơn rất công phu ít nhất là 7 lớp. Ta đã từng có những thương hiệu tranh sơn mài Việt Nam nổi tiếng trên thị trường quốc tế.

Ngày nay, rất nhiều người thợ cưa ốc (từng miếng ốc được thợ cưa thành hình theo mẫu can sẵn), cẩn ốc (lắp ghép lên gỗ những  hình mẫu đã được cưa), thợ sơn (phủ sơn lên gỗ sau khi đã cẩn ốc) đã phải bỏ nghề. Các cơ sở mài ốc phục vụ cho việc làm tranh phần lớn chuyển sang nghề khác.

Tại sao? Vì tranh sơn mài Việt Nam đã không còn ở thời kỳ hoàng kim của quá khứ. Khách nước ngoài khi đến Việt Nam hiện nay không còn háo hức tìm mua những bức tranh sơn mài Việt Nam, vì họ cho là tranh không còn đảm bảo chất lượng như xưa. Sai lầm khi rút ngắn thời gian công đoạn sơn phủ của một số thợ và cơ sở làm sơn, khiến tranh dễ bị phù, vọp. Đó là một trong những lý do khiến thị trường này bị thu hẹp.

Ở đây không nói riêng về tranh sơn mài, xin được nhìn chung về tất cả các sản phẩm khác. Một người khách nước ngoài đến Việt Nam, mua một sản phẩm của ta, nếu gặp phải những thứ hàng dỏm sẽ chóng vánh thất vọng về chất lượng. Chất lượng sản phẩm không chỉ riêng của một cá nhân, một cơ sở, một doanh nghiệp nào đó mà còn là uy tín quốc gia. Không chỉ có giá trị về kinh tế, xã hội mà còn là niềm tự hào của hàng triệu triệu người dân Việt.

Khi giới thiệu được với bạn bè quốc tế một sản phẩm đảm bảo chất lượng, trước sau như một, ta đã tạo được niềm tin của họ về một đất nước không phải chỉ anh hùng với bề dày lịch sử chống ngoại xâm mà còn tạo nên một thương hiệu Việt với những sản phẩm nổi tiếng có chất lượng. Đó là việc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.

Bao Kim Thanh


Cần chấm dứt nạn ăn xin trong thành phố

                  Từ khi đất nước ta có chủ trương mở cửa và hội nhập, đời sống kinh tế của người dân ngày càng một nâng cao. Đó là dấu hiệu đáng mừng trên bước đường đi lên của cả dân tộc. Gần đây đất nước ta lại được thế giới công nhận là một nước có thành tích xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả nhất so với các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Song tình trạng người đi xin ăn vẫn còn đó ở một vài thành phố lớn tạo nên những hình ảnh không đẹp mắt chút nào đối với khách du lịch nước ngoài.

Để giải quyết tình trạng này, theo tôi chúng ta nên thực hiện một số nội dung cần thiết sau đây: Một là, những khu nuôi dưỡng những em mồ côi cơ nhỡ, người già cả, khuyết tật không nơi nương tựa quản lý tốt hơn về mặt hành chính, không cho đối tượng trên ra ngoài đi lang thang và có những hành động không tốt làm ảnh hưởng đến tâm lý về mặt xã hội. Hai là, nhà nước và địa phương có sự nhất quán về những quy định khi có người ăn xin ở khu vực mình quản lý.

Nếu làm tốt điều này không những có hiệu quả cao về mặt giáo dục, ý thức tự giác trong cộng đồng người Việt mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp thành phố văn minh lịch sự trong giai đoạn đất nước chuyển mình đi lên hiện nay. Ba là, từng địa phương cần có một khoản tiền quỹ làm từ thiện nhằm để giúp đỡ những trường hợp thật sự khó khăn cơ nhỡ, lỡ đường không nơi nương tựa, cần thiết đưa về quê hương, gia đình hoặc khu nuôi dưỡng. Thiết nghĩ nếu làm được những điều nói trên, không những có ý nghĩa về tính ưu việt của xã hội, mà còn góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. 

VÕ TRI (P8, Q3, TPHCM)

Trách nhiệm của mọi người dân Việt

                 Nhiều năm sau này, thông qua một số người thân và những thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi cũng như hầu hết mọi người đều phần nào hiểu được đời sống của  kiều bào ta trên những vùng đất khách không phải chỉ là mật ngọt.

Bên cạnh phần đông những kiều bào sống có chí hướng vươn lên và thành đạt nơi xứ người, vẫn có một số kiều bào tạo hình ảnh xấu cho người Việt Nam. Ngoài những người đã có tuổi cao, dù được lãnh trợ cấp vẫn len lén tìm việc làm thêm, hầu không bỏ phí thời gian rảnh rỗi và có thêm thu nhập. Nhiều người trẻ, mạnh khỏe, đã có những “chiêu” để gian lận tiền trợ cấp của chính phủ sở tại.

Xin được phép nêu một số “mánh khóe” tôi biết được tại một nước có khá đông cộng đồng người Việt định cư. Theo tôi, đó không hề là chuyện vặt vãnh. Không thể biện minh bằng sự nghèo khó, gian nan nơi xứ người.

Chẳng hạn mẹ hoặc cha già đã qua đời nhưng không khai báo, để vẫn còn được lãnh tiền trợ cấp hàng tháng. Vợ khai chồng bỏ bê, ly dị, để được hưởng thêm trợ cấp nuôi con. Thanh niên khai thất nghiệp, hưởng tiền trợ cấp nhưng đi làm chui, vừa có thêm một số tiền không nhỏ vừa không phải đóng thuế thu nhập…

Mới đây, người thân của tôi, đang làm việc tại Sydney (Australia) – trong giờ giấc mà tôi ngỡ người ấy cần phải được nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả – gọi điện bày tỏ bằng giọng nói bức xúc: Một kênh chính của truyền hình Australia trình chiếu hình ảnh một gia đình Việt kiều có ông bố khai thất nghiệp hưởng trợ cấp, bà vợ khai bị chồng bỏ, phải ăn trợ cấp nuôi ba đứa con. Gia đình này có tài sản lớn là một nhà hàng hải sản, có quầy bán trái cây. Kèm thêm thông tin là gia đình này đang chuẩn bị mở thêm một nhà hàng tương tự…

Người thân và tôi dù cách xa nhau hàng vạn dặm, cùng lúc buông tiếng thở dài.

Dù sống ở nơi đâu, chúng ta vẫn phải có lòng tự trọng cá nhân, tự hào của dân tộc Việt. Hãy nhớ rằng: Để quảng bá hình ảnh Việt Nam và nhất là để giữ thể diện quốc gia, không chỉ là trách nhiệm của những công dân đang sinh sống tại quê hương mà phải ở bất cứ nơi đâu, của tất cả mọi người dân Việt. Từ mỗi cá nhân trong cộng đồng người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài, từ những việc làm tưởng như nhỏ nhất.

Bao Kim Thanh
(Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Du lịch Việt Nam chưa thu hút được du khách nước ngoài

         Đất nước chúng ta có một bề dày lịch sử, một nền văn hóa dân tộc đa dạng, một bờ biển trải dài với những thắng cảnh rất đẹp. Nhưng theo tôi điều quan trọng để có thể thu hút người nước ngoài đến Việt Nam là họ sẽ nhận đuợc gì khi bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư vào Việt Nam. Nếu nói đến nạn kẹt xe làm người nước ngoài e ngại khi đến Việt Nam, tôi cho rằng không phải như thế. Ở các nước giàu như Mỹ, Pháp hay những quốc gia châu Á khác như Thái Lan, tình hình kẹt xe còn khủng khiếp hơn ở Việt Nam. Hay nạn tham nhũng làm họ e ngại, cũng không phải. Ở nhiều nước khác, tình trạng tham nhũng còn tinh vi hơn ta nhiều.

Theo tôi nghĩ lý do mà khách nước ngoài đến thăm hoặc đầu tư vào Việt Nam không nhiều chủ yếu là vấn đề hiệu quả - khi họ bỏ ra một số tiền lớn hay nhỏ để đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ nhận được gì. Nếu là khách du lịch thì chỉ đi qua đi lại quanh quẩn bến mấy chiếc xích lô hoặc đi dạo phố, có lúc còn bị chèo kéo mua hàng hoặc bị vây quanh bởi những người ăn xin. Bản thân người trong nước nhìn còn thấy chán chứ đừng nói đến khách nước ngoài.

Theo tôi, những du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ một lần duy nhất là có lý do, đơn giản vì Việt Nam chúng ta chưa có chỗ cho họ tiêu tiền. Chúng ta chưa học được cách “moi tiền” của du khách như người Thái đã làm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa xem trọng những di tích cổ.

Tóm lại, chúng ta làm du lịch chưa tốt và chưa phát huy được sức mạnh của mình. Chỉ khi nào chúng ta biết tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc, biết gìn giữ, nâng niu những giá trị văn hóa tinh thần thì lúc đó đó chúng ta tìm được lối ra để thu hút du khách đến Việt Nam.

Saodotienphong@yahoo.com

Cần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường

          Đất nước Việt Nam thật đẹp và nhân dân Việt Nam rất hiếu khách, nếu không thì tại sao mỗi năm có đến hàng triệu du khách nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam, nếu không tại sao có nhiều hội nghị quốc tế cấp cao như hội nghị APEC vào tháng 11-2006 vừa qua lại được tổ chức tại Việt Nam...

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975, Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập và tự chủ. Khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều vì họ muốn hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Đương nhiên, về mặt hạ tầng cơ sở: điện nước, đường sá, giao thông và về những tiện nghi hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta chưa đáp ứng đầy đủ cho những nhu cầu tối thiểu của họ. Ví dụ, hệ thống ngân hàng (máy rút tiền, chuyển tiền nhanh) chỉ có thấp thoáng ở một vài nơi trong thành phố. Trong khi đó, ở Mỹ và các nước khác, máy rút tiền hầu như có mặt ở mọi đoạn đường trong thành phố.

Về mặt vệ sinh, khói bụi, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông gây cảm giác khó chịu cho du khách. Khách nước ngoài thường thích đi du lịch ở những nơi tương đối yên tĩnh, an ninh và sạch sẽ.

Tại Việt Nam, có nhiều người vừa đi đường vừa ho, khạc nhổ, tiểu tiện thậm chí đại tiện ngay trên đường phố, làm đường phố trở nên ô uế, mất vệ sinh. Bên cạnh đó, các kênh rạch trong thành phố thì đen ngòm, đi qua những khu vực này thường có mùi hôi thối xông lên...

Nếu muốn thu hút du khách đến nước ta, tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, qua đó chúng ta có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế, vấn đề trước tiên, chúng ta cần thực hiện tốt là vệ sinh, môi trường và các công trình cơ sở hạ tầng.

Một đất nước văn minh và tiến bộ là một đất nước mà mọi người dân biết tự giác chấp hành các quy tắc ứng xử hằng ngày. Nhìn vào Singapore, tuy là một quốc gia nhỏ nhưng ý thức, vai trò của công dân đối với xã hội, cộng đồng của họ rất cao.

Lâu nay các thủ tục hành chánh trong nước tuy có tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn chưa hoàn chỉnh. Việc đưa vào sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại trong bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở, phường, xã, thị trấn là rất cần thiết. Nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng tăng, vì vậy cần phải cải cách thủ tục hành chính sao cho gọn nhẹ, chính xác và nhanh chóng. Đối với những nhà đầu tư nước ngoài “thời giờ là vàng bạc”, nên họ cần thủ tục chính xác và càng nhanh càng tốt. Không nên phân chia việc quản lý đầu tư ra làm quá nhiều khâu, nhiều cửa.

Phan Lạc Đông Quân (Seatle, Mỹ)

Hãy chăm chút bộ mặt đô thị chúng ta

               Các thành phố, thị xã của nước ta ngày một thay da đổi thịt, đó là điều đáng mừng. Nhưng khách nước ngoài đến du lịch và những người có dịp ra nước ngoài trở về đều thấy có một số điều bất cập của đô thị Việt Nam.

Có những việc phải do chính quyền và cơ quan hữu quan khắc phục, sửa chữa như: xây dựng theo quy hoạch, chống ngập úng, di dời các nhà máy từ nội thành đi xa... Có những việc phải do người dân nhận thức ra và tự giác thực hiện.

Có thể kể một số hiện tượng không hay xảy ra lâu nay: đó là tệ lạng lách, vượt đèn đỏ khi lưu thông; mặc đồ ngủ hoặc quần áo hở hang quá lố khi ra đường; vất rác bừa bãi khắp nơi; dựng xe ăn nhậu ngay trên vỉa hè; lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán...

Những hiện tượng không hay này làm cho bộ mặt thành phố, thị xã của ta trở nên xập xệ, lộn xộn, không đạt chuẩn của một đô thị văn minh, hiện đại. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, ta được biết khách quốc tế thường khen người Việt Nam thân thiện và dễ mến. Nhưng còn ngôi nhà của ta thì sao, bộ mặt của xứ sở ta thì sao? Đây là điều chúng ta cần trăn trở suy nghĩ.

Nhà nước ta từng có những chỉ thị, quy định chặt chẽ về quản lý đô thị, tiếc rằng sau một thời gian triển khai thực hiện có kết quả nhất định, đâu lại hoàn đấy. Một dạo cuộc vận động “xanh, sạch, đẹp” được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, nhưng rồi xẹp dần.

Quả việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là cả một quá trình phấn đấu gian khổ. Nhưng thiết tưởng đâu phải là điều không làm được, nếu các cấp chính quyền, đoàn thể đặt vấn đề đúng mức và người dân có ý thức đầy đủ. Cần kết hợp tuyên truyền, giáo dục với các quy định chặt chẽ về hành chính, làm cho bộ mặt đô thị chúng ta ngày càng đẹp đẽ, hấp dẫn hơn.

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ 


Giới thiệu hình ảnh Việt Nam qua phim ảnh

                Trong nhiều năm qua, bằng nhiều con đường, phim ảnh các nước đã liên tục đến với khán giả Việt Nam. Trong đó, phim ảnh Trung Quốc dường như chiếm một “thị phần” khá lớn, cả trên màn ảnh truyền hình, các rạp và băng đĩa ở các gia đình.

Nhiều phim lịch sử Trung Quốc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem Việt Nam, không chỉ về kỹ thuật, kỹ xảo mà còn nội dung hấp dẫn. Nhiều người xem qua phim ảnh mới biết thêm những nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc… Gần đây, một số phim Hàn Quốc về đề tài lịch sử cũng gây được chú ý.

Trong khi đó, lịch sử nước ta trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước nhưng chưa có những bộ phim lịch sử nào đáng kể. Đã từng có Đêm hội Long Trì dựng lại theo Hoàng Lê nhất thống chí nhưng bị cho là “kịch truyền hình” chứ không phải phim; hay Trùng Quang tâm sử lại có quá nhiều hạt sạn… Nếu nói rằng có thể thông qua phim ảnh để giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước của người dân thì rõ ràng với bao nhiêu đó bộ phim sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.

Chắc chắn không chỉ có vậy, những bộ phim lịch sử hay còn có tác dụng giới thiệu hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam thông minh, anh dũng với bạn bè thế giới. Một hình tượng Hai bà Trưng “phất cờ nương tử” hay Hoàng hậu Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính có thể làm ngời sáng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dũng cảm, sắc sảo, đầy quyết đoán; một hình tượng Lý Thường Kiệt chấp nhận cho quân Tống cầu hòa hay Lê Lợi thuận cho quân Minh rút binh an toàn, hoặc Nguyễn Huệ chịu “hạ mình” xưng thần với Càn Long ngay sau chiến thắng Đống Đa có thể cho thấy dân tộc ta đầy trí dũng và hết sức mong muốn hòa bình… Những bộ phim như vậy dễ giúp người xem hiểu về lịch sử nước ta sâu sắc, ấn tượng hơn là những lời giới thiệu chung chung.

Bên cạnh đó, những bộ phim giới thiệu về văn hóa cũng cần được khuyến khích, không chỉ để bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về dân tộc ta – một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến. Chuyện thi cử, chuyện ăn mặc, chuyện ẩm thực, chuyện đối nhân xử thế, chuyện gia đình… của Việt Nam đều có những nét rất đặc biệt, có thể thông qua những câu chuyện cụ thể mà dựng thành những bộ phim ấn tượng.

Thông qua những hình tượng cụ thể như chiếc nón lá, chiếc áo tứ thân, chiếc áo bà ba, chiếc áo dài… có thể khái quát thành những nét văn hóa đặc sắc là rất cần thiết. Đó là kiểu mà phim Mùa len trâu đã thể hiện và được công luận đánh giá cao. Qua những bộ phim như vậy, người xem (nhất là người nước ngoài) sẽ biết thêm món ăn, món uống, loại trang phục truyền thống của Việt Nam là gì, bên cạnh việc biết có kim chi hay rượu sôchu của Hàn Quốc!

Ngoài ra, việc giới thiệu những làng nghề, những địa điểm du lịch, những lễ hội, những sinh hoạt tín ngưỡng… thông qua phim ảnh cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước.

Phim ảnh luôn nên là một sản phẩm nghệ thuật có chức năng chuyển tải văn hóa, lịch sử. Vì vậy, phim ảnh càng nên là một sứ giả mang những thông điệp giới thiệu đất nước mình một cách chân thực, ấn tượng đến bạn bè thế giới.

Nguyễn Minh Hải

Văn hóa đô thị và ý thức công dân 

               Việt Nam được khách du lịch các nước “khen” là nơi du lịch lý tưởng từ khí hậu, phong cảnh cho đến tình cảm hiếu khách của người dân địa phương... do đó ngày càng có nhiều người chọn Việt Nam làm điểm đến trong tour du lịch của mình. Tuy nhiên, lâu nay tình trạng chèo kéo khách du lịch để ăn xin, bán vật lưu niệm và kể cả móc túi đã trở thành tệ nạn đáng phê phán nhưng ta vẫn chưa khắc phục được.

Vấn đề an toàn giao thông cũng là một việc quan trọng. Dù có đèn tín hiệu nhưng việc phóng nhanh, chạy ẩu vẫn diễn ra hàng ngày khiến ở các đô thị lớn phải có bảo vệ dẫn khách qua đường, nếu không có lẽ phải chờ cho đường thật vắng, khách mới dám qua đường! Không như ở nước ngoài - như Nhật Bản mà tôi đã có lần sang thăm - khi đèn đỏ bật lên thì ngay người đi bộ cũng đứng lại chờ, cho dù phía đèn xanh không có xe lưu thông - chứ đừng nói là có xe - đặc biệt là trên đường không hề nghe một tiếng còi. Khi kẹt xe trong giờ cao điểm, các xe lần lượt nối đuôi nhau chứ không hề chen lấn, bóp còi hối thúc…

Về vệ sinh thì quả thật còn nhiều điều đáng nói. Rác bỏ bừa bãi khắp nơi, có địa điểm tập kết rác lại chọn trước cổng trường học (Trường Sư phạm Mẫu giáo đường Nguyễn Chí Thanh quận 10 TPHCM, Đại học Sư phạm đường Lê Văn Sỹ quận 3 TPHCM và nhiều trường mẫu giáo khác trong thành phố). Nhà vệ sinh công cộng thì không đủ chỗ để phục vụ hoặc có thì nhiều người lại “xả” ở kế bên chứ không chịu trả tiền để vào phòng vệ sinh.

Từ đó bộ mặt thành phố cho dù nó văn minh cũng sẽ bị hoen ố khi mà các phong trào “Xanh, sạch, đẹp” luôn được thành phố hô hào từ năm này sang năm khác. Nhưng do đâu? Chỉ có thể nói là từ ý thức của người dân.

Do đó, để Việt Nam xứng tầm với bè bạn năm châu chúng ta cần thực thi nghiêm chỉnh luật pháp, tuyên truyền vận động “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, điều cần nhất là giáo dục sao cho mọi người ai cũng chấp hành luật pháp thì xã hội mới có được bộ mặt văn hóa, văn minh... 

ĐÀM VŨ TRI

Cần có chính sách để điều tiết lượng người nhập cư tại những TP lớn

           Theo thống kê, TPHCM hiện có gần 10 triệu người nhập cư, một con số quá lớn để những hoạt động của TP được tốt hơn trong mọi vấn đề: giao thông, công sở, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội… Trước hết có thể thấy rằng, để TPHCM phát triển năng động và có một mật độ dân số chuẩn ở khu TT đô thị bậc nhất của cả nước thì phải nhìn ra một thực tế: TPHCM hiện tại chỉ có thể “chứa” khoảng 5-6 triệu dân. Sự gia tăng dân số từ khu vực nông thôn vào TPHCM như một “vòng xoáy”, vô tình càng làm cho sự quản lý của các cấp chính quyền từ TP, đến quận, phường xã… càng thêm quá tải.

Từ đó sẽ phát sinh những vấn đề nhũng nhiễu, tiêu cực như khai báo tạm trú, nhu cầu công ăn việc làm, y tế sức khỏe… đối với những người dân với hai bàn tay trắng, rời xa quê hương lên TP lập nghiệp. Nhu cầu mưu sinh trong cuộc sống là tất yếu, tuy nhiên, giữa nơi đất chật người đông, tiêu tiền khá tốn kém, ngoài những người cố gắng bươn chải vất vả để mưu sinh thì có biết bao nhiêu hệ lụy để kiếm cho ra những đồng tiền. Biết bao vụ trong án, tội phạm, lừa đảo… xuất phát từ nhu cầu mưu sinh, từ sự mong muốn làm giàu nơi đô thị?

Chưa kể đến tình trạng ý thức chấp hành luật lệ giao thông,… và có cung ắt có cầu, nhu cầu mưu sinh tại chốn TT càng lớn, kéo theo những gia tăng về các loại hình tội phạm hình sự. Có thể nói TPHCM cũng là một trong những nơi “đa dạng hóa” các loại tội phạm hình sự.

Vai trò của các đoàn thể, xã hội trong vấn đề quản lý người nhập cư là rất lớn. Một thành phố năng động, để gọi là phát triển theo hướng Công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ - Du lịch thì không thể chấp nhận hình ảnh những đứa trẻ, thanh niên, bà già đeo bám, chèo kéo khách du lịch ăn xin, mua hàng, mua vé số. Thậm chí có những đứa bé quỳ lạy những người khách nước ngoài để xin được những đồng tiền lẻ mà đằng sau lưng chúng là mệnh lệnh của những người đang nấp đâu đó để điều khiển.

Vẫn còn nhan nhản những dịch vụ mở ra để lừa lọc những người mới đặt chân đến TP mưu sinh; nạn “cò mồi” vẫn ngày đêm hoạt động với tính chất ngày càng tinh vi và xảo quyệt; những quán nước, hàng rong mất vệ sinh tập trung ở những vỉa hè góc phố, ở những nơi có lưu lượng khách du lịch đông đảo, đặc biệt là người nước ngoài. Những năm trước, người nhập cư đến TP sinh sống thường có mong muốn lập nghiệp lâu dài, tuy nhiên những năm gần đây, nhiều người đến TP chỉ trong một thời gian nhất định rồi lại đi, trở về quê hương lập nghiệp. Vì thế, nhà nước cần có những chính sách điều tiết lượng dân tại những khu trung tâm đô thị lớn là cần thiết và thiết nghĩ, đây cũng là “những việc cần làm ngay” trong giai đoạn hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Đỗ Hưng
pvdohung@gmail.com

Tin cùng chuyên mục