Thuế thu nhập cá nhân - thu sao cho công bằng

VÕ THỦ HÀ (

Bạn đọc thân mến! 

Thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) là một vấn đề khá nhạy cảm ở khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta,  Dự thảo Luật TTNCN đang được phát động lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân để hoàn thiện và trình Quốc hội chính thức thông qua vào kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII và dự kiến Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2009.

Diễn đàn SGGP Online xin mời bạn tham gia nêu ý kiến về dự thảo Luật quan trọng này. Các ý kiến được đăng trong diễn đàn sẽ được báo SGGP chuyển đến Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vào cuối tháng 8-2007.

Các ý kiến đóng góp có thể hướng theo theo sáu nhóm vấn đề chính của dự thảo Luật, bao gồm: đối tượng nộp thuế (Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, công thương nghiệp đang thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đưa sang Luật Thuế TNCN; đối tượng chịu thuế (thu hay không thu với lãi từ tiền gửi tiết kiệm và các khoản thu nhập ngẫu nhiên khác); biểu thuế; đối tượng không thuộc diện chịu thuế; giảm trừ gia cảnh (phương án áp dụng cho những mức nộp 3 triệu đồng/tháng, 4 triệu đồng/tháng, 5 triệu đồng/tháng); thời điểm Luật có hiệu lực (dự kiến là 1/1/2009).

Nên trừ chi phí đầu ra thông qua chứng từ, hóa đơn

               Thuế thu nhập cá nhân là một loại hình điều tiết và phân phối lại thu nhập xã hội giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp đảm bảo sự phát triển xã hội, công bằng. Ở nước ta, nguồn thu nhập công chức và người lao động chủ yếu từ lương. Tuy nhiên, trong mỗi gia đình mức sống bình quân khác nhau, vì vậy dự thảo quy định mức thuế thu nhập tối thiểu 5 - 6 triệu đồng của người lao động chính theo tôi chưa công bằng. Thực tế có những gia đình đông con, có những khoản chi phí nếu chỉ dựa vào nguồn thu chính thì không đủ, thậm chí hụt trước thiếu sau. Như thế, nếu bị áp thuế thu nhập nữa thì làm sao đảm bảo chi tiêu gia đình? Nên chăng, thuế thu nhập nào đánh vào mức lương đầu vào thì trừ chi phí đầu ra (có hóa đơn, chứng từ...). Chẳng hạn lương của ông bố 8 triệu đồng, bà mẹ lương 1,5 triệu đồng mà gia đình có 2 con và nuôi bố mẹ già yếu phải đóng phí tại trường, ăn ở, chi phí đi lại... khoảng 7 triệu đồng và mức còn lại là 2,5 triệu đồng. Do đó, chỉ nên đề ra mức thuế thu nhập từ khoản còn lại này. Có như vậy mới kích thích mọi người trong xã hội khi chi tiêu đều phải có hóa đơn, chứng từ (mới được khấu trừ vào khoản thu) lấy cơ sở tính thuế góp phần vào việc thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình trong việc đóng góp xã hội, đảm bảo công bằng của mọi công dân.

VÕ THỦ HÀ (Đài Tiếng nói Việt Nam) 

Nên tham khảo cách tính thuế và thu thuế của nước ngoài

            Cách đây đã lâu, tôi có dịp ghé thăm Ấn Độ. Họ cũng đưa ra Luật Thuế thu nhập cá nhân nhưng cách tính thuế và đánh thuế của họ hoàn toàn khác những gì ta đang bàn thảo. Cụ thể là họ đưa ra nhiều mức thu nhập và đánh thuế theo lũy tiến từ thấp đến cao. Như thế, người nghèo, có thu nhập thấp không thuộc diện phải đóng thuế, còn người khá đóng khá hơn và người giàu đóng nhiều hơn. Điều quan trọng là luật của họ kiểm soát được nguồn thu của người dân và khó ai trốn tránh được nghĩa vụ đóng thuế. Mức nộp thuế cũng được công khai nên việc khai man, lo lót cán bộ thuế để giảm mức đóng ít xảy ra. Để tăng nguồn thu từ thuế thu nhập góp phần làm giàu đất nước, cần triệt để chống tham nhũng, tiêu cực, tinh gọn bộ máy công quyền còn cồng kềnh như hiện nay.

BÙI PHƯỚC ĐỨC (P6 Q3 TPHCM) 

Đừng đề cập đến thuế thu nhập của những người về hưu

            Không đề cập vì hai lẽ: Thứ nhất, không hiện thực. Bởi lương ở hệ số trên dưới 10 như Chủ tịch nước, Tổng bí thư,… sau khi trừ đi 25% cũng chưa đầy 4.000.000 đồng/tháng. Thứ hai, e rằng… thất nhân tâm. Bởi vì những người về hưu phần lớn là những người đã cống hiến gần như hết sức lực và tuổi đời cho đất nước và dân tộc. Nhà nước cũng như toàn dân phải có trách nhiệm chăm lo và nuôi dưỡng họ qua đồng lương và các chế độ chính sách khác (nếu có). Khoản lương và chính sách này không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu, vì họ đều là những người già, sức yếu, bệnh đau.

Vì vậy, theo tôi, đừng bao giờ nghĩ và đề cập đến vấn đề thuế thu nhập đối với người về hưu (lương hưu).  

NS VÕ TẤN NGỌC (7 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1, TPHCM)

 Mức khởi điểm chịu thuế khoảng 8 - 9 triệu là phù hợp

            bên Mỹ và nhiều nước khác, người nào có thu nhập càng cao thì đóng thuế phải càng nhiều, có thể lên đến 50% thu nhập. Ở Việt Nam, do thu nhập người dân còn thấp, kể cả cán bộ công nhân viên nhà nước, tôi nghĩ rằng nhà nước nên chú ý đến những đối tượng có thu nhập cao ví dụ người làm công ty nước ngoài hưởng lương cao, người có những thu nhập đặc biệt ví dụ ca sĩ... chứ đừng lạm thu ở những người có thu nhập thấp như công nhân, nhân viên nhà nước. Mức khởi điểm chịu thuế khoảng 8-9 triệu là phù hợp với tình hình hiện nay. Nhà nước và cơ quan thuế nên chú ý xét đến tổng thu nhập vì có 1 số công ty nước ngoài ghi tiền lương trên hợp đồng thấp để tránh đóng thuế trong khi tiền trả thực tế lại cao hơn gấp nhiều lần qua hình thức tiền thưởng, hoa hồng, chi phí xe cộ, điện thoại, tiền công tác...

Nói chung, những đối tượng có mức thu nhập càng cao thì càng nên đánh thuế càng nhiều để bù cho những trường hợp thu nhập thấp đã được miễn thuế. Điều đó rất đúng với lý lẽ và phù hợp với những gì các nước tiên tiến đang thực hiện.

Huong Tran
huong5t@yahoo.com

Không thể đánh thuế vào phần thu nhập cơ bản tối thiểu

            Nếu 1 năm trước, với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng, tôi có thể nuôi được bản thân mình và lo cho con đi học. Nhưng bây giờ... cứ làm phép tính sẽ thấy nhu cầu đời sống của người đô thị đang bị đè nèn dưới áp lực giá như thể nào.

Chẳng hạn với 2 đứa con ở tuổi mẫu giáo: mỗi tháng tôi phải chi khoảng 1 triệu đồng tiền sữa/ 2 cháu (Nhà nước và trung tâm dinh dưỡng đều khuyến khích tăng cường dinh dưỡng bằng sữa để đảm bảo cho trẻ thơ phát triển khoẻ mạnh), tiền học nhà trẻ 650.000đ/cháu X 2= 1.300.000đ, tiền ăn 3 bữa tốn 1 triệu/tháng... Chỉ để nuôi 2 đứa con theo tiêu chuẩn bình thường nhất của xã hội, tôi đã phải chi tiêu trên 3 triệu đồng. Rồi chi phí gửi biếu cha mẹ già hàng tháng, tiền đám ma đám cưới, tiền chợ, tiền điện, nước, điện thoại, gas... khoản nào cũng là cơ bản không thể cắt xén. Thêm vào đó, giá đang tăng từng ngày, liệu người làm chính sách có thấu hiểu?

Theo tôi, chi phí để người có thể sống được ở vùng đô thị không thể dưới 4 triệu/cá nhân và bình quân khoảng 2 triệu để nuôi thêm 1 người. Thuế chỉ tính ở phần dư, thuế không thể đánh vào phần thu nhập cơ bản nhất đảm bảo cuộc sống với những hạn mức tối thiểu. Nếu đóng thuế, mà người nộp thuế phải nhịn nhu cầu chi tiêu, thắt lưng buộc bụng thì liệu nền kinh tế có tăng trưởng? Liệu có đảm bảo được tiêu chí xã hội dân chủ- công bằng và văn minh? Tôi chỉ là bà nội trợ, tôi nhìn thuế dưới góc độ của kí thịt, cân gạo, mớ rau hàng ngày, đơn giản như thế.

Bích Thảo
ngabichtran@yahoo.com

 Tuyên truyền, giải thích cho người dân về nghĩa vụ và quyền lợi của việc đóng TTNCN

           Lâu nay chúng ta chỉ quen với việc đóng thuế thu nhập với những người có thu nhập cao vì thu nhập thấp không đủ sống lấy gì đóng thuế, tuy nhiên để đảm bảo công bằng xã hội thì ai thu nhập cao thì đóng thuế cao, thu nhập thấp thì đống thuế thấp đó là lẽ đương nhiên.

Đối với những người trình độ dân trí thấp thì ngành thuế phối hợp với các tổ dân phố, làng, xã, thôn, ấp…giải thích cho dân hiểu một cách hợp tình, hợp lí, như tổ chức những buổi nói chuyên về thuế, bộ phận thuế cơ sở sẽ gởi đến từng nhà quy định thuế và mức họ đóng một cách dễ hiểu nhất, tổ chức giải đáp cho người dân khi họ thắc mắc về thuế phải là cho người dân hiểu họ đóng thuế là vì chính lợi ích của họ và con em họ, đóng thuế thì sẽ được hưởng phúc lợi xã hội cao, họ được hưởng chính những gì mình đóng góp...

Cần phải tạo “thói quen” đóng thuế trong nhân dân vì chính lợi ích của họ.

Nếu làm được những điều này tôi tin người dân sẽ vui vẻ đóng thuế. Thời điểm hiệu lực của luật từ ngày 1- 1- 2009 là hợp lý vì thể hiện tính dân chủ rất cao và sự thận trọng của Quốc hội khi ban hành luật này

H.B ( TP.HCM)
phamcaocuong20032003@gmail.com

Nhiều quy định còn mang tính "lướt qua"

           Tôi đã xem Dự thảo Luật thuế TNCN dự kiến áp dụng vào năm 2009. Qua đây tôi có một số góp ý nhỏ như sau: Phạm vi áp dụng của Luật thuế TNCN tác động rất lớn đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết công dân, thế nhưng các qui định mang tính chất lướt qua. Đã là luật thì phải đề cập tận tất cả các trường hợp,các ngõ ngách trong thực tế cuộc sống.

Có anh bạn là tôi là chủ DNTN hỏi: Thế tôi là chủ DN, phần lãi sau khi đánh thuế TNDN 28% rồi (thực tế là đánh thuế vào thu nhập của chủ DN) thì phần còn lại có chịu thuế TNCN nữa hay không. Trường hợp này khá phổ biến.

Rồi một vấn đề gây tranh cãi về tính công bằng của người nộp thuế là các biện pháp kiểm soát thu nhập của công dân một cách có hiệu quả, kiên quyết, nhất là các biện pháp chế tài đủ sức răn đe những người "thu nhập cao ngất mà không biết thuế TNCN là gì".

Cuối cùng thì cơ quan thuế chỉ chú ý, kiểm soát bảng lương của những người lao động bình thường làm công ăn lương tại các doanh nghiệp, bỏ sót những người có thu nhập cao gấp hàng chục lần mà không cần cái bảng lương nào...

Như trên đề cập về sự "đại khái" chưa lường hết tất cả những trường hợp phổ biến xảy ra trên thực tế thì Dự thảo lại rất "cụ thể" một điều mấu chốt mà trong thực tế lại biến thiên liên tục, đó là Luật quy định luôn mức thu nhập phải chịu thuế TNCN. Thu nhập cá nhân của công dân trong thời đại này tăng trưởng rất nhanh, với sự cụ thể này, luật chưa áp dụng được bao lâu thì Quốc hội lại phải họp sửa luật, trong khi đó các văn bản dưới luật thì linh động hơn, tiến kịp với thực tế hơn thì lại không sử dụng. Tại sao những cái cần cụ thể thì lại sơ qua, những điều không nên cụ thể thì lại qui định ngay trong Luật, đây cũng là điều gây tranh cãi trong xã hội nhiều nhất trong nội dung dự thảo này. Trên đây là một số ý kiến của bản thân. Nộp thuế là nghĩa vụ, đồng thời cũng là niềm tự hào của công dân, nếu nó được thực thi một cách khoa học, công bằng, hợp lý.

Hoàng Vân
hoangsss@yahoo.com

            Tôi không ngại việc nộp thuế thu nhập nhưng tôi chỉ ngại việc không công bằng trong cách tính thuế cũng như tôi sẽ được hưởng khoản lợi gì lỡ khi bị thất nghiệp. Trong thời buổi "vật giá leo thang" như hiện nay thì với đồng lương 5 triệu đồng, tôi chỉ đủ lo cho bản thân mình chứ chưa thể lo chu tất cho cha mẹ, vợ con,... thế còn các khoản dự trù chi phí ốm đau, học hành nâng cao nghiệp vụ,... là chưa có, nói gì đến mua sắm trang thiết bị trong gia đình (máy lạnh, máy giặt,...) hay sang hơn nữa là mua nhà cửa, xe hơi,... thì hoàn toàn không dám nghĩ đến. Tôi nghĩ xã hội còn rất nhiều đối tượng có thu nhập cao, đừng cứ nhắm mãi đến những công nhân viên chức có thu nhập thấp như chúng tôi hiện nay.

Trần Bảo Nhân
namtb2000@yahoo.com

          Tôi xin được tham gia vài ý kiến ngắn gọn như sau về vấn đề Thuế thu nhập cá nhân. Mức khởi điểm chịu thuế có thể theo một trong hai phương án sau:

* Mức khởi điểm chịu thuế nên là mức lương tối thiểu. Có vẻ nói vậy hơi khó nghe nhưng nếu mức lương tối thiểu được quy định hợp lý, đúng với bản chất "đảm bảo mức sống tối thiểu cần thiết cho người lao động" tương ứng với từng khu vực và thuế suất hợp lý (không cao, thậm chí chỉ có ý nghĩa tượng trưng - ví dụ như vài chục ngàn/năm - với những người có thu nhập chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với mức tối thiểu) thì tôi nghĩ nhân dân sẽ ủng hộ. Vấn đề cần nhấn mạnh rằng đây là nghĩa vụ, thậm chí là nghĩa vụ hàng đầu của công dân đối với đất nước.

* Khấu trừ các chi phí hợp lý của công dân. Khi đó mức khởi điểm chịu thuế có thể xuống đến 0 miễn là thuế suất hợp lý. Cách này có ưu thế quan trọng là sẽ thúc đẩy việc "mua bán có hóa đơn" đi vào nề nếp, tránh được thất thu cho nhiều loại thuế khác.

* Cách thu thuế: thuế phải thu theo năm, không tính theo tháng, để thể hiện được yếu tố "thu nhập bình quân".

* Hãy để cá nhân tự khai thu nhập và khai thuế và chịu trách nhiệm về bản khai của mình, ngành thuế sẽ "hậu kiểm" và phải phạt thật nặng những người khai gian dối.

Anh Tuấn
datuan@dee.hcmut.edu.vn

            Luật thuế thu nhập ở nước Mỹ không có gì phức tạp cả. Từ tổng thống đến dân thường, ai cũng phải khai lợi tức hằng năm, bắt đầu từ 15-1 đến 15-4. Nếu làm nhiều đóng nhiều, làm ít đóng ít; nếu lợi tức dưới mức trung bình (low-income) hoặc gia đình đông con, lợi tức thấp thì sở thuế vụ họ sẽ cho thêm.

Ngan Bui
ngandbui@yahoo.com

            Tôi xin được đóng góp một ý kiến cá nhân về luật Thuế TNCN:

1- Về giải thích từ ngữ: từ "Thu nhập cần được làm rõ, cụ thể - Thu nhập hiểu như thế nào? Thu nhập nhận được từ cho biếu tặng mà người nhận không xác định được nguồn gốc có hợp pháp hay không có phải là thu nhập? Trong kinh doanh thu nhập tương đối rõ, còn trong dân thu nhập tính như thế nào, Thu nhập có được hiểu là tiền cá nhân được từ doanh số bán (bán: sức lao động, tài sản, vật có giá ...) trừ đi các khoản: thuế, phí, giá trị ban đầu và các chi phí có liên quan ? Vi dụ: + Trường hợp mua ô tô bằng vàng sử dụng 1 thời gian bán lại bằng tiền đồng, quy ra vàng lỗ, quy ra tiền đồng có lãi, thì khoản thu này có được xem là 1 khoản thu nhập không? + Trong năm nếu có khoản bán vật có giá cái thì lỗ cái thì lãi? Bán vàng (hoặc vật có giá khác) ra đồng cho vay, thu lãi, sau đó thu gốc về mua lại vàng bị lỗ, thu nhập trong trường hợp này hiểu như thế nào

2- Thu nhập khác: Ngoài những mục đã liệt kê có còn những khoản khác vd: tiền lỳ xì, tiền phong bì quà đám cưới, ma chay, … có được xem là thu nhập khác. Tiền nhận từ người thân hỗ trợ cho các việc như: đi học, chữa bệnh, nâng cấp nơi ở, mua phương tiện đi học và các khoản tương tự … có phải là khoản thu nhập nộp thuế không? Các vật tặng như cổ vật, tranh, đá quý, các độc bản … làm sao người dân xác định được giá trị để tự tính số thuế phải nộp. Kiến nghị: Để từng bước hoàn thiện tránh phản ứng từ người nộp thuế, hạn chế việc tạo cơ hội pháp lý cho cán bộ thuế thiếu tâm sách nhiễu, hoặc gây khó khăn cho cán bộ có tâm, đề nghị: a- Luật thuế ghi cụ thể - chi tiết các khoản thu nhập phải nộp thuế, các khoản thu nhập không có trong danh mục thì không phải nộp thuế. Đề nghị bỏ cụm từ thu nhập khác (cụm từ này thể hiện tính yếu kém về mặt chuyên môn làm luật) b- Các trường hợp không phải nộp thuế, cần cụ thể từ các khoản thu nhập thuộc danh mục thu nhập chịu thuế. c- Trong luật quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền mở rộng và thu hẹp danh mục thu nhập chịu thuế đáp ứng yêu cầu từng thời kỳ.

3- Về kê khai thuế: Luật cần quy định cụ thể những ai phải kê khai: Nông dân, Ngư dân, học sinh, trẻ con, người dân các dân tộc vùng sâu vùng xa có thu nhập chịu thuế có phải kê khai không? Trường hợp thu nhập chịu thuế phải nộp nhỏ, hoặc chi phí đi nộp, chi phí đi thu lớn hơn tiền phải nộp / số tiền phải thu… xử lý như thế nào? - Trường hợp người không biết chữ / khuyết tật có thu nhập chịu thuế xử lý thế nào? Những người không kê khai xử lý như thế nào để không bị người dân phản ứng?

Nguyễn Phước
hpn3vn@gmail.com

              Dự thảo Luật còn nhiều nội dung chưa thực rõ ràng, cụ thể:

1- Thu nhập chịu thuế và không chịu thuế: Điều 4 điểm 3 và điều 5 điểm 12,13 như mâu thuẫn nhau. Việc đầu tư vốn để thu về lãi cho vay có khác gì gửi tiết kiệm có kỳ hạn hoặc đầu tư vào kỳ phiếu với lãi trái phiếu Chính phủ. Vấn đề này không rõ ràng, minh bạch sẽ phức tạp cho quá trình xác định thu nhập chịu thuế.

2- Điểm 6, điều 4, chỉ qui định cụ thể quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty, bất động sản. Như vậy những quà tặng tiền (tiền mặt, séc chuyển khoản...; những động sản khác có giá trị lớn; những tài sản như đồ cổ, vàng, bạc kim cương, tranh ảnh nghệ thuật... không được xác định giá trị để tính thu nhập? Điều 22. Không nên giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trả thu nhập của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, xác định việc khấu trừ và nộp ngân sách theo từng lần phát sinh đối với đối tượng này là không hợp lý.

Đã là thuế TNCN thì đến kỳ quyết toán, xác định tổng mức thu nhập, trừ các khoản giảm trừ còn lại mới xác định thuế phải nộp. Việc xác định mức thu là của cơ quan thuế, người chi trả không thể làm thay, việc sai sót, thiếu thừa ai chịu trách nhiệm trong khi có cả một bộ máy cơ quan quản lý thuế.

Tiệp
tieptcdn@yahoo.com

            Theo tôi, việc thu thuế thu nhập là điều bình thường, quốc gia nào cũng làm. Tuy nhiên, ta không thể áp đặt ngưỡng tuyệt đối chịu thuế, vì 1.000 người dân thì có đến đến 1.001 hoàn cảnh khác nhau và ai cũng đáng phải xem xét. Theo tôi, ta nên tính thuế thu nhập theo mức tương đối, nghĩa là sau khi đã trừ toàn bộ chi phí cần thiết cho cuộc sống bản thân và gia đình, số tiền dôi ra sẽ phải đóng thuế thu nhập. Hệ quả của việc tính thuế này là:

1. Nếu người dân không muốn đóng thuế thu nhập sẽ phải chi tiêu nhiều, khi đó Nhà nước sẽ thu được thuế giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, do chi tiêu nhiều nên các dịch vụ và các ngành sản xuất phát triển nhanh, tạo một nguồn thu khác cho ngân sách và kinh tế đất nước phát triển.

2. Do phải hợp pháp hóa các cho chi tiêu nên người dân nào cũng phải đòi hóa đơn thanh toán để khai báo khi nộp thuế, khi đó kinh tế đất nước trở nên minh bạch hơn. Dĩ nhiên, hình thức hóa đơn hợp pháp sẽ phải thay đổi sao cho dễ dàng cho doanh nghiệp và chính doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hóa đơn do mình cung cấp. Vài ý kiến đóng góp, mong được lắng nghe.

Vũ Văn Hải
vuvanhai@hcm.vnn.vn

            Tại Điều 5: Đối tượng không nộp thuế cần bổ sung thêm:

- Thu nhập từ hoạt động bảo vệ, phát triển bảo vệ môi trường; xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động bảo vệ môi trường.

- Thu nhập từ hoạt động nghiên cứu, phát triển phát minh công nghệ mới tiên tiến( do Chính phủ qui định). Nhằm khuyến khích sáng tạo, sáng chế, phát minh phục vụ công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Lưu Minh Hòa
hoacvkg@gmail.com

           Trước hết, xin góp ý kiến rằng đã là Luật thì phải mang tính công bằng. Hiện nay, điều dễ nhận thấy nhất là rất nhiều đối tượng, nhiều người giàu có lộ ra cả bên ngoài nhưng xin hỏi về thuế thu nhập cá nhân liệu có "đóng" tới họ không ? Ví dụ như bác sĩ hiện mở các phòng khám tư, giáo viên dạy thêm, dạy kèm, ca sĩ, những người kinh doanh bất động sản (dạng không có Cty, cở sở đăng ký kinh doanh)... thì lâu nay ta đã thu thuế đúng theo thu nhập của họ chưa? Chắc chắn là chưa! Trong khi đó, lấy ví dụ bản thân tôi là một người làm việc ăn lương, có phụ cấp của cơ quan vừa đủ chi tiêu cho riêng bản thân chứ chưa là nói đến cho gia đình thì đã bắt đóng thuế thu nhập cá nhân. Áp dụng thì áp dụng ngang bằng tất cả mọi vùng miền trên đất nước, trong khi đó mỗi vùng miền lại có mức sống, chi tiêu khác nhau rất xa. Như vậy, hiện nay đang mâu thuẫn một vấn đề xã hội đó là cơ quan thuế chỉ "nắm những người có tóc", có tóc ở đây là thể hiện thu nhập rõ ràng minh bạch.

Tại sao chúng ta không đi vào mọi giao dịch thông qua hệ thống tài khoản, thẻ ATM, thông qua ngân hàng và từ đó cơ quan quản lý nắm chắc được tất cả nguồn thu chi của mỗi người và dựa vào đó mà đóng thuế một cách công bằng. Điều này tất ai cũng biết, cũng hiểu nhưng thực hiện "quá khó". Phải dùng từ "quá khó" vì hiện nay nhiều người thừa biết rằng nếu mọi giao dịch thông qua tài khoản sẽ bị lộ những chuyện tiêu cực, những thu nhập mờ ám, những khoản thu không trong sáng.

Bằng Phúc
abangphuc@yahoo.com.vn

Nên quy định rõ hơn về người phụ thuộc

             Trong dự luật có quy định về người phụ thuộc đối tương phải nộp thuế, làm cơ sở cho việc khấu trừ gia cảnh. Tuy nhiên dự thảo luật đã không xác định rõ người phụ thuộc là ai, liên quan thế nào đối với đối tượng phải nộp thuế, do đó tính cơ sở pháp lý để tính khấu trừ gia cảnh chưa rõ.


Theo tôi, để phù hợp với truyền thống đạo lý và quan hệ tốt đẹp của gia đình người Việt Nam chúng ta, thì những người sau đây được xem là người phụ thuộc đối với đối tượng phải nộp thuế: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của cả vợ (chồng). Quy định như vậy sẽ vừa thể hiện tính nhân văn cao cả, truyền thống quý báu của người Việt chúng ta, vừa đề phòng những trường hợp khai báo người phụ thuộc "ảo" để trách né nghĩa vụ nộp thuế.


Quy định tiền khấu trừ gia cảnh không vuợt quá 10 triệu đồng là không phù hợp, nên chăng lấy mức 1,6 triệu đồng/người nhân với tổng số người phụ thuộc thực tế đối với từng người phải nộp thuế để tính khấu trừ cho họ. Mặt khác, đối với người trong diện là đối tượng phụ thuộc cũng phải quy định độ tuổi, để khi đến tuổi lao động thì đưa ra khỏi diện người phụ thuộc, chỉ tính người chưa đến tuổi lao động hoặc hết tuổi lao động theo Luật Lao động mới là người nắm trong diện phụ thuộc như nêu ở trên.

Mai Mộng Tưởng
tuongmaile@yahoo.com

              Để bộ luật " thuế thu nhập cá nhân " được thực thi, trong xã hội tiền mặt, không kiểm soát được chính xác thu nhập của cá nhân như hiện tại, chúng ta không nên làm rối rắm quá mà phải đơn giản, đại chúng.Trên quan điểm đó tôi xin được nêu mấy ý kiến như sau:


1- Mọi người có thu nhập đều phải nộp thuế. Tỷ lệ 1% hay 5% là phải tính toán. Theo tôi 5% là hợp lý. Ví dụ tôi lương 4 triệu đồng, đóng thuế 200 ngàn .


2- Tại thời điểm này cho đến dăm năm tới chưa nên đưa các loại giảm trừ, thu nộp hoá đơn chi tiêu để khấu trừ thuế vì rất phức tạp và thiếu công bằng (tương đối). Tôi lấy ví dụ: tôi có người bạn không còn bố mẹ đẻ. Con của anh ta đã đi làm, nếu theo luật thì không có gia cảnh. Nhưng người bạn ấy còn bố mẹ vợ, anh em họ hàng nghèo khó cần phải giúp đỡ và thực tế từ khi đi làm đến nay, hàng năm các khoản giúp đỡ này chiếm 1/2 lương.


3- Không nên đặt mức 4-5 triệu đồng mà theo tôi tất cả mọi người có thu nhập từ bậc lương nhỏ nhất của nhà nước quy định đều phải đóng. Không nên để những người soạn thảo ra luật lại không nằm trong khuôn khổ của luật.


4- Những trường hợp không thu thuế là thị dân nghèo, nông dân canh tác thuần tuý trên ruộng đất tiêu chuẩn. Những người là nông dân (hoặc cán bộ) có trang trại thuế thu theo diện tích trang trại. Ví dụ tôi là cán bộ, có trang trại 1,5 ha, ngoài lương, cơ quan thuế nơi tôi có trang trại sẽ thu thuế của diện tích trên, kể cả tôi không trồng cây gì. Những khoản trợ cấp thương tật, lương hưu (dù cao hơn mức lương tối thiểu) thì không thu tthuế.

Thu như thế đơn giản và hiệu quả. Mười năm nữa chẳng hạn, khi các điều kiện khác cho phép và ý thức của nhân đân đã được xây dựng và thành thói quen, chúng ta đưa các loại khấu trừ vào.

Hoàng Sâm
Vinhyenvtd@yahoo.com

              Luật thuế ra đời đánh dấu bước tiến mới trong cả hệ thống làm luật cũng như trong việc góp phần giải quyết vấn đề xã hội. Tuy nhiên đây là lĩnh vực khá nhạy cảm và vì vậy phải được cân nhắc kỹ trước khi ban hành. Vấn đề cần bàn ở đây là xem xét lại mức thu nhập bắt đầu phải nộp thuế. Mức sống của chúng ta nói chung còn thấp, người có thu nhập ba trăm đô la một tháng (gần năm triệu đồng) được xem là cao. Nhưng với những trang trải tối thiểu về sinh hoạt, chữa bệnh, học hành thì không thể nói thu nhập như vậy là ...cao. Có lẽ nên lấy mức thu nhập trung bình của một nước trung bình khác để làm mức khởi điểm của TTN là nên làm. Mức đó coi như là mức "lý tưởng" để chúng ta phấn đấu! Tôi đi lĩnh nhuận bút có 500.000 đồng bị trừ TTN mất 10%. Không biết căn cứ nào để tính, khi đó là NB cho mấy bài báo mà hàng tháng trời tôi viết được. Làm sao mà đè ra thu như vậy khi không biết là chi phí lao động sống và cả lao động quá khứ bao nhiêu?

Tân Linh
tanlinhbvh@yahoo.com.vn

             Để thực hiện tốt việc này, chúng ta cần chấn chỉnh rất nhiều trong quản lý lao động, trợ cấp... Làm sao mà mọi công dân đều tự nguyện nộp thuế thu nhập dù ít hay nhiều. Mọi chí phí cho sinh hoạt gia đình, cá nhân đều được khấu trừ hợp lý, sau đó thuế thu nhập được tính toán phù hợp với thu nhập của người lao động. Làm sao để từ người bán lẻ đến nhà bán sỉ các loại hàng hóa dịch vụ đều phải có hóa đơn tài chính để cấp cho người tiêu dùng và người tiêu dùng "tự nguyện" nhận lấy hóa đơn tài chính để có căn cứ khấu trừ thu nhập, thì việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân mới có thể tiến triển tốt đẹp. Tôi cũng mong rằng những bước cải tiến tiếp theo của ngành thuế sẽ giúp cho người lao động, người sử dụng lao động, dù thu nhập ít hay nhiều, cao thấp khác nhau đều có nghĩa vụ trên phần thu nhập của mình một cách công bằng, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, góp phần giảm thất nghiệp, nuôi dưỡng người già, khuyến khích tiêu dùng hợp lý.

Võ Hồng Mai
vohongmai@hcm.fpt.vn 

          Thuế thu nhập cá nhân là trách nhiệm của mọi công dân, thường trú nhân đang làm việc ở nước ta. Cũng như ở Canada, Úc , Pháp hay Mỹ, những người cư trú hợp pháp làm ăn có thu nhập phải đóng thuế. Thí dụ ở Anh (United Kingdom) bất cứ ai lương hàng năm (income/ year) trên hay khoảng 30,000 đến 40,000 Bảng Anh phải đóng 33% trên tổng số thu nhập của một năm. Việt Nam nên áp dụng, Nhà nước mới có công quỹ xã hội. Nếu được, Nhà nước Việt Nam nên có luật chuẩn chi ngân sách hàng năm, đây là việc phải có với các nước có nền hành chánh văn minh tiến bộ. 

 Đại Frank
 Dai_frank@yahoo.com

Tin cùng chuyên mục