Không để sinh viên nghèo phải bỏ học

Ưu đãi sinh viên vay vốn: Nên có phương thức thông thoáng hơn

Ngày 4-9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành chỉ thị số 21 về thực hiện chế độ cho sinh viên vay ưu đãi để theo học tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; đảm bảo để không một học sinh, sinh viên nào trúng tuyển phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí và đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Chỉ thị 21 của Thủ tướng là một “cứu cánh” tiếp sức cho các sinh viên nghèo theo đuổi ước mơ nắm bắt tri thức, kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế lâu nay nguồn vốn vay  ưu đãi được phân bổ quá ít và mức cho vay đến từng sinh viên còn thấp. Mặt khác, nhiều sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và những điều kiện để sinh viên được vay tiền ăn học chưa rõ ràng, cụ thể, thủ tục còn nhiêu khê…

Làm thế nào để tinh thần đầy tính nhân văn của chỉ thị 21 nhanh chóng tỏa rộng, nhanh chóng tạo mở ra những nguồn lực và điều kiện cụ thể trợ giúp kịp thời cho các sinh viên nghèo. Diễn đàn SGGP online mời các bạn tham gia nêu ý kiến về vấn đề này.

Tương lai cho học trò nghèo

                Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi đối với sinh viên (SV) ĐH, CĐ và khối dạy nghề (ban hành ngày 4-9) có gì đó giống như chiếc “chìa khóa vạn năng” giúp SV nghèo mở toang cánh cửa của “ngôi nhà tri thức”, thực hiện đúng mong ước của Bác là “ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành đầy đủ”.

Có một sự liên tưởng thú vị: Sớm hơn một ngày, ngày 3-9-1945, ngay sau ngày thành lập nước, trong hoàn cảnh đất nước còn vô vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút ký sắc lệnh đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộâng Hòa là sắc lệnh diệt “giặc đói và diệt giặc dốt” như những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Kể từ ngày đó, 62 năm trôi qua, “giặc đói” đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mối lo “giặc dốt” vẫn còn treo lơ lửng.

Một trong những nguyên nhân – ai cũng hiểu – là đất nước còn nghèo, đời sống của đại bộ phận dân cư, đặc biệt là vùng nông thôn còn thấp, không phải ai cũng có đủ tiền trang trải phí ăn, học của con em mình. Mà khát vọng đi lên bằng con chữ vẫn cháy bỏng. Ở khắp nơi, nhiều gia đình đã chắt bóp miệng ăn, giới hạn ở mức tốt thiểu các chi tiêu cho sinh hoạt thường ngày, chạy ngược chạy xuôi để “vay nóng” chi trả cho con em theo nghiệp đèn sách.

Cũng không thể trách tại sao các định chế tín dụng không mở rộng diện cho vay với lãi suất thấp nhất hoặc bằng không, không thể trách họ tại sao lại chỉ chăm lo cho người giàu vay để lo đi du học nước ngoài? Đơn giản là họ phải lo chuyện “bảo toàn vốn”, lo không để xảy ra tình trạng “cụt vốn” hoặc “nợ xấu, khó đòi”, nghĩa là trăm thứ lo trong điều kiện không có sự bảo lãnh từ phía nhà nước. Cứu cánh duy nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ bảo trợ SV nghèo thì vốn lại teo tóp không thể mở rộng diện cho vay, không thể quay vòng đồng vốn để giúp chuyển tải tri thức.

Trong bối cảnh đó, với Chỉ thị 21 quy rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, các ngành, các địa phương “không để một HS, SV nào đã trúng tuyển phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí và bảo đảm cuộc sống tối thiểu”, tương lai của học trò nghèo đã sáng sủa hơn. Vấn đề là chúng ta bắt tay thực hiện ra sao mệnh lệnh này của Thủ tướng chính phủ? Rõ ràng, việc cần làm ngay là thiết lập mối liên kết “4 nhà” – Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nhà trường – để huy động đủ vốn, cụ thể hóa các phương án cho vay, thủ tục cho vay, phương thức thanh toán sau khi tốt nghiệp… , đảm bảo cho vay đúng người, đúng đối tượng.

Ở đây cũng cần nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực: Không thể phó mặc nhà nước bỏ tiền đào tạo cho mình thụ hưởng mà phải tham gia trực tiếp bằng sự đóng góp kinh phí đào tạo thiết thực. Vì tri thức là hàng hóa và có “giá thành” của nó. Thêm nữa, cần “xã hội hóa” sâu rộng khoản tín dụng cho vay để toàn dân cùng tham gia, cùng có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục-đào tạo nước nhà.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 21 là chúng ta đã góp phần xây nền móng cho ngôi nhà “xã hội học tập”, tạo sự công bằng xã hội và nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi tri thức của các em có cuộc sống nhọc nhằn.

Bích An
 

Chế độ cho vay ưu đãi đối với sinh viên- Một chủ trương vì sự nghiệp giáo dục

              Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 21 về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học ĐH-CĐ và dạy nghề, dư luận xã hội, nhất là ngành GD-ĐT bày tỏ sự đồng thuận và hy vọng sự đầu tư này đạt hiệu quả cao. Dưới đây, chúng tôi ghi nhận những ý kiến của những người quan tâm đến vấn đề này.

TS NGUYỄN DŨNG - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Văn Lang:
Nhà trường hỗ trợ sinh viên làm thủ tục ngân hàng

Ngay khi biết được chỉ thị của Thủ tướng, tôi đã có buổi nói chuyện với các sinh viên (SV) năm cuối, động viên các em đang làm bán thời gian không nên tiếp tục đi làm thêm để dồn thời gian cho việc học vì mọi khó khăn về tài chính đã được nhà nước hỗ trợ bằng hình thức cho vay. Từ nhiều năm nay, trường chúng tôi đã triển khai việc đứng ra hỗ trợ SV trong việc đi vay ngân hàng và hiện tại trường có số SV vay để học tập thuộc loại lớn nhất TP, vì trường có đến hơn 70% SV từ các tỉnh về đây học tập.

Chi phí cho một năm học tập của một SV ở tỉnh rất cao, nếu không có chính sách hỗ trợ thì rất chật vật. Những năm trước thì ngân hàng có hỗ trợ cho vay nhưng số lượng rất hạn chế, bây giờ, trước một chủ trương lớn như vậy thì tất cả SV đều có cơ hội hưởng thụ, và một trong những việc mà Bộ Tài chính phải làm để tăng quy mô và hạn mức cho vay, chứ không chỉ 3 triệu đồng/năm. 

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN - Trưởng khoa Ngân hàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM:
Cần tính vào chi phí được khấu trừ thuế

Đây là chủ trương đã có từ lâu nhưng nguồn vốn cho SV vay còn hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 20%-30% nhu cầu nên Trường ĐH Kinh tế đã thành lập một “quỹ hỗ trợ học tập” cho SV vay, đến khi ra trường SV sẽ đi làm để trả nợ. Hiện nay đã có nhiều ngân hàng như ACB, SCB, Đông Á, Eximbank… đang triển khai cho SV khoa Ngân hàng vay vốn học tập, nhưng đây chỉ là sự thỏa thuận giữa bên đào tạo và bên sử dụng lao động.

Trước sự quyết liệt của Chính phủ lần này, tôi nghĩ phải có sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng này phải dành một tỷ lệ phần trăm nhất định để hỗ trợ SV. Và ngược lại, những chi phí dành để hỗ trợ SV nghèo cần được tính vào chi phí được khấu trừ thuế để khuyến khích, chứ như hiện nay, chi phí này bắt lấy từ lợi nhuận thì thiệt thòi cho doanh nghiệp. 

Ông TRẦN VĂN TIÊN - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh TPHCM:
Sẽ mở rộng đối tượng cho vay vốn

Hiện nay, tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) Việt Nam chi nhánh TPHCM đã có 3 tỷ đồng, đây là nguồn vốn bổ sung hàng năm và nguồn từ thu hồi nợ của SV. Số tiền này là nguồn quỹ để cho SV, HS vay tiền phục vụ học tập với lãi suất ưu đãi (0,65%). Mức vay tối đa 300 ngàn đồng/tháng/SV, mỗi năm khoảng 3 triệu đồng/SV. Thực hiện chủ trương không để SV phải nghỉ học vì khó khăn trong việc đóng học phí, chúng tôi tạo mọi điều kiện, thủ tục nhanh gọn, nếu SV có đủ các giấy tờ chứng nhận và giấy báo nhập học khi đến vay tại ngân hàng chúng tôi chỉ mất khoảng 30 phút là giải quyết xong cho các em.

Hiện nay, NH CSXH đang chuẩn bị phương án cần bao nhiêu vốn hàng năm hỗ trợ SV, HS vay vốn học tập để chuyển về cho các tỉnh theo phương thức vay thông qua hộ gia đình để trình Chính phủ trước ngày 20-9-2007. Điểm mới của phương án này sẽ mở rộng quy mô tới từng đối tượng SV, HS khó khăn. Cụ thể như đối với HS ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, mọi năm chỉ thực hiện cho vay đối với các trường thuộc Bộ GD-ĐT, các trường công lập, sắp tới sẽ thực hiện cho tất cả HS ở các trường không phân biệt công hay tư.

Tuy nhiên, khi có hướng dẫn cụ thể chúng tôi sẽ thực hiện ngay. Qua đây chúng tôi cũng mong muốn các trường, địa phương, nơi làm việc của các em SV, HS sau khi ra trường nên trả nợ cho ngân hàng đúng với thời gian quy định, nhằm thu hồi nguồn vốn để có đủ tiền hỗ trợ hàng năm cho các em có hoàn cảnh khó khăn. 

Ông GIANG NGỌC PHƯƠNG - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM:
Sẽ không để sinh viên nghèo nghỉ học

Hàng năm, số lượng SV, HS được hỗ trợ đều tăng lên. Đầu năm học này, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM đã chuẩn bị trên 450 suất học bổng trị giá 600 triệu đồng để hỗ trợ kịp thời cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, sẽ dàng riêng 200 triệu đồng dành cho tân SV, HS có hoàn cảnh thật sự khó khăn nhưng có điểm thi ĐH trên 21 điểm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có Quỹ tín dụng học tập “Chắp cánh tương lai”. Quỹ này dành cho những trường hợp SV, HS từ năm 1 đến năm 4 hệ chính quy ở các trường ĐH, CĐ, TCCN tại TPHCM có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, hoặc có nguy cơ phải bỏ học đóng học phí.

Vay không lấy lãi, với mức tối đa cho vay nhỏ hơn hoặc bằng học phí 1 học kỳ. Nếu SV, HS trong thời gian vay có lực học đạt khá, giỏi sẽ được xóa nợ và thưởng thêm cho các em 500 ngàn đồng. Bên cạnh đó, những em nào có hoàn cảnh quá khó khăn, cứ đến với trung tâm, chúng tôi sẽ có những phương án để hỗ trợ các em như: giúp chỗ trọ giá rẻ hoặc miễn phí, tạo việc làm thêm… để tránh tình trạng các em phải bỏ học.

Nhóm PV

Ưu đãi sinh viên vay vốn: Nên có phương thức thông thoáng hơn

                 Chỉ thị của Thủ tướng về việc “không được để sinh viên bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí, trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như ăn, ở, đi lại, tài liệu học tập” thật kịp thời và hợp lòng nhiều phụ huynh nghèo có con em là tân sinh viên ở năm học mới này. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ về ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, phát huy tiềm năng nguồn vốn nhân lực trẻ.

Trước tình hình vật giá leo thang hàng ngày, nếu không có chính sách ưu đãi về tín dụng đồng hành làm sao các tân sinh viên nghèo có thể gồng gánh nổi ước mơ học đường dài 4-5 năm học! Những năm gần đây, nhà nước đã có chính sách tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn. Nhờ vậy, đã có hàng chục ngàn lượt sinh viên nghèo giảm bớt nỗi lo đè nặng lên con chữ, có điều kiện trang trải một phần chi phí tiền học, ăn, ở. Thế nhưng, vẫn còn nhiều sinh viên chưa có cơ hội tiếp cận.

Nguyên nhân theo Ngân hàng Chính sách xã hội là hàng năm nguồn vốn ưu đãi được phân bổ eo hẹp và mức cho vay còn thấp (3 triệu đồng/năm/sinh viên). Chính vì thế, chính sách ưu đãi vay vốn dành cho sinh viên thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu - trang trải tiền học, ăn, ở của sinh viên ở các đô thị lớn. Vì thế, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan nên xem xét thực tế để xây dựng phương án cho vay vốn linh hoạt, thông thoáng, kèm mức vay cao hơn, hợp lý hơn. Như thế, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mới có cơ hội tiếp cận chương trình này.

Ở nhiều nước phát triển, Chính phủ của họ đều có chính sách tín dụng thông thoáng, tạo sự bình đẳng cho tất cả sinh viên có nhu cầu vay vốn để học tập thành tài. Phương thức vay vốn, hoàn vốn của họ rất linh hoạt nên có tác dụng khuyến khích thế hệ trẻ tự trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân. Một khi chính sách ưu đãi về tín dụng dành cho thế hệ trẻ ở nước ta được khai thông sẽ góp phần vun trồng nguồn lực chất lượng cao cho mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững.

Hoàng Minh
minhhoang…@gmail.com

Điểm tựa của sinh viên nghèo

               Từ một học sinh nghèo ở một vùng núi của tỉnh Quảng Nam, tin đậu đại học làm gia đình tôi vui bao nhiêu thì tiếp theo đó tiền học phí và nhiều khoản chi khác cho một sinh viên xa nhà làm mẹ tôi lo lắng bấy nhiêu. Mẹ vay mượn họ hàng một ít tiền cho tôi vào TPHCM chuẩn bị thủ tục nhập học. Và ngày 5-9-2007, quả là ngày đáng nhớ của tôi khi trên các phương tiện thông tin đại chúng đều thông tin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để sinh viên nào bỏ học vì không có tiền đóng học phí, ăn ở…

Thủ tướng nêu rất cụ thể trách nhiệm của ngành ngân hàng nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tạo vốn cho sinh viên nghèo vay, các trường đại học, cao đẳng… tổ chức cho sinh viên đăng ký vay… Tôi chưa hình dung mình có đủ điều kiện để được vay tiền ăn học không, nhưng rõ ràng tôi đã rất mừng vì những sinh viên nghèo như chúng tôi đã được người đứng đầu Chính phủ quan tâm. Đây quả là một điểm tựa, niềm khích lệ rất lớn để chúng tôi yên tâm cố gắng học hành.

Thời gian qua, khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng, thực tế, các báo lớn ở TPHCM như SGGP, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đã làm rất tốt công tác giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện đến trường qua các chương trình học bổng gắn liền với từng tờ báo. Từ những tác động tích cực của báo chí đã làm dấy lên một phong trào vì cộng đồng, kêu gọi được sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… giúp nhiều sinh viên nghèo đến trường lớp.

Qua chỉ đạo của Thủ tướng, tôi nghĩ dù trách nhiệm là ở ngành ngân hàng, là các trường… nhưng để nhiều sinh viên nghèo trước khi vay được vốn đóng học phí, trang trải tiền ăn ở…, họ vẫn rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, vì con đường từ vùng quê xa đến giảng đường của sinh viên nghèo vẫn còn hết sức gập ghềnh.

Nguyễn thị Minh Hiếu
SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM

Miễn học phí và có chính sách phụ cấp cho sinh viên nghèo

             Việc cho sinh viên vay tiền để học Đại học, cao đẳng là một chính sách nhằm giúp những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo đuổi sự nghiệp học hành của mình. Thế nhưng việc vay vốn trong thời gian qua là rất ít, ít một phần thủ tục nhiêu khê vì phải chứng rất nhiều loại giấy tờ, một phần vì nguồn vốn cho sinh viên vay còn ít, một phần tâm lý sinh viên không dám vay.

Theo tôi bên cạnh việc cho phép sinh viên vay tiền để chi phí cho việc học thì nhà nước nên có những khoản ưu đãi như miễn toàn bộ học phí và có chính sách phụ cấp thêm hằng tháng cho những sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Có như vậy thì những sinh viên nghèo mới có điều kiện để theo đuổi sự nghiệp học vấn.

 Phạm Nguyên (sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình 2)

               Tôi rất xúc động khi đọc được Chỉ thị 21 của Thủ tướng. Lâu nay chúng ta nói quá nhiều về việc bồi dưỡng tài năng cho thanh niên, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người...Nhưng người nghèo vẫn còn nhiều, xin đừng lấy kinh tế khấm khá của một thiểu số để rồi bảo rằng mức sống người dân đã được nâng cao nên phải cần tăng học phí lên cao ngất ngưởng. Chỉ thị của Thủ tướng là một quyết định rất hợp lòng dân. Hãy để cho con em chúng ta gặp khó khăn được có điều kiện học tập. Mỗi khi học xong các bạn sẽ trả hơn nhiều lần như thế nữa ....

 Tôn Thất Thọ (tonthattho_tphcm@yahoo.com)

               Tôi muốn nói về Trường Đại học Dân lập Hồng Bàng. Các sinh viên lớp Công Trình 1 đã học cuối năm thứ tư, còn một học kỳ nữa là tốt nghiệp vô cùng bàng hoàng trước thông báo của trường: Sinh viên nào không đóng học phí cho học kỳ mới - tức học kỳ cuối cùng của học trình sắp khai giảng - thì không được dự thi các môn còn lại của năm thứ tư được tổ chức vào các ngày 10,11,12-9. Hằng trăm sinh viên toát mồ hôi điện về cha mẹ lo tiền đóng học phí cho một học kỳ sắp khai giảng để được dự thi các môn còn tồn đọng (do nhà trường sắp xếp) của năm học đã đóng hoàn chỉnh học phí.

Chỉ thị 21 của Thủ Tướng chính phủ mở ra cánh cửa rộng cho học sinh nghèo , thì thông báo của trường Đại học Dân lập Hồng Bàng là lời tuyên bố đóng cửa lại với các học sinh nghèo. Đây là lần thứ hai các sinh viên khoa công trình 1 đã gặp. Vào cuối năm học thứ ba nhà trường cũng đã yêu cầu như vậy. Tại sao chưa đóng học phí cho học kỳ thứ 9 mà lại không được dự thi các môn của học kỳ thứ 8?, xin mọi người suy nghĩ. Đề nghị các cơ quan truyền thông và  các nhà lãnh đạo giáo dục xem xét

 Nguyễn Tùa Lỹ (nguyentualy@yahoo.com)


Đừng đòi nợ sinh viên sớm

              Chỉ thị 21/2007 của Thủ tướng đã thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi trọng lĩnh vực thuộc quốc sách hàng đầu. Mở ra cho sinh viên Việt Nam nói chung, đặc biệt là sinh viên thuộc diện nghèo có cơ hội tiến thân. Như vậy, những gia đình nghèo có con em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề vừa qua đã có "chỗ dựa" từ Chỉ thị trên của Thủ tướng Chính phủ, bớt đi nỗi lo canh cánh bảo đảm "đầu vào" ở ngưỡng cửa đại học...

Tất cả 9 nội dung đề cập trong Chỉ thị đã xác định rõ trách nhiệm chính trị của các cấp chính quyền, của các ngành chức năng, của các đoàn thể chính trị xã hội, vấn đề còn lại là làm sao Chỉ thị trên sớm đi vào cuộc sống bảo đảm chất lượng, hiệu quả và theo đúng các mốc thời gian, công việc được nêu trong Chỉ thị. Chỉ xin các cơ quan chức năng tham mưu của Chính phủ nghiên cứu kỹ nội dung thứ 2 trong Chỉ thị trên, đó là "...phương thức thanh toán sau khi đã tốt nghiệp đại học ...được công bố trước ngày 30 tháng 9 năm 2007", bởi sinh viên lo học hết chương trình trong các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề đã khó, ra trường tìm việc làm càng khó hơn, sinh viên nghèo mới tốt nghiệp ra trường lấy đâu ra tiền mà thanh toán sau khi tốt nghiệp. Ít ra cũng phải có thời gian gia hạn nhất định để sinh viên tìm việc làm, tích lũy thu nhập mới có điều kiện thanh toán, chứ đừng theo kiểu "đòi nợ sớm" thì quá khó cho sinh viên.

Mai Mộng Tưởng - Đà Nẵng
tuongmaile@yahoo.com.vn

            Chỉ thị 21 của Thủ tướng đưa ra kịp thời với sự bức bách về nhu cầu vốn vay cho sinh viên. Từ nay sinh viên con nhà nghèo đi học bớt đi nỗi lo tài chính.Tất cả người dân đều vui mừng và ủng hộ chỉ thị ''TÌNH NGƯỜI'' này.Bên cạnh đó Thủ tướng cũng cho giám sát chặt chẽ thủ tục cho vay này, đừng để cho bất kỳ ai lạm dụng chính sách này để nhũng nhiễu sinh viên trong quá trình vay vốn để học.

Minh Loan
(qtmloan@yahoo.com.vn)


            Thế hệ chúng tôi, được lớn lên từ thời bao cấp, đối với chúng tôi là một hạnh phúc lớn. Vì là, con nhà nghèo nên thời ấy được học không phải trả tiền, rồi còn có phụ cấp và tem phiếu, nhu yếu phẩm nữa. Mặc dù, cơm có bữa no, bữa thiếu, có lúc ăn bắp, bo bo, sắn lát cả tuần, nhưng học vẫn khá, giỏi như ai. Ra trường không cần xin việc, cũng có quyết định phân công đi làm. Nhờ vậy, mà dân nghèo nông thôn chúng tôi mới có ngày nay "nở mặt, nở mày". Chính vì thế, mà ra sức rèn luyện, phấn đấu trong công tác. Xin cám ơn Đảng và nhà nước. Như bây giờ không có tiền, làm sao đi học, chưa nói đến khi ra trường nữa...mọi điều. Từ đó, chúng tôi rất mong Nhà nước cần có chính sách quyết liệt hơn nữa quan tâm đầu tư cho Giáo dục, đặc biệt là con em nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa...có điều kiện học hành.

Phan Thế Hùng
changtraiphonui_2303@yahoo.com

Cho sinh viên vay vốn: còn vướng nhiều thứ 

             Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg về việc thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề đối với sinh viên. Hàng triệu sinh viên (nhất là sinh viên nghèo) trong cả nước rất hoan nghênh, vui mừng trước Chỉ thị kịp thời và đúng đắn này của Thủ tướng. Tuy nhiên, thử đứng ở một góc nhìn khách quan để nhìn tổng thể thì hiện nay việc cho sinh viên vay vốn của các ngân hàng còn vướng rất nhiều thứ, gây khó khăn cho sinh viên và cho cả ngân hàng.  

1/ Số tiền cho sinh viên vay còn ít nhưng lãi suất cao, lại đặt điều kiện đối với sinh viên.  

Đơn cử là Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Chiếu theo văn bản mới nhất của ngân hàng đã quy định: SV phải đạt điểm học tập bình quân là 6 (tùy khu vực), có hoàn cảnh gia đình khó khăn mới được vay vốn và tối đa chỉ là 300.000 đồng/tháng, với lãi suất tăng 0,45% - 0,65%/tháng (được tính khi SV nhận tiền lần đầu). SV năm thứ nhất phải chờ đến hết học kỳ 1 - khi có kết quả học tập, ngân hàng mới giải quyết cho vay.  

Theo quy định này của ngân hàng CSXH thì sẽ có rất nhiều sinh viên nghèo không được vay vốn vì lãi suất 0,45% -0,65% là cao.  

Đặc biệt, trong thời gian sinh viên học tập thì đâu có lao động mà có tiền trả lãi suất cho ngân hàng mà các ngân hàng đi đánh lãi suất trong thời gian sinh viên đang học? 

Nhiều sinh viên nghèo do không có tiền trang trải cho việc học phải đi làm thêm dẫn tới kết quả học tập không đạt đúng thang điểm theo quy định của ngân hàng để được vay vốn sẽ không được vay là không phù hợp. Hơn nữa, mức cho vay 300.000 đồng/tháng thì không đủ để sinh viên sống và học hàng tháng.  

Theo mức dự trù kinh phí cho sinh viên hàng tháng của Trung tâm thông tin Trường ĐHDL Văn Lang vừa công bố thì ước tính mỗi sinh viên cần tới trên 1.365.000 đồng/tháng, cho nên ngân hàng cho vay mỗi sinh viên có 300.000 đồng/tháng thì không thấm vào đâu đối với phí sinh họat đắt đỏ như hiện nay. Chưa kể, sinh viên năm thứ nhất thì phải chờ hết học hết kỳ I, khi có kết quả học tập mới cho vay khiến không ít SV nghèo học năm nhất rất khổ sở phải chạy vạy tiền trang trải cho đầu năm học dẫn đến có SV phải bỏ học.  

2/ Thiếu vốn cho sinh viên vay: Hiện nay nhu cầu vay tiền học tập của sinh viên rất cao nhưng nguồn vốn cho sinh viên vay không đáp ứng đủ. Nên chăng nhà nước nên tăng thêm nguồn vốn để mọi sinh viên có nguyện vọng vay tiền đều được vay để lo cho việc học tập.  

3/ Các ngân hàng cho vay vốn chưa nhiều. Hiện nay chỉ có ngân hàng CSXH còn duy trì cho sinh viên vay vốn. Trước kia cũng có một số ngân hàng như Incombank cho sinh viên vay vốn nhưng bị lâm vào cảnh: Khó đòi lại nợ nên đã rút lui. Lý do là hiện nay việc quản lý sinh viên ở trường cũng như sau khi tốt nghiệp đi làm còn rất lỏng lẻo khiến các ngân hàng dở khóc dở cười vì chuyện… đòi nợ.  

Để lôi kéo tất cả các ngân hàng tham gia cho sinh viên vay vốn, Nhà nước nên có chính sách trợ giúp cho các ngân hàng. Nhà trường có sinh viên vay vốn cũng nên có sự quản lý chặt những sinh viên đó khi họ ra trường để đảm bảo cho các ngân hàng thu lại được nguồn vốn đã cho vay.  

Muốn Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ phát huy hiệu quả rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước - Ngân hàng- Trường học - Sinh viên. Nếu không sớm tìm cách tháo gỡ những bất cập trên thì sinh viên nghèo khó có cơ hội được vay vốn.

 Võ Minh Huy (Quảng Ngãi)

           Tương lai nước nhà tùy thuộc vào đội ngũ trí thức hôm nay. "Nghèo không phải là cái tội", vì vậy, trước hết, cần giúp cho sinh viên nghèo vay vốn để học tập cho đến nơi đến chốn. Tuy vậy, chúng ta cần quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với những sinh viên được vay vốn: Học lực phải đạt trong chừng mực nhất định. Thí dụ, ở Mỹ, sinh viên muốn được vay vốn thì học lực phải đạt GPA từ 2. (tức 75% trở lên). Mục đích này nhằm để khuyến khích sinh viên ham học, có ý chí vươn lên. Vay vốn để học tập là chính chứ không vì mục đích, lý do nào khác.

Nhà trường và cơ quan cấp phát vốn phải liên kết chặt chẽ, vô tư trong việc xếp loại, đánh giá sinh viên vào dịp cuối năm: Nên hay không nên cho sinh viên tiếp tục vay tiền. Nếu sinh viên vay tiền, sau khi họ học xong, họ sẽ bắt đầu phải trả theo quy định thống nhất của Nhà nước. Việc cho sinh viên vay tiền học là một chủ trương rất đáng hoan nghênh, rất nên làm nhằm tạo dựng nhân tài cho đất nước. Đừng để cái "Nghèo" nó chi phối tất cả trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam. Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. 

 Phan Lạc Đông Quân 

Tin cùng chuyên mục