Thị trường viễn thông di động, thương hiệu nào sẽ tồn tại?

Mạng nhỏ hết cửa

Những biến động mới từ các mạng di động ở Việt Nam cho thấy, thị trường đang đến hồi cạnh tranh khốc liệt và hứa hẹn có những cú thay đổi ngoạn mục.

Mạng nhỏ hết cửa

Sau khi Beeline chính thức tuyên bố rút vốn khỏi Việt Nam, Gtel Mobile đã tiếp quản lại mạng Beeline Việt Nam và đang tìm hướng đi mới. Thương hiệu Beeline coi như sẽ không còn ở Việt Nam và câu hỏi đặt ra, ai sẽ đầu tư vào mạng di động này và đó là thương hiệu gì? Cho dù các thuê bao Beeline hiện vẫn đang hoạt động, nhưng không ai dám chắc sẽ kéo dài bao lâu.

Trường hợp S-Fone bi đát hơn. Hiện nay mạng S-Fone coi như ngừng hoạt động với thông báo là chờ chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang 3G. Tuy nhiên các chuyên gia viễn thông cho rằng, ở thời điểm này S-Fone khó huy động được số vốn lớn, cũng như tìm được nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi công nghệ, xây dựng hạ tầng mạng lưới 3G mới như vậy. Bởi suất đầu tư đến hàng trăm triệu USD chứ không nhỏ, xoay đâu cũng khó.

Trường hợp Vietnamobile có thể coi sự thành công của một mạng nhỏ sau cú chuyển đổi từ hết sức tốn kém từ công nghệ CDMA sang 3G cách đây mấy năm. Sau 3 mạng lớn nói trên, đây là mạng đang có thuê bao và thị phần thứ 4 ở Việt Nam. Tuy nhiên Vietnamobile đang gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Mới đây mạng di động này đã phải kêu cứu lên Bộ TT-TT khi mà Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Viettel có những động thái tăng giá thuê hạ tầng truyền dẫn, điều mà những mạng nhỏ gần như luôn phụ thuộc vào những mạng lớn. Cái khó của các mạng nhỏ, ra đời sau hiện nay gần như không còn nhiều cơ hội chen chân vào thị trường, trong khi suất đầu tư lại quá lớn. Chính vì thế, các mạng di động nhỏ nói trên, khó có cửa phát triển hay tồn tại lâu dài trong bối cảnh thị trường di động Việt Nam hiện nay.

VinaPhone và MobiFone sẽ ra sao?

Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, thời gian tới sẽ tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập, nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh. Hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả hạ tầng cơ sở, nguồn lực và tài nguyên viễn thông một cách hợp lý để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.

Quy hoạch nói trên là cơ sở quan trọng trong việc tái cơ cấu VNPT và liên quan đến việc có sáp nhập 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone hay không? Nếu sáp nhập VinaPhone và MobiFone lại sẽ tạo ra thị trường di động nằm trong tay 2 “ông lớn” là Viettel và VNPT chiếm hơn 90% thị phần trong số hơn 121 triệu thuê bao di động ở Việt Nam hiện nay. Nếu vậy, quy hoạch này có nguy cơ bị phá vỡ.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone sẽ nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của luật hiện hành. Bộ TT-TT và Bộ Công thương cũng sẽ xem xét trường hợp sáp nhập của VNPT có thuộc loại được miễn trừ hay không. Sau đó Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng quyết định về việc miễn trừ này.

Đề cập tới nguy cơ độc quyền viễn thông, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam cho rằng, nếu 2 mạng di động của VNPT sáp nhập, thị trường di động Việt Nam có nguy cơ quay lại thời những năm 1990 với tình trạng độc quyền hoặc “bắt tay” để độc quyền giữa 1-2 mạng lớn. Việc tập trung kinh tế vào 1-2 nhà mạng vô cùng nguy hiểm. Nếu chỉ tập trung quyền lực, tập trung kinh tế vào 1-2 nhà mạng lớn để các mạng nhỏ chết dần thì không phải kịch bản tốt cho thị trường viễn thông Việt Nam.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Vietnamobile lưu ý, khi tập trung vào 2-3 doanh nghiệp, nếu có chuyển biến và không có chính sách quản lý tốt sẽ dễ bị lũng đoạn thị trường.

Sẽ khó khăn đối với VNPT nếu muốn sáp nhập 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone bởi những vấn đề về pháp lý. Nếu VNPT làm được việc sáp nhập 2 mạng này, câu hỏi đặt ra lúc đó mạng di động này sẽ mang thương hiệu gì? Có người cho rằng, đó sẽ là VNPT Mobile. Nếu đúng vậy, VinaPhone và MobiFone sẽ bị xóa sổ sau gần 20 năm!.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục