Điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp

Tại “Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam 2017” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 22-6, các chuyên gia đưa ra nhận định: trong khi các doanh nghiệp (DN) vẫn còn rất chật vật thì các điều kiện kinh doanh ngày càng phức tạp và tinh vi. 
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của DN; làm nảy sinh nhiều bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo, gia tăng chi phí và tác động không cân đối đến DN, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV). “Cải cách quy định về điều kiện kinh doanh cho đến nay đạt được những kết quả rất hạn chế”, ông Hiếu thẳng thắn bình luận. 

Chuyên gia này cho biết, hiện nay có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con cháu” khác, trong khi các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh lại không rõ ràng, cấu trúc phức tạp. Hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, có thể bao gồm giấy phép, nhưng có những hình thức “tinh vi”, rất khó để nhận diện, như yêu cầu nộp đơn xin phép, hay “thông báo cho cơ quan quản lý” (nhưng phải được chấp thuận, thì mới được hoạt động)… 
Khi đã đủ điều kiện kinh doanh, DN còn phải chứng minh bằng một loại giấy xác nhận nào đó, mà muốn có giấy này, DN lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính. Chưa hết, DN còn bị “trói buộc” bởi thời gian kinh doanh (phổ biến 5 - 10 năm), sau thời gian đó lại phải xin phép lại.

Ông Phan Đức Hiếu nhận định, thực tế nước ta (và ở nhiều nước khác cũng tương tự) cho thấy, cải cách giấy phép kinh doanh sẽ thành công nếu thực hiện theo hướng áp đặt từ trên xuống, không thành công nếu tiếp tục giao việc này cho chính các bộ, ngành và cơ quan có liên quan thực hiện. Ông Phan Đức Hiếu kiến nghị Chính phủ thành lập một cơ quan thực hiện nhiệm vụ cải cách giấy phép kinh doanh độc lập, thuộc Chính phủ; là cơ quan mang tính chất chuyên môn sâu, đa dạng và cải cách luật pháp. Nhiệm vụ của cơ quan này là rà soát, phân tích, đánh giá nhằm cắt giảm những quy định bất hợp lý và trực tiếp chủ trì thực hiện việc cắt giảm. 

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện DN lớn đang bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều, trong khi đó DN nhỏ ít hơn. Thực tế này khiến nhiều cơ sở kinh doanh, DN nhỏ không dám và không muốn “lớn”. “Khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà, nhiều DNNVV đang bằng lòng với quy mô của mình bởi họ sợ thanh kiểm tra của cơ quan thuế, hành chính nhà nước. Có 14% DN được khảo sát cho biết gặp sự trùng lặp vì thanh kiểm tra. Có tới 65% số DN được hỏi gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai”, ông Tuấn nói. 

PGS-TS Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) chia sẻ nhận định về khó khăn của DN và cung cấp thêm thông tin, tỷ suất lợi nhuận của khu vực DN tư nhân còn rất thấp, chỉ đạt 1,72% (trong khi khu vực DN nhà nước đạt 6,04% và khu vực DN FDI là 6,95%). Theo TS Hùng, đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm đối với các cơ quan hoạch định chính sách. 

Như vậy, việc nhìn nhận kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước cần phải có cái nhìn toàn diện hơn. Trong đó, cần quán triệt quan điểm kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh “một mất một còn”, mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Do đó, điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa DN nhà nước với DN ngoài nhà nước, giữa DN trong nước với DN có vốn FDI. Ngược lại, khu vực tư nhân cũng cần thay đổi nếp suy nghĩ đầy mâu thuẫn là vừa “đòi” bình đẳng với khu vực nhà nước và khu vực FDI, lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng. Cần tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và làm mất đi giá trị thật của các ưu đãi. 

Tin cùng chuyên mục