Điều kiện sống còn

Hai sự cố hàng không khá nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong những ngày vừa qua tiếp tục khiến nhiều người giật mình, mặc dù thông tin về các sự cố hàng không lâu nay đã không còn là chuyện hiếm gặp.

Hai sự cố hàng không khá nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong những ngày vừa qua tiếp tục khiến nhiều người giật mình, mặc dù thông tin về các sự cố hàng không lâu nay đã không còn là chuyện hiếm gặp.

Hầu như tháng nào ngành hàng không cũng có những sự cố. Và như vậy, đương nhiên mối lo ngại về an toàn hàng không đang tăng lên, thậm chí tăng đến mức chưa từng có đối với ngành hàng không Việt Nam (HKVN), tỷ lệ thuận với tần suất thông tin về các sự cố hàng không trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thử nhìn lại công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không từ đầu năm 2014 đến nay, những con số mà Cục HKVN đưa ra thật sự rất đáng lo ngại. Trong 9 tháng của năm 2014, số vụ vi phạm an toàn, an ninh hàng không tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013 với 210 sự cố an toàn bay (tăng gần 60 vụ so với năm 2013). Theo các chuyên gia hàng không, mức độ gia tăng sự cố uy hiếp an toàn hàng không có liên quan đến sự phát triển nóng của ngành dịch vụ này. Bên cạnh những vụ việc liên quan đến hành khách như xâm phạm các khu vực cấm trong sân bay, tung tin có bom, vật liệu nổ, mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định, gây rối, đe dọa, không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên hàng không, những sự cố về kỹ thuật, về yếu tố ngoại lai… điều mà dư luận quan tâm nhất là ngày càng nhiều vụ việc liên quan trực tiếp đến yếu tố chủ quan của con người, đó là hoạt động quản lý, điều hành bay.

Không thể không nhắc lại vụ việc vận chuyển nhầm hành khách đi Cam Ranh ngày 19-6, khiến dư luận hết sức ngạc nhiên và bất bình; tiếp sau đó là vụ việc cấp nhầm huấn lệnh bay tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27-6, khiến cho 2 máy bay suýt xảy ra va chạm. Và mới đây nhất, ngày 29-10, một máy bay quân sự suýt va chạm với máy bay chở khách…

Vì sao đã có một quy trình quản lý chặt chẽ, tiêu chuẩn cao, đã có hàng loạt văn bản, quy định về an toàn hàng không liên tục được bổ sung, cập nhật, đã được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, Cục HKVN mà những vụ việc đáng lo ngại vẫn liên tục xảy ra? Trả lời câu hỏi này, Cục HKVN thừa nhận công tác kiểm tra an toàn sân đỗ, khai thác khu bay và kiểm soát chim và động vật hoang dã vẫn còn chưa hiệu quả. Cụ thể là sự cố do chim, vật ngoại lai trên đường cất hạ cánh gây ra của năm 2014 tăng mạnh so với năm 2013. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng đối với các quy trình cung cấp dịch vụ vẫn còn bất cập, công tác giám sát trực tiếp của cảng vụ còn yếu kém, nhân lực thiếu và chưa có chuyên môn sâu. Nhìn nhận việc để xảy sự cố hàng không do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay, lỗi hệ thống.… là hết sức nghiêm trọng, trong nhiều cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã rất quyết liệt chỉ ra những yếu kém trong quản lý của Cục HKVN. Trong đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong mỗi sự cố xảy ra. Rõ ràng, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, ý thức trách nhiệm và trình độ của những người thi hành công vụ trong ngành HKVN đang có vấn đề cần phải xem xét lại. Họ là những người phải chịu trách nhiệm khi hình ảnh của ngành HKVN đang bị xói mòn vì những sự cố liên quan đến an toàn xảy ra ngày càng nhiều. Và nếu không nhanh chóng chấn chỉnh, e rằng đến một ngày không xa HKVN sẽ mất đi sự tín nhiệm về an toàn mà ngành này đã dày công xây dựng từ nhiều năm nay.

Để hạn chế tối đa sự cố liên quan đến an toàn, an ninh hàng không, thời gian tới, Cục HKVN cho biết sẽ triển khai thực hiện “Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hàng không dân dụng của Cục Hàng không và các cảng vụ hàng không đến năm 2020”. Trong đó, bên cạnh việc mở rộng, cải tiến kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, Cục HKVN sẽ tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng, bổ sung lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân viên hàng không, nhất là kiểm soát viên không lưu. Tại cuộc họp báo chiều 21-11, Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cũng nhấn mạnh, an ninh hàng không là ưu tiên số 1, là điều kiện sống còn cho ngành hàng không, càng nâng cao an toàn càng có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Lại Xuân Thanh cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào, ưu tiên tuyển kỹ sư không lưu có trình độ chuyên môn, trình độ tiếng Anh cao đồng thời có ý thức kỷ luật tốt. Những điều mà người đứng đầu ngành HKVN vừa nói trước báo giới, nếu không khẩn trương, không quyết liệt và bền bỉ thực hiện thì e là sẽ quá muộn.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục