Điều tiết, giám sát con chơi game

Trong dịp nghỉ hè, thay vì tham gia những hoạt động vui chơi lành mạnh thì không ít học sinh lại vùi đầu vào những trò chơi thực tế ảo trên internet. 
Phu huynh cần điều tiết, giám sát con chơi game
Phu huynh cần điều tiết, giám sát con chơi game
Không chỉ dừng lại ở việc giải trí đơn thuần, số học sinh bị game online lôi kéo trở thành những “con nghiện” đang dần gia tăng đến mức báo động. 
Game online là dạng trò chơi trực tuyến, cho phép những người chơi tương tác với nhau, giao diện sinh động, hấp dẫn nên dễ thu hút tính cách năng động, hiếu chiến của giới trẻ. Khi tham gia một trò chơi, người chơi sẽ sống trong một thế giới ảo và hóa thân thành những nhân vật phù hợp với sở thích, ước mơ của mình, có thể làm được những việc mà ở thế giới thực không thể. Vì thế thật không quá khó để có thể lý giải việc nhiều học sinh nghiện game đến bỏ ăn, bỏ ngủ. 
Hiện nay, việc tiếp cận internet dễ dàng, nhiều học sinh có thể ngồi tại nhà tham gia trò chơi mà không phải đến tiệm net. Chính sự tiện lợi đó đã trao cho người chơi quyền tự chủ, các em có thể quyết định giờ giấc chơi và dừng lại, có thể xác định giới hạn đam mê dành cho một trò chơi mà mình không thể vượt qua. Tuy nhiên, nhiều học sinh đã đánh mất quyền tự chủ đó, mà để cho chiếc máy tính điều khiển mình. Bạn Thanh Tùng (Đại học Công nghệ thông tin) cho biết: “Mình rất thích game trực tuyến và thường giải trí bằng hình thức này, nhưng không nghiện. Hàng ngày mình cho phép bản thân đăng nhập trò chơi khoảng 2 tiếng, sau đó dứt khoát thoát ra. Vì sống mãi trong đó thì cuộc đời của mình ở thế giới thực sẽ do ai sống đây”. Bạn Anh Duy (Đại học Công nghệ thông tin) khẳng định: “Mỗi học sinh cần tự ý thức làm chủ thời gian. Game online chỉ là một trò chơi trên máy tính và hoàn toàn vô hại nếu như chúng ta điều khiển nó đúng cách, đừng để game thống trị bản thân”.
Việc học sinh nghiện game online có phần lỗi của phụ huynh, do quá cưng chiều con mà không suy tính đến cái hại lâu dài. Cô Ngô Thị Lan (quận 2, TPHCM) kể lại: “Anh của tôi có 2 đứa con trai, vợ anh rất cưng con. Đứa đầu bị nghiện game cũng do chị dâu tôi chiều nó, cứ hễ xin tiền ra quán net là cho, đến nỗi trưa nó lo chơi không về, chị ấy phải đem cơm ra tiệm net cho nó. Cứ suốt ngày chơi game đâu có để ý thứ gì, nó tưởng ngoài đời cũng giống như game, muốn gì làm đó. Rồi nó đóng vai hiệp sĩ đi đánh bạn bè, bị công an bắt phạt. Giờ đến đứa thứ hai, chị tôi cũng y như vậy, còn mua hẳn một máy tính để trong phòng cho con chơi. Anh tôi nói thế nào cũng không được”.
Cũng có một số phụ huynh chỉ muốn giữ con trong nhà, không cho con giao tiếp xã hội vì sợ con hư. Trong tình huống đó, trẻ chỉ có thể làm bạn với máy tính. Bạn Thanh Tâm (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: “Trước đây mình bị nghiện game. Con gái mà nghiện game thì hơi kỳ, nhưng bởi vì hè đến không đi học, mẹ mình lại không cho đi đâu vì sợ mình gặp nguy hiểm, bị lừa gạt. Ở nhà rất cô đơn, mình không có ai để nói chuyện, nên phải tìm bạn ảo trong game. Ban đầu chỉ là để cho vui, nhưng rồi nghiện lúc nào không biết. Khi lên đại học, mình được tham gia các hoạt động xã hội, nhận ra ở thế giới thực cũng có rất nhiều điều hay cần học hỏi, nên mình đã bỏ hẳn game. Qua chuyện đó, mình nghĩ rằng phụ huynh nên hướng con ra những hoạt động bên ngoài máy tính, đừng vì bảo vệ con quá mà vô tình đưa con vào sống trong thế giới ảo”.
Bên cạnh đó, lại có nhiều phụ huynh hoàn toàn cấm con tiếp xúc với các trò chơi giải trí. Điều này lại càng kích thích trí tò mò và quyết tâm tìm hiểu của trẻ con. Phụ huynh cần có sự cân bằng giữa học hành với giải trí, sắp xếp thời gian biểu phù hợp cho con. Chú Vũ Thanh Bình (ngụ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Tôi cho phép con tôi chơi game online nhưng chơi dưới sự giám sát của tôi, mỗi ngày được chơi 3 tiếng, nhưng cách quãng, phải làm xong bài tập mới được chơi. Trước đây tôi cũng có cấm con, nhưng con tôi lại trốn học vào tiệm net chơi, tôi thấy nguy hại hơn rất nhiều. Trẻ con mà, dễ nghe lời lắm, tôi còn lấy việc cho chơi game làm phần thưởng để kích thích con học tập. Tôi nghĩ, nếu biết cách thấu hiểu con cái, thì không có chuyện con nghiện game đến mất kiểm soát đâu”.

Tin cùng chuyên mục