Dinh dưỡng cho trẻ béo phì

Béo phì ở trẻ em có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do lối sống thiếu vận động và thói quen ăn uống bồi dưỡng quá mức ở một số gia đình. Hiện tại tình trạng tăng cân béo phì đang có xu hướng phát triển thành “đại dịch” ở nước ta.

Thừa cân béo phí dễ dẫn đến nhiều loại bệnh khác nhau
Thừa cân béo phí dễ dẫn đến nhiều loại bệnh khác nhau

* Nên cho trẻ thừa cân béo phì ăn uống như thế nào để hạn chế sự tăng cân của trẻ?
- Trẻ em là tuổi đang lớn, dù đang bị béo phì cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cân đối giữa đạm, sinh tố, khoáng chất với ít béo hợp lý để trẻ luôn khỏe mạnh, ít tăng cân nhưng vẫn phát triển trí não, chiều cao và khối cơ, vì vậy nên cho trẻ ăn điều độ, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì quá đói trẻ sẽ ăn nhiều hơn bình thường trong bữa sau làm trẻ dễ tăng cân, nên chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn một lần quá no. Tránh cho trẻ ăn uống những thực phẩm chỉ chứa calori rỗng như các loại nước ngọt, trà đá có đường, nước trái cây có đường, các loại bánh kẹo ngọt, thức ăn giàu béo như mayonnaise, gà rán, pa tê, xúc xích… là những thứ cao năng lượng nhưng nghèo chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và chất khoáng làm trẻ khó tăng chiều cao nhưng rất dễ tăng cân. 
* Cho trẻ béo phì ăn kiêng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ không?
- Cho trẻ béo phì ăn kiêng không hợp lý thật sự không có lợi cho sự phát triển của trẻ, gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ. Nếu trẻ ăn thiếu đạm sẽ dẫn đến thiếu máu, giảm khả năng tạo kháng thể làm cho trẻ dễ bị bệnh nhiễm trùng, rối loạn phát triển tế bào khối cơ, thiếu đạm dẫn đến việc gắn kết calci đưa vào xương bị thiếu hụt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Nếu cho trẻ kiêng béo quá mức làm thiếu hụt các chất béo có chứa axit linoleic, linolenic, DHA, hay một số chất rất cần thiết cho sự hoàn thiện tế bào não, thiếu trypthophan, cholin, vitamin A… sẽ ảnh hưởng đến sự hoàn thiện tế bào não của trẻ... Nói chung, việc ăn kiêng của trẻ béo phì là cần thiết, nhưng cần phải cho trẻ ăn hài hòa và hết sức khoa học, tránh làm ảnh hưởng sự phát triển của trẻ.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường ăn rau, củ, quả... hạn chế chất béo, đường... giúp trẻ giữ trọng lượng hợp lý
 * Cách cho trẻ béo phì ăn uống giúp trẻ vẫn phát triển thể chất tốt nhưng hạn chế tăng cân?

- Như đã nói ở trên, trong ngày cần chia nhỏ bữa ăn, mỗi bữa ăn một ít để trẻ không bị đói quá, nhưng cũng không cho trẻ ăn no quá. Cần chuẩn bị sẵn các phần ăn nhẹ cung cấp ít calori, ít chất béo, ít chất ngọt, ít tinh bột, có nhiều rau trái với nhiều màu sắc bắt mắt để trẻ thích ăn, dễ chấp nhận, cho trẻ ăn khi trẻ đói. Chọn thực phẩm cho trẻ nên ưu tiên cá nạc, nên cho trẻ ăn cá nhiều hơn thịt, nhất là cá biển hoặc các loại cua, tôm, lươn, nghêu, sò, hàu, hến… Đảm bảo trẻ uống đủ sữa theo độ tuổi, chọn sữa thấp năng lượng, ít béo, nhưng giàu đạm, giàu calci giúp phát triển chiều cao và thể lực của trẻ, tốt nhất nên chọn sữa dành riêng cho trẻ thừa cân béo phì. Hạn chế chất béo bằng cách chế biến thức ăn dưới dạng luộc hấp, nướng, hạn chế chiên rán. Trong bữa ăn cần có các loại đậu, sản phẩm từ đậu nành, các loại nấm, được chế biến với các loại rau, củ, trái cây còn tươi giúp cung cấp nhiều vitamin, đồng thời đây cũng là những loại thực phẩm có nhiều chất xơ thiên nhiên, ít năng lượng, hấp thụ chậm, đặc biệt chất acetate trong chất xơ có tác dụng giúp trẻ no lâu, trẻ ít đòi ăn vặt, hạn chế tăng cân. Ngoài ra cần cho trẻ tăng cường vận động giúp tăng tiêu hao năng lượng, giảm lượng mỡ thừa, giúp điều chỉnh cân nặng để thoát khỏi thừa cân béo phì.

Thừa cân béo phì là tình trạng dư thừa mỡ của cơ thể, hậu quả lâu dài là các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, ung thư... 
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thừa cân béo phì là sự mất cân bằng về năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao qua hoạt động thể lực. Năng lượng ăn vào được xác định thông qua đánh giá khẩu phần của trẻ, năng lượng tiêu hao được đánh giá thông qua các hệ số hoạt động và năng lượng chuyển hóa cơ bản. Khi nạp nhiều năng lượng hơn mức tiêu hao, trẻ có nguy cơ thừa cân béo phì. Để cân bằng, trẻ cần giảm năng lượng đưa vào cơ thể, nhưng vẫn phải bảo đảm đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong giai đoạn tăng trưởng phát triển. 

Tin cùng chuyên mục