Định giá đúng thương hiệu khi cổ phần hóa

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng thương hiệu do công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance công bố. 
Theo bảng xếp hạng thương hiệu do công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance công bố mới đây, VietinBank lọt vào nhóm 400 thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,686 tỷ USD; giá trị của VinaPhone là 1,04 tỷ USD; MobiFone là 391 triệu USD.
Tuy nhiên, các giá trị thương hiệu lọt vào nhóm đầu thế giới này lại chưa được xác định như giá trị tài sản doanh nghiệp tại Việt Nam. Hệ quả là Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, nhất là giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn; doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập... Việc hành lang pháp lý chưa đầy đủ còn khiến các đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thẩm định giá gặp lúng túng trong việc xác định giá trị thương hiệu.
Theo ông Vũ An Khang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam, nếu giá trị một doanh nghiệp nhà nước được công bố là 1.000 tỷ đồng. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần thì có 100 triệu cổ phần. Khi tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) thì “không thể đưa ra giá 10.000 đồng/cổ phần được”. 
Đơn vị tư vấn để định giá IPO phải tính toán hết các tiềm năng của doanh nghiệp, lúc đó sẽ tính cả giá trị thương hiệu là bao nhiêu; tiềm năng phát triển thế nào, tương lai doanh nghiệp còn triển vọng gì nữa… Khi đó, giá có thể được đề xuất để đấu giá là 15.000 đồng/cổ phần hay 18.000 đồng/cổ phần và sẽ do thị trường quyết định. 
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa, các quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ bộ vào, săn lùng các công ty để mua lại. Nếu không quản lý hay định giá tốt giá trị thương hiệu thì có thể sẽ bị thiệt thòi, bán dưới giá trị. “Hãy nhớ rằng 47% giá trị của các công ty trên thế giới là tài sản vô hình, tức là chúng hoàn toàn không nằm trong bảng tổng kết tài sản. Đối với các công ty chưa lên sàn chứng khoán, tổng giá trị tài sản không có con số giá trị vốn hóa trên thị trường, thì các công ty đó chỉ viết trên bảng những giá trị hữu hình. Như vậy, cứ cộng trung bình thêm 25% nữa thì đấy mới là tài sản công ty chính thức mà các bạn đang có”, ông Samir Dixit nói. 
Thương hiệu đang là vấn đề cốt yếu trong việc thoái vốn nhà nước. Bởi lẽ, cổ phần hóa, thoái vốn không phải bán hết doanh nghiệp. Việc định giá thương hiệu để tên doanh nghiệp vẫn còn sau cổ phần hóa. Các thông lệ quốc tế về thẩm định giá tài sản, đề xuất ra phương pháp tính sẽ có hành lang pháp lý quy định để công ty tư vấn tính toán, tư vấn cho ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ sở hữu quyết định giá trị rồi bán ra thị trường. Cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phần công khai để thị trường xác định thương hiệu đó giá trị ra sao. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết: “Tới đây, khi các Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Sài Gòn mà Nhà nước thoái vốn, chúng tôi vẫn phải giữ lại thương hiệu vì nếu mất thì mất truyền thống. Còn giữ lại như thế nào? Nguyên tắc là không làm trái thị trường, vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư”.
Trong quá trình cổ phần hóa có nhiều vướng mắc với tên thương hiệu và có nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn xây dựng thương hiệu bỏ tiền ra định vị lại thương hiệu. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu này được tính ra sao là vấn đề khó, dù Nghị định 59/2011/NĐ-CP (về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) có quy định giá trị lợi thế, giá trị thương hiệu, lợi thế tiềm năng tính theo công thức tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều phát sinh, tỷ suất lợi nhuận thấp, dẫn đến không phát sinh ra giá trị tiềm năng này, trong khi, trên thực tế giá trị này vẫn có (vì được định nghĩa là tập hợp các khoản chi phí). 
Rõ ràng, việc tính toán, xác định giá trị thương hiệu trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là hết sức cần thiết. Bởi nếu không, tài sản nhà nước có thể thất thoát và doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi; còn giá trị thương hiệu đó được thị trường nhìn nhận, đánh giá ra sao, yêu cầu quan trọng là doanh nghiệp phải niêm yết cũng như có sự công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá.

Tin cùng chuyên mục