Định hình cách sống khi hướng nghiệp

Các học sinh lớp 12 đang được hướng nghiệp để chuẩn bị đăng ký kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới.

Với nhiều hình thức tư vấn, hướng nghiệp như hiện nay, chắc nhiều bạn sẽ chọn ngành học, chọn trường theo năng lực của bản thân, sở thích và điều kiện thực tế của gia đình. Tuy nhiên, cũng có không ít người sẽ chọn ngành, chọn trường theo ý muốn của gia đình, của bạn bè hoặc đơn giản chỉ vì theo trào lưu. 

Tôi thấy rằng học sinh rất cần được hướng nghiệp từ trong gia đình, nhà trường, các phương tiện truyền thông… Bản thân tôi cũng đã từng định hướng nghề nghiệp cho các em cháu trong gia đình và góp phần gợi mở những nghề nghiệp phù hợp cho chúng.

Khi hướng nghiệp cho người khác, tôi hay đưa ra 3 thứ tự để lựa chọn: năng lực, sở thích và điều kiện cụ thể (gia đình, bản thân). Đây cũng là 3 tiêu chí mà bản thân mỗi học sinh có thể hiểu hơn người khác, vì vậy có lý do để tự hướng nghiệp mình hơn những người khác.

Sự tự hướng nghiệp không phải thể hiện được ở tất cả các học sinh. Nhiều em không hiểu mình có năng lực gì, bởi môn nào em cũng học một cách “bình bình”, nhàm chán, uể oải, không thấy có chút hứng thú; em cũng không biết mình có thể học ngành gì, thi khối gì, làm nghề gì; em cũng không có mơ ước gì hoặc mơ ước của em hoàn toàn không phù hợp với điều kiện thực tế…

Những em đó có thể đáng trách, bởi dường như em thiếu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, nhưng các em đó cũng đáng thương bởi các em chưa được tạo điều kiện để thể hiện được trách nhiệm của mình đối với bản thân. Lỗi này ít nhiều thuộc về nhà trường và giáo viên, những người lẽ ra phải khơi gợi, kích thích tinh thần học tập trong học sinh, để các em học tập một cách chủ động, tích cực, hăng hái theo năng lực và sở thích của mình, chứ không phải học theo cách “trừ nợ quỷ thần”. 

Như vậy, ở đây không còn vấn đề hướng nghiệp nữa mà là việc định hình nhân cách, định hình cách sống cho mỗi người. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về gia đình, bởi gia đình mới có điều kiện gần gũi và hiểu rõ con em mình nhất, từ đó có thể hun đúc, truyền đạt, gợi mở những cách sống phù hợp. Các thành viên trong gia đình, nhất là người lớn, phải thể hiện lối sống của trách nhiệm, chủ động và tích cực đối với bản thân, với gia đình, với xã hội thì mới có thể lan tỏa, khơi gợi, thuyết phục được các thành viên nhỏ tuổi. 

Tôi vẫn mong sao hầu hết các học sinh có thể tự hướng nghiệp, tức là tự xác định hướng đi cho cuộc đời, thay vì theo “phong trào”, theo sự rủ rê, thậm chí là áp đặt của ai đó. Có như vậy mới giảm được những người “lạc đường”, tránh phải “bỏ cuộc” hay phải “chọn lại lối đi”, đỡ mất thì giờ, đỡ lãng phí tiền của. Tức là, sống có trách nhiệm thì sẽ thiết thực và dễ thành công hơn!

Tin cùng chuyên mục