Định hướng đúng trong phát triển doanh nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu thành lập mới 500.000 doanh nghiệp.

 

Các cơ sở sản xuất nhỏ rất cần vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: Cao Thăng
Các cơ sở sản xuất nhỏ rất cần vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: Cao Thăng
Hiện TPHCM có hơn 326.000 doanh nghiệp (chiếm 1/3 cả nước), để hoàn thành mục tiêu như nghị quyết đề ra, mỗi năm sẽ phải đạt được con số thành lập mới là 50.000 doanh nghiệp. Hướng trọng tâm phát triển doanh nghiệp mới, mà chủ yếu ở khu vực tư nhân, được xác định là đối tượng hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp. Đây là một nguồn lực rất lớn, có tác động mạnh đến nền kinh tế và cơ cấu ngành kinh tế của TPHCM trong những năm tới, đang cần được phát huy, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Thế nhưng, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cần phải thận trọng, không gò ép hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp. “Chúng ta phải tạo ra cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong hoạt động kinh doanh, làm cho hộ kinh doanh cá thể thấy có lợi, vui hơn, có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn và tự giác chuyển đổi lên doanh nghiệp. Nhất định không ép, không làm hình thức và chạy theo số lượng. Cái chính là để người dân thấy được rằng do hoạt động nhỏ, tản mạn nên ngành nghề dù có yêu cầu phát triển nhưng không có điều kiện phát triển, từ đó tự nguyện mong muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Nếu chúng ta có chính sách cho vay, chính sách xây dựng thương hiệu, chính sách thuế, tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thông tin, làm cho hiệu quả kinh doanh đạt cao hơn, thì người dân tự giác theo thôi”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.]
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực tư nhân, phát triển các loại hình doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt chú ý đến định hướng hoạt động đối với các doanh nghiệp mới ra đời đi vào các ngành nghề, lĩnh vực có giá trị cao, phù hợp với cơ cấu kinh tế theo đặc thù phát triển của TPHCM. Trong đó, phải hướng các doanh nghiệp phục vụ cho việc hình thành các thiết bị đầu cuối được thông minh hóa cho cuộc sống người dân. Khi xây dựng thành phố thông minh, sẽ có một loạt nhu cầu mới trong lĩnh vực này, từ hệ thống camera gắn trên các trụ điện kết nối với hệ thống an ninh, cảnh báo giao thông, dự báo thời tiết… đến cái ghế ngồi, cái bếp gas… trong sinh hoạt gia đình, đều được thông minh hóa. “Chúng ta phải hướng người dân đầu tư, mở rộng doanh nghiệp vào đây, tạo một thị trường cho các doanh nghiệp mới ra đời. Hướng đi này cần được thành phố quan tâm, cùng với các ngành, các cấp có chính sách hỗ trợ cho từng dự án, và phát triển đến đâu phải chắc chắn đến đó”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Như vậy, theo định hướng phát triển mới của TPHCM, vấn đề cơ cấu ngành kinh tế ở 2 lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đang rất cần sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào đây, để từng bước giảm dần việc phát triển doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực không đúng với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện, yêu cầu phát triển của TPHCM hiện tại và trong tương lai. 

Tin cùng chuyên mục