“Dọa” ngưng hoạt động hầm Hải Vân để… sớm được thu phí?

Nhiều ngày qua, người dân bức xúc trước thông tin hầm Hải Vân 1 có nguy cơ phải đóng cửa do nợ 2,6 tỷ đồng tiền điện của Điện lực Đà Nẵng. Đây là công trình trọng điểm, đóng vai trò hết sức quan trọng trên tuyến huyết mạch Bắc - Nam nên dư luận hết sức quan tâm.
Hầm Hải Vân 1 xuất hiện chi chít vết rạn nứt
Hầm Hải Vân 1 xuất hiện chi chít vết rạn nứt

Không có chuyện cắt điện đối với hầm Hải Vân

Ngày 26-10, ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết thanh toán hơn 2,6 tỷ đồng tiền điện mà Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) đang nợ. 

Theo ông Ngô Tấn Cư, tính đến thời điểm hiện tại, Hamadeco chưa thanh toán hơn 2,6 tỷ đồng cho Điện lực Liên Chiểu (thành viên Điện lực Đà Nẵng), mặc dù đơn vị này nhiều lần có văn bản đề nghị thanh toán. Việc Hamadeco chậm thanh toán tiền điện không những vi phạm Luật Điện lực mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động tại Điện lực Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây là phụ tải đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông của cả nước nên Điện lực Đà Nẵng không thể ngừng cung cấp điện theo đúng quy định của Luật Điện lực. 

Chiều 30-10, trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Trung khẳng định, việc Điện lực Đà Nẵng phát công văn “đòi nợ” tiền điện là hợp lý vì việc thiếu nợ tiền điện ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất và thu nhập của người lao động tại Điện lực Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngay cả khi Hamadeco nợ tiền điện, vi phạm hợp đồng nhưng không có chuyện ngành điện cắt điện đối với phụ tải hầm Hải Vân 1 vì đây là phụ tải đặc biệt quan trọng. 

Sẽ ngưng vận hành hầm Hải Vân 1, Đèo Cả? 

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cho rằng, trong quá trình triển khai mở rộng hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thực hiện việc nâng cấp hầm Hải Vân 1 và ứng kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành từ tháng 11-2015. Đến nay, công ty đã chi 900 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành việc nâng cấp và hơn 300 tỷ đồng thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1. 

Theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt, hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả được thu phí tại trạm Nam Hải Vân từ tháng 1-2017. Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm Nam Hải Vân không thực hiện được do trạm Bắc Hải Vân đang thu phí để hoàn vốn dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia. 

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thủy, hiện nay, chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 gần 100 tỷ đồng/năm. Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận về nguyên tắc việc bố trí 7 trạm thu phí (gồm trạm Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan) để hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả... 

Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân và trạm La Sơn - Túy Loan đều không thực hiện được, làm giảm nguồn thu rất lớn, gây phá vỡ nghiêm trọng phương án hoàn vốn dự án. Với tình trạng nguồn tiền ứng ra từ vốn chủ sở hữu hiện nay của doanh nghiệp quá lớn và kéo dài, khó khăn nhưng không được quan tâm giải quyết, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả sẽ đối diện với việc không thể tiếp tục chi trả phí quản lý vận hành các hầm Đèo Cả, Hải Vân 1 và sẽ  dẫn đến nguy cơ phải gây gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 trong 1 - 2 tháng tới nếu các vướng mắc này không được Bộ GTVT và Chính phủ tháo gỡ kịp thời. 

Ông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được Bộ GTVT tham mưu kịp thời hướng giải quyết cho Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 là có cơ sở vì công ty này không thể đảm bảo được kinh phí vận hành.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thực tế, việc “dọa” đóng cửa hầm Hải Vân là cái cớ để chủ đầu tư đưa ra yêu sách, gây áp lực với Bộ GTVT nhằm sớm được thu phí dự án hầm Hải Vân 2. 

Chiều 30-10, trao đổi với PV Báo SGGP liên quan đến những nội dung của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả về việc dự án hầm Hải Vân bị đổ vỡ phương án tài chính, có nguy cơ phải dừng hoạt động, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, những kiến nghị của chủ đầu tư đang được Bộ GTVT xử lý, vấn đề nào vượt thẩm quyền xử lý Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT là một số kiến nghị của chủ đầu tư hiện nay không thực hiện được, như: không thể thu phí tại trạm Nam Hải Vân do cự ly quá gần với trạm thu phí Bắc Hải Vân; không thể tăng mức thu phí khi thu gộp với trạm Bắc Hải Vân do Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá phí dịch vụ đường bộ, góp phần bình ổn giá tiêu dùng. Dù hợp đồng với nhà đầu tư đã ký kết nhưng có những biến động trong hợp đồng các bên cần phải cùng nhau chia sẻ khó khăn và tháo gỡ từng bước, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Các bên liên quan cần nỗ lực để giải quyết, không thể dừng hoạt động hầm Hải Vân do thiếu chi phí vận hành như phát biểu của nhà đầu tư được.

Từ nhiều tháng qua, hầm Hải Vân 1 xuất hiện chi chít vết rạn nứt. Các vết nứt dọc theo hầm và tập trung chủ yếu ở đầu hầm phía Nam.
Theo kiểm tra của Ban Quản lý Hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco), tổng cộng vỏ hầm có 321 vết nứt được phát hiện, trong đó có 275 vết nứt được đánh giá là an toàn, những vết nứt còn lại được khảo sát chi tiết hơn. 
Sau khi khảo sát chi tiết, tư vấn Nhật Bản và Đức kiến nghị sửa chữa 8 vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 và nhà đầu tư hoàn thành việc sửa chữa trong năm 2017.
Hiện nay, các vết rạn nứt vẫn chi chít bên trong hầm Hải Vân 1. Việc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đang mở rộng hầm Hải Vân 2 bằng biện pháp nổ mìn và sự xuất hiện của các vết nứt ở hầm Hải Vân 1 khiến người dân hết sức lo lắng. Hiện nay, công tác thi công hầm Hải Vân 2 đã vào sâu trong hầm mỗi đầu khoảng 2km.

Tin cùng chuyên mục