Đoàn kết các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh phát triển

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2018), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã trao đổi về công tác tập hợp, đoàn kết dân tộc hiện nay.

* PHÓNG VIÊN: Từ năm 2003 đến nay, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, hơn 10 vạn khu dân cư trong toàn quốc đã đồng loạt tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, tổng kết các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động. Đây cũng là dịp biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Dự ngày hội Đại đoàn kết cùng bà con ở thôn xóm, khu dân cư, những người làm công tác Mặt trận cảm nhận thế nào, thưa bà?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh
 * Bà TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH: Thông qua việc tổ chức ngày hội hàng năm, sự tham gia của bà con ngày càng đông, thu hút được nhiều nhân dân tham gia các hoạt động trong ngày hội, thậm chí là những người đi làm ăn xa quê khi nghe ở địa phương, khu dân cư của mình tổ chức các hoạt động trong ngày 18-11 thì họ cũng sắp xếp công việc để tham dự ngày vui của cộng đồng, thôn xóm.
Đây là lợi thế để Mặt trận tiếp tục nâng cao hoạt động này. Mặt trận đã hướng dẫn để các khu dân cư có những nội dung sinh hoạt thiết thực hơn, phát huy được quyền làm chủ của người dân ở địa phương cũng như kêu gọi được những người đi làm ăn ở xa về đóng góp xây dựng quê hương.
Các hoạt động đó đã xây dựng tinh thần cộng đồng và xây dựng tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm của các khu dân cư, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, chăm lo người cao tuổi, gia đình chính sách, hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

* Thời gian qua, MTTQ Việt Nam triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vậy bà đánh giá hiệu quả đến đâu?

 * Tất cả các cuộc vận động của Mặt trận đều nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.

Giai đoạn trước đây, các cuộc vận động tập trung vào xây dựng cuộc sống của người dân làm sao thể hiện sự đoàn kết, tương trợ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo thành động lực to lớn để mọi người có lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Giai đoạn hiện nay, với 2 chương trình mục tiêu quốc gia lớn là xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của MTTQ Việt Nam đã tập hợp tất cả các giai tầng, các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, tham gia thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương để thực hiện được tiêu chí nông thôn mới và đô thị văn minh. Các cuộc vận động này được nhân dân hưởng ứng bởi các nội dung phát động hết sức phù hợp, đáp ứng được sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân. 

Bên cạnh đó, Mặt trận có phong trào đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam. Hay cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì thực hiện từ năm 2009 đến nay cũng đã khơi dậy được lòng tự hào, lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã quy tụ được tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để chúng ta ủng hộ cho việc xây dựng một nền kinh tế tự cường trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Đoàn kết các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh phát triển ảnh 2 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tiếp đoàn Đại biểu Ban Liên lạc và Hội Người tù kháng chiến TP Cần Thơ và toàn quốc đến thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam, ngày 18-8. Ảnh: mattran
* Trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc vận động, tập hợp nhân dân, tổ chức các phong trào thi đua, người dân còn mong MTTQ làm tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, làm tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Bà đánh giá điều này ra sao?

 * Hiện nay, MTTQ đang có những chương trình giám sát ở những cấp độ khác nhau, ví dụ như phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ giám sát về an toàn thực phẩm; nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh; an toàn giao thông; việc thi hành án dân sự, hình sự; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân... 

Giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận hiện nay. Tuy nhiên, công tác phản biện xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc, Mặt trận các cấp vẫn chưa phát huy được vai trò của mình trong việc phản biện lại các văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo quy chế, nghị định, chỉ thị… Do đó, tới đây chúng tôi sẽ chú trọng để nâng cao chất lượng phản biện xã hội.

* Cảm ơn bà! 

Tin cùng chuyên mục