Đoàn kết giải quyết thách thức

Sau 20 tháng đàm phán ròng rã, 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Anh rốt cuộc đã đạt được thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU (Brexit), cho phép cuộc “ly dị” diễn ra trong trật tự. 

Giới quan sát nhận định đây có thể được xem là một thỏa thuận sơ bộ cho phép lạc quan và là một thành công của EU.

Không chỉ xét trên khía cạnh một thỏa thuận chấp nhận được, Brexit còn cho thấy ý thức đoàn kết tập thể của châu Âu, tương phản với sự phân hóa, mâu thuẫn trong nội bộ nước Anh. Giờ, EU tập trung tránh mọi động thái có thể gây thêm khó khăn cho Thủ tướng Anh Theresa May nhằm tránh nguy cơ dẫn đến một cuộc ra đi của Anh mà không thỏa thuận được.

Sắp tới, những điều kiện cho cuộc “ly hôn” sẽ chính thức được chính phủ các nước thành viên EU thông qua, điều mà cách đây ít tuần còn bị coi là điều không tưởng. Giai đoạn còn lại đầy rẫy chông gai mà cụ thể là Quốc hội Anh có thể bỏ phiếu chống. Dĩ nhiên, nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi, EU và Anh sẽ chia tay theo giải pháp “Brexit mềm” và các nước châu Âu sẽ ở thế mạnh.

Một hồ sơ “nóng” khác cho thấy sự đoàn kết, kiên định giúp EU không phải đương đầu với sóng gió, là dự thảo kế hoạch ngân sách của Italy năm 2019 có thể vi phạm quy tắc tài chính của Ủy ban châu Âu (EC). Trong hồ sơ này, EC cũng đứng ở một vị thế hết sức khó khăn. Nhiều chuyên gia đánh giá nhờ sự thống nhất, đoàn kết trong phương thức xử lý, EU đã tỏ ra mềm dẻo, để ngỏ cánh cửa cho Italy điều chỉnh lại dự kiến ngân sách, chứ không đe dọa trừng phạt tức thời. Cách xử lý của EU nhận được hưởng ứng tích cực từ thị trường.  

Thêm một hồ sơ nữa cho thấy EU cùng nhìn về một hướng khi tiến một cách từ từ nhưng vững vàng nhắm đến đích củng cố Khu vực đồng tiền chung châu Âu, với dự án ngân sách của vùng do Pháp và Đức đề xuất và dự kiến được 27 nước phê chuẩn vào tháng tới. Hay gần đây là ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu đang được xúc tiến... Tất cả cho thấy một châu Âu gắn kết, hoàn toàn khác với một EU bị chia rẽ trong vấn đề di cư cách đây không lâu.

Nói về vấn đề này, Ủy viên Kinh tế và Tài chính EU Pierre Moscovici nhận định: Tranh đấu và thuyết phục sẽ là công việc phải làm thường xuyên và đó cũng chính là lịch sử của EU. Tuy nhiên, phải thấy thêm rằng chính tình hình thế giới biến động mạnh thời gian qua là lý do khiến các nước thành viên EU xích lại gần nhau hơn.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách “nước Mỹ trên hết” đã không ít lần hăm he đe dọa đồng minh châu Âu về hợp tác kinh tế lẫn quân sự. Ở phía Đông, một Trung Quốc ngày càng bành trướng sức mạnh không giấu giếm sự thèm khát những nguồn lợi châu Âu có thể đem lại, tìm mọi cách xâm nhập sâu vào lục địa già, khiến nhiều quốc gia EU phải cảnh giác.

Đó là chưa kể những bất đồng âm ỉ lâu nay với Nga hay những biến số khó lường nảy sinh từ xung đột ở nhiều khu vực có thể ảnh hưởng đến lợi ích của châu Âu. Do đó, EU biết rằng chỉ có đoàn kết mới giúp châu Âu có sức mạnh để đối chọi, giải quyết những thách thức đặt ra cho châu lục này.

Tin cùng chuyên mục