Doanh nghiệp bán lẻ “chạy đua” mở rộng hệ thống phân phối

Nhằm hỗ trợ hàng Việt tăng sức tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhiều hệ thống phân phối nội đã đẩy mạnh triển khai chiến lược mở rộng hệ thống phân phối trên cả nước, kết hợp đa dạng hóa cách tiếp cận người tiêu dùng theo hướng tiện lợi nhất. 

Thực tế này một mặt giúp hàng Việt giữ chân được tại thị trường nội địa, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng sản phẩm. 

Đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng 

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị vừa tiến hành lễ khai trương, chính thức đưa Co.opmart Tân Châu đi vào hoạt động tại đường Nguyễn Du, tỉnh An Giang, nâng tổng số siêu thị trên toàn quốc của Saigon Co.op lên con số 99. Siêu thị Co.opmart Tân Châu - An Giang được thiết kế hiện đại với vốn đầu tư thiết bị và hàng hóa gần 75 tỷ đồng; tổng diện tích kinh doanh 2.400m2, kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng nhu yếu gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang và đồ dùng gia dụng với cơ cấu hàng Việt hơn 90%. 

Doanh nghiệp bán lẻ “chạy đua” mở rộng hệ thống phân phối ảnh 1 Saigon Co.op khai trương siêu thị Co.opmart tại Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh

Không dừng lại đó, dự kiến, từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op sẽ tiếp tục khai trương thêm 4-5 siêu thị  Co.opmart và Co.opXtra, khoảng 10 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại TPHCM và Hà Nội để tăng độ phủ và tính kết nối cho hàng bình ổn giá, hàng tết đối với người tiêu dùng trên cả nước. Tính đến thời điểm này, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã vượt con số hơn 500 điểm bán trên cả nước, bao gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City và cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Co.op Smile, cửa hàng Co.op, cửa hàng Bến Thành, chợ ẩm thực hiện đại Sense Market… Ngoài ra, còn có kênh bán hàng qua truyền hình HTVCo.op. 

Việc phát triển mạng lưới điểm bán được Saigon Co.op nói riêng, cũng như những tập đoàn phân phối lớn tại Việt Nam như Aeon mall, Lotte, Metro… nói chung, tập trung phát triển đang được đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm tăng khả năng tiếp cận theo hướng tiện dụng nhất cho người tiêu dùng. Ngược lại, về phía người tiêu dùng, thông qua mạng lưới phân phối hàng hóa sẽ tiếp cận nguồn hàng có xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá hợp lý, đặc biệt là hàng Việt, hàng bình ổn giá.  

Đại diện Bộ Công thương cho biết, Family Mart của Nhật có 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự kiến sẽ mở thêm 700 cửa hàng nữa cho tới năm 2020. 7-Eleven đã vào Việt Nam vào tháng 6-2017. Chuỗi này sẽ mở 100 cửa hàng trong ba năm tới và 1.000 cửa hàng trong thập kỷ tới. Lotte Mart của Hàn Quốc dự định mở 60 cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2020. Trong khi đó, GS25 của Hàn Quốc đã ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào cuối năm 2017. Công ty này dự kiến sẽ mở 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm. Takashimaya của Nhật Bản có kế hoạch mở một cửa hàng 15.000m2 tại TPHCM.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết thêm, chỉ tính đến hết tháng 8-2018, trên địa bàn thành phố đã phát triển được 2.065 cửa hàng tiện lợi, tăng 293 cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2017. Dự báo cấu trúc của thị trường bán lẻ trong thời gian tới ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, với sự phong phú của các kênh thương mại. Cụ thể, kênh thương mại truyền thống vẫn là kênh chủ đạo cùng với sự phát triển của phân khúc các nhà bán sỉ - lẻ. Theo quy hoạch, đến năm 2020, trung tâm thương mại và siêu thị sẽ chiếm tối thiểu 40% tổng mức bán lẻ của thành phố; năm 2025 là 50% và năm 2030 là 60%. 

Thị trường tiêu dùng lớn, hấp dẫn nhà đầu tư

Ở góc độ khác, việc các tập đoàn, hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam không ngừng mở rộng quy mô, số lượng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi là do tiềm năng thị trường tiêu thụ Việt Nam rất lớn.

Thống kê của Bộ Công thương cho biết, tính đến hết tháng 7-2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước 7 tháng đầu năm đạt 2.493,391 ngàn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn 1,1% so với mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mức tăng chủ yếu vẫn tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình (các nhóm chiếm tỷ trọng lớn).

Riêng tại TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 14,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2018, ước đạt 679.845 tỷ đồng, tăng 12,6% (cùng kỳ tăng 10,3%). Trong đó, riêng khu vực thương nghiệp bán buôn, bán lẻ ước đạt 436.580 tỷ đồng, tăng 12,8% (cùng kỳ tăng 11,5%) và chiếm 64,22% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. 

Ông Nguyễn Phương Đông nhấn mạnh, lối sống bận rộn, quy mô hộ gia đình nhỏ hơn nhưng có thu nhập cao hơn tạo nhu cầu lớn cho sự tiện dụng. Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm nhiều hơn và thường xuyên hơn ở các cửa hàng có định dạng nhỏ. Đây cũng là cơ sở để các hệ thống phân phối hàng hóa của Nhật Bản như Aeon mall, Family Mart… gia tăng số lượng cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại thị trường Việt Nam

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu rộng với thị trường thế giới, đồng thời các cam kết mạnh mẽ về việc mở cửa thị trường trong nước thì các biện pháp bảo hộ trực diện ngành bán lẻ nội địa trước nhà đầu tư nước ngoài đang bị thu hẹp đáng kể. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng tập trung vào các khía cạnh liên quan tới quy định pháp luật về mở cửa thị trường, cam kết đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho ngành bán lẻ nội địa. Cần thiết phải hỗ trợ nâng cao năng lực của các nhà bán lẻ nội địa trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. Cụ thể, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Về tài chính, cần có các biện pháp ưu đãi nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay kinh doanh bán lẻ, đặc biệt là các gói vay cho các chủ thể bán lẻ thuộc diện doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ hoặc các cơ sở kinh doanh cá thể.

Đặc biệt, tận dụng các cơ chế hỗ trợ tài chính được thiết kế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong Dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), hướng dẫn chi tiết cho trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực bán lẻ để tạo ra cơ chế bảo lãnh tín dụng, tiếp cận các quỹ tài chính cho doanh nghiệp.

Song song đó, tiếp tục các nỗ lực cải cách thuế, phí (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các loại thuế khác, đồng thời cải cách thủ tục hành chính về thuế).

Mặt khác, liên quan tới ngành bán lẻ, vấn đề thuế, phí có thể có một số đặc thù, vướng mắc riêng như trong quá trình kê khai và nộp thuế của các chủ thể kinh doanh bán lẻ, nên có các biện pháp kỹ thuật nhằm xử lý, loại bỏ các vướng mắc này.

Tập trung hỗ trợ hàng Việt mở rộng thị trường

Thông tin từ Bộ Công thương, trong những tháng cuối năm, bộ phối hợp với các cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa. Trong đó, bộ sẽ chủ động trong công tác kết nối nhà phân phối nội và ngoại cùng với nông dân tại các vùng sản xuất nông sản để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, kết hợp các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo. Song song đó, giao nhiệm vụ cho các tham tán thương mại tận dụng tối đa lợi thế xuất khẩu và năng lực của các doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm trong nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các loại nông sản, thịt gia súc thu hoạch rộ trong khoảng thời gian ngắn.

Về công tác dự báo cũng như giám sát thị trường, bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá. Đặc biệt, thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục