Doanh nghiệp bức xúc vì thực phẩm sạch không vào được trường học

Nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn trường thị trường bức xúc cho rằng, hàng bình ổn không thể tiếp cận được với các bếp ăn tập thể, trường học và các DN cung cấp suất ăn công nghiệp vì nhiều nguyên nhân. 
Chiều 12-4, Sở Công thương TPHCM họp sơ kết Chương trình bình ổn trường thị trường (CTBOTT) năm 2017, triển khai chương trình năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019. Tại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia CTBOTT bức xúc cho rằng, hàng bình ổn không thể tiếp cận được với các bếp ăn tập thể, trường học và các DN cung cấp suất ăn công nghiệp vì nhiều nguyên nhân. 
Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, hơn 10 năm tham gia CTBOTT (ở nhóm các mặt hàng trứng và thịt gia cầm) là chừng đó năm Ba Huân theo đuổi con đường sản xuất sạch.
Tính đến nay, Ba Huân đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng khép kín quy trình chăn nuôi, cung ứng và phân phối hàng hóa theo chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc.
Điều khiến bà Huân bức xúc là nhiều năm qua Ba Huân đã tìm mọi cách tiếp cận, thông qua nhiều kênh khác nhau nhưng vẫn không thể đưa nguồn thực phẩm sạch này vào các bếp ăn tập thể có đông công nhân trong các KCX-KCN, các bếp ăn trường học hay các DN chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp. 
Doanh nghiệp bức xúc vì thực phẩm sạch không vào được trường học ảnh 1 Học sinh bán trú một trường ở quận 5, TPHCM trong giờ ăn trưa. Ảnh: MAI HẢI
Mới đây, theo sự giới thiệu của Sở Công thương, Ba Huân tiếp tục làm việc với quận Tân Phú nhưng cũng thất bại, họ gạt ra vì lý do các bếp ăn đều đã có các chân rết cung ứng thực phẩm ổn định.
“Cho dù chúng tôi rất thành công ở các kênh bán hàng ngoài thị trường nhưng cay đắng nhất lại không thể bán được vào bất cứ trường học nào, từ tiểu học đến trung học, từ công lập cho tới quốc tế. Chúng tôi chấp nhận bán hàng trả chậm cho các bếp ăn rồi thu tiền sau. Lãnh đạo TP rất quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể nhưng DN chân chính lại không địch nổi với những sản phẩm ở chợ chiều, chợ chạy. Vậy làm sao tôi có thể đóng góp để bảo vệ sức khỏe giống nòi đây?”. 
Điều gì đang xảy ra với các DN, đặc biệt là với thực phẩm sạch? Một DN BOTT đề nghị giấu tên cho biết, họ đã đi làm việc kết hợp với điều tra về nguồn thực phẩm tại nhiều bếp ăn tập thể. Kết quả, hầu hết nguồn cung đầu vào đều là hàng trôi nổi. Khi đặt vấn đề đưa thực phẩm của DN này vào, các bếp trưởng đề nghị phải được chiết khấu từ 20% - 30% tùy mặt hàng.
“Tôi cam đoan, bếp trưởng sẽ không bao giờ dám ăn đồ họ nấu, nhưng chính con em chúng ta đang học trong các trường sẽ phải ăn. Chúng tôi sản xuất hàng sạch nên không thể có được mức lời như đề nghị nên từ đó đến nay phải bỏ rơi luôn mảng bếp ăn tập thể. Thật xót xa!”, DN này kết luận. 
Trước tình hình này, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương, đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm cần ghi nhận những phản ánh của DN tại cuộc họp để có sự kiểm soát về hành chính về nguồn gốc, xuất xứ các loại thực phẩm đưa vào trường học.  
Các CTBOTT năm 2017, Tết Mậu Tuất 2018 đạt gần 30.000 tỷ đồng. Năm nay TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện bình ổn đối với 10 nhóm hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu. Tổng nguồn vốn thực hiện CTBOTT là 19.650 tỷ đồng, tăng 1.480 tỷ đồng (8,14%) so năm 2017, lãi suất tương đương năm 2017.

Tin cùng chuyên mục