Xóa nợ thuế, quyền ai?

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, nên cân nhắc bỏ thẩm quyền xóa nợ của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bởi cơ quan Thuế là cơ quan hành thu nhưng lại có quyền xóa nợ, dễ xảy ra không minh bạch.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu)
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm tại viên thảo luận sáng 24-5 của Quốc hội về dự án Luật Quản lý thuế có liên quan thẩm quyền, thủ tục, hạn mức xóa nợ thuế.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội sáng nay (24-5), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách nhà nước, không tách bạch nguồn thu do cơ quan quản lý thuế thu và nguồn thu không do cơ quan quản lý thuế thu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải 

Đối với một số nội dung cụ thể, liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, dự thảo bổ sung vào khoản 1 Điều 150 quy định thời điểm hiệu lực đối với hóa đơn, chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế chậm nhất không quá 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Về nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quản lý thuế, dự thảo đã bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.

Đáng lưu ý, nội dung về quyền của người nộp thuế có bổ sung một điểm quan trọng: “Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra”.

Liên quan đến xử lý chậm nộp tiền thuế, sau khi cân nhắc ý kiến cho rằng tiền nộp chậm chỉ 0,03% trên ngày là quá thấp so với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng, đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm.

UBTVQH nhận định, vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày). Do đó, dự thảo sẽ giữ mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Quy định về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cũng có sự điều chỉnh, theo đó, để bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính của từng chủ thể khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, dự thảo quy định theo hướng dẫn chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp về từng loại hình doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với phần thuế nợ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH về vấn đề này cho biết, trong quá trình đóng góp xây dựng dự thảo luật, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người đi thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.

Có ý kiến đề nghị không nên quy định trường hợp đặc biệt thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mà cần quy định mức trần xóa nợ thuế cho Bộ Trưởng Bộ Tài chính, trên mức trần này do Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ thuế…

Tiếp thu các ý kiến này, UBTVQH đã bổ sung vào dự thảo quy định về việc cơ quan quản lý thuế thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, khoanh nợ, xóa nợ theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Về việc thẩm quyền quyết định về xóa nợ thuế, dự thảo Luật quy định: Đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không có khả năng thu hồi thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Nội dung này là kế thừa Luật Quản lý thuế hiện hành. Đối với các trường hợp khác còn lại, dự án Luật quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan.

Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu câu hỏi: “Theo dự Luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ được xóa nợ chỉ cho đối tượng doanh nghiệp; còn nợ thuế của đối tượng hộ kinh doanh sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định xóa. Nhưng cũng trong dự Luật, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố lại chỉ có thẩm quyền xóa nợ thuế, phạt chậm nộp đến 5 tỷ đồng. Nếu hộ kinh doanh cá thể có số nợ trên 5 tỷ đồng thì sẽ do ai xóa nợ”?

Cũng về vấn đề này, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, nên cân nhắc bỏ thẩm quyền xóa nợ của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bởi cơ quan Thuế là cơ quan hành thu nhưng lại có quyền xóa nợ, dễ xảy ra không minh bạch.

Ông Dương Minh Tuấn cũng bày tỏ băn khoăn về căn cứ đưa ra mức tiền xóa nợ của từng cấp thẩm quyền. Vì sao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lại xóa ở mức 5 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính là 10 tỷ đồng và Thủ tướng Chính phủ từ 15 tỷ đồng trở lên? Cần có giải thích rõ về vấn đề này.

Để tham khảo, ĐB dẫn chiếu Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ có quyền quyết định chi đến 3 tỷ đồng, trên mức này Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng.

“So sánh không chuẩn hẳn, nhưng đều là tiền của dân, một bên chỉ quy định 3 tỷ đồng, bên kia lại vênh lên rất nhiều”, ĐB Dương Minh Tuấn nói. Ông cũng băn khoăn về việc dự thảo Luật chỉ quy định xoá nợ cho hộ kinh doanh cá thể, “thế còn doanh nghiệp, hợp tác xã thủ tục, thời gian, thẩm quyền xoá nợ như thế nào”…

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) còn có quan điểm chặt chẽ hơn, đề nghị không giao thẩm quyền xoá nợ thuế cho các cơ quan của Chính phủ.

Về mức tiền phạt chậm nộp 0,03% trong 90 ngày, ĐB Dương Minh Tuấn cơ bản đồng tình với giải trình của UBTVQH, song nêu ví dụ: một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, làm ăn có lãi, doanh thu tốt sẵn sàng chậm nộp 5-10 tỷ đồng tiền thuế trong 90 ngày với mức phạt 0,03% để lấy số tiền đó sử dụng vào việc khác, tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, đến ngày thứ 90 thì đem đến nộp.

“Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được việc đi vay lãi cao tại ngân hàng và tiếp tục sản xuất tăng thêm thu nhập. Như thế liệu có đảm bảo công bằng với doanh nghiệp nhỏ?", ĐB Dương Minh Tuấn trình bày.

Theo đại biểu, có lẽ dự Luật nên dành hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp bằng biện pháp khác thay vì giữ mức phạt chậm nộp thấp.

Tin cùng chuyên mục