Doanh nghiệp chuyển đổi theo xu hướng tiêu dùng mới

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, để hỗ trợ hàng Việt phát triển mạnh thị phần trong nước, tạo cơ sở nền tảng để xuất khẩu hàng Việt có thương hiệu ra thị trường thế giới, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị, ban ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vốn, công nghệ… Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thiết thực, về phía doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và chuyển đổi theo xu hướng tiêu dùng mới hiện nay. 
Nhiều sản phẩm Việt đang được hỗ trợ kết nối với các hệ thống phân phối trong nước
Nhiều sản phẩm Việt đang được hỗ trợ kết nối với các hệ thống phân phối trong nước

Nhiều cơ hội phát triển

Tại cuộc họp bàn giải pháp tăng cường nhận diện sản phẩm Việt diễn ra tại TPHCM vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt, giúp hàng Việt có điều kiện tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn với sự đa dạng về chủng loại hàng hóa và giá cả hợp lý.

Hàng Việt Nam chất lượng cao phủ sóng trên nhiều kênh phân phối đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Hiện tại, đa số hệ thống phân phối lớn đều tham gia hưởng ứng tốt chương trình hành động tăng cường nhận diện hàng Việt. Các doanh nghiệp lớn như Co.opmart, Satra, Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối của mình tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90% - 95% trên các quầy kệ.

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, tuyên truyền, vận động giúp người tiêu dùng nhận thức được khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Riêng Bộ Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với nhau, giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối. 

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thêm, lãnh đạo thành phố đã ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo hệ sinh thái thuận lợi hơn cho việc kết nối hiệu quả, thực chất giữa doanh nghiệp của thành phố với doanh nghiệp FDI và với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các địa phương trên cả nước. Không chỉ phân phối nội địa, các hệ thống phân phối lớn của TPHCM như Saigon Co.op, Metro, BigC, Lotte… còn lựa chọn nhiều mặt hàng có tiềm năng để xuất khẩu ra nước ngoài thông qua kênh phân phối của các hệ thống này. Cụ thể, Saigon Co.op xuất khẩu vải, bưởi da xanh... qua Singapore thông qua hệ thống đại siêu thị Co.op Extra; Lotte xuất khẩu hàng chục mặt hàng tiêu dùng, đặc sản của khu vực thông qua hệ thống siêu thị Lotte tại Hàn Quốc…

Kết nối với nhiều địa phương

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, nhấn mạnh hiện Chính phủ đã phê duyệt triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng với đó, triển khai trên địa bàn chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Về phía Bộ Công thương sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để tạo nền tảng cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, 100% các tỉnh và thành phố đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung - cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, những yếu tố thuận lợi về phía thị trường đã có. Tuy nhiên, để có thể trụ vững trên thị trường, từng bước thâm nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết cần sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nhận thức được đầy đủ những cơ hội để có thể tận dụng và những khó khăn, thách thức để có giải pháp chủ động ứng phó. Kinh nghiệm cho thấy, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ nhu cầu của đối tác tiềm năng, từ đó xác định xem mình có thể làm được gì. Việc nắm bắt thông tin về đối tác có thể qua nhiều nguồn như thông qua website, báo cáo tài chính, quảng cáo, các hội chợ - triển lãm, xu hướng của thế giới trong mỗi ngành; thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp khác...

Song song đó, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị thông tin năng lực sản xuất, công nghệ, thiết bị, các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đạt được, trình độ nhân lực, sản phẩm mẫu hoặc sản phẩm tương tự đã sản xuất, các khách hàng đã có… để giới thiệu sản phẩm mình có thể cung cấp. Về phía người tiêu dùng, cần phải thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên tiêu dùng hàng Việt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục