Doanh nghiệp du lịch đang “chết dần”

Những số liệu về tăng trưởng khách và doanh thu du lịch Việt Nam vẫn tăng đều, tuy nhiên, hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp (DN) lữ hành trong nước không mấy khả quan do chịu tác động khủng hoảng kinh tế kéo dài. Hiện có rất nhiều DN du lịch nhỏ đang trong tình trạng cầm cự kinh doanh, chết dần, trở thành đại lý du lịch khi không thể cạnh tranh với các DN du lịch lớn, vốn cũng đang ra sức cắt giảm lãi, thậm chí chịu lỗ để duy trì kinh doanh.
Doanh nghiệp du lịch đang “chết dần”

Những số liệu về tăng trưởng khách và doanh thu du lịch Việt Nam vẫn tăng đều, tuy nhiên, hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp (DN) lữ hành trong nước không mấy khả quan do chịu tác động khủng hoảng kinh tế kéo dài. Hiện có rất nhiều DN du lịch nhỏ đang trong tình trạng cầm cự kinh doanh, chết dần, trở thành đại lý du lịch khi không thể cạnh tranh với các DN du lịch lớn, vốn cũng đang ra sức cắt giảm lãi, thậm chí chịu lỗ để duy trì kinh doanh.

Doanh nghiệp du lịch đang “chết dần” ảnh 1

Du khách tham quan động Thiên Đường (Quảng Bình).

Doanh nghiệp nhỏ thoi thóp!

Hiện nay, nhiều công ty du lịch đặt văn phòng ở những tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, TPHCM đã biến mất! Sự biến mất này không hẳn DN du lịch này dẹp tiệm mà có thể DN đã phải thu gọn kinh doanh, chuyển mặt bằng có giá thấp hơn, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Các DN du lịch chia sẻ với nhau, công ty du lịch A, B… dù không lớn nhưng cũng có được chỗ đứng lâu trên thị trường đang tìm người bán lại hoặc muốn hợp tác vì thua lỗ nặng trong năm qua; công ty C, D… sắp “chết”… Đây là một thực tế đang diễn ra trong nhiều DN du lịch Việt Nam. Và nguyên nhân chính dẫn đến việc kinh doanh khó khăn, thua lỗ, hoạt động cầm chừng tại nhiều DN du lịch là do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, chia sẻ, du lịch không phải là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, do vậy, khi khó khăn kinh tế, người dân đã phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu cho du lịch. Xu hướng người dân tự lên kế hoạch đi du lịch ngày một nhiều hơn. Ngay cả những khách hàng là DN thân quen, hợp tác nhiều năm cũng đã cắt giảm, không tổ chức tour du lịch cho cán bộ, công nhân viên đi du lịch nghỉ mát như những năm trước đây. Với việc khó khăn kéo dài liên tục trong 3 năm qua, đến nay nhiều DN du lịch nhỏ cũng kiệt quệ, không có lãi, thậm chí thua lỗ. Rõ nhất là trong mùa du lịch Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, có rất nhiều công ty đã thua lỗ vì lỡ ôm lượng vé máy bay cho tour đến Thái Lan. Sự bất ổn chính trị ở Thái Lan - một thị trường khá nóng về tour du lịch tết của du khách trong nước đã làm cho nhiều DN du lịch khóc ròng! Vì có nhiều DN, lượng khách đi du lịch Thái Lan chiếm đến hơn 50% thị phần khách đi du lịch nước ngoài mà DN này phục vụ trong dịp tết. Khó khăn này đã dẫn đến việc cắt giảm nhân lực, nhiều DN thừa nhận đã phải cắt giảm đến 1/3 nhân viên làm việc. Nhiều công ty du lịch nhỏ phải cầm chừng kinh doanh dưới hình thức làm đại lý cho các công ty du lịch lớn hơn. Vì khác với các ngành nghề khác, kinh doanh du lịch không cần nguồn vốn lớn do vậy các DN du lịch vẫn có thể cầm cự kinh doanh, chờ qua khó khăn.

Không chỉ các DN nhỏ mới gặp khó khăn mà DN du lịch lớn cũng chịu sức ép về kinh doanh, doanh thu. Do vậy, những DN lớn, được xem là những “đại gia” của ngành du lịch cũng phải làm mọi cách để giữ được kế hoạch kinh doanh. Khi mảnh đất canh tác bị thu hẹp thì chắc chắn phải có một cuộc chiến tranh giành, thu hút khách về phía mình. Và DN du lịch lớn đã làm được vì họ có năng lực, thương hiệu, uy tín. Thực tế, trong 2 năm qua, ngay trong mùa du lịch chính các DN du lịch lớn vẫn xây dựng chiến lược giảm giá tour, kèm theo đó là nhiều chương trình khuyến mãi, may mắn với quà tặng giá trị cao như kim cương, vàng, xe máy cao cấp… hấp dẫn du khách chọn, mua tour. Những DN du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Fiditour, Benthanh Tourist… đều có chuỗi cung ứng về vận chuyển, nhà hàng, khách sạn… trong cùng hệ thống nên việc kết hợp các khâu để đưa ra giá bán cạnh tranh là điều đương nhiên và đây chính là lợi thế của họ.

Nhu cầu du lịch thay đổi

Ông Phan Xuân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng, cho rằng, nhu cầu và thị hiếu về du lịch của người dân trong nước đã thay đổi. Xu hướng du khách cần các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, hưởng thụ ngày một nhiều hơn vì mức sống cũng đã được nâng lên. Việc các công ty nhỏ làm ăn chụp giựt, bán tour giá rẻ chất lượng kém cũng dần bị người tiêu dùng nhận ra, tẩy chay. Hiện nay, người tiêu dùng có xu thế tin dùng, lựa chọn DN có thương hiệu, uy tín.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện có hơn 1.300 DN được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế và hơn 10.000 DN kinh doanh lữ hành nội địa. Những con số chính thức này cũng đã quá nhiều so với quy mô đón khách của Việt Nam, nhưng trên thực tế số lượng DN du lịch đang hoạt động này nhiều hơn, do hoạt động chui. Miếng bánh nhỏ mà có quá nhiều người muốn chia phần đã dẫn đến tình trạng kinh doanh chui, bất hợp pháp, cạnh tranh làm ăn chụp giựt… trong thời gian qua đã tạo ra một hình ảnh xấu cho hoạt động du lịch trong nước. Các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh tình trạng này.

đứng trước khó khăn hiện nay của thị trường, đã có nhiều DN nhỏ gần như chết! Nhiều ý kiến cho rằng, sự đào thải này là cần thiết cho hoạt động du lịch trong nước. Đây sẽ là phép thử để rà soát lại năng lực của DN du lịch, vốn đã nở rộ trong giai đoạn “người người làm du lịch” trước đây.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục