Doanh nghiệp gặp khó khi tham gia chuỗi giá trị sản phẩm

Tại hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức ngày 8-8 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị sản phẩm ở mức thấp. 
Doanh nghiệp chưa nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm do quy mô nhỏ và chưa đủ tiềm lực. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp chưa nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm do quy mô nhỏ và chưa đủ tiềm lực. Ảnh: CAO THĂNG

Nếu lâu dài không có giải pháp, Việt Nam sẽ để cho các nước xuất khẩu ngay sân nhà. Bên cạnh đó, theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB), doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị, nhưng chỉ mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối, giá trị gia tăng thấp và kết nối trong nước yếu. 

Liên kết yếu

Đánh giá về cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp trong nước khi tham gia các chuỗi giá trị sản phẩm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng song hành với đó là nhiều cản trở liên quan tới hiệu ứng lan tỏa với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam đang thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô vừa, có tính hiệu quả kinh tế theo quy mô để tham gia các chuỗi. Vai trò của các khu, cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh còn hạn chế. Quá trình sản xuất của các doanh nghiệp ít gắn kết vào chuỗi giá trị, hợp tác kinh doanh vẫn chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng và sản xuất hàng hóa, dịch vụ; khâu phát triển sản phẩm mới ít có sự hợp tác.

“Mối liên hệ ngược và liên kết xuôi hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang thiếu những chính sách khuyến khích và hạ tầng hỗ trợ liên kết. Trong khi đó, việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước sẽ kìm hãm và không bao giờ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng được”, bà Lan nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty liên quan tới xuất khẩu chè cho rằng, rào cản dẫn đến các doanh nghiệp chưa nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm là chưa đủ tiềm lực do quy mô nhỏ. Tầm nhìn của doanh nghiệp trong nước vẫn ngắn hạn, tư duy kinh tế hộ gia đình, chạy theo số lượng mà ít quan tâm tới chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp chưa có cái nhìn toàn cầu hóa không đủ tiềm lực để phát triển các kênh phân phối. 

Theo báo cáo nghiên cứu từ WB, Việt Nam hiện nay chỉ có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng, nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước. 

Làm gì để nâng cao chuỗi giá trị?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó có quy trình sản xuất, công nghệ. Cần chuyên môn hóa; chuỗi giá trị (liên kết sản xuất - sản xuất và sản xuất với dịch vụ); cần chế biến sâu; nâng cao và bảo vệ giá trị thương hiệu. Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần chuyển đổi, nâng cấp liên tục từ công nghệ, quản trị, kỹ năng, nhân lực.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất để nâng cao chuỗi giá trị chính là chất lượng. Chất lượng không tốt, vì thế, các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận, duy trì thị trường. Bên cạnh đó, cần có những quy định “cởi trói” các điều khoản vô lý để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận các thị trường khác nhau.

Ông Đặng Triệu Hòa, lãnh đạo một công ty cung cấp các mặt hàng xuất khẩu sợi, vải cho biết, nếu chất lượng chưa đạt được so với nhu cầu của khách hàng thì khó để giữ vững thị trường: “Chúng ta phải tuân thủ các quy tắc, các tiêu chuẩn, những yêu cầu của khách hàng, quy tắc về xã hội cũng như môi trường kinh doanh, chấp nhận đầu tư công nghệ mới và con người để nâng cao và đa dạng hóa”, ông Hòa cho hay. Chia sẻ điều này, ông Đoàn Anh Tuân cho rằng khi xuất khẩu vào được một thị trường nào đó, muốn giữ được khách hàng thì sản phẩm phải có chất lượng. Ngoài chất lượng, doanh nghiệp cần trung thực với khách hàng ở mọi khâu, chia sẻ với khách hàng những điều kiện mà doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc thuận lợi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư hình ảnh đất nước thông qua các sản phẩm (ví dụ như Thụy Sĩ đặc trưng với đồng hồ, Nhật Bản nổi tiếng sản xuất ô tô). Nếu làm được, người tiêu dùng sẽ tìm đến để mua những đặc sản sản phẩm của đất nước đó.

Tin cùng chuyên mục