Doanh nghiệp “kêu” vì chậm phê duyệt các dự án nhà đất

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn TPHCM, hiện nay thủ tục phê duyệt hồ sơ dự án nhà ở khá chậm, dễ dẫn đến trôi tuột cơ hội kinh doanh…
Hồ sơ nhà đất giải quyết nhanh giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững siêu đô thị thông minh, hiện đại. Ảnh: CAO THĂNG
Hồ sơ nhà đất giải quyết nhanh giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững siêu đô thị thông minh, hiện đại. Ảnh: CAO THĂNG

Chờ đợi quá lâu?

Một dự án xây dựng chung cư thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hơn 1 năm qua nhưng chưa chốt được thời gian có giấy chủ quyền. Khi khách hàng lo lắng hỏi tới, câu trả lời của chủ đầu tư là bị vướng thủ tục từ cơ quan chức năng. Theo đó, trước đây dự án được TP duyệt phương án nộp tiền sử dụng đất, chủ đầu tư đã nộp tiền, được cấp phép xây dựng phần hầm, phần thân, chủ đầu tư tiến hành xây dựng và tổ chức kinh doanh. Bắt đầu từ tháng 3-2017, khi nộp hồ sơ làm giấy chủ quyền lên cấp có thẩm quyền của TP thì vướng mắc xảy ra, phải hỏi ý của cơ quan chuyên môn vì liên quan đến cổ phần hóa, diễn ra vào thời điểm giao thời giữa quy định cũ và quy định mới. Tháng 3 năm nay, chủ đầu tư làm văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính, mới đây bộ có văn bản xác định rõ phân loại doanh nghiệp thuộc diện nào để tiến hành làm thủ tục. Đại diện chủ đầu tư cho biết, ít nhất khoảng 2 tháng nữa, sau khi nhận công văn này, việc cấp giấy chủ quyền cho dự án sẽ hoàn tất.

Một dự án chung cư khác trong quá trình làm thủ tục cổ phần hóa đã cơ bản được phê duyệt đầy đủ. Chủ đầu tư cũng xin được giấy phép và tổ chức thi công phần hầm của công trình. Cho đến khi xây xong đậy nắp hầm thì dự án bị ngưng lại gồm 2 lý do: Vướng chủ trương xem xét lại cổ phần hóa theo Nghị định 09 trước đây; đồng thời chủ đầu tư xin điều chỉnh một số hạng mục. Cho đến khi nghị định mới thay thế nghị định cũ được ban hành và có hiệu lực, các thủ tục tiếp theo vẫn giẫm chân tại chỗ. Vì nhìn thấy dự án chỉ xây xong phần hầm rồi “trùm mền”, trễ so với tiến độ ký kết trong hợp đồng mua nhà, thế là một số khách hàng mua căn hộ đâm đơn kiện chủ đầu tư vì dự án chậm trễ. Chủ đầu tư lo sốt vó, vừa đàm phán trấn an khách hàng, vừa… đợi chờ các thủ tục!

Một dự án đất nền thuộc dạng hàng hiếm giáp trung tâm TP, chủ đầu tư cho biết gần 2 năm nay vẫn loay hoay ở bước tính tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư lo ngại, quỹ đất ôm đã lâu, lãi suất sau 5 năm đội vốn đầu tư thành gấp đôi. Thị trường đang ấm áp là cơ hội để bán hàng, nhưng thủ tục chậm sẽ dễ bị “cháy dự án”: bán giá thấp chạy hàng thì bị lỗ, còn bán cao sợ không có người mua.

Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay vẫn còn vướng mắc trong giai đoạn xem xét “đủ điều kiện” trước khi nhận hồ sơ, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian trong quá trình thụ lý. Hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng điều chỉnh thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập.
Dừng 53 dự án đất công để đấu giá


Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết hiện nay theo Luật Đầu tư, nguyên tắc sử dụng đất phải có dự án, nếu dự án nhà ở thì thuộc Sở Xây dựng, dự án khác do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình. Đối với dự án nhà ở, Sở Xây dựng có một tổ chuyên gia, khi nộp dự án vào sẽ họp tổ chuyên gia và trình UBND TP công nhận chủ đầu tư. Khi công nhận chủ đầu tư xong, Sở TN-MT sẽ làm thủ tục về đất đai. Tại Sở TN-MT có phần mềm ISO về quy trình thủ tục liên quan đến dự án rất rõ ràng, quy định ngày giờ cụ thể, công khai trên mạng. Hồ sơ nhận vào nếu vướng sẽ có văn bản trả lời liền. Nói chung, thủ tục hiện nay rất rõ, kiểm soát rất kỹ. Do đó, nếu nói thủ tục làm chậm thì cần làm rõ cái vướng đó là của cơ quan nhà nước, hay là do doanh nghiệp không giải trình được. Nên xem xét từng dự án cụ thể để phối hợp với nhau tháo gỡ, nếu sai thì Sở TN-MT nhận lỗi, sửa sai, còn như chưa rõ thì giải thích cho doanh nghiệp biết.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện nay trình tự thủ tục không có gì thay đổi, thậm chí thủ tục cấp phép xây dựng còn thí điểm rút ngắn từ 120 ngày xuống còn 42 ngày. Tất nhiên, để làm được 42 ngày, bên cạnh sự nỗ lực của công chức và cơ quan nhà nước thì đòi hỏi đơn vị tư vấn phải chuyên nghiệp, làm hồ sơ không sai sót (trong số 22 giấy phép đã được cấp theo cơ chế này, chỉ có 11 hồ sơ đạt “điểm 10”, không bị sửa chữa). Tuy nhiên, hiện nay có 2 cái vướng. Thứ nhất, đối với đất do Nhà nước trực tiếp quản lý - đất công, từ tháng 3-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản, sau đó có nghị định mới thay thế thì 53 dự án bị dừng lại để triển khai theo hướng mới; phải tổ chức đấu giá, thực hiện theo quy định. Thứ hai, có thể là bị vướng do chỉ tiêu quy hoạch. Trước đây, khi Sở Xây dựng nhận văn bản cung cấp chỉ tiêu quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoặc văn bản của TP chấp thuận về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thì căn cứ vào đó cấp phép, không hỏi lại nữa. Nhưng sau này, Thanh tra TP làm việc có nhắc nhở là trước khi cấp phép phải đối chiếu lại với đồ án quy hoạch 1/2000, thấy có số liệu khác biệt thì phải làm văn bản hỏi lại. Đó cũng là nguyên nhân khiến thủ tục bị chậm lại, nhưng hồ sơ dự án chặt chẽ hơn. 

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, khẳng định hiện nay thị trường bất động sản bị vướng bởi “điểm nghẽn thủ tục hành chính”. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 nhằm thúc đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Một số sở, ngành đã công bố các thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa liên thông, nộp hồ sơ qua mạng. Nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiêu khê và trong một số cán bộ, công chức đã có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, không dám đề xuất vì sợ trách nhiệm, dẫn đến việc thẩm định, phê duyệt dự án của doanh nghiệp bị gây khó, hồ sơ chuyển lòng vòng, tốn nhiều thời gian và chi phí, thậm chí mất cả cơ hội kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục