Doanh nghiệp ngành rượu, bia, nước giải khát không đồng tình với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 1-10, tại TPHCM, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp (DN) trong ngành.
Doanh nghiệp ngành rượu, bia, nước giải khát không đồng tình với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt

(SGGP).- Ngày 1-10, tại TPHCM, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp (DN) trong ngành.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Việc tính thuế đối với mặt hàng bia rượu tại Việt Nam cũng mới chỉ áp dụng ở mức tương đối, chứ chưa áp dụng mức tuyệt đối vì nhiều lý do. Nhưng theo các DN, với mức quy định trần trước đây là 10% thì các DN phân phối có quan hệ công ty mẹ, con với công ty sản xuất được cho là đủ để có thể trang trải các chi phí phân phối, hoạt động văn phòng, bán hàng, nhưng khi áp mức chênh lệch 7% như quy định hiện nay thì các DN sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp các chi phí kể trên dẫn đến việc giảm sút doanh thu và nộp ngân sách. Bên cạnh đó, việc áp quy định mức chênh lệch giá 7% sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho các DN trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Điều này dẫn đến việc các DN gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO)


Đại diện Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lo ngại, mỗi năm Sabeco đóng góp ngân sách nhà nước mấy chục ngàn tỷ đồng, nhưng DN vẫn bị xăm soi, nơm nớp lo sợ vì các chính sách thuế chưa rõ ràng, minh bạch. Các DN khi thì được hướng dẫn thực hiện kiểu này, nhưng một vài tháng sau lại được hướng dẫn cách khác.

Tại hội nghị, hầu hết các DN đều cho rằng, với cách tính thuế như hiện nay, DN không thể kiểm soát được mức giá bán ra, vì có những thời điểm mức giá bán ra có thể tăng đến 30%, vô hình trung cơ quan thuế đang đẩy hết rủi ro cho các DN. DN ủng hộ chủ trương cải cách thuế, trong đó có Luật Thuế TTĐB, nhưng cần phải minh bạch, đơn giản, dễ hiểu và có lộ trình thực hiện, nếu không, khi các văn bản pháp luật có hiệu lực chỉ từ 1-2 năm, DN lại phải truy thu!

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục