Doanh nghiệp nhập khẩu hải sản kêu cứu do “tắc” tại cảng

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hải sản đã gửi đơn đến VASEP về việc nhiều container hải sản (chủ yếu là cá ngừ) nhập khẩu đang bị tắc tại cảng.

Trước đó, ngày 3-11, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã ra văn bản các lô hàng “cá tàu” là nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt được đóng container tại cảng trung chuyển nước ngoài không có Health Certificate (H/C - giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc an toàn thực phẩm) vào dạng xem xét, thay vì trước kia thông quan. Điều này đồng nghĩa với việc các lô hàng tương tự sẽ "nằm" tại cảng chờ Cục Thú y tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến của Bộ NN-PTNT.

Theo VASEP, "cá tàu" là các tàu khai thác hải sản, rồi đưa vào các container, đóng trực tiếp ngay trên tàu, sau đó được vận chuyển tới nơi nhập khẩu không qua công đoạn chế biến trên đất liền.

Gần 10 năm nay, dòng hàng này đặc thù bản chất là “cá tàu” (không có Giấy H/C trong hồ sơ yêu cầu) vẫn đang nhập khẩu bình thường, đó cũng là một hoạt động bình thường theo thông lệ quốc tế mà Việt Nam cũng tham gia. Các lô hàng này chỉ chuyển tải trung gian qua cảng của các quốc gia, nên cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia có cảng này không thể cấp giấy H/C cho các lô hàng.

Hiện nay có gần 50 container hàng hải sản vận chuyển về Việt Nam, không có được giấy H/C đang bị ách tại cảng với số tiền lưu công, lưu bãi lên tới hàng trăm triệu đồng. Thêm vào đó, một số nhà máy không có hàng phải ngưng hoạt động.

Bên cạnh đó, khách hàng đòi phạt hợp đồng do giao hàng trễ, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với khách hàng nước ngoài, thiệt hại về lãi suất ngân hàng do không đạt doanh số.

Ngoài số container đã và đang ách tại cảng, ước tính có gần 200 container đang trên đường về cảng trong tháng 11 và tháng 12-2018.

VASEP khẩn thiết kiến nghị Bộ NN-PTNT có chỉ đạo cấp bách để tháo gỡ khó khăn nhằm giảm bớt tổn thất, thiệt hại cho các DN cũng như để có thể ổn định được sản xuất kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục