Doanh nghiệp phớt lờ Luật Bảo vệ môi trường

Bình Dương hiện có hàng ngàn doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh có liên quan đến xả thải, thế nhưng chỉ có khoảng 10 DN được Bộ TN-MT cấp phép thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo Thông tư số 36/2015-TT-BTNMT ngày 30-6-2015. Ý thức chấp hành pháp luật về môi trường chưa tốt, thậm chí việc coi thường luật đã dẫn đến hành động vô tư xả rác thải, đặc biệt là phế thải công nghiệp ra môi trường. 
Ngày 24-10, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT), Công an tỉnh Bình Dương đã hoàn tất hồ sơ để xử lý ông Đỗ Danh Thuận (ngụ thị xã Thuận An) về hành vi đổ chất thải công nghiệp nguy hại và rác thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực, nhất là nguy cơ ảnh hưởng nguồn nước ngầm khó nhìn thấy bằng mắt thường. 
Trước đó, vào ngày 10-10 Phòng CSMT cũng bắt quả tang một ô tô vận chuyển gần 2 tấn rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt về đổ tại một khu đất trống rộng khoảng 2.000m²  nằm trong khu dân cư thuộc khu phố 2, phường An Phú, thị xã Thuận An. Bãi đất này chứa khoảng 50 tấn rác thải gồm cả rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại được ông Đỗ Danh Thuận sử dụng tập kết, chôn lấp liên tục từ năm 2015 đến nay.
Qua điều tra, ông Thuận khai nhận, hàng ngày cho công nhân thu gom rác thải của các công ty ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rồi đem về đổ tại khu vực này. Sau đó, phân loại những thứ còn sử dụng được để bán, một số tập kết làm phế liệu. Tại thời điểm kiểm tra, ông Thuận không có bất kỳ một loại giấy phép hoạt động nào, không có giấy tờ hợp đồng thu gom vận chuyển chất thải. 
Có thể kể thêm vụ bắt quả tang cơ sở sản xuất thép Bình Minh (phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên) đổ hơn 70 tấn xỉ sắt, thép và xỉ than đá ra khu đất trống trước cổng công ty để san lấp mặt bằng, xảy ra ngày 21-9. Đây là điểm đổ rác hoạt động lén lút và liên tục từ năm 2012 đến nay nhưng sau gần 5 năm mới bị phát hiện.
Với mức xử phạt quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường thì chỉ từ 200 - 250 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho khối lượng từ 100 tấn trở lên, là không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, chi phí cho xử lý rác thải hiện cũng ở mức khá cao, tạo gánh nặng cho DN.
Cụ thể, theo quy định của tỉnh Bình Dương, chi phí xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại khoảng 5 triệu đồng/tấn; các loại chất thải sinh hoạt khác hơn 330.000 đồng/tấn. Do các DN trong quá trình sản xuất thường xả thải với khối lượng lớn nên họ đã cố tình chôn lấp, xả thải trực tiếp ra môi trường để tiết kiệm chi phí.  
Thực tế, số tiền xử phạt vi phạm thu về cho ngân sách rất ít. Điển hình như tại phường Bình Chuẩn (thị xã Thuận An), trong nửa đầu tháng 10-2017, phường đã bắt quả tang 31 trường hợp lén đổ trộm rác thải trên bãi đất trống ven đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhưng số tiền xử phạt tổng cộng chỉ khoảng 50 triệu đồng, tịch thu phương tiện vận chuyển như xe lôi, ba gác, các loại xe tải thì giao cơ quan chức năng xử lý.
Mức xử phạt trên tương đương khoảng 1,6 triệu đồng/trường hợp là quá nhẹ (trong khi lợi nhuận thu được lên đến hàng tỷ đồng) không đủ sức răn đe nên việc tái diễn tình trạng đổ chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại ra môi trường liên tục diễn ra thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục