Doanh nghiệp tìm tiếng nói chung

Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2017 giữa TPHCM và các tỉnh, thành diễn ra từ ngày 8 đến 10-12 tại Nhà thi đấu Phú Thọ đã khép lại. Hội nghị đã thu hút 40 tỉnh, thành và gần 2.800 doanh nghiệp (DN) trên cả nước tham gia, giới thiệu hàng hóa. 

 


Bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm mới, sản phẩm chưa có thị trường tại TPHCM, mục tiêu của hội nghị năm nay còn tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch; qua đó, tăng cường mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu. Bên cạnh việc kết nối hàng nông sản, sản phẩm đặc sản như truyền thống, hội nghị còn mở rộng, kết nối các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành và sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…

Phóng viên Báo SGGP đã ghi lại cụm ý kiến của đại diện DN phát biểu tại các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2017 giữa TPHCM và các tỉnh thành. 
Doanh nghiệp tìm tiếng nói chung ảnh 1 Hội thảo Kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại  Ảnh: CAO THĂNG
 Bà TRẦN THỊ KIM NHUNG - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kim Đông Thuận (Đồng Nai):  Chi phí đưa sản phẩm vào siêu thị quá cao 

 Công ty chúng tôi chuyên về các sản phẩm gạo và trái cây hữu cơ. Hiện công ty đang xuất khẩu các mặt hàng như gạo, chuối, khóm, đậu đen… sang thị trường Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… và được các nước này kiểm chứng về mặt chất lượng là sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, bên cạnh việc xuất khẩu, chúng tôi cũng muốn đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại tại thị trường nội địa nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí để đưa hàng vào siêu thị quá cao, chiếm trên 30% doanh thu nên sản phẩm bị đội giá lên rất nhiều, khó có thể tồn tại được so với sản phẩm cùng loại. Cùng với đó, hiện DN đang thực hiện việc xây dựng giá chung các loại sản phẩm trong toàn hệ thống, nhưng khi đưa hàng vào siêu thị, DN lại được yêu cầu nâng giá lên và như vậy rất khó cho DN. Ngoài ra, phương thức thanh toán của các siêu thị thường kéo dài, gây khó khăn cho DN. Cụ thể, khi đưa sản phẩm vào siêu thị Metro và BigC tại TPHCM, trong hợp đồng ghi rõ thanh toán trong vòng 30 ngày nhưng thời gian thanh toán thường bị kéo dài đến 50 - 60 ngày. Do đó, chúng tôi mong muốn các siêu thị tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục cũng như phương thức thanh toán để DN có thể đưa những sản phẩm tốt, chất lượng đến với người tiêu dùng. 

Ông HÀ HUY THẮNG - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex:  Nông sản Việt khó cạnh tranh bằng sự khác biệt

Chúng tôi là công ty tiên phong trong sản xuất, đóng gói sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đạt chuẩn quốc tế và bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị, nhà hàng tại Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Hồng Công (Trung Quốc)… Với kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông sản, chúng tôi nhận thấy chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân là do tập quán canh tác ở quy mô nhỏ theo từng hộ dân, mỗi hộ cho ra chất lượng sản phẩm khác nhau nên hàng nông sản Việt Nam thường mất nhiều thời gian và chi phí cho các công đoạn sơ chế, phân loại sản phẩm, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm từ nông dân đến tay nhà sản xuất, nhà phân phối lại qua nhiều tầng nấc trung gian và tùy lợi nhuận của khâu trung gian mà chất lượng sản phẩm có thể tốt hơn hoặc kém đi. 

Ngoài ra, các DN sản xuất và chế biến của Việt Nam ở quy mô nhỏ, công đoạn sản xuất còn thủ công nên chất lượng không đồng đều, trong khi đây là tiêu chí mà người tiêu dùng và siêu thị không chấp nhận. Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng về chủng loại và đầu tư nhiều; chưa am hiểu thị hiếu người tiêu dùng ở từng thị trường nên mẫu mã, chủng loại sản phẩm không ấn tượng, đôi khi gây phản cảm về màu sắc hay ngôn ngữ trên bao bì. Cùng với đó, các DN xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ nên hạn chế về năng lực và tài chính; vì vậy gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, trừ các đặc sản, hàng nông sản đang chịu sự cạnh tranh rất lớn với nông sản cùng loại của các nước khác, hàng hóa của chúng ta rất khó cạnh tranh bằng sự khác biệt do trình độ công nghệ sinh học còn hạn chế. Với các chi phí trung gian còn cao, điển hình như chi phí logictics tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực nên rất khó cạnh tranh.

Để tìm thị trường, nhiều DN phải tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ chuyên ngành quốc tế vì đây là kênh quan trọng trong việc tiếp cận thị trường nhanh và trực tiếp nhất, nhưng chi phí tham gia các hội chợ này rất cao. Tuy nhiên, các DN nhỏ có thể liên kết với DN lớn để cùng đưa sản phẩm tham gia hoặc trưng bày sản phẩm trong các gian hàng chung của các sở ngành, hiệp hội để tiếp cận khách hàng nhằm tiết kiệm chi phí. 

TPHCM là đô thị lớn cả về quy mô dân số lẫn thu nhập bình quân đầu người, để quảng bá hình ảnh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt chuẩn quốc tế với người dân TP và bạn bè quốc tế, tôi đề xuất Sở Công thương TPHCM quan tâm nghiên cứu, xây dựng khu vực giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế tại các siêu thị, khu phố ẩm thực trên địa bàn TP. 

Ông NGÔ ĐỨC SINH - Tổng Giám đốc Công ty Nông lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình):  Ứng dụng công nghệ để đặt hàng hiệu quả hơn

Hiện vẫn còn nhiều siêu thị đặt hàng theo cảm tính, ước lượng bằng mắt và trí nhớ. Có những chuỗi siêu thị lớn nhưng chỉ giao cho một người đặt hàng cho cả chuỗi là hết sức vô lý. Đặt hàng không gắn kết với tồn kho sẽ dẫn đến nhu cầu ảo. Trong bối cảnh kênh kinh doanh truyền thống cạnh tranh mạnh mẽ với bán hàng online, các siêu thị cần triệt để sử dụng Internet làm công cụ kinh doanh, xây dựng các phần mềm đặt hàng thông minh dựa trên doanh số bán hàng của từng sản phẩm để tránh sự cảm tính trong đặt hàng như hiện nay. 

Ông NGUYỄN XUÂN SƠN - Giám đốc Công ty TNHH Hương Quê:  Còn tình trạng “trên nóng dưới nguội”

Hệ thống phân phối hiện đại hiện vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới nguội”. Khi DN làm việc với nhà phân phối thì lãnh đạo các siêu thị hết sức cầu thị, nhưng đến khi DN làm việc với nhân viên bên dưới thì lại thiếu sự thân thiện, thậm chí bị đối xử thiếu bình đẳng giữa các nhà cung cấp có cùng loại sản phẩm. Cùng một mặt hàng nhưng DN bị yêu cầu thêm những thủ tục khắc khe hơn, thậm chí không có trong quy định. Chính vì thế, lãnh đạo các hệ thống kênh phân phối cần quán triệt và thống nhất cách làm việc với nhân viên trực thuộc. Để ngày càng nhiều hàng hóa tốt được đưa đến tay người tiêu dùng thông qua siêu thị, tôi đề nghị các siêu thị nên thực hiện thí điểm việc chấm điểm cho nhà cung cấp nào có sản phẩm tốt, lượng hàng bán được nhiều… để tạo điều kiện cho nhà cung cấp tự nâng cấp sản phẩm. Ngoài ra, kênh phân phối và nhà cung cấp cần có những cuộc tiếp xúc riêng lẻ, mang tính phản biện để 2 bên có tiếng nói chung, từ đó đưa ra nhiều giải pháp để có thể đưa được nhiều hàng hóa phù hợp và chất lượng đến tay người tiêu dùng.  

Ông HỒ QUỐC NGUYÊN - Giám đốc truyền thông BigC: Hợp tác công bằng với tất cả doanh nghiệp 

Hiện BigC kinh doanh tất cả các mặt hàng, từ sản phẩm phổ thông đến sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền. Chúng tôi khẳng định, BigC không lựa chọn những sản phẩm yêu thích và chính sách phân phối sản phẩm của BigC là ưu tiên sự thuận lợi và mong muốn của người tiêu dùng nên chúng tôi luôn có chính sách công bằng và cởi mở cho tất cả DN. Liên quan đến những phản ánh của DN cho biết đưa hàng vào BigC còn khó, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với DN để đôi bên có thể nhanh chóng kết nối và có sự hợp tác tốt hơn.

Để có được sự hợp tác tốt, chúng tôi cũng mong muốn các nhà cung cấp, đối tác hiểu về chính sách chiến lược của mình có giá trị thế nào, nhu cầu thị trường ra sao, sự khác biệt của sản phẩm mạnh ở phân khúc khách hàng nào… từ đó giúp BigC hiểu rõ về sản phẩm nhằm giúp sự hợp tác đôi bên thuận lợi hơn. Ngoài ra, các DN cung cấp hàng hóa khi muốn hợp tác với BigC cũng cần tuân thủ các vấn đề pháp lý về sản phẩm như truy xuất nguồn gốc, quy chuẩn về bao bì đóng gói, tem nhãn ra sao… sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian trong quá trình hợp tác. 

Bà NGUYỄN THANH HÀ - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức: Nông sản nên sơ chế và gắn mác để nâng giá trị gia tăng 

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có 1.300 điểm kinh doanh, trung bình lượng hàng về chợ khoảng 3.500 - 5.000 tấn hàng hóa/đêm, thời điểm cận tết, lượng hàng này có thể tăng lên 6.000 - 7.000 tấn/đêm; trong đó, phần lớn là nông sản đến từ các tỉnh, thành khác. Sản lượng hàng hóa nông sản ngày càng tăng, cộng với việc mặt hàng nông sản không được sơ chế tại nguồn nên lượng rác tăng đột biến, lên đến hơn 60 tấn/đêm. Chi phí xử lý, thu gom, vận chuyển và thực hiện khử mùi tính ra tăng gấp 10 lần so với ban đầu. Cụ thể, chi phí xử lý, thu gom, vận chuyển và thực hiện khử mùi tốn 350 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty phải tổ chức đội công nhân vệ sinh 14 người để gom rác tồn với chi phí 130 triệu đồng/tháng. 

Nếu lượng nông sản từ các tỉnh về chợ được sơ chế tận gốc thì lượng rác về TPHCM sẽ giảm đáng kể, chi phí xử lý rác cũng sẽ giảm bớt. Ngoài ra, nông dân còn tận dụng được rác thải nông sản khi sơ chế để làm phân bón hữu cơ, giúp giảm chi phí cho người sản xuất và sản phẩm sẽ sạch, đẹp hơn. Bên cạnh đó, sản phẩm sau khi sơ chế nên có bao bì bọc lại, gắn nhãn mác để tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, thay vì để lẫn lộn, nhồi nhét làm hư hỏng, giập nát, giảm chất lượng. Hàng Trung Quốc về chợ rất nhiều nhưng do được bảo quản tốt, không bị bầm giập nên vẫn được lựa chọn, trong khi hàng Việt Nam chất lượng tốt hơn nhưng không bảo quản tốt nên mất tính cạnh tranh. Để sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng một cách an toàn, chúng tôi kiến nghị UBND các tỉnh cần hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất làm sao để trước khi đưa sản phẩm đi nơi khác tiêu thụ đã được kiểm định.

Tin cùng chuyên mục