Doanh nghiệp tranh thủ mở rộng thị trường

Bộ Công thương khẳng định, việc mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp (DN) Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh; đồng thời hỗ trợ cọ xát với môi trường kinh doanh quốc tế. 

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều DN đang tận dụng, khai thác cơ hội do Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo DN nên thận trọng trước khi giao kết hợp đồng để hạn chế rủi ro.

Doanh nghiệp tranh thủ mở rộng thị trường ảnh 1 Sản xuất sữa tại Vinamilk. Ảnh: THÀNH TRÍ
 Lợi thế tiềm ẩn

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, một trong những vấn đề “sống còn” của DN hiện nay trong thị trường CPTPP chính là chủ động hội nhập, tự đổi mới chính mình. Việc chuyển động này mang tính tích cực. Hiệp định CPTPP có mức độ cam kết sâu rộng, không gói gọn vào thương mại, hàng hóa dịch vụ, mà mở rộng đến người lao động, DN, hỗ trợ nâng cao mức sống cho người dân; thúc đẩy cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Nước ta có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, gia tăng hàng xuất khẩu, trở thành thị trường mới của các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, thị trường này không chỉ toàn cơ hội “màu hồng” như hình dung của một số DN, vì CPTPP mang đến cả các thách thức không nhỏ. Chẳng hạn, đối với ngành công nghiệp nặng mang lại lợi ích lớn, nhưng thường gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, ngành luyện kim, cơ khí, lắp ráp… hầu như DN chỉ gia công là chính; máy móc, dây chuyền sản xuất, phân xưởng… chưa hiện đại; năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Đáng chú ý, Việt Nam thu hút đầu tư nhưng chưa bảo vệ môi trường hiệu quả. Nếu không kiểm soát được vấn đề này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), chỉ ra rằng không riêng gì Việt Nam, trên thực tế đối với các nước khác cũng gặp tình trạng khó khăn trên, bởi ngành mạnh của ta cũng là ngành khó khăn của họ. Nhiều nước phải chủ động thay đổi, bao gồm cả thể chế pháp luật để phù hợp, đáp ứng nghĩa vụ với CPTPP, chứ không riêng gì Việt Nam. Đối với nông nghiệp, khó khăn trước mắt chính là chưa có đột phá trong công nghệ giống, sản xuất. Về bảo quản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm, chỉ dẫn địa lý vùng miền, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ… cũng là vấn đề hạn chế của DN Việt.

“Đối với ngành nghề gây ô nhiễm môi trường cao, ví dụ ngành sản xuất thép, CPTPP rà soát xem DN có bảo vệ được môi trường hay không, đảm bảo lợi ích người lao động ra sao… chứ không dừng lại ở yêu cầu chất lượng thép tốt. CPTPP rất tiến bộ, bảo vệ người lao động, môi trường, hướng đến xã hội công bằng nên đòi hỏi phải thay đổi thế chế, điều chỉnh luật… rất nhiều. Các nước đều vướng vấn đề này chứ không riêng Việt Nam”, ông Phạm Thiết Hòa nói.

Lưu ý giao kết hợp đồng

Thông tin từ ITPC cho biết,  trong số các thành viên khối đối tác CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA (hiệp định thương mại tự do) song phương với 7 nước. Trong đó có 4 nước đạt kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Việt Nam, ở mức gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada hay Mexico, kim ngạch xuất - nhập khẩu cũng đạt lần lượt 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018. Thế nhưng, trong số các thị trường này, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của nước ta chỉ chiếm 1% - 2% tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới của mỗi nước. Điều này đồng nghĩa cơ hội xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của nước ta như dệt may, da giày, đồ gỗ… vào các quốc gia này để tận dụng ưu đãi thuế sẽ cao hơn.

Việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu kéo theo các rủi ro về giao kết hợp đồng, nhất là thị trường CPTPP, luật sư Trần Xuân Chi Anh, Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT, khuyến cáo các DN nên cẩn trọng trước khi soạn thảo, ký kết hợp đồng thương mại, phân loại rủi ro để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có khả năng xảy ra. Ví dụ, đối với một hợp đồng, khi ký kết cần quan tâm đến yếu tố hiệu lực hợp đồng như chủ thể có hợp pháp không; chủ thể có được xác định rõ ràng trong hợp đồng hay không, có tồn tại hay không…

Đồng quan điểm này, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng DN nên chú trọng các yếu tố pháp lý thương mại liên quan đến những điều khoản ký kết hợp đồng, nhất là DN vừa và nhỏ. Bởi không phải DN nào cũng có đủ bộ phận pháp chế am hiểu luật pháp quốc tế nên khi ký kết hợp đồng dễ xảy ra sai sót, chẳng hạn như sử dụng các hợp đồng từ đối tác đưa sẵn rồi ký vào; không chủ động ràng buộc chặt chẽ các nội dung trong hợp đồng để bảo vệ DN khi bất trắc xảy ra…

Tận dụng và khai thác cơ hội trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là đối với thị trường CPTPP là nỗ lực “chạy đua” không riêng của DN Việt Nam mà của cả các DN nội khối. Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, DN Việt phải hiểu “cuộc chơi”, hiểu được thế mạnh của mình và đối phương, có như vậy khả năng hợp tác, phát triển mới thành công.

Tin cùng chuyên mục