Doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải công nghiệp - Mỗi năm thất thu hàng trăm tỷ đồng

Liên quan đến phản ánh của Báo SGGP về việc nhiều doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải công nghiệp (đăng ngày 30-10), ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn cố tình tiếp tục chưa chịu nộp phí này. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hoàng về nguyên nhân vì sao tình trạng này chưa được khắc phục triệt để.
Doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải công nghiệp - Mỗi năm thất thu hàng trăm tỷ đồng

Liên quan đến phản ánh của Báo SGGP về việc nhiều doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải công nghiệp (đăng ngày 30-10), ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn cố tình tiếp tục chưa chịu nộp phí này. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hoàng về nguyên nhân vì sao tình trạng này chưa được khắc phục triệt để.

- Phóng viên: Tại sao việc trốn nộp phí của các doanh nghiệp diễn ra công khai trong một thời gian dài, nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý, thưa ông?

- Ông NGUYỄN MINH HOÀNG: Chúng tôi đã cử cán bộ đến làm việc với các doanh nghiệp nhiều lần để yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nộp phí, nhưng họ thường sử dụng nhiều biện pháp để né tránh. Đơn cử như doanh nghiệp cử nhân viên không có chức năng hoặc không đủ thẩm quyền tiếp đoàn, rồi sau đó lấy lý do báo cáo lại với lãnh đạo công ty; hoặc có mặt lãnh đạo công ty thì họ hứa hẹn sẽ nộp nhưng rồi cũng không chịu nộp. Chi cục đã nhiều lần có công văn nhắc nhở yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc nộp phí nước thải công nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn cứ bặt vô âm tín.

Một góc Công ty cổ phần Thép Thủ Đức. Ảnh: Đức Trí

Một góc Công ty cổ phần Thép Thủ Đức. Ảnh: Đức Trí

- Theo ông, nguyên nhân nào khiến các doanh nghiệp cố tình né tránh việc nộp phí?

- Đó chính là lợi nhuận, đa số các doanh nghiệp đầu tư sản xuất không tính phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm. Do vậy, khi bị bắt buộc phải nộp khoản phí này, các doanh nghiệp cho rằng đã ít nhiều ảnh hưởng đến giá thành thành phẩm, gián tiếp giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Do mức phí nước thải công nghiệp cao thấp tùy mức độ ô nhiễm mà doanh nghiệp gây ra, với những doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì mức phí họ phải đóng còn thấp, doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì mức phí cao hơn nhiều. Đó là chưa kể cơ quan quản lý còn phải thực hiện các công đoạn lấy mẫu nước thải, phân tích để quy ra mức phí, mất nhiều thời gian. Vì thế, nếu muốn giảm chi phí này thì buộc doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cho nên đa số đều né tránh.

- Vậy chẳng lẽ chúng ta đành bó tay trước thực trạng này?

- Đây cũng là vấn đề chúng tôi đã và đang bức xúc. Hiện hành lang pháp lý phục vụ cho việc xử lý những doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải công nghiệp chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải tự giác nộp phí. Cụ thể là mức xử phạt hành chính những doanh nghiệp không nộp chưa tới 1 triệu đồng. Còn các biện pháp chế tài mạnh hơn thì chưa có. Bản thân chi cục đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ nhiều lần về việc điều chỉnh hình thức xử phạt các doanh nghiệp cố tình trốn nộp phí nước thải công nghiệp, nhưng cho đến nay những quy định trên vẫn chưa được điều chỉnh.

- Hiện còn khoảng bao nhiêu doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường?

- Hiện còn khoảng 10% doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường, mặc dù nghị định nộp phí này được Chính phủ ban hành từ năm 2003 và chính thức triển khai từ năm 2004. Ước tính trung bình mỗi năm ngân sách thành phố thất thu hàng trăm tỷ đồng từ nguồn thu phí này. Ngoài ra, danh sách các doanh nghiệp nằm trong đối tượng phải nộp phí đang được cập nhật và bổ sung thêm. Do vậy, để có con số doanh nghiệp phải đóng phí nước thải công nghiệp chính thức cuối cùng thì cho đến nay vẫn chưa có.

- Vậy theo ông, trong khi chờ có các biện pháp chế tài mạnh thì Chi cục sẽ làm gì nhằm hạn chế những thiệt hại cho ngân sách thành phố?

- Trước mắt, chi cục sẽ rà soát, thống kê tất cả các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí nước thải công nghiệp. Chi cục sẽ tiếp tục tổ chức xuống làm việc (3 lần), sau đó nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ì không chịu nộp, Chi cục sẽ trình UBND thành phố để có chính sách xử lý. Chúng ta không thể chấp nhận cho những doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường nhưng vẫn bình chân như vại được.

32 doanh nghiệp bị phát hiện cố tình né tránh nhiều lần
không nộp phí nước thải công nghiệp

Công ty Dệt may Thái Tuấn; Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC); Cơ sở Thành Phát; Cơ sở Nguyễn Vượng; Cơ sở Nguyễn Thị Định; Cơ sở Giấy Nhị Bình; Công ty TNHH SXTM Giấy Hòa Nam; Công ty Dệt lưới đánh cá Nam Yang; Công ty TNHH Minh Nghệ; Công ty cổ phần Thép Thủ Đức; Công ty TNHH SXTM Vạn Thành; Công ty cổ phần Nhựa Trường Thịnh; Cơ sở cao su Phát Thành; Công ty TNHH May mặc Washing và Dyeing; Doanh nghiệp tư nhân Thi Tuấn; Công ty TNHH SXTM DV Sơn Tiên; Công ty TNHH Việt Tuấn; Công ty TNHH Cao su Nhựa Thanh Bình; Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương; Công ty TNHH Always; Công ty TNHH SXTMDV Tường Trung; Công ty TNHH SXTMDV Nghiệp Hưng; Công ty TNHH Gỗ Cao Mậu; Công ty TNHH Nam Quang; Công ty TNHH SXTMDV và Xây dựng Tân Phú Thịnh; Công ty TNHH TP Giai Việt; Công ty TNHH EIDAI KAKO Việt Nam; Công ty TNHH NIKKISO Việt Nam; Công ty TNHH Việt Hưng; Công ty TNHH SX TM Phan Mười; Cơ sở Thiên Ân; điểm giết mổ gia súc phường Bình Trưng Đông.

ÁI VÂN   

Tin cùng chuyên mục