Doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn

Là trung tâm kinh tế cả nước, TPHCM có nhiều cảng có số lượng hàng hóa nhập về rất nhiều nhưng lại không có bãi đậu phương tiện. Do đó, nhiều phương tiện phải đậu cách xa cảng, làm tăng chi phí vận chuyển, còn gần cảng thì chi phí đậu quá cao.
Kiểm tra tải trọng xe tại một trạm cân Ảnh: CAO THĂNG
Kiểm tra tải trọng xe tại một trạm cân Ảnh: CAO THĂNG

Ông Huỳnh Vi Phúc, đại diện Chi hội Văn minh sức mạnh, cho biết đối với bến bãi, các doanh nghiệp đều phải tự thân vận động. Từ khi bất động sản “nóng” lên, nhiều bãi đất trống của tư nhân đã chuyển sang phân lô, bán nền, doanh nghiệp vận tải phải chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ khác và việc di dời tốn rất nhiều chi phí. Doanh nghiệp muốn thuê bãi phải ra các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu mới có diện tích lớn nhưng khoảng cách quá xa, không bù lại nổi chi phí. Bà Phạm Thị Thủy Vân, đại diện Công ty Tân Cảng Sài Gòn, thừa nhận việc thiếu bãi đậu xe đang rất trầm trọng. Hiện nay, lượng phương tiện ra vào cảng chủ yếu thường đi qua địa bàn quận 9, quận Thủ Đức. Do đó, đề nghị TPHCM cần có quy hoạch bãi đậu xe phù hợp, đặc biệt áp dụng công nghệ và khuyến khích nhà đầu tư cho thuê đất. Ngoài ra, cần có cơ sở logistics để liên kết vùng, BOT phải giảm phí… 

Khó khăn vẫn xoay quanh hàng container, tốn nhiều chi phí không thu hồi được trong việc bốc dỡ hàng hóa xuống như chi tiền bồi dưỡng cho nhân viên hay phí đậu xe tại các bãi. Trung bình, một doanh nghiệp có nhiều xe container, tính tổng chi tốn rất nhiều nhưng không có chứng cứ khấu trừ thuế. Bên cạnh đó, hiện nay việc thu phí điện tử cũng gây khó khăn trong việc hoàn thuế. Tương tự, việc thu phí bảo trì đường bộ theo chu kỳ đăng kiểm với số tiền rất lớn cũng đang làm các doanh nghiệp vận tải thất thu. 

Tuy có trạm cân trên đường, có lực lượng thanh tra của Sở GTVT TPHCM đứng chốt nhưng tình trạng phương tiện sang tải, chở hàng quá tải vẫn diễn ra trên diện rộng, chủ yếu tập trung ở cảng Cát Lái, quận 2 và quận 9 làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn và thể hiện sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, tài xế bằng FC đang thiếu, việc xin phép chở hàng quá khổ quá tải thủ tục còn phức tạp.

Ông Bùi Thanh Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho hay hội viên chấp hành quy định nhưng đáng tiếc có nhiều doanh nghiệp không thuộc hiệp hội “xé rào” nên tình trạng quá tải vẫn còn. Từ sau khi triệt phá tình trạng “logo” thì nhiều doanh nghiệp chở quá tải, gắn logo công ty uy tín nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không cần phải xin giấy phép kinh doanh vận tải, không đáp ứng các điều kiện về kinh doanh như phù hiệu, ban quản lý, thiết lập hồ sơ… Tuy những doanh nghiệp này cam kết mua xe chở hàng nội bộ nhưng thực tế vẫn chở hàng bên ngoài, điều này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Hiệp hội kiến nghị Bộ GTVT xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải xin giấy phép kinh doanh vận tải, đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định hiện hành và tuân thủ đúng theo giấy phép đầu tư đã được cấp.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra GTVT TPHCM, cho biết vẫn đang duy trì vận hành các trạm cân tự động và trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt tại các tuyến đường ra vào khu vực cảng. Qua thống kê, năm 2018 có 13 triệu lượt xe qua các trạm và hơn 40.000 phương tiện vi phạm chở quá tải, giảm 0,05% so với năm 2017. Thanh tra GTVT chủ động xây dựng kế hoạch liên ngành phối hợp với Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa kiểm tra xếp dỡ hàng hóa, kiểm soát tải trọng xe ra vào; đồng thời tăng cường kiểm tra công tác độc lập. Qua kiểm tra các doanh nghiệp vận tải vẫn còn nhiều thiếu xót như người điều hành vận tải không đủ điều kiện theo quy định; không có bộ phận quản lý theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có thành lập nhưng không duy trì hoạt động nghiệp vụ… 

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cơ quan quản lý cần có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư cảng, nhà máy kiên quyết không cho xe quá tải ra vào. Các địa phương tổ chức rà soát, thống kê số lượng trên địa bàn.

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, qua phản ánh gần khu vực Tân Cảng có hiện tượng sang hàng dồn tải, sở đã đầu tư trạm cân cố định và cân xách tay siêu tốc với tỷ lệ sai số rất thấp. Giải quyết tình trạng bến bãi, Sở GTVT phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát quỹ đất trống với diện tích hơn 600ha để xây dựng bến bãi, đồng thời áp dụng công nghệ cao vào khâu điều hành, quản lý. Năm 2019, TPHCM phấn đấu triển khai trạm thu phí không dừng để minh bạch, công khai.

Tin cùng chuyên mục