Trường đại học quốc tế Sài Gòn- Cơ hội cho sinh viên du học tại chỗ

ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN VÀO SIU
Trường đại học quốc tế Sài Gòn- Cơ hội cho sinh viên du học tại chỗ

Sáng ngày 12-12-2008, tại Diamond Hall, Sofitel Plaza Sài Gòn, diễn ra lễ công bố thành lập Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn và khai giảng năm học đầu tiên 2008-2009. Tại buổi lễ, GS.TSKH. Bành Tiến Long - Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có bài phát biểu về trường. Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trích lại nội dung bài phát biểu này.

Trường đại học quốc tế Sài Gòn- Cơ hội cho sinh viên du học tại chỗ ảnh 1

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD – ĐT Bành Tiến Long (bên phải) trao quyết định công nhận chức danh Hiệu trưởng cho TS. Trần Viết Tâm và chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị cho bà Nguyễn Lê Thanh Trúc

Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn ra đời trong bối cảnh nước nhà đã hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa đầy thách thức, trong khi nguồn nhân lực nước ta chưa đáp ứng, nền giáo dục nước ta tuy đang phát triển mạnh, nhưng còn nhiều bất cập, thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay cạnh tranh kinh tế thực chất là cạnh tranh về nhân lực, về giáo dục đào tạo. Tri thức là nguồn vốn cơ bản nhất của nền kinh tế. Sự giàu có, năng lực cạnh tranh chủ yếu là do năng lực trí tuệ, sức sáng tạo của con người tạo ra. Bộ óc con người ngày nay được coi là phương tiện lao động số một.

Trong nền kinh tế mới đó cơ hội cho mọi người là như nhau, nhưng thực sự thành đạt chỉ dành cho những ai có năng lực sáng tạo, biết cách tiếp thu và sử dụng tri thức mới để không ngừng nâng cao trình độ và kỹ năng. Nguồn nhân lực có năng lực trí tuệ cao, năng động sáng tạo là yếu tố quyết định sự thành công cho hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách với các nước. Nguồn nhân lực là thế mạnh của nước ta.

Ý thức được điều này, TS. Trần Viết Tâm và các nhà đầu tư tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT, đã có ý tưởng xây dựng một trường đại học kiểu mới, tiên tiến, với mục tiêu nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có thể so sánh được với các trường đại học tiên tiến trên thế giới, để cho các em sinh viên có thể du học ngay tại nước nhà với chi phí khiêm tốn hơn; các em ra trường có thể tiếp tục học tại các trường danh tiếng trên thế giới.

Được sự quan tâm giúp đỡ của UBND TP.HCM, của các bộ ngành, cơ quan TW, cũng như sự động viên, hỗ trợ và cổ vũ của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà doanh nghiệp, những người sáng lập đã bỏ nhiều công sức, vượt qua nhiều thách thức để cho ra đời trường đại học này, mục đích chính là để thêm một mô hình đại học mới, góp phần vào việc thực hiện Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

Để xây dựng một đại học theo chuẩn mực quốc tế, Ban sáng lập nhà trường đã học hỏi, tìm sự giúp đỡ hợp tác của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới, các GS nước ngoài để xây dựng nhà trường theo hướng hiện đại với các phòng học, phòng thực hành, thư viện, phòng tập luyện thể thao, âm nhạc… các chương trình đào tạo khoa học, tiên tiến để phục vụ việc đào tạo với quy mô hợp lý. Nhà trường đã xác định xây dựng một trường ĐH quốc tế, với chất lượng đào tạo và bằng cấp tương đương với các ĐH trên thế giới.

Nội dung chương trình được chọn lọc từ một số trường ĐH tiên tiến trên thế giới và lấy chương trình khung của Bộ làm gốc; bên cạnh chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, có sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính để giảng dạy; có nhiều giáo viên có trình độ từ các ĐH trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, sinh viên đến từ nhiều quốc gia, có nhiều chương trình liên kết đào tạo và hợp tác nghiên cứu với các ĐH nước ngoài, với tư tưởng “TINH THẦN VIỆT NAM, GIÁO DỤC THẾ GIỚI”, mục tiêu và chiến lược của trường gắn liền với nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc CNH-HĐH đất nước và toàn cầu hóa của Việt Nam.

Nghị quyết 14 của Chính phủ về Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đặt ra mục tiêu “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học, tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu học tập của nhân dân. Đến năm 2020, giáo dục đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới; có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN”.

 Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cung cấp cho sinh viên chất lượng giáo dục tiên tiến, vừa có chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, vừa có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Chương trình của trường được công nhận bởi Trường Đại học Suffolk, Boston, Hoa Kỳ.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn được công nhận liên thông 2 năm cuối đến các đại học của Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada. Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn được học tiếp thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường trên thế giới, là lực lượng trí thức thế hệ mới, có trình độ tri thức và khả năng hoạt động thực tiễn như sinh viên các nước Âu – Mỹ, là nguồn nhân lực đầy hứa hẹn của các tổ chức – công ty – tập đoàn Việt Nam và nước ngoài.

Với niềm tin và quyết tâm Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn sẽ trở thành trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế, chất lượng đào tạo được quốc tế công nhận, cũng như sẽ trở thành một trung tâm giáo dục và khoa học quốc tế không chỉ đối với sinh viên Việt Nam mà còn là điểm đến du học của sinh viên nước ngoài .

(TS. Trần Viết Tâm, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn).

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ GD và ĐT rất kỳ vọng vào các trường đại học nước nhà, nơi có các nhà quản lý, nhà khoa học, các thầy cô giáo có tâm huyết, trình độ, thực sự mong muốn đổi mới từ tư duy đến hành động để xây dựng trường đại học theo hướng chuẩn mực, hiện đại, quản lý, điều hành nhà trường thoát khỏi tư duy trì trệ trong nhiều năm.

Từ các trường đại học này, trong đó có Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn sẽ lan tỏa ra cả hệ thống, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc “ Cách mạng trong giáo dục đại học” như lời Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói trong lần về thăm và nói chuyện với thầy, trò Trường ĐH Ngoại thương.

Tôi mong rằng, Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu nhà trường, xác định năm học 2008-2009 là năm bản lề cùng với cả nước cơ bản hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cần nỗ lực phấn đấu với tinh thần quyết tâm, sáng tạo mới bảo đảm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện thật tốt chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2008-2009, năm bản lề của kế hoạch 5 năm chuẩn bị cho chiến lược đào tạo giai đoạn 2010-2020, thực hiện thắng lợi năm học đầu tiên của một trường đại học non trẻ.

Tôi tin và kỳ vọng với sự nỗ lực của lãnh đạo và toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn sẽ nhanh chóng lớn mạnh và trở thành một trường đại học có vị thế trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học nước nhà và quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của địa phương và đất nước; là điểm đến của sinh viên các nước trong khu vực và thế giới.

 ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN VÀO SIU

1. Để theo học chương trình cử nhân của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), sinh viên phải đáp ứng các điều kiện sau: Tốt nghiệp PTTH hoặc tương đương. Đạt từ điểm sàn trở lên trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2008. Có chứng chỉ TOEFL 450 – 500 PBT (tương đương 45 – 61 IBT) của ETS – Hoa Kỳ hoặc IELTS 5.0 - 5.5 của Hội đồng Anh (không quá 2 năm) hoặc đậu kỳ thi tiếng Anh của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (nếu chưa có chứng chỉ tiếng Anh nêu trên).

Trường hợp thí sinh có điểm TOEFL 450 – 499 PBT (tương đương 45 – 60 IBT) sẽ vừa học chương trình đại học vừa học chương trình tiếng Anh học thuật tăng cường trong thời gian không quá 12 tháng để đạt TOEFL 500 theo yêu cầu của bậc đại học. Học phí không bao gồm chương trình tiếng Anh học thuật.

2. Để theo học chương trình cao đẳng của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện sau: Tốt nghiệp PTTH hoặc tương đương. Đạt từ điểm sàn trở lên trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2008. Có chứng chỉ TOEFL 400 PBT (tương đương 32 IBT) của ETS – Hoa Kỳ hoặc IELTS 4.5 của Hội đồng Anh (không quá 2 năm) hoặc đậu kỳ thi tiếng Anh của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (nếu chưa có chứng chỉ tiếng Anh nêu trên).

Trường hợp thí sinh có điểm TOEFL 400 – 449 PBT (tương đương 32 – 44 IBT) sẽ vừa học chương trình cao đẳng vừa học chương trình tiếng Anh học thuật tăng cường trong thời gian không quá 12 tháng để đạt TOEFL 450 theo yêu cầu của bậc cao đẳng. Học phí không bao gồm chương trình tiếng Anh học thuật.

3. Để theo học chương trình dự bị đại học và cao đẳng của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện sau:

a. Dự bị đại học: Tốt nghiệp PTTH hoặc tương đương. Đạt từ điểm sàn trở lên trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2008. Có chứng chỉ TOEFL 400 PBT (tương đương 32 IBT) của ETS – Hoa Kỳ hoặc IELTS 4.5 của Hội đồng Anh (không quá 2 năm) hoặc đậu kỳ thi tiếng Anh của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (nếu chưa có chứng chỉ tiếng Anh nêu trên).

b. Dự bị cao đẳng: Tốt nghiệp PTTH hoặc tương đương. Đạt từ điểm sàn trở lên trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2008. Có chứng chỉ TOEFL 350 PBT (tương đương 32 IBT) của ETS – Hoa Kỳ hoặc IELTS 4.0 của Hội đồng Anh (không quá 2 năm) hoặc đậu kỳ thi tiếng Anh của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (nếu chưa có chứng chỉ tiếng Anh nêu trên).

4. Ngoài ra Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn còn có chương trình tiếng Anh học thuật: Dành cho đối tượng có nguyện vọng theo học tiếng Anh để đủ điều kiện vào học bậc đại học, bậc cao đẳng; sinh viên chưa đạt trình độ tiếng Anh theo yêu cầu của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn hoặc nâng cao trình độ tiếng Anh để du học hoặc thăng tiến.Cấp độ theo học của học viên dựa theo kết quả kiểm tra trình độ trước khi nhập học.

Học phí và chính sách học bổng xin xem tại www.siu.edu.vn

CAO TÙNG –NHƯ ANH

Tin cùng chuyên mục