Phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Nước ta là một trong số những quốc gia rơi vào danh sách đen về ô nhiễm không khí trên thế giới. Bản đồ tương tác ô nhiễm không khí mới đây tại châu Á của Đại học Yale (Mỹ) dựa trên số liệu thống kê của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) và NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) chỉ ra rằng, Việt Nam bị liệt vào danh sách báo động về ô nhiễm, trong đó chủ yếu là ô nhiễm bụi. Để giải quyết tình trạng này, nhiều giải pháp nhằm phục hồi bầu không khí trong lành đã được các chuyên gia, nhà khoa học… đưa ra.

Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, dẫn chứng, kết quả quan trắc năm 2015 cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu đến từ các hạt bụi lơ lửng cũng như tiếng ồn từ các hoạt động giao thông. Đáng lưu ý, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại khu vực ngã tư An Sương - Gò Vấp, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ có giá trị cao nhất trong số 15 vị trí quan trắc chất lượng không khí. Ngoài ra, mức độ ô nhiễm không khí thường xuyên thay đổi vào từng thời điểm, khu vực. Chẳng hạn, ô nhiễm không khí đạt giá trị cao trong khoảng thời gian từ 7-10 giờ sáng, từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Thời gian từ 2-4 giờ sáng, mức độ ô nhiễm thấp nhất. Kết quả nghiên cứu khoa học của một số tổ chức thực hiện độc lập trên thế giới cũng cho thấy, con người tiếp xúc nhiều với tình trạng ô nhiễm không khí trong thời gian dài có nguy cơ mắc một số bệnh như: viêm phế quản, viêm phổi, đau đầu, buồn nôn, dị ứng, cao huyết áp, có thể dẫn đến các bệnh tai biến mạch máu não, đột quỵ…

Con người đã và đang phải đối diện với nguy cơ cao về bệnh tật. Trước thực trạng này, hàng loạt giải pháp được đưa ra để phần nào góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cho người dân, cộng đồng xã hội. Chẳng hạn như: tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường, mở rộng cơ sở thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải, siết chặt tiêu chuẩn khí thải đối với các loại xe đang được lưu hành. Bên cạnh đó, việc tăng cường các mảng xanh đô thị (trồng cây xanh tại các tuyến đường, khu phố, tạo mảng xanh thẳng đứng ở các chung cư cao tầng…); đưa vào khai thác, sử dụng các loại xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường để hạn chế khí thải độc hại… cũng rất cần thiết. Thêm nữa, các trường học, các công ty, doanh nghiệp cũng nên thường xuyên khuyến khích, phát động các chương trình trồng cây, chăm sóc cây xanh. Mục tiêu hướng đến một thành phố xanh, sạch, trong lành.

Ô nhiễm không khí không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, nhất là đối tượng trẻ em, người lớn tuổi, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế mỗi quốc gia nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm không khí năm 2013 gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới trên 5.000 tỷ USD (tổn thất thu nhập của người lao động, phúc lợi xã hội…). Đối với Việt Nam, theo tính toán chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam đang để “trôi” khoảng chục tỷ USD, tương đương trên 5% GDP, do hàng loạt tác động có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Dẫn chứng như trên để thấy rằng, ô nhiễm không khí đang là vấn đề nan giải, âm thầm hủy hoại, bào mòn sức khỏe con người cũng như nền kinh tế mỗi quốc gia. Để phục hồi, trả lại bầu không khí trong lành, thực sự, cần có một chiến lược cụ thể, tâm huyết, dám làm của các cơ quan chuyên trách; sự đồng lòng của cả quốc gia. Nói như một vị lãnh đạo TPHCM tại một cuộc họp gần đây, thì thành phố cần phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Đó mới là hướng đi thông minh, bền vững

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục