Nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Tình trạng xả rác thải bừa bãi, ô nhiễm nguồn nước vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người dân và làm mất mỹ quan đô thị. Việc giải quyết các tồn tại này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà rất cần đến sự chung tay của mọi người dân.
Nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Tình trạng xả rác thải bừa bãi, ô nhiễm nguồn nước vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người dân và làm mất mỹ quan đô thị. Việc giải quyết các tồn tại này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà rất cần đến sự chung tay của mọi người dân.

Lan tỏa nhiều mô hình

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, để góp phần vào công tác bảo vệ môi trường chung của thành phố, sở đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM triển khai mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” với lực lượng chính từ ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể và người dân. Đến nay đã xây dựng và đi vào hoạt động 323 tổ với 75.000 người tham gia.

Nhiệm vụ của tổ là phối hợp và vận động nhân dân đăng ký thu gom rác và tham gia tổng vệ sinh định kỳ vào mỗi cuối tuần; tham gia xây dựng các tuyến đường văn minh kiểu mẫu; tham gia xóa các mẫu quảng cáo ra vặt, trồng và bảo vệ cây xanh ở khu dân cư; vận động nhân dân sử dụng túi thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông; giám sát các hành vi gây mất vệ sinh môi trường.

Dọn dẹp rác, khơi thông kênh rạch tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ngoài ra, thành phố còn triển khai và nhân rộng mô hình “Khu phố không rác”. Hiện nay đã triển khai nhân rộng đến 22 quận, huyện với 1.273 khu phố đăng ký thực hiện khu phố không rác với 528 khu dân cư được công nhận. Những nội dung thực hiện khu phố không rác được tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, xem đây là những tiêu chí cơ bản góp phần đánh giá khu phố văn hóa… để cùng xây dựng thành công cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

Mới đây, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố triển khai mô hình “Khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp” nhằm mục tiêu tuyên truyền nhận thức cho công nhân lao động về bảo vệ môi trường, những ảnh hưởng của môi trường đối với sức khỏe, vận động công nhân bảo vệ môi trường cả trong sinh hoạt hàng ngày và trong lao động sản xuất. Vận động công nhân tham gia tổng vệ sinh dọn dẹp rác thải, nước thải, phát hoang cỏ dại, diệt lăng quăng… và duy trì hoạt động này định kỳ hàng tuần, hàng tháng; vận động phân loại rác bán phế liệu để giảm lượng rác thải phát sinh và gây quỹ hoạt động chung cho cả khu nhà trọ.

Một trong những mô hình được thành phố triển khai rộng rãi và quy mô nhất, đó chính là mô hình “Hạn chế sử dụng túi ni lông”. Theo kế hoạch, thành phố đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn mỗi phường, xã chọn một địa điểm là chợ hoặc đường phố có nhiều cửa hàng bán lẻ sử dụng túi ni lông để tuyên truyền, vận động tiểu thương hoặc chủ cửa hàng sử dụng các loại túi giấy, túi ni lông tự hủy, túi thân thiện với môi trường để gói hàng cho khách.

Qua việc thực hiện các nội dung phối hợp, bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân quan tâm, nhận thức đầy đủ hơn, coi đó là trách nhiệm nhắc nhở nhau làm tốt, giữ gìn vệ sinh môi trường. Số điểm ô nhiễm trên địa bàn thành phố giảm nhiều so với trước đây. Các khu dân cư tăng cường thu gom rác, trồng cây xanh, xóa các điểm đen về ô nhiễm. Các hộ kinh doanh, buôn bán có ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh, mọi nhà đều dọn dẹp sạch sẽ trước cổng nhà, đường phố thông thoáng, tạo cảnh quan sạch đẹp hơn.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Từ năm 2010, Sở TN-MT TPHCM đã triển khai các chương trình liên tịch phối hợp công tác bảo vệ môi trường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật… Các đoàn thể trên với mạng lưới sâu rộng và tập hợp được lực lượng hội viên đông đảo sẽ dễ dàng triển khai xuống từng chi hội về những nội dung bảo vệ môi trường.

Trong nhiều năm qua, các chương trình liên tịch này đã và đang phát huy những hiệu quả tích cực, tập hợp được đông đảo tầng lớp nhân dân cùng tham gia bảo vệ môi trường tại khu dân cư. Sau 5 năm thực hiện chương trình liên tịch được ký kết giữa Sở TN-MT với các đơn vị, các đơn vị đã phát triển nâng cao năng lực đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt về bảo vệ môi trường với hơn 15.430 người. Các chương trình phối hợp truyền thông bảo vệ môi trường luôn được thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận nhưng rất thực tế và hiệu quả.

Cụ thể như tổ chức 104 đợt tập huấn, 210 buổi tọa đàm, 193 hội thi, gần 600.000 bộ tài liệu tuyên truyền được phát hành, đặc biệt có hơn 100.000 người trực tiếp tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm truyền thông đẹp, sinh động như quạt, túi giấy, túi sinh học tự hủy, nón, áo… đã được thực hiện và đưa đến tận tay người tiêu dùng.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM đang phải đối mặt với những vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải… Giải quyết vấn đề này không chỉ là việc của một cá nhân, một đơn vị riêng lẻ nào mà cần đến sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

Trong giai đoạn tới, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, các sở, ban ngành sẽ tiếp tục phối hợp với nhau trong việc tập trung kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố sạch, xanh, phát triển bền vững.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục