Trông người lại ngẫm đến ta

Ô nhiễm khói bụi khủng khiếp vào những ngày đầu năm 2017 khiến Trung Quốc phải công bố tình trạng “báo động đỏ”, mức độ cao nhất trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí 4 cấp độ. Hệ lụy của tình trạng này kéo theo hàng trăm chuyến bay bị hủy, nhiều trường học phải tạm đóng cửa vì khói bụi… Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, có nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp của nước này vẫn ầm ầm xả thải khói bụi, khiến cho tình trạng ô nhiễm không được cải thiện, thậm chí còn gia tăng.

Thực sự, trông người lại ngẫm đến ta, khi mà thực tế nhiều nhà máy, cụm công nghiệp nước ta thuộc diện phải di dời ra khu vực ngoại thành, tránh xa khu dân cư nhưng vẫn chây ì, cố tình không làm theo quy định. Trên địa bàn TPHCM, tính đến thời điểm này, thử hỏi có bao nhiêu cơ sở, doanh nghiệp đã thực hiện di dời đúng cam kết?

Chỉ cần ghi nhận một vòng vào sáng sớm hoặc lúc chập choạng tối quanh những dòng kênh “đen” có tiếng ở khu vực quận 12, Gò Vấp… sẽ thấy màu sắc kênh đổi màu vào những khoảng thời gian cố định trong ngày. Điều đó chứng tỏ, tác nhân gây ô nhiễm vẫn còn nằm đâu đó, chưa chịu dời đi theo chủ trương, kế hoạch di dời của thành phố. Còn nhớ, cách nay ít năm, người dân khu phố 4, khu phố 5 thuộc phường Đông Hưng Thuận (đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM) đã liên tục gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì tình trạng ô nhiễm khói bụi do các doanh nghiệp xung quanh xả thải. Hậu quả, nhiều bà con sống tại khu vực này cho biết họ liên tục bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang… Nhiều hộ gia đình có con nhỏ phải tìm cách gửi con đi nơi khác sống, vì các cháu nhỏ bị khò khè, khó thở liên quan đến các bệnh về đường hô hấp.

Chính các bác sĩ cũng đã khuyến cáo gia đình bệnh nhân nên đưa các em đến sinh sống ở những nơi có tình trạng không khí, môi trường sống tốt hơn. Tất nhiên sau đó do bà con phản ứng quyết liệt, địa phương vào cuộc xử lý mạnh tay nên các nhà máy cũng đã có hướng khắc phục. Tuy vậy, để “bứng” toàn bộ các điểm nghẽn về ô nhiễm này ra khỏi địa phương, di dời đến các khu vực ngoại thành theo đúng cam kết của chính doanh nghiệp, cũng như yêu cầu quyết liệt của thành phố thì vẫn còn phải chờ đợi. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng thực tế, khách quan mà đánh giá, doanh nghiệp chưa thực sự quyết tâm để di dời, nên có muôn vàn lý do giải thích cho việc chậm trễ này.

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, tổng giám đốc một doanh nghiệp tên tuổi chuyên xuất khẩu đặc sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu thẳng thắn nhìn nhận, tâm lý của không ít doanh nghiệp trong nước vẫn còn trông chờ, ỷ lại, đầu tư muốn thu hồi vốn ngay nên bất chấp tất cả. Miễn sao gom được lợi cho mình mà không thèm quan tâm đến môi trường sống, không chịu khó đầu tư bài bản để thu lợi lâu dài. Nếu tâm lý “ăn xổi” này còn tiếp tục kéo dài sẽ gây họa không chỉ cho chính doanh nghiệp, mà đó còn là bước lùi của nền kinh tế. Một khi doanh nghiệp làm đúng, bài bản ngay từ đầu sẽ không phải bỏ tiền ra để sửa sai, tránh lãng phí về sau. Thế nhưng, để xây dựng một cơ sở khang trang, sạch sẽ với hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn lại khá tốn kém, nên nhiều doanh nghiệp cố tình nhắm mắt làm lơ. Hậu quả thì ai cũng đã thấy.

Ở đây, không cần dẫn chứng, cảnh báo thêm về tác động của ô nhiễm (không khí, môi trường nước, đất…) vì các chuyên gia, các nhà khoa học đã nói rất nhiều. Thêm nữa, dẫn chứng sinh động nhất chính là người dân trên hành tinh này ngày càng mắc những chứng bệnh lạ, hiếm gặp, khó chữa, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nhiễm độc cơ thể do môi trường sống bị hủy hoại. Vấn đề cần bàn ở đây chính là cần đưa ra một thước đo chuẩn trong tiêu dùng thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân. Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, người dân thường tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường sống; tẩy chay những sản phẩm được sản xuất, chế biến từ các nhà máy, công xưởng hủy hoại môi trường, mặc dù sản phẩm thân thiện môi trường có giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại được chế biến ở những cơ sở không đảm bảo an toàn môi trường. Một khi người tiêu dùng chủ động chọn mua hàng an toàn, thân thiện môi trường thì các doanh nghiệp làm ẩu sẽ không còn đất sống. Vẫn biết, để làm được điều này cần mất nhiều thời gian, tiền bạc, nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục