Hỗ trợ cho doanh nghiệp tự nguyện tiết kiệm năng lượng

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương đã triển khai “Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (Chương trình VA).  Chương trình này được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Hỗ trợ cho doanh nghiệp tự nguyện tiết kiệm năng lượng

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương đã triển khai “Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (Chương trình VA).  Chương trình này được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).

Ảnh minh họa

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lương (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương), mục đích của Chương trình VA là nhằm thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình tiết kiệm năng lượng sẽ được cấp chứng nhận của Bộ Công thương, được tặng cúp doanh nghiệp nếu thực hiện tốt các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được quảng bá thương hiệu thông qua các sự kiện do Bộ Công thương tổ chức, được đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mặt khác, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trung và dài hạn, giảm chi phí sản xuất, góp phần phát triển bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng lần đầu nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả từ đó lập kế hoạch thực hiện và giám sát.

Theo các chuyên gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp của cả nước vẫn còn rất lớn, bởi hiện nay, chi phí năng lượng trong tổng chi phí sản xuất của một số ngành chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể như xi măng, gạch ngói (45% - 50%), gốm sứ (35% - 40%), sản xuất giấy và bột giấy (20% - 25%), dệt may (20% - 25%), chế biến thực phẩm (18% - 20%). Nếu giá điện năng tăng 30%, chi phí sản xuất ở các ngành trên sẽ tăng từ 5% - 20%, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp. So với những chương trình khác, Chương trình VA được thực hiện ràng buộc hơn và chặt chẽ hơn từ tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm đến quản trị tổ chức hoạt động trong doanh nghiệp. Cụ thể, Ban tổ chức chương trình sẽ giúp cho các doanh nghiệp về mặt tư vấn, để chọn ra những giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu nhất; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất…

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam, để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình, Bộ Công thương cần hoàn thiện về thể chế, chính sách, xây dựng cơ chế tài chính bền vững; xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; trao quyền tự chủ về tài chính cho các Tổ chức tư vấn, dịch vụ tiết kiệm năng lượng tại địa phương; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực. Việc tiết giảm năng lượng sử dụng thông qua các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, quản lý giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và còn là con đường để doanh nghiệp tiến tới hội nhập quốc tế.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục