Tăng cường kiểm soát hóa chất trong thực phẩm

Thống kê từ Bộ Y tế vừa công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam xảy ra 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với nạn nhân lên đến 5.000 - 7.000 người. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, cả nước xảy ra hơn 300 vụ với hơn 10.000 người bị ngộ độc thực phẩm. Điều đáng lo ngại là tình trạng thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các chuyên gia dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới bởi công tác quản lý hiện chưa thể bắt kịp những diễn biến thực tế hiện nay.
Tăng cường kiểm soát hóa chất trong thực phẩm

Thống kê từ Bộ Y tế vừa công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam xảy ra 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với nạn nhân lên đến 5.000 - 7.000 người. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, cả nước xảy ra hơn 300 vụ với hơn 10.000 người bị ngộ độc thực phẩm. Điều đáng lo ngại là tình trạng thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các chuyên gia dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới bởi công tác quản lý hiện chưa thể bắt kịp những diễn biến thực tế hiện nay.

Không kiểm định, khó kiểm soát

Tình trạng hóa chất sử dụng trong chế biến thực phẩm, chăn nuôi hiện chưa được kiểm soát chặt và gần như thả nổi trên thị trường. Người nuôi trồng thủy hải sản, nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp (DN) tiếp cận các loại hóa chất rất dễ dàng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại thiếu trang thiết bị, nhân lực, vật lực cần thiết phục vụ trong công tác kiểm định và hậu kiểm. Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trường Đại học Văn Lang, cho biết hiện trên thị trường có đến 200.000 loại hóa chất được sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp. Có rất nhiều loại hóa chất không được kiểm định và công bố thông tin. Tại các hệ thống phân phối, người kinh doanh cũng khó nhận biết sản phẩm của mình bày bán đang ẩn chứa những loại hóa chất nguy hại nào. Các trung tâm kiểm định của Việt Nam không đủ thiết bị phân tích, kiểm tra hiện đại để có thể phân tích, xác định các loại hóa chất sử dụng trong các sản phẩm trước khi cho lưu hành trên thị trường.

Trên thực tế, rất nhiều loại thực phẩm bẩn tại nước ta chỉ được phát hiện dựa trên kết quả kiểm tra và công bố của các nước khác trên thế giới. Điển hình như chất melamine có trong sữa uống của trẻ em, chất 3-mcpd trong nước tương… Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh, để có lợi cho riêng mình, đã xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng sản xuất thiếu lương tâm, sẵn sàng cho hóa chất, phụ gia không có trong danh mục được phép sử dụng vào thực phẩm để lừa dối cảm giác về độ tươi, thay đổi cấu trúc của thực phẩm hoặc tăng khối lượng và kích cỡ thực phẩm.

Đại diện Sở TN-MT TPHCM kiểm tra hóa chất của một đơn vị sản xuất tại Khu chế xuất Tân Thuận

Ngoài những hóa chất sử dụng trực tiếp trong chế biến thực phẩm, hiện có những loại hóa chất sử dụng gián tiếp cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm, như các loại hóa chất khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi động vật trên cạn, khử trùng ao đầm nuôi thủy sản, chất kháng sinh trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Thời gian ngừng sử dụng hóa chất trước khi thu hoạch không đủ ngày quy định cũng diễn ra khá phổ biến.

Chưa hết, các nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện được xây dựng ngày càng nhiều. Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, cả nước hiện có 348 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 232 khu công nghiệp đã hoạt động, 116 khu công nghiệp đang xây dựng. Ngoài ra, cả nước còn có 16 khu kinh tế ven biển, hàng ngàn cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất nằm xen cài trong các khu dân cư. Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các đơn vị trên chủ yếu đổ ra sông, biển. Tuy nhiên, phải thấy rằng rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất có chất thải nguy hại lại không có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, đã tạo ra những mối nguy gây mất ATVSTP và gây thảm họa lâu dài đối với hệ sinh vật của Việt Nam.

Người dân thờ ơ, chính quyền buông lỏng

Mức độ quan tâm cũng như đấu tranh với vấn nạn thực phẩm bẩn chưa cao cũng tạo cơ hội cho thực phẩm bẩn tồn tại tràn lan trên thị trường. Ông Nguyễn Tử Cương cho biết, thực tế khảo sát hành vi ứng phó với thực phẩm bẩn của người dân cho thấy, 85% số người tự hủy bỏ thực phẩm không đảm bảo chất lượng, có 15% đến khiếu nại với cơ sở bán thực phẩm và chỉ có 5% tìm đến sự trợ giúp của Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Kết quả trên cho thấy người tiêu dùng thường cam chịu với những rủi ro gặp phải liên quan đến thực phẩm không an toàn.

PGS-TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết thêm, thực phẩm bẩn tràn lan một phần là do hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu còn nhỏ lẻ. Tính trên cả nước, hiện nay có gần 10 triệu hộ nông dân sản xuất thực phẩm; 500.000 cơ sở chế biến nhưng cũng có đến 85% trong số đó có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo mùa vụ. Do vậy, rất nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện ATVSTP. Một vấn đề khác là do hoạt động quản lý nhà nước về ATVSTP còn rất yếu kém. Kết quả khảo sát đánh giá hiệu quả công tác quản lý ATVSTP cho thấy, chỉ có 4,5% đánh giá tốt, 31% đánh giá đạt yêu cầu và 64,5% đánh giá không đạt yêu cầu. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, mặc dù thời gian gần đây, thanh tra môi trường đã tăng cường tần suất kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm môi trường nhưng gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.

Vì vậy có thể thấy rằng, tăng cường công tác quản lý ATVSTP trong bối cảnh hiện nay là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều cơ quan chức năng liên quan. Theo đó, trước hết cần hợp nhất các đơn vị quản lý ATVSTP thành một cơ quan đầu mối trực thuộc Chính phủ (nếu ở cấp trung ương) và trực thuộc UBND tỉnh, thành phố (nếu ở cấp địa phương) để chỉ đạo điều hành công tác ATVSTP thay vì quản lý chồng chéo, “chặt khúc” bởi 3 bộ là Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT như hiện tại. Kế đến là rà soát lại toàn bộ các văn bản đã ban hành để loại bỏ các văn bản trái luật, chồng chéo, không khả thi, không thống nhất. Đồng thời ban hành và minh bạch bộ tiêu chí, tiêu chuẩn ATVSTP quy định cho từng loại sản phẩm, ngành hàng. Áp dụng biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm, đặc biệt phải thực hiện được giải pháp khởi tố hình sự những cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định ATVSTP. Bên cạnh đó, về phía Bộ Công thương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa chất và mua bán các loại hóa chất trên thị trường. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ động kiểm soát nguồn thải ô nhiễm phát sinh từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm. Có như vậy mới giảm những nguy cơ rủi ro cho người dân do tiếp cận phải nguồn thực phẩm bẩn.

Phúc Anh

Tin cùng chuyên mục